Năm Thánh trong Giáo hội Công giáo
Truyền thống cử hành
Năm Thánh có từ năm 1300. Theo truyền thống Giáo hội Công giáo, Năm Thánh là
một sự kiện tôn giáo lớn. Năm Thánh đánh dấu một năm tha tội và hình phạt do
tội gây ra, một năm hòa giải giữa những người đối lập nhau, một năm hoán cải và
lãnh nhận Bí tích Hòa giải.
Hôm Chúa Nhật 26/12, Phòng báo chí Toà Thánh đưa tin:
Đức Thánh Cha đã giao việc chuẩn bị Năm Thánh 2025 cho Hội đồng Toà Thánh tái
Truyền giảng Tin Mừng.
Hội đồng Toà Thánh tái Truyền giảng Tin Mừng được Đức nguyên
Giáo hoàng Biển Đức XVI thành lập vào năm 2010. Cơ quan này cũng đã được Đức
Thánh Cha Phanxicô giao trách nhiệm tổ chức các sự kiện của Năm Thánh Lòng
Thương Xót 2015-2016.
Để thực hiện trách nhiệm điều phối các hoạt động chuẩn
bị này, trong thời gian gần đây, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella,
Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh tái Truyền giảng Tin Mừng đã gặp gỡ các vị đứng đầu
của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh, Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh (APSA)
và Bộ Kinh tế để bàn luận về Năm Thánh sắp tới.
Nhân dịp này, chúng ta cùng nhìn lại những điều liên
quan đến Năm Thánh trong Giáo hội Công giáo.
Nguồn gốc và mục đích
Trước
hết về nguồn gốc và mục đích của Năm thánh.
Theo
truyền thống Giáo hội Công giáo, Năm Thánh là một sự kiện tôn giáo lớn. Năm Thánh
đánh dấu một năm tha tội và hình phạt do tội gây ra, một năm hòa giải giữa
những người đối lập nhau, một năm hoán cải và lãnh nhận Bí tích Hòa giải.
Truyền
thống này bắt nguồn từ thời Cựu Ước, theo đó Năm Thánh là một thời kỳ hồng ân,
qua đó Thiên Chúa ban ơn đặc biệt hơn khi con người mở lòng để canh tân và
thống hối. Theo nguyên gốc Latinh Annum Jubilaei, Năm Thánh,
được hiểu là Năm Hồng Ân hay Ðại Xá, và theo Luật Môsê, cứ mỗi năm thứ 7, đất
đai phải được nghỉ ngơi và nô lệ được trả tự do, nợ nần được tha, đồng thời dân
chúng phải sống liên đới, yêu thương, hoà giải với anh chị em và kẻ thù. Chúa
nói với Môsê: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên
cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời
kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người
sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ
toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được
hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối
với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. Năm toàn xá đó, mỗi
người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình” (Lv 25,10-13 ; xt. Xh
23,10-11 ; Lv 25,1-28 ; Ðnl 15,1-6).
Tất
cả những việc làm trên là nhằm tôn vinh Thiên Chúa. Cứ sau 49 năm thì toàn dân
Do Thái phải mừng năm thứ 50 một cách trọng thể. Rõ ràng, truyền thống Năm Hồng
Ân này là sự mở rộng luật Sabbát của người Do thái là trong một tuần 7 ngày,
sau 6 ngày làm việc phải có 1 ngày nghỉ ngơi để thờ phượng Thiên Chúa.
Như
thế, Năm Thánh là thời gian mà người tội lỗi hoán cải được ban ơn tha thứ các
hình phạt do tội gây ra, con người phải thống hối và canh tân cũng như hòa giải
với Thiên Chúa và anh chị em. Ðể được hưởng những ơn lành Thiên Chúa ban cho
trong Năm Thánh này, Kitô hữu phải nhận thức trước hết Năm Thánh là nhằm thánh
hóa cuộc sống, củng cố đức tin, tạo cơ hội thuận tiện để xây dựng tình liên đới
và hiệp thông huynh đệ trong lòng Giáo Hội và thế giới, khuyến khích mọi người
tuyên xưng đức tin một cách chân thành và sống động hơn nơi Ðức Kitô, Ðấng Cứu
Ðộ duy nhất của nhân loại.
Truyền
thống Năm Thánh
Truyền
thống cử hành Năm Thánh có từ năm 1300 vào thời Đức Giáo hoàng Bonifacio VIII.
Trong Năm Thánh đầu tiên đó, Đức Giáo hoàng đã cho phép các tín hữu hành hương
từ khắp nơi đến Roma, bước qua Cửa Thánh của các Đền thờ được ơn toàn xá, nghĩa
là được ơn tha tội và ân sủng Chúa. Cũng theo thỉnh cầu của các tín hữu trong
dịp này, Đức Giáo hoàng đã quy định cứ 100 năm thì sẽ có một Năm Thánh.
Vào
năm 1350, Đức Giáo hoàng Clement VI đã ấn định Năm Thánh được cử hành 50 năm
một lần.
Năm
1470, Đức Giáo hoàng Phaolô II đã quyết định Năm Thánh sẽ được cử hành 25 năm
một lần.
Các Năm Thánh gần đây
Các
Năm Thánh gần đây là những thời điểm quan trọng trong lịch sử đương đại của
Giáo hội Công giáo.
Năm Thánh 1950
Năm
Thánh 1950 do Ðức Giáo hoàng Piô XII khai mạc sau những đau thương tàn khốc của
Thế chiến II. Hoà bình là sứ điệp của Năm Thánh 1950. Châu Âu bị phân làm 2
khối Tự do và Cộng sản nên những người Công giáo tại Ðông Âu Cộng sản không thể
đến Roma tham dự Năm Thánh. Cũng trong Năm Thánh này, tại quảng trường Thánh
Phêrô với sự hiện diện đông đảo của khoảng 500.000 tín hữu và 622 giám
mục, Ðức Thánh Cha đã công bố tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Năm Thánh 1975
Năm
Thánh 1975 được mở ra dưới triều thánh Giáo hoàng Phaolô VI. Năm Thánh này mang
ý nghĩa Canh tân và Hoà giải, như được trình bày trong tông huấn Gaudete
in Domino - Hãy
vui mừng trong Chúa của ngài. Điểm nổi bật của Năm Thánh 1975 là cử
hành trước tại các Giáo hội địa phương từ lễ Chúa Thánh Thần Hiện
Xuống 10/6/1973 và kết thúc vào lễ Giáng Sinh 1974.
Năm
Thánh 1975 là Năm Thánh cuối cùng trong lịch sử Giáo hội với việc Đức Giáo
hoàng khai mạc bằng cách đập búa vào tường che Cửa Thánh ở Ðền thờ Phêrô. Khi
kết thúc Năm Thánh 1975, Thánh Phaolô VI đã không còn tiếp tục truyền thống xây
tường gạch che phủ Cửa Thánh nữa.
Năm
1975 cũng nằm trong bối cảnh khủng hoảng ơn gọi linh mục, do đó sự kiện đã khơi
dậy mối quan tâm mới đến vai trò của Giáo hoàng, trong một viễn tượng truyền
giáo được phục hồi bởi tông huấn Evangelii Nuntiandi, một văn
kiện được Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên trích dẫn.
Năm Thánh 2000
Sau
cùng, gần đây hơn, Năm Thánh 2000, được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II công
bố.
Trong
tinh thần hướng đến thiên niên kỷ thứ ba đang đến và đánh dấu 2.000 năm biến cố
Con Thiên Chúa xuống thế làm người, từ năm 1994 thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô
II đã ban hành Tông thư Tertio
Millennio Adveniente - Ngàn Năm thứ Ba đang tới, để
kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn đón nhận ân sủng cao quý Thiên Chúa ban cho
trong Đại Năm Thánh 2000. Ngoài ra, trong ba năm chuẩn bị gần:1997, 1998, 1999,
tín hữu cũng được mời gọi học hỏi các chủ đề Chúa Con, Chúa Thánh Thần và Chúa
Cha.
Vào
ngày 29/11/1998, tức Chúa nhật I Mùa Vọng, Ðức Giáo hoàng đã ban hành Tông
sắc Incarnationis
Mysterium - Mầu
Nhiệm Nhập Thể chính thức công bố sẽ mở Năm Thánh 2000 bắt đầu vào Ðêm
Vọng Giáng Sinh 24/12/1999 và kết thúc vào ngày Lễ Hiển Linh 06/01/2001.
Năm Thánh được cử hành cùng lúc tại Roma và các Giáo hội địa phương. Chủ đề của
Năm Thánh 2000 là Thiên Chúa Ba Ngôi, Bí Tích Thánh Thể và sự hiệp nhất. Năm
Thánh 2000 là Năm Thánh đầu tiên chính Đức Giáo hoàng mở Cửa Thánh cả bốn Ðền
thờ lớn tại Roma.
Năm
Thánh 2000 được ghi dấu nhiều cử hành lịch sử của thánh Gioan Phaolô II; như
chuyến tông du đến Thánh Địa theo dấu chân Chúa Kitô; cử hành việc tôn kính tất
các vị tử đạo của tất cả các Giáo hội Kitô tại đấu trường Colosseo; hoặc một
lần nữa, vào ngày 12/3/2000, một cử hành sám hối tại Đền thờ Thánh Phêrô
vì những sai lỗi trong lịch sử của các thành viên của Giáo hội Công giáo.
Năm
Thánh 2000 là dịp Ðại Hồng Ân không chỉ cho Kitô hữu mà còn cho cả nhân loại
với vai trò của Kitô giáo trong lịch sử 2000 năm qua của nhân loại (Tông thư
Tertio Millennio Adveniente, s.15).
Năm Thánh Ngoại lệ
Ngoài
các Năm Thánh được cử hành 25 năm một lần, trong lịch sử Giáo hội còn có những
Năm Thánh không theo quy trình này, được gọi là Năm Thánh Ngoại lệ.
Các
Năm Thánh Ngoại lệ cũng được cử hành theo sáng kiến của các Giáo hoàng, như Năm
Thánh Cứu Chuộc 1933 và 1983, và gần đây Năm Thánh Lòng Thương Xót được cử hành
năm 2015-2016.
Năm Thánh 1933
Vào
ngày 24/12/1932, Ðức Giáo hoàng Piô XI làm mọi người ngạc nhiên khi công
bố mở Năm Thánh ngoại lệ vào năm 1933 gọi là Năm Thánh Cứu Ðộ để kỷ niệm Chúa
Giêsu chịu chết cho nhân loại hầu đem ơn cứu rỗi 1900 năm về trước. Có vài thay
đổi trong Nghi thức phụng vụ của Năm Thánh này, như việc mở Cửa Thánh được ấn
định vào Chúa nhật Lễ Lá chứ không phải vào Ðêm Vọng Giáng Sinh, và nghi thức
đóng Cửa Thánh vào thứ Hai Tuần Thánh năm sau.
Năm Thánh 1983
Thánh
Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố Tông sắc Aperite Portas Redemptori - Hãy
mở Cửa cho Ðấng Cứu Thế vào ngày Lễ Hiển Linh 06/01 để mừng Năm Thánh
1983, đánh dấu biến cố Ðức Giêsu đã chết cho nhân loại 1950 năm về trước.
Năm
Thánh 1983 được khai mạc ngày 25/3/1983 và kết thúc
ngày 22/4/1984.
Năm Thánh Lòng Thương
Xót 2015
Cuối
cùng, Năm Thánh ngoại lệ gần đây nhất là Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015, được
cử hành tại ở Roma và tất cả các Giáo phận trên thế giới.
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô, trước khi mở cửa Năm Thánh của Đền thờ Thánh
Phêrô, ngài đã mở cửa Năm Thánh tại nhà thờ Chính Toà Bangui, ở Cộng hoà Trung
phi vài ngày trước đó.
Năm
Thánh bắt đầu với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào
ngày 08/12/2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào
ngày 20/11/2016, lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.
Việc
mở Năm Thánh 2015 diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican II
vào năm 1965. Điều này thật ý nghĩa, vì Năm Thánh thúc đẩy Giáo hội tiếp tục
công trình mà Vatican II đã khởi sự.
Mục
đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu
Kitô; nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ
cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống.
Năm Thánh 2025
Năm
Thánh 2025 tới đây sẽ là Năm Thánh thường lệ thứ 27 trong lịch sử Giáo hội. Các
chủ đề của năm này bao gồm: liên đới, hy vọng, công bằng, dấn thân phụng sự
Chúa với niềm vui và bình an với anh chị em của chúng ta.
Ngọc Yến - Vatican
Trích
nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-12/nam-thanh-trong-giao-hoi-cong-giao.html