Đức Thánh Cha gửi sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân 2022
Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân năm 2022 của Đức Thánh Cha
có tựa đề “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Mt
23,8). Đức Thánh Cha tập trung vào 5 điểm chính: 1) Nhân từ như Cha; 2) Chúa
Giêsu, lòng thương xót của Cha; 3) Chạm vào thân xác đau khổ của Chúa Kitô; 4)
Trung tâm chăm sóc, nhà thương xót; 5) Mục vụ thương xót: hiện diện và gần gũi.
Nhân từ như Cha
Trong Sứ điệp được công
bố hôm thứ Ba 04/01, hướng đến Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 30 sẽ được cử
hành vào ngày 11/02 tới đây, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hướng nhìn lên
Thiên Chúa “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), Đấng luôn đoái nhìn đến con cái
ngay cả khi chúng xa cách Người. Thương xót là tên của Thiên Chúa, thể hiện căn
tính của Người, không theo tình cảm nhất thời, nhưng là sức mạnh hiện diện
trong tất cả những gì Người thực hiện. Lòng nhân từ của Thiên Chúa có
trong chiều kích cả tình phụ tử lẫn mẫu tử. Thiên Chúa chăm sóc nhân loại bằng
sức mạnh của một người cha và với sự dịu dàng của một người mẹ. Người luôn mong
muốn trao ban cho chúng ta sự sống mới trong Thánh Thần.
Chúa Giêsu, lòng thương
xót của Cha
Chúa Giêsu, lòng thương
xót của Cha là điểm thứ hai của sứ điệp. Ở số này, Đức Thánh Cha viết: “Chứng
tá vĩ đại tình yêu thương xót của Cha dành cho các bệnh nhân là Con Một. Nhiều
lần các sách Tin Mừng thuật lại cho chúng ta các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với
nhiều người mắc những chứng bệnh khác nhau”. Theo Đức Thánh Cha, sự quan tâm
của Chúa Giêsu đối với người bệnh đã lên tới mức sau này trở thành hoạt động
chính trong sứ vụ của các tông đồ.
Liên hệ đến thực tế,
Đức Thánh Cha nói rằng, trong đại dịch, chúng ta đã chứng kiến nhiều bệnh nhân
trải qua những ngày cuối đời trong cô đơn. Mặc dù được các nhân viên y tế chăm
sóc, nhưng họ phải xa người thân. Điều này giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng
sự hiện diện của những chứng nhân bác ái của Thiên Chúa đối với người bệnh. Đó
là những người theo mẫu gương Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha đổ dầu
an ủi và rượu hy vọng vào vết thương của bệnh nhân.
Chạm vào thân xác đau
khổ của Chúa Kitô
Ở số thứ ba, Đức Thánh
Cha đề cập đến các nhân viên y tế. Ngài nói rằng khi các bác sĩ, y tá, các trợ
lý phục vụ bệnh nhân, nếu họ thực hiện bằng tình yêu, thì họ không chỉ thi hành
như một nghề nghiệp nhưng việc làm này trở thành sứ vụ. Đôi tay của nhân viên y
tế chạm vào thân xác đau khổ của Chúa Kitô có thể là dấu hiệu đôi tay nhân từ
của Chúa Cha.
Mặc dù ngày nay khoa
học tiến bộ, hỗ trợ rất nhiều cho việc điều trị chăm sóc, nhưng Đức Thánh Cha
nhắc nhở “Tất cả những điều này không bao giờ làm cho chúng ta quên đi tính độc
nhất của mỗi bệnh nhân, với phẩm giá và yếu đuối của họ. Bệnh nhân luôn quan
trọng hơn căn bệnh của họ, và vì lý do này mà mọi phương pháp điều trị không
được bỏ qua bệnh sử, tiền sử, lo lắng của bệnh nhân. Ngay cả khi không thể chữa
khỏi, nhân viên y tế luôn có thể an ủi, tạo cho bệnh nhân cảm giác gần gũi, thể
hiện sự quan tâm. Vì lý do này, tôi hy vọng các khóa đào tạo nhân viên y tế có
thể tạo ra khả năng lắng nghe và chiều kích tương quan”.
Trung tâm chăm sóc, nhà
của lòng thương xót
Sau khi nói đến những
người chăm sóc bệnh nhân, Đức Thánh Cha đề cập đến các trung tâm chăm sóc bệnh
nhân. Ngài mời gọi những nơi này phải là những ngôi nhà của lòng thương xót.
Thực tế, qua nhiều thế
kỷ, vì lòng thương xót dành cho bệnh nhân, các cộng đoàn Kitô đã mở nhiều “nhà
trọ người Samari nhân hậu”. Trong những cơ sở này các bệnh nhân thuộc mọi loại
bệnh đều được đón tiếp, đặc biệt những người không tìm được câu trả lời cho sức
khoẻ của họ do nghèo đói hoặc bị xã hội loại trừ.
Đề cập đến những người
nghèo trong bối cảnh ngày nay, sức khoẻ của họ không được bảo đảm, do không có
điều kiện chữa trị, như phải đi một quãng đường dài mới tới được trung tâm y
tế, hoặc không được chăm sóc đầy đủ, Đức Thánh Cha tái khẳng định tầm quan
trọng của các cơ sở y tế Công giáo, như trung tâm y tế của các dòng tu, đó là
“một kho tàng quý báu cần phải được bảo vệ và hỗ trợ. Sự hiện diện của các cơ
sở này đã ghi dấu ấn trong lịch sử của Giáo hội về sự gần gũi với người nghèo
và người bệnh và những hoàn cảnh bị lãng quên nhất”.
Theo Đức Thánh Cha,
trong thời đại mà văn hoá vứt bỏ đang lan rộng và cuộc sống không phải lúc nào
cũng được nhìn nhận đúng nhân phẩm, thì các cơ sở y tế Công giáo như những ngôi
nhà của lòng thương xót, có thể là mẫu gương trong việc chăm sóc và bảo vệ sự
sống cho dù yếu đuối, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc tự nhiên.
Mục vụ thương xót: hiện
diện và gần gũi
Ở số cuối cùng, Đức
Thánh Cha nhấn mạnh đến việc chăm sóc mục vụ dành cho các bệnh nhân. Ngài viết:
“Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng việc gần gũi với người bệnh và chăm sóc
mục vụ cho họ không chỉ là nhiệm vụ của một số thừa tác viên chuyên trách đặc
biệt; thăm viếng người bệnh là một lời mời gọi của Chúa Kitô đối với tất cả các
môn đệ của Người. Rất nhiều bệnh nhân và người già đang sống ở nhà và chờ đợi
một cuộc viếng thăm. Thừa tác vụ an ủi là nhiệm vụ của mỗi người đã được rửa
tội, hãy tâm niệm lời Chúa Giêsu: “Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng” (Mt
25,36).
Đức Thánh Cha kết thúc
sứ điệp, phó thác sức khoẻ của các bệnh nhân và gia đình họ lên Đức Mẹ, và mời
gọi mọi người hiệp thông đau khổ của họ với Chúa Kitô, Đấng đã gánh lấy đau khổ
của thế giới, để mọi người tìm được ý nghĩa, an ủi và tin tưởng nơi Người. Đức
Thánh Cha cũng cầu nguyện cho các nhân viên y tế, để họ có thể trao ban cho các
bệnh nhân, ngoài việc chăm sóc thích hợp, còn có sự gần gũi huynh đệ và lòng
thương xót.
Ngọc Yến
- Vatican News
Trích
nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-01/duc-thanh-cha-gui-su-diep-the-gioi-benh-nhan-2022.html