Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho các tín hữu Kitô
bị kỳ thị và bách hại
VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin lễ thánh Stephano tử đạo trưa hôm qua, 26-12, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các Kitô hữu đang bị bách hại hoặc kỳ thị trên thế giới.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, với sự tham dự của khoảng 10 ngàn tín hữu, ĐTC xác quyết lễ kính thánh Stephano tử đạo rất phù hợp với bầu không khí vui tươi của lễ Giáng Sinh
Huấn dụ của ĐTC
Anh chị em thân mến,
Phụng vụ kéo dài Đại Lễ Giáng Sinh trong 8 ngày: một thời gian vui mừng cho toàn thể dân Chúa! Và trong ngày thứ hai của tuần bát nhật này, trong niềm vui của lễ Giáng Sinh có lễ thánh Stephano, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Sách Tông đồ công vụ trình bày thánh nhân cho chúng ta như một người “đầy lòng tin và Thánh Thần” (6,5), được chọn cùng với 6 người khác để phục vụ các bà góa và người nghèo trong cộng đồng tiên khởi ở Jerusalem. Và Sách cũng kể lại cho chúng ta cuộc tử đạo của ngài: sau một bài diễn văn nẩy lửa khiến cho các thành viên Thượng Hội đồng Do thái thịnh nộ, thánh Stephano bị lôi ra ngoài thành và bị ném đá. Thánh Stephano đã chết như Chúa Giêsu, xin tha thứ cho những kẻ giết ngài (7,55-60.)
Trong bầu không khí vui tươi của lễ Giáng Sinh, việc tưởng niệm này có thể là không thích hợp. Thực vậy, lễ Giáng Sinh là lễ sự sống và đổ tràn trong tâm hồn chúng ta những tâm tình thanh thản và an bình; tại sao lại làm xáo trộn sức thu hút của lễ Giáng Sinh bằng cách nhắc nhớ bạo lực dữ dằn như thế? Trong thực tế, dưới nhãn giới đức tin, lễ thánh Stephano hoàn toàn hòa hợp với ý nghĩa sâu xa của lễ Giáng Sinh. Thực vậy, trong cuộc tử đạo, bạo lực bị tình thương chiến thắng, sự chết bị sự sống đánh bại. Giáo Hội coi sự hy sinh của các vị tử đạo là sự sinh ra của các ngài trong nước trời. Vì thế, hôm nay chúng ta cử hành sinh nhật của thánh Stephano, xuất phát một cách sâu xa từ sinh nhật của Chúa Kitô. Chúa Giêsu biến đổi cái chết của những ngừơi yêu mến Ngài thành binh minh của đời sống mới!”.
Trong cuộc tử đạo của thánh Stephano tái diễn cùng một cuộc đụng độ giữa sự thiện và sự ác, giữa oán thù và tha thứ, giữa sự dịu dàng và bạo lực, với tột đỉnh nơi Thập Giá của Chúa Kitô. Việc tưởng niệm vị tử đạo đầu tiên ngày sau lễ Giáng Sinh đánh tan hình ảnh sai lầm về lễ này, một hình ảnh hoang đường và vô vị, không hề có trong Phúc Âm! Phụng vụ đưa chúng ta trở lại ý nghĩa chân chính của sự nhập thể, gắn liền Bethlehem với đồi Canvê, và nhắc nhớ cho chúng ta rằng ơn cứu của Chúa bao hàm cuộc chiến đấu chống tội lỗi, đi qua cửa hẹp của Thập Giá. Đó là con đường Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một cách rõ ràng như Tin Mừng hôm nay làm chứng: “Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22).
“Vì thế, ngày hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho các tín hữu Kitô đang bị kỳ thị vì làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng. Chúng ta hãy gần gũi những anh chị em, như thánh Stephano, đang bị tố cáo bất công và trở thành đối tượng cho bạo lực đủ loại. Điều này đặc biệt xảy ra tại những nơi mà tự do tôn giáo chưa được bảo đảm hoặc không được thực thi hoàn toàn. Nhưng nó cũng xảy ra tại những quốc gia và môi trường tuy bảo đảm tự do và các quyền con người trên giấy tờ, nhưng trong thực tế các tín hữu, nhất là các Kitô hữu bị hạn chế và kỳ thị. Con số các tín hữu Kitô ngày nay bị bách hại còn đông hơn những thời kỳ đầu của Giáo Hội. Đối với tín hữu Kitô, điều này không lạ gì vì Chúa Giêsu đã báo trước sự kiện đó như cơ hội thuận tiện để làm chứng tá. Nhưng về mặt dân sự, cần phải tố giác bất công và loại trừ nó”.
Đến đây, ĐTC mời gọi các tín hữu cùng với ngài cầu nguyện trong thinh lặng cho các Kitô hữu bị bách hại. Rồi cùng mọi người, ngài đọc kinh Kính Mừng, trước khi nói tiếp:
“Xin Mẹ Maria Nữ Vương các Thánh Tử Đạo giúp chúng ta sống lễ Giáng Sinh với niềm tin yêu nồng nhiệt chiếu tỏa rạng nơi trong thánh Stephano và tất cả các vị tử đạo của Giáo Hội”.
Sau phép lành, ĐTC đã chào thăm các gia đình, các nhóm giáo xứ và hội đoàn cũng như cá nhân tín hữu đến từ Roma, Italia và các nơi trên thế giới. Ngài nói: “Ước gì trong những ngày này, việc dừng lại nơi hang đá máng cỏ để chiêm ngắm Mẹ Maria, và Thánh Giuse cạnh Chúa Hài Đồng, có thể khơi dậy nơi mọi người quyết tâm quảng đại yêu thương nhau, để giữa lòng các gia đình và cộng đoàn khác nhau, mọi người được sống bầu không khí cảm thông và huynh đệ, giúp ích rất nhiều cho công ích”. (SD 26-12-2013)
G. Trần Đức Anh OP