Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu

VATICAN. 20 ngàn tín hữu hành hương đã tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ĐTC Biển Đức 16 sáng thứ tư 16-6-2010 và ngài đã trình bày về thánh Tômaso Aquinô, Tiến Sĩ Hội Thánh.

Buổi tiếp kiến diễn ra tại Quảng trường thánh Phêrô dưới trời nắng khá gay gắt. Trong số hàng trăm nhóm đăng ký tham dự buổi tiếp kiến này, đặc biệt có 350 sĩ quan và binh sĩ thuộc trường Truyền Tin ở Cecchignola Italia và 110 sĩ quan và binh sĩ thuộc Phi đoàn 9 “Baracca” của không quân Italia. Ngoài ra, có 50 sinh viên đến từ các nước đang tham dự khóa học mùa hè của Đài thiên văn Vatican.
Tuy bị khàn tiếng, nhưng ĐTC vẫn cố gắng ngỏ lời với các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng. Chẳng hạn bằng tiếng Anh, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về nền văn hóa Kitô thời Trung Cổ, chúng ta đi tới giáo huấn của Thánh Tômasô Aquinô mà Giáo Hội liên tục đề cao như kiểu mẫu của một phương pháp thần học tốt đẹp. Thánh Tômasô nhấn mạnh sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí, và sự hòa hợp này tôn trọng quyền tự trị và sự bổ túc cho nhau giữa hai phương thức nhận thức chân lý. Lý trí và đức tin, xét cho cùng, đều bắt nguồn nơi Lời Chúa. Đức tin chiếu dọi ánh sáng trọn vẹn trên các chân lý mà lý trí có thể nhận biết được một cách tự nhiên, trong khi kín múc từ Mạc Khải một nhận thức siêu nhiên về các mầu nhiệm của Thiên Chúa và chính Chúa Ba Ngôi. Về phần mình, lý trí giúp chứng minh đặc tính đáng tin cậy của đức tin, bênh vực giáo huấn đức tin, và chứng tỏ đức tin hợp lý và có thể hiểu được. Sự bổ túc cho nhau giữa đức tin và lý trí phản ảnh chân lý và ơn thánh của Thiên Chúa xây dựng, nâng cao và kiện toàn bản tính con người, nhờ đó bản tính con người có khả năng theo đuổi hạnh phúc, vốn là điều mà con người mong ước nồng nhiệt nhất. Thánh Tômasô xác tín rằng xét về phương diện tự nhiên, chúng ta có thể nhận biết các nguyên tắc của luật luân lý tự nhiên. Xác tín này rất thời sự, vì luật này, vốn ăn rễ sâu nơi chân lý về bản tính con người, chính là nền tảng sự tôn trọng phẩm giá con người và các nhân quyền phổ quát. Thánh Tômasô là bổn mạng của các trường và đại học Công Gíao; chúng ta hãy cầu xin thánh nhân giúp chúng ta được ơn khôn ngoan và sự hiểu biết phát sinh từ một đức tin Kitô sâu xa và sinh động”.

Trước đó, trong bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, ĐTC đã trình bày với nhiều chi tiết hơn về Thánh Tômasô Aquino. Chẳng hạn ngài nhắc đến sự kiện đạo lý của thánh nhân được Công đồng chung Vatican 2 đặc biệt cổ võ việc học hỏi qua hai văn kiện: sắc lệnh Optatam totius về việc đào tạo linh mục và tuyên ngôn Gravissimum educationis về nền giáo dục Kitô giáo. Ngay hồi năm 1880 ĐGH Leo 13, vốn là người rất ngưỡng mộ và cổ võ việc học hỏi về thánh Tomasô đã tôn phong thánh nhân làm bổn mạng các trường học và đại học Công giáo. ĐTC giải thích rằng:

“Lý do chính khiến cho Giáo hội đánh giá cao như thế không những vì nội dung giáo huấn của thánh Tomasô nhưng nhất là vì tổng hợp mới mẻ và sự phân biệt của thánh nhân giữa triết học và thần học. Các Giáo Phụ đã cứu xét các triết học khác nhau theo kiểu triết gia Platon, trong đó người ta trình bày một quan niệm đầy đủ về thế giới và sự sống, kể cả vấn đề Thiên Chúa và tôn giáo. Khi đối chiếu các thứ triết học ấy, các vị đã đề ra một cái nhìn đầy đủ về thực tại, đi từ đức tin và sử dụng các yếu tố của triết học Platon, để giải đáp những vấn nạn hiện sinh về con người. Quan niệm ấy dựa trên mạc khải Kinh Thánh và được soạn ra dựa trên một triết thuyết Platon đúng đắn dưới ánh sáng đức tin, mà các vị gọi là “triết học của chúng ta”. Vì thế danh từ “triết học” không phải là thành ngữ diễn tả một hệ thống thuần túy lý trí, và với tư cách đó, nó tách biệt khỏi đức tin, nhưng triết học ở đây chỉ một cái nhìn toàn bộ về thực tại, được xây dựng trên ánh sáng đức tin, nhưng được lý trí suy tư và nhận làm của mình; đó là một cái nhìn đi xa hơn khả năng của lý trí, nhưng với tư cách đó, nó cũng thỏa đáng.. Đối với Thánh Tomasô, cuộc gặp gỡ với triết học tiền Kitô giáo của Aristote, qua đời khoảng năm 322 trước Chúa Kitô, mở ra một viễn tượng mới. Hiển nhiên triết học Aristote là một triết học được soạn ra mà không có kiến thức về Cựu và Tân Ước, và giải thích thế giới bằng lý trí mà thôi, chứ không dựa trên mạc khải. Lý trí này có sức thuyết phục. Và thế là hình thức cũ “triết học của chúng ta” thời các Giáo Phụ không còn tác dụng nữa. Quan hệ giữa triết lý và thần học, giữa đức tin và lý trí, được suy nghĩ lại. Có một thứ triết học đầy đủ và có sức thuyết phục, lý trí đi trước đức tin, rồi có một nền thần học, một sự suy tư với đức tin và trong đức tin.
“Chính do đạo lý trên đây của thánh Tomaso, hồi thế kỷ 19, khi người ta mạnh mẽ chủ trương lý trí tân thời và đức tin không thể dung hợp với nhau, ĐGH Lêo 13 đã đề cao thánh Tômaso Aquino như vị hướng dẫn trong cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí.. Trong các tác phẩm của mình, Thánh Tomasô giả thiết và cụ thể hóa đặc tính lý trí ấy. Đức tin củng cố, kiện toàn và soi sáng gia sản chân lý mà lý trí con người thủ đắc được.”

Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương, ĐTC mời gọi các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha: “Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho những người chuyên về các thánh khoa, để noi theo gương thánh Tômasô Aquino, họ nghiên cứu các môn đó trong sự kiên trì và giảng dạy một cách trung thành, đồng thời theo gương đời sống thánh thiện của thánh nhân.”

Tại nhiều nước Âu Châu, mùa này là mùa chịu chức linh mục. Vì thế, trong lời chào các tín hữu đến từ Cộng hòa Slovak, ĐTC cũng nhắc đến sự kiện này và nói rằng  “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân các tân linh mục và cầu nguyện để các vị trở thành những thừa tác viên theo Con tim của Chúa Giêsu”.

Trong số đông đảo các tín hữu nói tiếng Ý hiện diện, cũng có các tân linh mục, vì thế, ĐTC đặc biệt được nhắc đến 30 linh mục mới chịu chức thuộc giáo phận Brescia, bắc Italia, và ngài hứa cầu nguyện để sứ vụ của các vị được phong phú với nhiều thành quả quí giá.

ĐTC không quên các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngài nhắn nhủ rằng: “Hỡi những ngừơi trẻ thân mến, các con hãy luôn kín múc từ Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể lương thực thiêng liêng để tiến bước trên con đường thánh thiện; và hỡi anh chị em bệnh nhân, xin Chúa Kitô nâng đỡ và an ủi anh chị em trong thử thách và đau khổ. Và sau cùng, anh chị em tân hôn quí mến,

ước gì bí tích hôn phối đã làm cho anh chị em được ăn rễ sâu nơi Chúa Kitô trở thành nguồn mạch nuôi dưỡng tình yêu thường nhật của anh chị em.”

 


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     CỰU SIÊU MẪU NGƯỜI COLOMBIA CHIA SẺ CHUYỆN ĂN NĂN TRỞ LẠI ĐẠO.Dominic David Trần
     KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT 13/6: TẠ ƠN CHÚA VÌ HỒNG ÂN LINH MỤC. Theo vatican
     ĐHY JOACHIM MEISNER KÊU GỌI CÁC LINH MỤC TRỞ LẠI TOÀ GIẢI TỘI. Theo vatican
     ĐỨC THÁNH CHA BẾ MẠC NĂM LINH MỤC. Theo Vatican
     ĐỨC THÁNH CHA CỬ HÀNH THÁNH LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA TẠI CHYPRE. Theo vatican
     ĐỨC THÁNH CHA BẮT ĐẦU VIẾNG THĂM CHYPRE. Theo vatican
     ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA TẠI ĐỀN THỜ LATERANO. Theo vatican
     THÁNH TÔMA TIẾN SĨ, BẬC THẦY CỦA TƯ TƯỞNG VÀ MẪU GƯƠNG CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU THẦN HỌC. Theo vatican
     GIÁO DỤC SỬ DỤNG CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG MỚI. Theo Vatican
     CẦU NGUYỆN CHO CÁC GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU. Theo vatican