Lễ Ngũ Tuần năm 2010
Lễ phụng vụ mà chúng ta mừng hôm qua quen được gọi là “Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống”, hay nói tắt là “lễ Hiện xuống”. Trong nguyên ngữ Hy-lạp và La-tinh, danh xưng là “Ngũ tuần” (Pentecostes), nghĩa là 50 ngày, bắt nguồn từ lịch phụng vụ của người Do thái.Năm mưoi ngày sau lễ Vượt qua tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập, người Do thái mừng lễ Ngũ tuần kỷ niệm việc Chúa thiết lập giao ước trên núi Sinai. Trong Tân ước, sách Tông đồ công vụ đã gắn biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống với lễ Ngũ tuần, diễn ra năm mươi ngày sau khi Chúa Phục sinh. Khi chú giải đoạn văn này, các giáo phụ đã ví biến cố như là việc ban hành hiến chương thành lập Hội thánh, được phái đến muôn dân, rao giảng Tin mừng qua các ngôn ngữ của các dân tộc.
Vào lúc 10 giờ sáng chúa nhựt, đức thánh cha đã cử hành Thánh lễ tại đền thánh Phêrô. Trong bài giảng, ngài đã giải thích ý nghĩa của lễ Ngũ tuần qua những biểu tượng đọc thấy trong các bài Sách Thánh, cách riêng là “lưỡi” và “lửa”. Kế đó trong bài huấn dụ vào lúc 12 giờ trưa đọc tại cửa sổ văn phòng, ngài nêu bật mối liên hệ giữa biến cố Ngũ tuần với đời sống Hội thánh: việc trao ban Thánh Linh diễn ra liên tục trong đời sống Hội thánh: nếu không có Thánh Thần thì không có Hội thánh. Và ngài cũng lưu ý rằng biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống cũng gắn liền với lời cầu nguyện của Hội thánh kết hiệp với Đức Maria, tại nhà Tiệc Ly cũng như trải qua lịch sử. Trước hết kính mời quý vị theo dõi bài huấn dụ trước khi đọc kinh kính Nữ vương thiên đàng, Sau đó, chúng tôi sẽ tóm tắt ý tưởng chính của bài giảng Thánh lễ.
Anh chị em thân mến
Năm mươi ngày sau lễ Phục sinh, chúng ta mừng lễ Ngũ tuần, kính nhớ việc Chúa Thánh Thần tỏ hiện quyền năng, dưới biểu hiệu của gió và lửa, trên các thánh tông đồ tụ họp ở nhà Tiệc Ly, khiến họ có khả năng can đảm rao giảng Tin mừng cho muôn dân (x. Cv 2,1-13). Biến cố Ngũ tuần, được coi như cuộc “rửa tội” của Hội thánh, không chấm dứt ở đây. Thực vậy, Hội thánh luôn sống trong sự tuôn đổ Thánh Thần, bởi vì nếu không có Ngài thì Hội thánh sẽ kiệt lực, tựa như một chiếc buồm mà không có gió vậy. Mầu nhiệm Ngũ tuần tái diễn cách riêng vào một vài thời điểm đặc biệt, hoặc ở cấp địa phương hay hoàn vũ, hoặc ở cộng đoàn nhỏ bé hay những đại hội đông đảo. Chẳng hạn như các công đồng đã có những phiên họp được tràn đầy Chúa Thánh Thần, trong số đó phải kể đến công đồng Vaticanô II. Chúng ta cũng có thể nhắc đến cuộc gặp gỡ đặc biệt của đức thánh cha Gioan Phaolô II với các phong trào giáo dân diễn ra tại quảng trường này vào dịp lễ Ngũ tuần năm 1998. Hội thánh còn nhận ra biết bao lễ Ngũ tuần khác nữa làm cho các cộng đoàn điạ phương được sống động. Chúng ta hãy nghĩ đến các cuộc cử hành phụng vụ, cách riêng những buổi cử hành vào những dịp đặc biệt của cộng đoàn, trong đó sức mạnh của Chúa được cảm nhận rõ rệt qua niềm vui và phấn khởi trong các tâm hồn. Chúng ta liên tưởng đến những buổi họp cầu nguyện, trong đó các bạn trẻ nhận rõ tiếng gọi của Chúa hãy cắm rễ sâu trong tình thương của Ngài, kể cả qua việc dâng hiến trót đơi cho Chúa.
Vì thế không có Hội thánh nếu không có lễ Ngũ tuần. Và tôi có thể nói thêm rằng không có lễ Ngũ tuần mà không có đức Maria. Điều này đã xảy ra thuở ban đầu, tại nhà Tiệc Ly, khi các môn đệ “bền tâm nhất trí cầu nguyện, cùng với vài phụ nữ và đức Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu và các anh em của Người( Cv 1,14). Điều này vẫn tiếp tục diễn ra ở mọi nơi mọi thời. Tôi đã chứng kiến điều đó mới đây tại Fatima. Quả vậy, đám đông vô kể tụ họp tại quảng trường thánh điện, nơi mà tất cả đều chung một lòng một ý, đã cảm nghiệm điều gì? Thực là lễ Ngũ tuần mới. Ở giữa chúng ta có Đức Mẹ Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu. Đó cũng là cảm nghiệm tại những thánh điện lừng danh kính Đức Mẹ - Lộđức, Guađalupê, Pompei, Loreto- , cũng như ở những ngôi đền nhó bé: ở đâu các tín hữu tụ họp cầu nguyện cùng với đức Maria, thì Chúa ban Thánh Linh của Người cho họ.
Các bạn thân mến, trong ngày lễ Ngũ tuần này, chúng ta cũng muốn kết hiệp tinh thần với đức Thân mẫu của Chúa Kitô và của Hội thánh, khi khẩn cầu cuộc đổ tràn Thánh Linh mới. Chúng ta khẩn nài cho toàn thể Hội thánh, cách riêng nhân dịp năm linh mục, cho những người phục vụ Tin mừng, ngõ hầu sứ điệp cứu độ được loan truyền đến hết mọi dân tộc.
Sau khi ban phép lành Toà Thánh, Đức thánh cha nhắc đến việc phong chân phước cho chị Teresa Nanganiello diễn ra tại Benevento (miền nam Italia) vào chiều thứ 7 vừa qua. Vị tân chân phước là một thiếu nữ giáo dân, thuộc dòng ba Phan-sinh, sống đời bình thường trong gia đình nông dân. Chị cố gắng theo gương thánh Phanxicô Assisi trong việc hoạ lại cuộc đời của Chúa Giêsu đau khổ để cầu nguyện cho các tội nhân. Chị qua đời lúc 27 tuổi. Một ý chỉ cầu nguyện nữa nhân ngày lễ Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu ngày 24 tháng 5 là cầu nguyện cho Giáo hội Trung quốc, cách riêng cho sự đoàn kết hợp nhất giữa các tín hữu trong nước cũng như với Giáo hội hoàn cầu.
Như đã nói trên đây, trong bài giảng thánh lễ cử hành tại đền thờ thánh Phêrô lúc 9 giờ sáng, với 30 hồng y và 50 giám mục đồng tế, đức thánh cha đã dừng lại suy niệm ở vài biểu tượng của lễ Ngũ tuần được thuật lại trong các bài đọc Sách Thánh. Trước hết, việc đổ tràn Thánh Linh diễn ra vào lúc các môn đệ hợp nhau cầu nguyện. Cần lưu ý rằng không chỉ các môn đệ cầu nguyện mà thôi, nhưng chính Chúa Giêsu cũng hứa sẽ cầu nguyện với họ nữa như chúng ta nghe trong bài Tin mừng: “Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha, để Chúa Cha ban cho các con Đấng An-ủi khác, và ngài sẽ ở lại với các con luôn mãi”. Thực vậy, ở trên trời Chúa Giêsu tiếp tục thi hành chức vụ tư tế, chuyển cầu cho chúng ta, xin nài Chúa Cha ban Thánh Linh cho tất cả chúng ta.
Hồng ân Thánh Linh được ví với lưỡi và lửa. Lưỡi tượng trưng cho các ngôn ngữ. Thánh Linh ban cho Hội thánh được nói các ngôn ngữ của thế giới. Thánh Luca kể ra 12 ngôn ngữ như là biểu tượng: “Rôma”, thế giới bên Tây; “người Do thái và các tân tòng” nói lên sự hợp nhất giữa dân Israel với thế gới; “Crêta và A-rập” đại diện cho Đông phương và Tây phương, các hải đảo và đaị lục. Giáo hội được phái đến tất cả mọi dân nước, vượt qua các biên cương. Tuy nhiên, giữa muôn vàn ngôn ngữ, Hội thánh vẫn duy trì sự hợp nhất. Đây là một đặc trưng của Hội thánh: vừa mở rộng đến tính đa dạng, vừa bảo vệ sự hợp nhất đoàn kết.
Bước sang biểu tượng của lửa, đức thánh cha nhắc đến ngọn lửa ở bụi gai mà ông Moisen đã chứng kiến. Trong đời sống thường ngày, lửa mang tính cách huỷ diệt. Điều này cũng xảy ra trong đời sống xã hội: lửa chiến tranh tàn phá. Nhưng lửa của Thiên Chúa thì khác: lửa bốc cháy nhưng không huỷ hoại. Đó là ngọn lửa của tình yêu. Lửa thanh luyện khỏi những nét nhơ nhớp, để giúp cho con người được tinh tuyền hơn, kết hiệp thân mật với Chúa hơn. Tiếc rằng nhiều lần chúng ta không muốn để cho lửa của Thánh Thần tác động: chúng ta ngại ngùng hy sinh. Tuy nhiên, nếu chúng ta mạnh dạn để cho lửa của Thánh Thần thanh tẩy thì chúng ta sẽ cảm thấy niềm vui và an bình của tình yêu đích thực.
Bình Hòa