Ngoại trưởng Tòa Thánh lên án ”sự độc tài của chủ nghĩa
duy tương đối”
VATICAN. Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức TGM Dominique Mamberti, bênh vực tự do lương tâm, và chống lại ”chủ nghĩa độc tài” của thuyết duy tương đối về luân lý.
Đức TGM Mamberti bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, hôm 16-1-2012, sau khi Tòa Án nhân quyền ở Strasbourg đưa ra phán quyết về 4 vụ kiện từ Anh quốc: hai vụ liên quan đến vấn đề có được đeo thánh giá nhỏ ở cổ tại nơi làm việc hay không, và 2 vụ khác về quyền phản kháng lương tâm, không cử hành hôn phối dân sự cho 1 cặp đồng phái, và chữa trị quan hệ phái tính cho một cặp đồng phái khác.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức TGM Mamberti nhận định rằng ”Các vụ kiện đó chứng tỏ những vấn đề liên quan đến tự do lương tâm và tôn giáo là điều phức tạp, đặc biệt nơi xã hội Âu Châu trong đó ngày càng có sự khác biệt về tôn giáo và trào lưu duy đời (laicismo) gia tăng. Có một nguy cơ thực sự là chủ thuyết duy tương đối về luân lý đang được áp đặt như một qui luận mới của xã hội, nó đến làm thương tổn những nền tảng của tự do lương tâm và tự do tôn giáo của mỗi người.”
Đức TGM Ngoại trưởng Tòa Thánh nhấn mạnh rằng ”Giáo Hội muốn bảo vệ tự do lương tâm và tự do tôn giáo của mỗi người trong mọi trường hợp, kể cả đứng trước ”chế độ độc tài của chủ thuyết duy tương đối”. Vì thế, cần phải trình bày sự hợp lý của lương tâm con người nói chung và hành động luân lý của các tín hữu Kitô nói riêng. Đối với những vấn đề luân lý có tranh luận như phá thai hoặc đồng tính luyến ái, cần phải tôn trọng tự do lương tâm của mỗi người. Sự tôn trọng tự do lương tâm và tự do tôn giáo không phải là chướng ngại cản trở việc thiết lập một xã hội bao dung trong sự đa nguyên, trái lại đó là điều kiện để có xã hội bao dung như thế”.
Hỗ trợ cho những nhận định trên đây, Đức TGM Mamberti trích dẫn lời ĐTC Biển Đức 16 trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hôm 7-1 vừa qua, theo đó ”cấm sự phản kháng lương tâm của cá nhân và của tổ chức, nhân danh tự do và đa nguyện, thì sẽ mở đường cho sự bất bao dung và một sự cưỡng bách mọi người phải đồng đều như nhau. Làm hao mòn tự do lương tâm chúng chứng tỏ một hình thức bi quan đối với khả năng của lương tâm con người nhìn nhận những gì là tốt lành và chân thật, để rồi chỉ bênh vực luật do con người làm ra, có xu hướng dành độc quyền quyết định về luân lý. Giáo Hội cũng có vai trò nhắc nhở rằng mỗi người, dù thuộc tín ngưỡng nào đi nữa, đều có khả năng theo lương tâm phận biệt thiện ác và do đó có khả năng hành động phù hợp với phán đoán của lương tâm. Đó chính là nguồn mạch tự do đích thực của con người”. (SD 16-1-2013)
G. Trần Đức Anh OP