Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 23:
11-2-2015
VATICAN.
Thứ tư sắp tới, 11-2-2015, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Giáo Hội Công Giáo sẽ cử hành Ngày
thế giới các bệnh nhân lần thứ 23.
Thánh
Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng thiết lập Ngày này hôm 13-5 năm 1992, tức là 1 năm
sau khi ngài bị các bác sĩ cho biết là bị bệnh Parkinson. Ngài đã viết nhiều về
vấn đề đau khổ bệnh tật và nhấn mạnh đến giá trị của khổ đau cứu độ nhờ Chúa
Kitô. Văn kiện nổi bật của ngài về vấn đề này là Tông thư “Salvifici Doloris”
(Khổ đau cứu độ). Ngày Thế giới các bệnh nhân được ấn định vào ngày lễ Đức Mẹ
Lộ Đức vì có nhiều tín hữu hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ cho biết đã được
khỏi bệnh nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria.
Trong
buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 8-2-2015, ĐTC cũng nhắc nhở các tín hữu
cử hành Ngày Thế Giới các bệnh nhân và ngài chúc lành cho các sáng kiến để cử
hành ngày nay, đặc biệt là buổi Canh thức cầu nguyện tại Roma chiều ngày
10-2-2015. Ngài cũng nhắc đến Đức TGM Zygmunt Zimowski, người Ba Lan, Chủ tịch
Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế và xin cầu nguyện cho Đức TGM đang bị bệnh nặng
(Đức TGM bị ung thư tuyến tụy (lá lách), đã được giải phẫu hồi tháng 12-2014 và
đang được điều trị tại Ba Lan. HĐGM Ba Lan cũng như giáo phận Random nguyên
quán cũng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho Đức TGM Zimowski).
Năm
2015 này, Ngày Thế giới các bệnh nhân có chủ đề là một câu trích từ sách Ông
Gióp: “Tôi đã là đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què” (G 29,15).
Để
giúp các tín hữu suy tư và chuẩn bị cử hành ngày nay, ĐTC Phanxicô cũng nối
tiếp truyền thống của các vị tiền nhiệm và cho công bố một sứ điệp, qua đó ngài
mời gọi các tín hữu cởi mở đối với những đau khổ của bệnh nhân, phục vụ, tháp
tùng, ra khỏi mình để đến với anh chị em bệnh nhân đau khổ. Sau đây là toàn văn
sứ điệp của ĐTC:
Sự
khôn ngoan của tâm hồn
“Tôi
đã là đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què” (G 29,15).
Anh
chị em thân mến, Nhân Ngày thế giới các bệnh nhân do Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo
Hoàng thiết lập, tôi ngỏ lời với tất cả anh chị em đang mang gánh nặng bệnh tật
và qua nhiều cách thức khác nhau, anh chị em đang kết hiệp với Chúa Kitô chịu
đau khổ; cũng như với anh chị em là những người chuyên nghiệp và những người
thiện nguyện trong lãnh vực y tế.
Chủ
đề năm nay mời gọi chúng ta suy niệm về câu nói của sách Ông Gióp: “Tôi đã là
đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què” (G 29,15). Tôi muốn thực hiện
việc suy niệm này trong viễn tượng “sự khôn ngoan của tâm hồn”, sapientia cordis.
1.
Sự khôn ngoan này không phải là một kiến thức lý thuyết trừu tượng, kết quả của
những lý luận. Đúng hơn, như thánh Giacôbê đã mô tả trong Thư của ngài, sự khôn
ngoan ấy “tinh tuyền, an bình, dịu dàng, bao dung, đầy lòng từ bi và những hoa
trái tốt lành, không thiên vị và thành thật” (3,17). Vì thế, đó là một thái độ
được Thánh Linh phú vào trong tâm trí của người biết cởi mở đối với đau khổ của
anh chị em mình và nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi họ. Do đó, chúng ta hãy
kêu cầu như trong Thánh Vịnh: “Xin dạy chúng con đếm những ngày đời chúng con
và chúng con sẽ được một tâm hồn khôn ngoan” (Tv 90,12). Trong sự khôn ngoan
này, là hồng ân của Thiên Chúa, chúng ta có thể tóm tắt những hoa trái của Ngày
Thế Giới các bệnh nhân.
2.
Sự khôn ngoan của tâm hồn là phục vụ anh chị em. Trong diễn văn của Ông Gióp, -
có chứa đựng những lời này: “Tôi đã là đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người
què” (G 29,15) - ta thấy nổi bật chiều kích phục vụ những người túng thiếu từ
phía ông Gióp người công chính, ông có uy tín và có một chỗ đứng được kính nể
nơi các kỳ lão trong thành. Uy tín tinh thần của ông được biểu lộ trong việc
phục vụ người nghèo xin ông giúp đỡ, cũng như săn sóc kẻ mồ côi và người góa
bụa (vv.12-13).
“Bao
nhiêu Kitô hữu ngày nay đang làm chứng tá, - không phải bằng lời nói, nhưng
bằng cuộc sống của họ được ăn rễ trong một đức tin chân thành, - là 'đôi mắt
cho người mù' và là 'đôi chân của người què!'. Họ là những người gần gũi các
bệnh nhân đang cần được giúp đỡ liên tục, giúp đỡ để tắm rửa, mặc quần áo, ăn
uống. Việc phục vụ này, nhất là khi nó kéo dài trong thời gian, có thể trở
thành vất vả và nặng nề. Phục vụ vài ngày thì dễ, nhưng thật khó chăm sóc một
người kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, cả khi người ấy không còn khả năng cám
ơn nữa. Nhưng đó thực là một đại lộ để thánh hóa! Trong lúc ấy ta có thể cậy
trông đặc biệt vào sự gần gũi của Chúa, và là một nâng đỡ đặc biệt cho sứ mạng
của Giáo Hội”.
3.
Sự khôn ngoan của tâm hồn là ở với người anh em. Thời gian trải qua cạnh người
bệnh là một thời gian thánh. Là chúc tụng Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta
được đồng hình dạng với Con của Ngài, Đấng đã không đến để được phục vụ, nhưng
để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người” (Mt 20,28). Chính
Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ở giữa các con như người phục vụ” (Lc 22,27).
Với
lòng tin sống động, chúng ta hãy cầu xin Thánh Linh ban cho chúng ta ơn hiểu
được giá trị của sự tháp tùng, nhiều khi trong thinh lặng, khiến chúng ta dành
thời giờ cho các anh chị em, nhờ sự gần gũi và phục vụ của chúng ta, họ cảm
thấy được yêu thương và an ủi hơn. Trái lại, thật là một sự dối trá trầm trọng
khi nấp đằng sau những kiểu nói nhấn mạnh rất nhiều về “chất lượng đời sống”,
để làm cho người ta tin rằng những sinh mạng bị tổn thương nặng nề vì bệnh tật
thì không đáng sống!”
4.
Sự khôn ngoan của tâm hồn là ra khỏi chính mình để đi tới người anh em. Thế
giới chúng ta nhiều khi quên giá trị đặc biệt của thời gian ở bên giường người
bệnh, bởi lẽ người ta bị vây bủa vì sự vội vã, miệt mài làm việc, sản xuất, mà
quên đi chiều kích nhưng không, chăm sóc tha nhân. Xét cho cùng, đàng sau thái
độ ấy thường có một đức tin nguội lạnh, quên mất lời Chúa nói: “Các con đã làm
điều ấy cho Ta” (Mt 25,40).
Vì
thế, một lần nữa tôi muốn nhắc nhớ “ưu tiên tuyệt đối cần 'ra khỏi mình để đến
với người anh em', như một trong hai giới răn chính làm nền tảng cho mọi qui
luật luân lý và như dấu chỉ rõ ràng nhất để phân định trên hành trình tăng
trưởng tinh thần đáp lại sự hiến thân tuyệt đối nhưng không của Thiên Chúa”
(Tông huấn “Niềm vui Phúc Âm”, 179). Từ chính bản chất truyền giáo của Giáo Hội
nảy sinh “đức bác ái thực sự đối với tha nhân, lòng cảm thương hiểu rõ, trợ
giúp và thăng tiến” (Ibid.)
5.
Sự khôn ngoan của tâm hồn là liên đới với người anh em mà không xét đoán họ.
Đức bác ái cần thời gian. Thời gian để chăm sóc người bệnh và thời gian để
viếng thăm họ. Thời gian để ở cạnh họ như các bạn hữu của Ông Gióp: “Rồi họ
ngồi cạnh ông trên đất, trong 7 ngày 7 đêm. Không ai nói gì với ông, vì họ thấy
nỗi đau khổ của ông rất lớn” (G 2,13). Nhưng các bạn Ông Gióp giấu kín trong
mình một phán đoán tiêu cực về ông: họ nghĩ rằng bất hạnh của ông là hình phạt
của Thiên Chúa đối với một tội của ông. Trái lại đức bác ái đích thực là chia
sẻ mà không xét đoán, không chủ trương hoán cải người khác; đức bác ái không có
sự khiêm nhường giả tạo, ngấm ngầm tình kiếm sự ủng hộ và hài lòng vì điều
thiện đã làm.”
Kinh
nghiệm của Ông Gióp chỉ tìm được câu trả lời chân thực trong Thập giá của Chúa
Giêsu, là hành vi liên đới tột đỉnh của Thiên Chúa với chúng ta, hoàn toàn
nhưng không, hoàn toàn từ bi. Đó là câu trả lời yêu thương đối với thảm trạng
đau khổ của con người, nhất là đau khổ của người vô tội, in đậm mãi mãi trong
thân mình Chúa Kitô phục sinh, trong những vết thương vinh hiển, là cớ vấp phạm
cho đức tin nhưng cũng là điều kiểm chứng đức tin (Xc Bài giảng lễ phong thánh
cho ĐGH Gioan 23 và Gioan Phaolô 2, 27-4-2014).
Cả
khi bệnh tật, cô đơn và tật nguyền thắng thế trong đời sống hiến thân của chúng
ta, kinh nghiệm về sự đau khổ có thể trở thành nơi ưu tiên để thông truyền ơn
thánh và là nguồn mạch để thủ đắc và củng cố sự khôn ngoan của tâm hồn. Vì thế
ta hiểu tại sao khi kết thúc kinh nghiệm, Ông Gióp ngỏ lời với Thiên Chúa và đã
có thể quả quyết rằng: “Trước kia con chỉ biết Chúa qua những lời nghe nói,
nhưng giờ đây mắt con đã thấy Chúa” (42,5). Cả những người chìm ngập trong mầu
nhiệm đau đớn khổ sở nếu đón nhận trong đức tin, cũng có thể trở thành những
chứng nhân sống động về một niềm tin giúp ở trong đau khổ, mặc dù con người,
với khả năng trí tuệ của mình, không có khả năng thấu hiểu đau khổ ấy.
6.
Tôi phó thác Ngày Thế giới các bệnh nhân cho sự bảo trợ từ mẫu của Mẹ Maria,
Đấng đã đón nhận Đấng Khôn ngoan nhập thể là Chúa Giêsu Kitô trong cung lòng
Mẹ.
Lạy
Mẹ Maria là Tòa Đấng Khôn Ngoan, trong tư cách là Mẹ, xin cầu bầu cho tất cả
các bệnh nhân và những người săn sóc họ. Xin làm cho chúng con, khi phục vụ tha
nhân đau khổ và qua chính kinh nghiệm khổ đau, chúng con có thể đón nhận và làm
tăng trưởng nơi chúng con sự khôn ngoan đích thực của tâm hồn.
Tôi
tháp tùng lời khẩn cầu này cho tất cả anh chị em cùng với phép lành Tòa Thánh
của tôi.
Vatican
ngày 3 tháng 12 năm 2014
Lễ
Thánh Phanxicô Xavie
Phanxicô
Giáo Hoàng
(G.
Trần Đức Anh OP chuyển ý)