SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2014 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Ngài đã nên khó nghèo để làm chúng ta giầu có với sự khó nghèo của Ngài (x.2Cr 8, 9)
Anh Chị Em thân mến,
Nhân dịp Mùa Chay, Tôi muốn gửi tới Anh Chị Em một vài suy tư, để chúng có thể giúp cho hành trình trở về của cá nhân và cộng đoàn. Tôi gợi ý từ câu của Thánh Phaolô : "Quả thực anh em nhận biết ơn của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô: từ giầu sang như Ngài vẫn là, Ngài đã trở nên nghèo khó vì anh em, để anh em trở nên giầu có nhờ sự nghèo khó của Ngài" (2Cr 8, 9). Thánh Tông đồ nói với các Kitô Hữu ở Corintô để khích lệ họ quảng đại trong việc giúp các tín hữu tại Giêrusalem đang rơi vào trong tình cảnh túng thiếu. Vậy các lời này, các lời của Thánh Phaolô trên đây, nói gì với chúng ta hôm nay? Điều gì được nói với chúng ta hôm nay, khi chúng ta được mời gọi sống khó nghèo, sống một đời sống nghèo khó theo nghĩa Phúc Âm.
Ân sủng của Đức Kitô
Trước tiên các lời này nói với chúng ta, để biết thế nào là lối hành xử của Thiên Chúa. Thiên Chúa không tự mặc khải với các phương thế của quyền lực và của sự giầu sang thế gian, nhưng với các phương thế của sự yếu đuối và của khó nghèo: " từ giầu sang như Ngài vẫn là, Ngài đã trở nên nghèo khó vì anh em, để anh em trở nên giầu có nhờ sự nghèo khó của Ngài" (2Cr 8, 9)". Đức Kitô, Con đời đời của Thiên Chúa, có cùng quyền năng và vinh quang với Chúa Cha, đã trở nên khó nghèo; Ngài đã xuống ở giữa chúng ta, đã nên gần gũi mỗi người trong chúng ta; đã lột bỏ chính mình, đã "giũ bỏ", để trong tất cả Ngài nên giống chúng ta (xem Pl 2, 7; Dt 4, 15). Đó là một mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa! Nhưng lý do của tất cả điều này, là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu là ơn sủng, là quảng đại, là mong ước sự gần gũi, và Ngài không ngần ngại trao ban chính mình và hy sinh chính mình cho các tạo vật được yêu thương. Đức ái, tình yêu là chia sẻ trong tất cả, số phận của người được yêu. Tình yêu làm người ta nên giống nhau, tạo ra sự bình đẳng, tình yêu đánh đổ các bức tường và những khoảng cách. Và Thiên Chúa đã làm điều này với chúng ta. Chúa Giêsu, quả thế, "đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ với lý trí của con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu thương với con tim con người. Khi sinh ra từ cung lòng Đức Nữ đồng trinh Maria, Ngài đã thực sự nên một người như chúng ta, trong tất cả, Ngài giống chúng ta ngoại trừ tội lỗi" (Công đồng chung Vatican II, Hiến chế mục vụ Vui mừng và hy vọng, số 22).
Mục đích của việc nên nghèo khó của Chúa Giêsu không phải là sự khó nghèo ở lại trong chính mình, nhưng - như Thánh Phaolô nói - " . . . để anh em trở nên giầu có nhờ sự khó nghèo của Ngài". Người ta không nói tới một lối chơi chữ, bằng việc bày tỏ liên hệ tới hậu quả! Trái lại đó là tổng hợp cái lý của Thiên Chúa, cái lý của tình yêu, cái lý của việc Nhập thể và của Thánh Giá. Thiên Chúa, Thiên Chúa đã không làm đổ xuống trên chúng ta ơn cứu chuộc từ trên cao, như của bố thí, cho những ai là thành phần, của cải như là điều dư thừa, với thái độ đạo đức yêu thương theo kiểu nhân loại. Đó không phải là tình yêu của Đức Kitô! Khi Chúa Giêsu bước xuống dòng nước ở sông Giorđanô và để cho mình được rửa bởi ông Gioan Baotixita, Ngài không làm điều đó vì cần thiết ơn thống hối, cần thiết việc trở về; Ngài làm việc đó để đặt mình ở giữa đám đông dân chúng, đang cần sự tha thứ, ở giữa chúng ta những người tội lỗi, và mang lấy trên mình gánh nặng của tội lỗi chúng ta. Và đó là cuộc sống mà Ngài đã chọn để an ủi chúng ta, để cứu chuộc chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi sự khốn cùng của chúng ta. Điều đánh động chúng ta là, Thánh Tông Đồ nói, chúng ta được giải thoát không phải nhờ sự giầu sang của Đức Kitô, nhưng là nhờ sự nghèo khó của Ngài. Tuy nhiên Thánh Phaolô biết rõ các "sự giầu sang bao la của Đức Kitô" (Ep 3, 8), "là người thừa hưởng tất cả mọi sự" (Dt 1, 2).
Vậy đâu là sự nghèo khó, mà nhờ đó Chúa Giêsu giải thoát chúng ta và làm chúng ta nên giầu sang? Và đó chính là cách thế yêu thương chúng ta của Ngài, việc Ngài làm cho mình nên gần gũi chúng ta như là Người Samaritano nhân hậu, người này đến gần nạn nhân đã bị bỏ rơi ở giữa đường, nửa sống nửa chết, trên khúc đường hiểm nghèo này (xem Lc 10, 24tt.). Điều trao ban cho chúng ta sự tự do đúng thực, ơn cứu rỗi đích thực và niềm hạnh phúc đích thực, là tình yêu cảm thông của Ngài, là sự dịu hiền và chia sẻ của Ngài. Sự nghèo khó của Đức Kitô làm cho chúng ta nên giầu có, là làm cho mình mang xác thịt, là việc Ngài mang lấy trên mình các yếu đuối của chúng ta, các tội lỗi của chúng ta, khi truyền đạt cho chúng ta lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Sự nghèo khó của Đức Kitô là sự giầu có lớn lao nhất: Chúa Giêsu giầu có về lòng tín thác không biên giới nơi Thiên Chúa Cha, giầu có tâm hồn phú thác mình nơi Chúa Cha trong mọi giây phút, giầu có, khi luôn đi tìm và chỉ tìm ý của Chúa và vinh quang của Chúa Cha. Ngài giầu có như một con trẻ giầu có cảm thấy mình được yêu thương và yêu thương cha mẹ của mình và không nghi ngờ một giây phút nào về tình yêu của cha mẹ và về sự dịu hiền của cha mẹ. Sự giầu có của Chúa Giêsu là việc Ngài là Con, mối liên hệ duy nhất của Ngài với Chúa Cha là ơn huệ đặc biệt tối cao của Đức Messia nghèo khó. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mang trên mình chúng ta ""gánh êm ái của Ngài, Ngài mời chúng ta làm cho mình nên giầu có vì sự "nghèo khó giầu có" của Ngài và "sự giầu có do nghèo khó" của Ngài, để chia sẻ với Ngài Thần Khí của Ngài, sự giầu có của con cái và của tình huynh đệ của Ngài, và trở nên những người con trong Người Con, anh em trong Người Anh Cả (xem Rm 8, 29).
Có sự buồn bã thực sự, đó là không thánh thiện (Léon Bloy); chúng ta cũng có thể nói rằng chỉ có sự khốn khó chính thực: là không sống như con cái của Thiên Chúa và như anh em của Đức Kitô.
Chứng tá của chúng ta
Chúng ta có thể suy nghĩ rằng "con đường" của sự khó nghèo này là con đường của Chúa Giêsu, trong khi, chúng ta đi theo Ngài, chúng ta lại nghĩ rằng có thể cứu rỗi thế giới với các phương thế thích hợp của con người. Không phải như thế. Trong mỗi thời đại và ở mỗi nơi, Thiên Chúa tiếp tục cứu rỗi con người và thế giới qua trung gian của sự khó nghèo của Đức Kitô, là Đấng trở nên nghèo khó trong các Bí Tích, trong Lời và trong Giáo Hội của Ngài, là dân của những người nghèo. Sự giầu có của Thiên Chúa không thể vượt qua do sự giầu có của chúng ta, nhưng luôn luôn và chỉ qua sự nghèo khó của chúng ta, sự nghèo khó cá nhân và cộng đoàn, được linh hoạt hóa nhờ Thần Khí của Đức Kitô.
Bắt chước gương của Vị Tôn Sư của chúng ta, các Kitô Hữu, chúng ta được kêu gọi để nhìn vào các nỗi khốn cùng của anh chị em, để đụng chạm tới các nỗi khốn khổ này, để gánh lấy các nỗi khốn cùng đó và hoạt động cách cụ thể hầu làm nhẹ bớt các cảnh cùng khổ đó. Sự khốn cùng không đồng nghĩa với sự nghèo khó; sự khốn cùng là sự nghèo khó không có niềm tín thác, không có tình liên đới, không có niềm hy vọng.
Chúng ta có thể phân biệt 3 loại khốn cùng: khốn cùng vật chất, khốn cùng luân lý và khốn cùng thiêng liêng.
Sự khốn cùng vật chất là sự khốn cùng, một cách chung, được gọi là sự nghèo khó và đụng chạm tới biết bao nhiêu người đang sống trong điều kiện không xứng với phẩm giá con người: họ thiếu các quyền lợi căn bản và các của cải cần thiết nhất như lương thực, nước uống, các điều kiện vệ sinh, công ăn việc làm, thiếu những cơ hội làm con người phát triển và lớn lên về phương diện văn hóa. Đứng trước sự khốn cùng này Giáo Hội cống hiến sự phục vụ của mình, việc phục vụ - diakonia của mình, để làm thỏa mãn các nhu cầu và chữa lành các vết thương đang làm xấu đi bộ mặt của nhân loại. Trong những người nghèo khó và những người rốt hết, chúng ta nhìn ra bộ mặt của Đức Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo khó, chúng ta yêu mến và phục vụ Đức Kitô. Sự dấn thân của chúng ta cũng hướng về điều, làm sao để không còn trong thế giới các vi phạm tới nhân phẩm con người, các kỳ thị và lạm dụng, mà trong biết bao nhiêu trường hợp, là nguồn của sự khốn cùng. Khi có quyền lực, sự hoang phí và tiền bạc trở nên thần tượng, chúng phài làm ngược lại bằng sự đòi hỏi một sự phân phối đồng đều của các sự giầu có. Vì thế, điều cần thiết là các lương tâm hãy trở về với công bình, với bình đẳng, với sự thanh khiết và chia sẻ.
Điều khác cũng không kém lo lắng, đó là sự khốn cùng về mặt luân lý, hệ tại việc trở nên nô lệ cho tật xấu và cho tội lỗi. Bao nhiêu gia đình sống trong sự lo âu bởi vì có một ai trong các thành phần - thường là người trẻ - rơi vào cảnh nghiện ngập rượu chè, ma túy, chơi bời, dâm ô! Biết bao nhiêu người đã mất đi ý nghĩa về cuộc sống, thiếu những viễn tượng về tương lai và mất đi niềm hy vọng! Và biết bao nhiêu người bị bó buộc sống trong sự khốn cùng này với những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, là điều đưa tới tình trạng thiếu cả phẩm giá, đòi hỏi để đem cơm bánh về nhà, mà không có được, rồi tình trạng thiếu sự bình đẳng về các quyền được giáo dục và sức khỏe. Trong những trường hợp này, sự khốn cùng luân lý có thể được gọi là hành động tự vẫn một cách thể chấp nhận được. Hình thức khốn cùng này, cũng là nguyên cớ đưa tới tình trạng làm cho nền kinh tế bị phá hủy; và điều này luôn gắn liền với sự khốn cùng thiêng liêng, ảnh hưởng tới chúng ta, khi làm chúng ta xa Thiên Chúa và chối bỏ tình yêu của Ngài. Nếu chúng ta cho rằng không cần Thiên Chúa, cho chấp nhận Đức Kitô đang giang tay ra đón chúng ta, khi chúng ta suy nghĩ về thái độ cho tự cho là đủ đối với chính chúng ta, thì chúng đang đi trên con đường phá sản. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, thực sự có thể cứu chúng ta và giải thoát chúng ta.
Phúc Âm là thuốc trị độc đích thực, chống lại sự khốn cùng thiêng liêng: người Kitô được kêu gọi mang tới từng môi trường việc loan báo giải thoát hiện hữu có sức tha thứ điều dữ đã phạm; Thiên Chúa là Đấng lớn hơn tội của chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng không, luôn luôn, và chúng ta được làm nên để hiệp thông và cho cuộc sống đời đời. Chúa mời gọi chúng ta nên những người loan báo với lòng hân hoan sứ điệp về lòng thương xót và về niềm hy vọng! Thật đẹp, khi cảm nghiệm được niềm vui và làm lan tràn tin vui này, là chia sẻ kho tàng được trao phó cho chúng ta, để an ủi các tâm hồn bị tan nát và trao ban niềm hy vọng cho biết bao nhiêu anh chị em đang bị vùi giập vào trong bóng tối. Người ta bàn về việc đi theo và bắt chước Chúa Giêsu, Đấng đã đi về phía những người nghèo khó và những người tội lỗi, như là vị mục tử hướng về đoàn chiên bị thất lạc, và Ngài ra đi tràn đầy tình yêu. Hiệp nhất với Ngài chúng ta có thể can đảm mở ra những con đường mới đi rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người.
Anh Chị Em thân mến, chớ gì thời gian Mùa Chay này giúp tìm lại Giáo Hội trọn vẹn, sẵn sàng và hăng say trong việc làm chứng tá sứ điệp Phúc Âm cho những người sống trong sự khốn cùng vật chất, luân lý và thiêng liêng, sứ điệp được tóm lại trong sự loan báo tình yêu của Chúa Cha đầy lòng thương xót, sẵn sàng ôm ấp mọi người trong Đức Kitô. Chúng ta có thể làm điều này, tùy theo mức độ chúng ta được nên đồng hình dạng với Đức Kitô, là Đấng nên nghèo khó và đã làm cho chúng ta nên giầu có với sự nghèo khó của Ngài. Mùa Chay là thời gian thích hợp để lột bỏ đi; và Mùa Chay sẽ làm chúng ta tự hỏi chính mình là: chúng ta có thể để cho mình thiếu đi những điều gì, để giúp đỡ và làm người khác nên giầu có, nhờ sự khó nghèo của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng sự khó nghèo đích thực đem lại đau đớn: một sự lột bỏ không giá trị, khi không có chiều kích thống hối. Tôi không tin vào sự bố thí không phải trả giá và không đau đớn.
Chúa Thánh Thần, Đấng mà nhờ Ngài "chúng ta nên như người nghèo khó, nhưng có khả năng làm giầu có nhiều người;như những người không có gì cả, nhưng trái lại, chúng ta đang chiếm đoạt được tất cả" (2Cr 6, 10), xin Ngài nâng đỡ các quyết định của chúng ta và làm cho nên mạnh mẽ trong chúng ta, sự chú ý và trách nhiệm với sự khốn cùng của nhân loại, để trở nên những người xót thương và những người thi hành lòng thương xót.
Với lời cầu chúc này, Tôi bảo đảm với Anh Chị Em về lời cầu nguyện của Tôi, để mọi tín hữu và mọi cộng đoàn trong Giáo Hội đi vào hành trình Mùa Chay với kết quả, và Tôi xin Anh Chị Em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho Anh Chị Em và xin Đức Mẹ gìn giữ Anh Chị Em.
Tại Điện Vatican, ngày 26 tháng 12 năm 2013. Lễ Thánh Stephanô, phó tế và tử đạo tiên khởi.
PHANXICÔ
(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo chí Tòa Thánh phổ biến ngày 04-02-2014. Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 05-02-2014).