Sửa
lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng phải tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói
gây thương tích và giết chết tha nhân
Sửa
lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng phải tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói
gây thương tích và giết chết tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên
với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyền
Tin trưa Chúa Nhật 7-9-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.
Trong
bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm Chúa Nhật và nói:
Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay giới thiệu đề tài sửa lỗi huynh đệ trong cộng đoàn
tín hữu: nghĩa là tôi phải sửa lỗi một kitô hữu khác như thế nào, khi anh ta
làm một điều không tốt. Chúa Giêsu dậy chúng ta rằng nếu người anh em kitô của
tôi phạm một lỗi chống lại tôi, xúc phạm đến tôi, tôi phải dùng lòng bác ái đối
với người đó, và trước hết nói chuyện với họ một cách cá nhân, bằng cách giải
thích cho họ rằng điều họ đã nói hay đã làm không tốt. Và nếu người anh em đó
không nghe tôi thì sao? Chúa Giêsu gợi ý một sự can thiệp tiệm tiến: trước hết
trở lại nói chuyện với họ với hai hay ba người, để họ ý thức hơn về lỗi lầm họ
đã làm. Nếu mặc dù thế họ không đón nhận lời khích lệ, thì phải nói với cộng
đoàn; nếu người ấy cũng không nghe cả cộng đoàn nữa, thì phải làm cho họ nhận
thức được sự bẻ gẫy và xa cách, mà chính họ đã gây ra, khiến cho sự hiệp thông
với các anh em khác trong đức tin bị giảm thiểu đi. Các chặng của lộ trình này
cho thấy Chúa xin cộng đoàn của Người đồng hành với kẻ lầm lỗi để họ đừng hư mất.
Trước hết cần phải tránh sự ồn ào của tin tức và sự bép xép của cộng đoàn - đó
là điều đầu tiên phải tránh – “Hãy đi và sửa lỗi người anh em, con với nó mà
thôi” (c. 15). Thái độ là sự tế nhị, cẩn trọng, khiêm tốn, chú ý đối với người
đã phạm một lỗi, bằng cách tránh các lời nói có thể gây thương tích và giết
chết người anh em. Bởi vì anh chị em biết, các lời nói có thể giết người! Đức
Thánh Cha minh giải điều này như sau:
Khi
tôi nói xấu nói hành, khi tôi có một lời chỉ trích bất công, khi tôi “lột da” một
người anh em với cái lưỡi của tôi, đó là giết chết danh dự của người khác.
Chúng ta phải để ý tới điều này. Đồng thời sự kín đáo nói chuyện với người đó
một mình không có mục đích làm nhục người có tội một cách vô ích. Nói chuyện
giữa hai người, không ai nhận thấy và tất cả kết thúc. Chính dưới ánh sáng của
đòi buộc này mà chúng ta cũng hiểu được các loạt can thiệp tiếp theo, dự kiến
sự tham dự của vài chứng nhân, và rồi cả cộng đoàn nữa. Mục đích là giúp người
anh em ý thức được điều họ đã làm, và với lỗi lầm của họ, họ đã không chỉ xúc
phạm tới một người khác, mà xúc phạm tới tất cả mọi người. Nhưng cũng là để
giúp chúng ta giải thoát mình khỏi sự giận dữ hay oán hận, chỉ gây đau đớn; nỗi
cay đắng của con tim đem lại sự giận dữ và đau xót, và khiến cho chúng ta chửi
rủa và gây hấn. Thật rất xấu, thấy ra khỏi miệng một kitô hữu một lời chửi rủa
hay một gây hấn. Thật là xấu! Hiểu chưa? Không có chửi rủa nhé! Chửi rủa không
phải là kitô. Anh chị em hiểu chưa?
Tiếp
tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Thật ra, trước mặt Thiên Chúa chúng ta tất
cả là những người tội lỗi cần được tha thứ. Tất cả. Thật vậy Chúa Giêsu dạy
chúng ta đừng xét đoán. Việc sửa lỗi huynh đệ là một khía cạnh của tình yêu
thương và sự hiệp thông, phải ngự trị trong cộng đoàn kitô; nó là một phục vụ
mà chúng ta có thể và phải làm cho nhau. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:
Sửa
lỗi người anh em là một phục vụ, và nó chỉ có thể và hữu hiệu, nếu mỗi người
thừa nhận mình là kẻ có tội, cần được ơn tha thứ của Chúa. Cùng ý thức đó giúp
tôi nhận biết sai lầm của người khác, nhưng trước đó nữa nó nhắc cho tôi biết
rằng rằng tôi đã sai sai lầm, và sai lầm biết bao nhiêu lần. Chính vì thế vào
đầu mỗi Thánh Lễ chúng ta được mời gọi thừa nhận trước mặt Chúa chúng ta là kẻ
có tội, bằng cách diễn tả ra bằng các lời nói và các cử chỉ sự thống hối chân
thành của con tim. Và chúng ta nói: “Xin thương xót con, lậy Chúa. Con là kẻ có
tội! Lậy Thiên Chúa Toàn Năng, con xưng thú các tội lỗi của con”. Chứ chúng ta
không nói: “Lậy Chúa xin thương xót cái ông bên cạnh con đây, hay cái bà kia,
là những kẻ tội lỗi”. Không. “Xin thương xót con!” Chúng ta tất cả đều là những
người tội lỗi và cần sự tha thứ của Chúa. Chính Chúa Thánh Thần nói với thần
trí chúng ta, và làm cho chúng ta nhận biết các lỗi lầm của chúng ta dưới ánh
sáng lời Chúa Giêsu. Và cũng chính Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tất cả, thánh
thiện và tội lỗi, đến bàn tiệc của Ngài, bằng cách quy tụ chúng ta từ mọi ngã
tư đường, từ các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống (x. Mt 22,9-10). Và trong số
các điều kiện chung cho các người tham dự buổi cử hành thánh thể, có hai điều
nền tảng, hai điều kiện để đi tham dự Thánh Lễ: chúng ta tất cả là người tội
lỗi, và Thiên Chúa ban lòng thương xót của Ngài cho tất cả mọi người. Đó là hai
điều kiện mở toang cửa cho chúng ta vào dự Thánh Lễ cách tốt đẹp. Chúng ta phải
luôn nhớ điều ấy trước khi đi sửa lỗi người anh em. Chúng ta hãy xin tất cả
những điều này qua sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, mà ngày mai
chúng ta mừng sinh nhật của Mẹ.
Tiếp
đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi
người.
Sau
Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xin mọi người cầu nguyện cho cuộc ngưng chiến
và đối thoại liên quan tới Ucraina, trong cái luận lý của sự gặp gỡ, có thể
tiếp tục và đem lại nhiều hoa trái, mặc dù có các tin tức đau buồn. Ngài cầu
mong cuộc ngưng chiến có thể thoa dịu nỗi khổ đau của dân chúng và góp phần
mang lại hòa bình lâu bền. Ngài cũng hiệp ý với các Giám Mục Lesotho lên án mọi
hành động bạo lực và kêu gọi tái lập hòa bình trong công lý và tình huynh đệ
cho vùng đất này.
Đức
Thánh Cha cũng khích lệ 30 thiện nguyện viên của Hội Hồng Thập Tự Italia sang
trợ giúp người tỵ nạn tại Dohuk gần Erbil bên Irak. Ngài chúc lành cho họ và
tất cả những ai tìm cách trợ giúp một cách cụ thể các anh chị em bị bách hại và
đàn áp này.
Sau
khi chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau Đức Thánh Cha nhắc lại cho mọi người biết
thứ hai hôm nay là lễ Sinh Nhật Đức Mẹ. Khi có mẹ mừng lễ sinh nhật, thì con
cái chào và chúc mừng mẹ. Ngay từ sáng nay ngài xin mọi người chào và chúc mừng
Mẹ Maria và đọc một Kinh Kính Mừng với trọn con tim. Ngài cũng xin mọi người
cầu nguyện cho ngài nữa.
Linh
Tiến Khải