Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 20

CHỦ NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN

E7T7EUCA5IUD19CAF05AAMCAI3I87NCAYQF6RQCACNXHJICABIW08LCA2LO4NXCABQ840DCA5RYRXHCA51F23UCAS2D4VTCABURBXLCAXW1TQCCAC88JIFCA9JCK1RCA86LXYJCAB8JQ29CA6YMU0K.jpgLà người Ki tô hữu, chúng ta phải dấn thân, và nhiều khi sự trung thành dấn thân đụng chạm tới cách phán đoán của nhiều người. Đừng bao giờ ngần ngại, và lo sợ, nhưng hãy kín múc sức mạnh từ lòng can đảm vô biên của Chúa Giê su, Ngài đã kiên trì đến cùng, và với sự nâng đỡ của những người đi trước chúng ta..

Tiên tri Gr 38,4-6.8-10

Suốt cuộc đời của mình, Giê rê mi a, con người hiền hòa có trái tim đễ rung động, không ngừng tố cáo những ảo tưởng của một Dân tộc tìm kiếm sự an ninh của mình nơi các phương tiện vũ lực. Ông không ngừng chịu đựng cuộc bách hại bởi vì người ta tố cáo ông có tinh thần bạc nhược và cộng tác với quân địch. Đối với chúng ta là những ki tô hữu, ông là tiền trưng cho Đức Ki tô, bị khước từ bởi chính những kẻ mà Ngài đến ban cho sự bình an và ơn Cứu độ.

Thánh vịnh 39

Trong quá khứ, Thiên Chúa đã cứu thoát Tôi tớ của Ngài khỏi tình cảnh khốn khổ như Người đã làm cho Tiên tri Giê rê mi a. Người tôi tớ nầy nói lên lời tạ ơn và xin Người tiếp tục công cuộc cứu độ.

Hr 12,1-4

Người Ki tô hữu được mời gọi chia sẻ đường đi của tất cả các tín hữu Cựu Ước chỉ nhìn thấy Đấng Messia từ rất xa. Chúa Giê su đã phải đương đầu với sự chống đối mà những ai muốn làm chứng cho Ngài cũng phải đối mặt. Chúng ta đừng để mình bị thất vọng khi tất cả mọi người từ bỏ chúng ta.

Tin mừng Lc 12,49-53

NGỮ CẢNH

Phần cuối cùng của diễn từ gom lại một vài lời mà Chúa Giê su đã nói trong nhiều hòan cảnh khác nhau: Ngài nói về chính mình, về các mục tiêu và kết quả nơi sứ vụ của Ngài.

TÌM HIỂU

Thầy đã đến: Chúa Giê su, đấng phải đến (12,36), nhắc lại tại sao Ngài đã được sai đến giữa lòai người (x. 4,18; 5,32;19,10).

Lửa: Gioan Tẩy giả loan báo một phép rửa trong Thánh Thần và lửa (3,16), trong một ngữ cảnh phán xử. Có lẽ ông nghĩ đến khía cảnh thiêu hủy của lửa (3,9.17) như các môn đệ trong 9,54.

Thật ra Chúa Giê su nói về lửa trong những lần Thiên Chúa tỏ hiện (x. thí dụ Xh 3,2: bụi gai bốc cháy), và nhất là lửa của Thánh Thần, vừa là ánh sáng, sức nóng, vừa là tình yêu và lan truyền như một đám cháy trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3-11). Lửa ấy sẽ xuống trên Chúa Giê su khi Ngài lãnh nhận phép rửa sự chết.

Phép rửa: đây không phải là một hình ảnh hoàn toàn song song với hình ảnh trước. Xét theo vài khía cạnh nào đó, nó đối ngược lại. Trong khi lửa diễn tả mục tiêu sứ mạng của Chúa Giê su, thì phép rửa nói lên một điều kiện bất ngờ, vì sự đối kháng của con người. Thật vậy, ở đây hình ảnh ấy bao hàm một sự dìm mình của Chúa Giê su trong dòng nước sự chết (x. Mc 10,38; Rm 6,3-5); phép rửa trong sông Gior đa nô chỉ là tiên báo (3,21). Chỉ với phép rửa thì sứ mạng của Ngài mới hoàn tất. Và Chúa Giê su muốn rằng phép rửa ấy xảy ra càng sớm càng tốt. Từ đây đến đó, Ngài phải tỏ ra kiên trì cũng như các môn đệ của Ngài phải kiên trì trước việc Ngài chậm trở lại (12,36).

Hòa bình: cũng như lửa và phép rửa, cần phải phân biệt mục tiêu mà Chúa Giê su nhắm đến, đó là hòa bình mà chắc chắn Ngài sẽ mang lại (2,14;10,5) và kết quả: sự chia rẽ giữa người với người trong cùng một gia đình. Không được lẫn lộn mục tiêu và kết quả.

Chúa Giê su là dấu chỉ của sự đối kháng (2,34). Ngài đã muốn thiết lập một gia đình mới, to lớn rộng rãi hơn gia đình tự nhiên, được đặt trên nền tảng sự mau mắn lắng nghe Lời Thiên Chúa (8,21).

Cha: đây là một cuộc chạm trán giữa các thế hệ chứ không phải giữa anh em. Tiên tri cuối cùng của Cựu Ước loan báo rằng ông Ê lia sẽ trở lại để hòa giải cha với con (Ml 3,23-24) và Gioan Tẩy giả cũng đã được giới thiệu như thế (1,17). Thế nhưng điều không thể tránh khỏi là lời rao giảng của Chúa Giê su đã gây ra những phản ứng khác biệt và đối kháng nhau (x. dụ ngôn người gieo giống: 8,4-15).

Lối thoát của những cuộc chạm trán nầy chỉ có thể là công việc của Thánh Thần trong các tâm hồn: chỉ bấy giờ hình an của Đấng Phục sinh (24,36) sẽ ngự trị trên tất cả và trong tất cả.

SỨ ĐIỆP

“Ta mang lửa từ trời xuống đất..” Làm sao mà những lời nói đầy bạo lực như vậy lại có thể phát ra từ miệng Chúa Giê su? Chúng ta cảm thấy bị bất ngờ, vì chúng ta chưa hiểu đúng tin mừng. Tin mừng không phải là một quyển tiểu thuyết, nhưng là một quyển sách có lửa, khiêu khích người đọc. Và nếu đọc kĩ, người ta không thể không bị thương tích vì nó.

Lửa mà Chúa Giê su muốn thấy chính là lửa tình yêu ở trong Ngài. Nó phải được lan truyền ra trong các gia đình, các trường học và trên toàn thế giới. Thứ lửa thiêu đốt Đức Ki tô đó chính là lửa tình yêu Ba ngôi. Ngài đã yêu thương con người như Thiên Chúa Cha đã yêu thương. Người đã đi bước trước đến với họ. Người đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vô biên vượt quá tất cả những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Chúng ta không thể yêu hơn hay tốt như Người được. Mãi mãi chúng ta không bao giờ khám phá hết sự cao cả ấy.

Chính ngọn lửa thiêu đốt ấy là điều Đức Ki tô muốn truyền lại cho chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đó chính là tình yêu sung mãn mà Đức Ki tô muốn chuyển thông cho chúng ta. Chúng ta phải cố gắng tin rằng những đóm lửa hiện xuống cũng đậu trên đầu chúng ta và đã bừng cháy lên. Từ nay mục đích cuộc sống chúng ta hoàn toàn để khêu lên ngọn lửa ấy. Ngọn lửa ấy phải được lan rộng khắp thế gian qua hành động của những người thiện chí. Một ngày nọ, một thầy dòng đến gặp cha bề trên và thưa: “Thưa Cha, con trung thành giữ luật nhà, ăn chay, cầu nguyện. Con thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi tư tưởng xấu. Vậy con cần phải làm gì nữa?”. Cha bề trên đáp lại: “Còn phải làm điều nầy là biến chính mình con hòan toàn thành ngọn lửa”.

Ngọn lửa ấy, chính là ngọn lửa nung nấu. Ai trong chúng ta cũng đều mong đứng gần lò sưởi khi trời giá lạnh bên ngòai. Tình yêu Đức Ki tô sưởi ấm những tâm hồn giá lạnh và đóng băng vì những biến cố của cuộc đời. Chúng ta hãy nhớ các môn đệ làng Em maus: “Tâm hồn chúng ta lại đã không bừng cháy lên khi Ngài cắt nghĩa Thánh Kinh cho chúng ta đó sao?” Cũng thế, chúng ta có thể lan truyền ngọn lửa Tình yêu ấy bằng cách sưởi ấm những người tuyệt vọng trong thế giới chúng ta. Chính qua chúng ta mà Đức Ki tô yêu thương và cứu vớt họ.

Ngọn lửa ấy cũng là ngọn lửa soi sáng. Và nói đến đây, tự nhiên chúng ta nghĩ đến ánh sáng mặt trời. Đó là hình ảnh của  ánh sáng Thần Linh nơi chính Đức Ki tô đã giải sáng trên thế gian của chúng ta. Lời Ngài đến chiếu sáng cuộc đời chúng ta và ban cho nó một ý nghĩa. Chính Ngài đến với chúng ta như ánh sáng của trần gian. Ánh sáng ấy được chuyển giao cho chúng ta ngày chúng ta chịu phép Rửa. Giờ đến phiên chúng ta hãy mang nó và chiếu giải nó trong thế gian đã mất phương hướng nầy. Chúng ta sẽ là ánh sáng khi công bố tin mừng và sống trong tình yêu Tin mừng. Một ngạn ngữ châu Phi nói rằng: “ Nơi nào người ta thương mến nhau thì nơi đó không còn bóng tối ”.

Một đặc tính khác nữa của lửa, là thanh tẩy. Nó tiêu hủy mọi thứ rác rưởi. Nó đốt thành tro tất cả những gì vô ích. Lời Đức Ki tô có sức mạnh thanh tẩy của lửa. Lời tiêu hủy tất cả những gì phản lại tình yêu. Một ki tô hữu không thể chúc lành tất cả những gì mang danh nghĩa là “hiện đại” ở trong thế giới hiện nay. Có những luật lệ và cách sống “hiện đại” mà Hội Thánh không chấp nhận vì chúng đi ngược lại với tin mừng. Vì thế chúng ta phải tố cáo nó, như lời khuyến cáo của tiên tri Ê dê ki ên đã nói: “Nếu ngươi không bảo những kẻ xấu bỏ cách sống tội lỗi của nó, thì nó sẽ chết vì tội của nó. Nhưng ngươi ta sẽ đòi nợ máu của người”.

Đó là ngọn lửa tình yêu mà Chúa Giê su đến để đốt lên. Điều Ngài mong muốn không gì khác hơn là tiếp sức cho Ngọn lửa ấy cháy mãi để không bao giờ tàn lụi. Để nó có thể tiếp tực sưởi ấm và soi sáng, cần phải có những khúc củi chấp nhận chết đi và thiêu cháy. Ngọn nến đẹp lung linh nhưng sáp thì phải trả giá. Tình yêu vô biên của Đức Ki tô được mạc khải trên thập giá, nhưng với giá của cả một cuộc đời vất cả làm việc và rao giảng. Nếu chúng ta muốn ngọn lửa tình yêu ấy được lan truyền trong thế gian, thì nó cũng phải được tiếp sức bởi những cố gắng và hi sinh của chúng ta. Phải để những điều ích kỉ và tầm thường trong chúng ta bị thiêu hủy.

Nếu chúng ta chọn sống theo đúng từng chữ những lời dạy của Đức Ki tô, sẽ có tranh chấp giữa mẹ và con gái, mẹ chồng và nàng dâu. Những cuộc tranh chấp đó không phải là mục tiêu mà Đức Ki tô nhắm đến, nhưng thường khi là hậu quả đến từ cuộc sống trung thành với tin mừng.

Thật vậy, trong cùng một gia đình có những người gắn bó với Đức Ki tô và những người từ khước Ngài. Lời của Ngài mời gọi chúng ta hãy chọn lập trường chống lại tất cả những gì ngược lại tình yêu, ngay cả bên trong chính gia đình chúng ta.

Chúng ta đang sống trong một thế giới băng giá vì ích kỉ, vì cá nhân chủ nghĩa và vô nghĩa. Để hoàn thành sứ mạng của mình, Giáo hội cần đến những người tín hữu có tâm hồn lửa. Francois Mauriac đã viết; “Nếu bạn là môn đệ Đức Ki tô, nhiều người sẽ nhờ ngọn lửa ấy mà sưởi ấm. Nhưng có những ngày mà bạn không đốt nóng bằng tình yêu, thì những người khác sẽ chết vì lạnh lẽo”. Vâng, đúng là như vậy, ở dưới đất nầy chúng ta hãy để cho tâm hồn chúng ta được thiêu đốt bằng chính tình yêu ở trong Thiên Chúa.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên - Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XX Thường Niên - Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XX Thường Niên - Đaminh Trần văn Tân, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XX Thường Niên - Nt. Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm A-Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên- Lm. Duy Khang

Các bài viết cũ hơn