Danh thánh
Giê-su, quà tặng của tình
yêu cứu độ
LỜI CHÚA: Mt 19, 23-30
(23) Bấy giờ Ðức
Giêsu nói với các môn đệ của Người: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có
khó vào Nước Trời. (24) Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà
chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa". (25)
Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: "Thế thì ai có thể được
cứu?" (26) Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: "Ðối
với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự
đều có thể được".
(27) Bấy giờ ông
Phêrô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi
sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?" (28) Ðức Giêsu đáp:
"Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời
tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười
hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ítraen. (29) Và phàm ai bỏ nhà
cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được
gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
(30) "Nhiều kẻ
đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng
đầu".
SUY NIỆM
“…người giầu
có khó vào nước Trời…”
Đơn giản vì
người giầu có dễ dìm mình trong của cải, tin ở những gì mình đang nắm giữ trong
tay, giống như chàng thanh niên giầu có, no đủ
trong của cải, bình an giữa mọi người nhờ ăn ngay ở lành, thương giúp mọi
người. Thế nhưng thực tế chính của cải lại giữ chân anh lại, che khuất tầm nhìn
để anh không nhìn thấy kho tàng trên trời, và vì thế con đường Giê-su vừa được
mở ra cũng vội khép lại, để anh trở về trong nỗi buồn bất tận.(x.Mt 19,21-22)
Ni-cô-đê-mê
một thủ lãnh của người Do Thái, một bậc thầy, một loại người giầu của dân Chúa bấy
giờ. Đức Giê-su đã chỉ cho ông thấy nước Thiên Chúa, bảo ông nhìn về phía trước,
nhưng ông lại nhìn về đàng sau, nhìn vào bụng mẹ. Người còn cầm tay dắt ông vào
nước Thiên Chúa, qua cuộc tái sinh nhờ nước và Thần Khí, “sinh ra một lần nữa bởi
ơn trên”, nhờ quyền năng Thiên Chúa,
nhưng mang tiếng là bậc thầy mà ông lại ngẩn ngơ hỏi :”làm sao những
chuyện ấy xẩy ra được”. Một bậc thầy nhưng cái đầu nhỏ bé quá, chỉ quen lý luận
theo thói đời, chỉ giỏi chuyên đời thì làm sao hiểu được chuyện trên trời. (x.Ga
3,…)
“Tuy nhiên
đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”
Một
Gia-kêu, đứng đầu những người thu thuế và là người giầu có, mang trên vai hai
gánh nặng :
-
Gánh nặng bản thân vì ông cứ phải đuổi theo tiền bạc với
danh vọng.
-
Gánh nặng lương tâm vì tiền bạc mà ông tước đoạt của
người khác.
Từ trên cây
ông nhìn thấy một Giê-su chan hòa giữa đám đông, lôi cuốn đám đông. Một vòng
tay ôm trọn những con người nghèo khổ, cùng
đi tới trong an bình và hoan lạc, nhẹ nhàng và thanh thản, và ông khao
khát được nhập đoàn với Người. Giê-su đã cho ông vượt quá điều ông mơ ước:
“Gia-kêu xuống mau, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông. Từ trên cây tụt xuống,
ông trút bỏ hai gánh nặng :
-
”trút bỏ gánh nặng bản thân, để ông biết chia sẻ :”
đây phân nửa tài sản của tôi, xin cho người nghèo”
-
Trút bỏ gánh nặng lương tâm bằng cách đền bù : “ nếu
tôi chiếm đoạt của ai., tôi xin đền gắp bốn”
Thật thanh thản, Gia-kêu chạm chân vào vương quốc của tình yêu cứu độ : “hôm
nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,1-10)
Thế còn những
ai đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giê-su, họ sẽ nhận lại những gì ?
Thực chất, Người
môn đệ muốn gì khi cất bước lên đường theo Thầy?
“…những người
đã theo thầy, thì đến thời tái sinh…”
và thời tái
sinh đã đến trong ngày hiện xuống.
Nhờ Thánh
Thần, hội thánh sơ khai đã đứng ra tuyên bố : “Đức Giê-su mà anh em đã treo
trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô”.
Bây giờ thì
người môn đệ đã nhận ra phần thưởng dành cho mình là được chung phần với Thầy,
được “nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-re-sa-lem”
(Lc 24,47).
“ …ai bỏ cha
mẹ, anh em, chị em, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội, và còn được sự sống vĩnh
cửu làm gia nghệp”.
Cái được của
người môn đệ cuối cùng là gì? - là niềm vui của những con tim bừng cháy, không
ngừng loan báo danh Giê-su, sống chết nhân danh Giê-su, sẵn sàng đứng ra làm chứng,
cùng với Thánh Thần.
Chả thế mà
trong lần 12 tông đồ cùng bị bắt, trước khi được thả ra mỗi ông còn bị một trận
đòn tơi tả. Các ông đã không nhăn nhó hay kêu than, trái lại “các Tông Đồ ra
khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì
danh Đức Giê-su” (Cv 5, 41).
Lòng hân
hoan vì được chung phần với Thầy.
“Vì dưới gầm
trời này không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải
nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12).
Danh Giê-su
đã được ban tặng, người môn đệ có gì trong cuộc đời rao giảng ngoài Danh Giê-su
: “vàng bạc tôi không có, nhưng cái tôi có tôi trao anh đây : Nhân danh Đức
Giê-su người Nagiaret…”. Dĩ nhiên, Người môn đệ không nhân danh một Giê-su ở
đâu đó, nhưng nhân Danh Giê-su mà tôi có, gắn bó không rời.
Bao lâu
trên con đuờng làm môn đệ thì luôn có “Giê-su đi với mình, nói với mình, thở với
mình, làm việc với mình. Cảm thấy Giê-su đang sống cùng mình giữa sứ vụ loan
truyền danh Thánh…(x. EG 266).
Cứ thế, bước
đường của người môn đệ sẽ là lời kinh tạn ơn bất tận.
Đaminh Trần
văn Tân, SJ.