CHÚA NHẬT TUẦN XX THƯỜNG
NIÊN NĂM C
THEO CHÚA – LÀ DÁM CHẤP
NHẬN MỌI SỰ VÌ CHÚA
Tin Mừng Lc
12,49-53
49 Khi ấy, Đức
Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy
những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! 50 Thầy còn một
phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn
tất !
51 “Anh em tưởng
rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết :
không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm
người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại
ba. 53 Họ sẽ chia rẽ
nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha ; mẹ chống lại con gái,
con gái chống lại mẹ ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
Suy niệm
Trong một
cuộc gặp gỡ với các anh chị dự tòng và tân tòng, một bạn chia sẻ: “Tôi theo Chúa
đã được gần 5 năm, quãng thời gian vừa qua, nếu cứ nhìn cách tự nhiên thì tôi
phải chịu mất mát thiệt thòi nhiều quá. Tôi theo Chúa không được sự đồng ý của
gia đình, vì thế, tôi bị chính người thân trong gia đình nhìn mình như kẻ bị
covid. Họ xa tránh tôi và coi tôi như kẻ vô ơn bất hiếu. Hơn nữa, họ còn xem tôi
như kẻ mang sự xui xẻo về cho gia đình. Có những lúc tôi cảm thấy rất buồn vì điều
này, nhưng trong thâm tâm khi cầu nguyện, tôi cảm thấy tâm hồn mình rất bình an,
không buồn nữa. Tôi thầm cầu cùng Chúa cho những người thân của mình cũng nhận
biết Chúa và tôi tìm mọi cơ hội để nói về chọn lựa niềm tin của tôi với họ.”
Thưa quý OBACE, theo Chúa không bao giờ là điều
dễ dàng, sống theo Tin Mừng luôn là một đòi hỏi lội ngược dòng; thuộc về Chúa
Kitô luôn bị người đời nghi kỵ; vì Chúa mà cuộc đời luôn phải chiến đấu giằng
co. Đó chính là kinh nghiệm của nhiều người trong chúng ta. Lời Chúa tuần XX này
cho thấy những khó khăn thử thách vì sống theo Lời Chúa dạy.
Bài đọc
một kề về một giai đoạn trong cuộc đời làm ngôn sứ của Giêrêmia. Ông thi hành sứ
vụ trong hoàn cảnh đất Palestine bị chia làm hai vương quốc Giuđa và Israel. Đất
Israel đã bị người Syrya xâm chiếm, Vua và dân Giuđa tìm liên minh với người Ai
Cập để chống lại đế quốc Babylon vừa nổi dậy. Giêrêmia đã nhân danh Thiên Chúa ngăn
cản vua Giuđa đừng đi nước cờ chính trị như thế. Ông kêu gọi thay vì tìm kiếm sự
trợ giúp của ngoại bang, thì hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ Thiên Chúa. Để làm điều
này, ông kêu gọi vua quan và toàn dân phải trở về với Chúa và tuân giữa giới răn
lề luật của Ngài. Lời kêu gọi của ông không được vua quan đón nhận. Họ cho rằng
ông nói những lời làm nản lòng quân và là những lời xui xẻo. Vì thế họ tìm cách
bịt miệng và loại trừ ông, ném ông dưới một cái giếng ngập bùn nhằm loại trừ ông.
Tuy nhiên, Giêrêmia vẫn không nản lòng, ông kiên trì với sứ mạng Chúa trao phó.
Tiên
tri Giêrêmia trở thành hình ảnh tiêu biểu của những con người trung thành phụng
sự Chúa, làm theo ý Chúa. Vì bênh vực cho giới răn lề luật, kêu gọi mọi người làm
theo ý Chúa, ông bị coi như trò cười cho thiên hạ, bị những người đồng hương loại
trừ. Giêrêmia đã chấp nhận sự ngược đãi, trong niềm tin vào Thiên Chúa và kiên
trì với sứ mạng Chúa trao.
Trong bài
Tin Mừng, Chúa Giêsu chia sẻ với các tông đồ những thao thức trong sứ mạng của Chúa:
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong cho ngọn lửa ấy cháy
bùng lên.” Ngọn lửa mà Chúa Giêsu nói đến chính là ngọn lửa của Tin Mừng, lửa
của Tình yêu. Chúa Giêsu đem ánh sáng Tin Mừng đến cho thế gian và Ngài khao khát,
mong muốn cho ngọn lửa ấy luôn cháy sáng và lan toả khắp cùng mặt đất. Ngài muốn
cho ngọn lửa tình yêu được đốt nóng trong tâm hồn tất cả mọi người, biến cả trái
đất này ngập tràn trong lửa yêu thương của Chúa.
“Thầy
còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này
hoàn tất.” Phép rửa
mà Chúa Giêsu khắc khoải chờ đợi đó là cuộc Vượt Qua, cuộc thương khó của Ngài.
Vâng phục thánh ý Chúa Cha bước vào trần gian, Chúa Giêsu không tìm kiếm sự dễ
dãi thoải mái, cũng không tìm vinh quang địa vị trần gian. Chúa đã đón nhận và
chia sẻ đến tận cùng nỗi đau khổ của con người đó là cái chết. Không chỉ là cái
chết bình thường, Chúa Giêsu còn đón nhận một cái chết vô cùng đau đớn sợ hãi đó
là cái chết tất tưởi trên thập giá. Qua cái chết và sự sống lại, Thiên Chúa đã
ban ơn tha thứ tội lỗi cho nhân loại, nhận nhân loại là con của Ngài và cho
chung hưởng hạnh phúc Nước Trời cùng với Đức Giêsu Con Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu
đã khao khát chờ đợi để đón nhận “phép rửa” này và mong muốn mau hoàn tất chương
trình mà Thiên Chúa Cha đã định sẵn cho Ngài.
Mặc dù
khao khát của Chúa là đem lửa tình yêu Tin Mừng đến cho thế giới và đem ơn Cứu độ
cho muôn loài, tuy nhiên chỉ những ai đón nhận với tâm hồn thành tâm thiện chí
và kiên trì bước theo đòi hỏi của Tin Mừng, thì người ấy mới có thể vào Nước Trời.
Chúa Giêsu cũng nói trước về sự chia rẽ sẽ xảy ra giữa những người đón nhận và
từ chối Tin Mừng: “Thầy đến không đem hoà bình nhưng đem chia rẽ, ba người chống
lại hai, con cái chống lại cha mẹ...” Sự chia rẽ và chống đối mà Chúa Giêsu
nói ở đây không phải là sự chia rẽ chống đối xảy ra do hận thù hay bạo lực, chiến
tranh, nhưng là sự chia rẽ trong chọn lựa. Có những người chọn thuộc về Đức Kitô
và sống theo Tin Mừng của Người, và cũng có những người chọn từ chối quay lưng
làm ngơ trước Tin Mừng của Chúa. Cũng vậy, có những người chọn để cho ngọn lửa
tình yêu của Chúa thiêu đốt trong tâm hồn, chọn sống và chết vì tình yêu. Trái
lại, cũng có những người chọn để cho sự thù oán bạo lực thống trị trong tâm hồn.
Vì sự chọn lựa sống theo hay từ chối Tin Mừng, sẽ dẫn đến chia rẽ và chống đối.
Sự chia rẽ vì chọn sống theo Tin Mừng có thể xảy ra trong gia đình, dẫn đến sự
chống đối giữa cha mẹ với con cái và giữa anh em ruột thịt với nhau.
Thư Do
Thái mời gọi chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu vừa là Thầy
dạy sống Tình yêu vừa là chứng nhân của Tình yêu; là Đấng loan báo Tin Mừng và là
chứng nhân của Tin Mừng. Vì sứ mệnh loan báo Tin Mừng mà Ngài bị người đời chống
đối loại trừ, chính Ngài đã khước từ niềm vui dành cho bản thân để cam chịu khổ
hình thập giá. Vì thế, tác giả thư Do Thái căn dặn chúng ta: Vì Đức Giêsu, chúng
ta: “hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình và kiên trì chạy
trong cuộc đua của chúng ta, mặt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn
lòng tin của chúng ta.”
Thưa quý
OBACE, tin theo Đức Giêsu, không phải để tìm kiếm sự dễ dãi thoải mái, cũng không
tìm kiếm bổng lộc hoặc của cải nơi trần gian này, nhưng là tìm kiếm hạnh phúc Nước
Trời đời đời mai sau. Vì thế, người tín hữu được mời gọi vì lý tưởng, mục tiêu Nước
Trời, chúng ta chấp nhận gian nan thử thách, chấp nhận bị người đời khinh miệt
thù ghét, chấp nhận bị khinh khi nhục mạ để kiên trì và trung thành với Đức Giêsu
và Tin Mừng.
Tuy nhiên,
cũng không thiếu những Kitô hữu bỏ cuộc, đã gục ngã trước những cám dỗ mời chào
của thế gian, đã bỏ qua những đòi hỏi của Tin Mừng để sống và hành xử theo thói
đời. Nhiều bậc cha mẹ đã để gia đình mình trở thành bê bối, lộn xộn, cãi vã, bất
hoà, bạo lực và nhiều khi còn sống tệ hơn những gia đình dân ngoại. Nhiều người
đã không cưỡng lại được sức hấp dẫn của đồng điền, nên đã sẵn sàng buông mình
theo dòng chảy của thế gian.
Nhiều bạn
trẻ ngày này đã đánh mất chất Kitô hữu trong cuộc đời, cuộc sống đạo của nhiều
bạn trở nên nhạt nhoà, không còn rõ nét là những bạn trẻ công giáo nữa. Nhiều
người đã để mình bị hoà tan trong xã hội hôm nay, đánh mất phẩm chất của người
Kitô hữu. Cũng có nhiều bạn vì lười biếng không tham dự thánh lễ, không nghe đọc
Tin Mừng, không cầu nguyện, vì thế họ đánh mất lý tưởng, mục tiêu của người Kitô
hữu để đổi lấy những mục tiêu của thế gian.
Xin Chúa
giúp mỗi người chúng ta can đảm chọn sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, dám
chấp nhận thua thiệt trước mặt người đời vì Tin Mừng và Nước Trời. Xin cho mỗi
người cũng mang trong mình thao thức của Chúa Giêsu, để cùng với Chúa làm cho ngọn
lửa Tình Yêu và Tin Mừng được bùng cháy trong gia đình, lối xóm và lan toả ra
toàn xã hội hôm nay. Amen
Lm. Giuse Đỗ
Đức Trí