Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 21

CHỦ NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

24231228.jpgChúng ta đứng trước một Vương Quốc mở ra cho tất cả mọi người, nhưng chỉ được một số ít người khám phá. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta, và không có dân tộc nào được lựa chọn một cách độc quyền. Thiên Chúa giúp chúng ta đi thẳng đường và tin tưởng tiến tới bằng các cuộc can thiệp của Người trong cuộc sống của chúng ta. Dù nhiều lúc rất căng thẳng. Khẳng định rằng cánh cửa hẹp không phải là dấu chỉ của sự bi quan, nhưng là bằng chứng cho thấy rằng ơn gọi của con người được chú trọng một cách nghiêm chỉnh.

Is 66, 18-21

Trở về sau lưu đày, người Do thái vấp phải một thực tại đời thường đáng thất vọng. Nịềm phấn khởi lúc trở về đã tan biến đi và nhường chỗ cho thái độ dửng dưng, bỏ mặc muốn ra sao thì ra. Tiếp nối lời rao giảng của Isaia, một Tiên tri tìm cách mang lại can đảm khi mô tả tương lai vinh quang của Dân tộc ưu tuyển. Giê ru sa lem sẽ trở nên kinh thành vinh quang nơi mọi người sẽ đến để gặp gỡ Thiên Chúa.

Thánh Vịnh 116

Tất cả các dân tộc trên hoàn vũ đều được mời gọi họp tiếng ca tụng Thiên Chúa.

Hr 12,5-7.11-13

Gợi lại cuộc lữ hành dài của người tín hữu về Kinh thành của Thiên Chúa, tác giả khuyến khích độc giả mình hãy chứng tỏ lòng kiên trì. Con đường khó khăn có thể khiến người ta thất vọng, nhưng điều cốt yếu là cần phải hiểu các thử thách trong cuộc đời như là một lời Chúa mời gọi chúng ta chỉnh sửa lại các khiếm khuyết làm chậm đà tiến của chúng ta.

Tin mừng Lc 13,22-30

NGỮ CẢNH

Với câu chuyển đoạn (13,22), ở đây Lu ca tiếp tục cấu trúc dàn dựng các biến cố của Chúa Giê su trong viễn cảnh một chuyến đi về Giê ru sa lem (9,51).

Đây là chuyến đi của một người chinh phục sẽ đánh đuổi quân đế quốc La mã chăng? Các môn đệ của Chúa Giê su có thể đã nghĩ như cậy, đặc biệt sau khi đã nhận biết Ngài là Đáng Cứu thế, Đấng Messia (9,20). Nhưng chương trình của Chúa Giê su hoàn toàn khác hẵn.

TÌM HIỂU

Đoạn tin mừng nầy trả lời cho câu hỏi nền tảng: Ai sẽ được cứu độ? Chúa Giê su trả lời: đó là những người đi qua cửa hẹp (13,24). Hình ảnh cái cửa được lặp lại trong một dụ ngôn để cho thấy rằng những ai nại vào những ưu quyền mình đang có sẽ bị lọai trừ (13,25-28), còn những người khác, đến từ các khắp mọi nơi, sẽ được chấp nhận (13,29). Bài tin mừng khép lại bằng một câu nói khẳng định sự đảo lộn tình thế ấy (13,30).

Những người được cứu thoát: X. Mt 7,13-14. Động từ “cứu” trong tin mừng Lc chỉ sự cứu độ toàn bộ con người ở bên kia cái chết (1,77; 2,30; 3,6t; 7,50; 9.24; x. Cv 2,47; 4,12).

Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho ai? Theo những điều kiện nào? Đó cũng là câu hỏi được đặt ra khi ý thức về sự cần được một Đấng Khác cứu độ (x.18,26). Chúa Giê su từ chối đưa ra con số chính xác những người được chọn, nhưng nhắc nhở cho những người được chọn đầu tiên, người do thái và chúng ta, rằng ơn cứu độ không bao giờ là một điều đắc thủ có sẵn.

Hãy chiến đấu: từ hi lạp chỉ cuộc chiến đấu, trận đấu (x. Pl 1,30; 1Tm 6,12; 2Tm 4,7). Do đó cần phải có sức mạnh (16,16). (Trong 22,44 một từ tương đương được một vài tác giả dịch là “hấp hối”). Cả khi sự cứu độ là một ơn ban, cũng không lọai trừ sự nỗ lực về phía con người.

Vào qua: vào đâu? Trong c.25 tác giả nói là vào nhà và trong c.29 lại vào bàn ăn. Động từ mạnh nghĩa không có tân ngữ, ám chỉ đến việc đi vào Nước Thiên Chúa (x. 11,52;18,17.25), được trình bày như một bữa tiệc (14,15). Do đó, từ “vào” đồng nghĩa với “được cứu độ”: người được Thiên Chúa cứu độ là người đi vào nhà của Thiên Chúa.

Cửa hẹp: không dễ tìm ra ý nghĩa của hình ảnh nầy. Trong Mt 7,13-14 cửa hẹp đối nghịch với cửa rộng, con đường thênh thang, nghĩa là sự dễ dãi. Do đó, cần phải nép mình, uốn mình mà đi vào, trở nên nhỏ bé (9,48), liều mất mạng sống mình (9,23-24).

Có thể tìm theo hướng khác, Chúa Giê su nói Ngài là cửa (Ga 10,7-9). Tại cửa đền thờ, Phê rô và Gioan chữa lành một bệnh nhân “nhân danh Chúa Giê su”, và danh ấy cho phép người bệnh đi vào trong đền thờ (Cv 3,1-10). Do vậy, Chúa Giê su là đấng cho phép đi vào trong Nước Trời. Nhưng người đi theo phải chấp nhận vác thập giá như Ngài  (9,23) và chấp nhận phép rửa (12,50). Cánh cửa đích thực của ơn cứu độ là thập giá Chúa Giê su: Chúa Giê su bị đóng đinh cho phép người trộm lành cùng với Ngài đi vào Thiên đàng (23,43).

Không thể được: câu tuyên bố gây ngạc nhiên: tại sao người muốn vào lại không thể vào đó được ? câu trả lời ở phần sau.

Chủ nhà: trong đoạn 12,36-40 cũng nói về một ông chủ nhà hi vọng nhìn thấy đầy tớ của mình tỉnh thức khi ông đi ăn cưới trở về; chủ nhà đó được đồng hóa với Con Người, nghĩa là với Chúa Giê su. Ở đây, Chúa Giê su một lần nữa là chủ nhà, và người gõ cửa, dường như là cửa nhà Quan Án, không còn phải là Ngài nữa, mà là các đầy tớ; ở đây chủ nhà đang ở trong nhà, còn người đầy tớ đứng ở ngòai. Hai cách nhìn bổ túc cho nhau: nói về việc tính sổ trong lần gặp cuối cùng với Chúa. Câu truyện tương đương với dụ ngôn mười người trinh nữ trong Mt 25,1-13, nhưng chủ điểm của nó hơi khác một chút. Mt nhấn mạnh hơn về việc thấy trước, còn Lu ca thì lại chú ý đến sự kiện là người ta không biết lợi dụng thời cơ để đi vào khi thời cơ đến (Is 55,6).

Thưa Ngài: tước hiệu nầy chắc chắn là của Chúa (x.6,46), nhưng không đủ để nói rằng Ngài là Chúa, cần phải có các điều kiện tương xứng (6,47).

Chúng tôi đã từng được ăn uống:  x. Mt 7,22-23. Bị từ chối ngay từ lần đầu tiên khiến những người gõ cửa phải nài nỉ. Ám chỉ đến những bữa ăn mà Chúa Giê su dùng với họ (7,36;11,26), đến giáo huấn mà ngài ban cho họ trên các công trường (7,30-34). Đối lại với đám người nầy, chúng ta có thể nhớ lại các môn đệ, với các bữa ăn với Chúa Giê su phục sinh (Lc 24,3-.41-43; Cv 10,41).

Khác với trường hợp trong dụ ngôn người bạn quấy rầy trong đêm (11,5-8), anh ta đạt được điều mình muốn, ở đây sự nài nỉ chẳng những không đưa đến kết quả nào, mà còn chống lại họ. Lời quở trách của Chúa Giê su nhắm đến những người đương thời cậy dựa vào các ưu quyền của mình để đòi được cứu độ. Nhưng “Thiên Chúa có thể biến những hòn đá nầy thành con cái ông Abraham” (3,8). Thánh Phao lô sau nầy sẽ khai triển luận chứng nầy trong Rm 2.

Ta không biết các anh: câu nói thật khủng khiếp!  Chúa Giê su từ chối chấp nhận các tước hiệu mà người ta lạm dụng để phá cửa xông vào Vương quốc. Huyết tộc hoàn toàn vô hiệu trước sự thân thuộc đích thực từ việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa (8,19-21).

Cút đi cho khuất mắt ta: trích dẫn Tv 6,9 ở đây chỉ một sự bất tương ứng tuyệt đối giữa sự sống với Thiên Chúa và đời sống gian ác. Nó không lọai trừ sự thương xót, nhưng cho thấy rằng trách nhiệm của sự chọn lựa hôm nay ở trong tay chúng ta.

Khóc lóc nghiến răng: kiểu nói chỉ có ở đây trong Lc, trong khi ở Mt xuất hiện đến 6 lần.

Các câu 28-29 là một vài lời nói mà Mt 8,11-12 gom lại sau khi người đầy tớ viên bách quan được chữa bệnh. Chúng nhấn mạnh sự mâu thuẩn giữa sự khước từ của những người nói rằng mình gần gủi với Chúa Giê su, và sự tiếp nhận của các người dân ngọai đến từ khắp các chân trời: họ sẽ gặp các tổ phụ và các tiên tri trong nước Thiên Chúa. Bên đây vang tiếng kêu đau đớn, còn bên kia rộn rã niềm hân hoan dự tiệc. Đây là lần đầu tiên Lu ca nói đến tiệc cưới, hình ảnh chỉ Nước Trời (x. Is 25,6), sẽ được lặp lại trong đoạn 14,7-24 và trong 22,30. Đặc tính phổ quát của ơn cứu dộ là một chủ đề Lu ca rất ưa thích.

Dự tiệc: x. 14,15

Đứng chót: trong một ngữ cảnh khác, Mt (19,30;20,16) nói: “nhiều người đứng chót”. Mc cũng nói như thế trong 10,31 (x. chú thích). Dường như chỉ có Luca áp dụng câu nói nầy cho những người được kêu gọi vào lúc chót, tức là các dân ngọai và những người được kêu gọi trước tiên, tức là người Híp pri. Nhưng bản văn không nói đến việc một dân khác thay thế dân nầy, mà chỉ khẳng định rằng trước mặt Thiên Chúa không có ưu tiên hay đặc quyền đặc lợi gì cả: mỗi người sẽ bị xét xử theo cách sống của mình (x. Êd 18).

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng hôm nay khá lạ lùng. Nó nói với chúng ta về khung cửa hẹp, về cửa đóng kín, về những người bị lọai trừ khỏi Vương Quốc Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta chịu khó đào sâu các bản văn Thánh Kinh, chúng ta sẽ khám phá thấy rằng đây là một trang tin mừng đem lại nhiều hi vọng. Quả thật, nó nói với chúng ta về Thiên Chúa muốn qui tụ tất cả mọi người trong Vương Quốc của Ngài. Đó là điều mà tiên tri Isaia đã loan báo trong bài đọc thứ nhất: “Ta đến qui tụ mọi người thuộc mọi dân nước và mọi ngôn ngữ. Chúa Giê su đến xác nhận sứ điệp đó: “Người ta sẽ từ Phương Đông, phương Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.

Vấn đề là nhiều người đã không hiểu đúng. Họ quên rằng để vào Nước Thiên Chúa, phải qua cửa hẹp. Và để vượt qua, phải giải thoát mình khỏi những ưu tiên. Giàu sang, vinh dự mà chúng ta ki cóp trong suốt cuộc sống của mình sẽ không có ích lợi gì cả. Đã cùng ăn cùng uống với Đức Ki tô không thôi chưa đủ. Điều quan trọng là đã cho Ngài ăn qua những người nghèo mà chúng ta gặp trên đường chúng ta; đó là đã chia sẻ cho người đói, cho người mất tất cả. Ngang qua họ, chính Đức Ki tô hiện diện và gõ cửa nhà chúng ta.

Việc có được vào Nước Thiên Chúa hay không tùy thuộc vào vị trí mà chúng ta dành cho Đức Ki tô trong đời sống chúng ta. Đi lễ, làm tuần cửu nhật, hòan thành những việc đạo đức là rất tốt; nhưng những điều đó phải nói lên một ý muốn thâm sâu của tâm hồn. Phải làm điều Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta, là rủ bỏ tất cả những gì cản trở chúng ta. Đó chính là bước qua cửa hẹp. Sự chọn lựa ấy dẫn chúng ta đến việc từ bỏ những cái vô giá trị để thực sự chọn lựa kho tàng đích thực.

Đó là cánh cửa hẹp mà Chúa Giê su đã vượt qua. Ngài đã mở lối cho chúng ta đi theo Ngài. Một lần nữa, điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta vất bỏ gánh nặng mà chúng ta mang trong mình. Những hành lí cồng kềnh chỉ làm cho bước đi trở nên khó khăn hơn mà thôi.

Trong cuộc lữ hành về với Thiên Chúa cũng thế. Chúng ta chỉ có thể thực sự tiến tới trước nếu chúng ta bước đi một cách nhẹ nhàng. Đi một cách nhẹ nhàng là tạo khỏang trống trong chúng ta, đó là ra đi khỏi những chuyện cãi cọ trong giáo xứ, đó là giải phóng khỏi những ý tưởng của chúng ta, những thành kiến, những truyền thống của chúng ta. Điều quan trọng nhất không phải là trung thành với truyền thống mà là tiến lên trong sự trung thành hơn đối với Chúa Giê su Ki tô. Vào qua cửa hẹp là chấp nhận những sự thanh tẩy cần thiết. Những ai muốn được cứu độ bằng sự dễ dãi sẽ bị bỏ lại bên ngòai. Những ai cho rằng ơn cứu độ là của riêng mình có thể bị thất vọng. Người ta không chiếm hữu cho mình ơn cứu độ, nhưng phải tiếp nhận như một ơn ban nhưng không.

Đi theo Chúa Giê su qua cửa hẹp.. đó là điều đòi hỏi chúng ta. Nhưng khi suy nghĩ kĩ, chúng ta khám phá ra rằng vần đề đích thật ở chỗ khác: Cái gì hẹp? Có thật sự là cái cửa không? Hay là chính tâm hồn ? Bài tin mừng mời gọi chúng ta mở tâm hồn ra cho Thiên Chúa và người khác. Cánh cửa tâm hồn có được mở rộng ra không tùy thuộc mỗi người chúng ta. Chính đó là nơi mà Đức Ki tô chờ đợi và hẹn hò với chúng ta.

Vào qua cửa hẹp còn là đi ra khỏi sự tự mãn của mình và đặt trọn vẹn cuộc đời chúng ta trong tay của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi đi vào bằng cách đặt bước chân của chúng ta trong bước chân của Ngài và đi theo Ngài trong tình yêu, tha thứ và phục vụ anh em. Cánh cửa đó chính là cánh cửa mà Chúa Giê su đã đi qua từ hang đá đến thập giá. Chúng ta đang trên đường đi theo Ngài. Nhiều khi việc đi theo đòi hỏi chúng ta phải hi sinh, nhưng điều quan yếu là biến tất cả cuộc đời chúng ta thành một hành vi yêu thương như Chúa Giê su đã làm.

Nhiều người thất vọng vì họ đang sống trong bóng tối đằng sau một khung cửa hẹp và đóng kín. Họ không còn biết gán cho cuộc sống họ ý nghĩa gì. Nhưng qua kẽ hở cánh cửa, họ phải nhìn thấy một tia sáng mặt trời rọi vào. Đó là ánh sáng Đức Ki tô đấng chiến thắng sự chết và sự dữ. Như đã nói trong bài đọc thứ hai, ánh sáng ấy sẽ mang lại sức sống cho “những đôi tay rã rời và những đầu gối mệt mõi”; nó sẽ giúp cho chúng ta can đảm trên đường. Ngày Chủ nhật, Đức Ki tô chịu đóng đinh và sống lại cho chúng ta nghe Tin mừng cứu độ và ban cho chúng ta Bánh sự sống để tất cả cuộc sống của chúng ta trở thành lời Tạ ơn. Ngài đến gặp chúng ta để dạy cho chúng ta trở thành những dấu chỉ của đời sống vĩnh cửu cho tất cả mọi dân tộc.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên_Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên - Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ nhớ Thánh Nữ Mô-ni-ca-Lm.Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên - Tam Thái

Các bài viết cũ hơn