CHỦ NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN
Thỉnh thoảng có người than thở: “Tôi đã cầu nguyện nhiều rồi, nhưng không được nhậm lời, nên tôi không cầu nguyện nữa”. Nhưng liệu bạn có ngừng nói chuyện với những người mà bạn yêu thích bởi vì họ không cho bạn tất cả những gì mà bạn đòi hỏi không? Và cả bạn nữa, bạn có luôn chấp nhận Chúa đòi hỏi bạn thích ứng cuộc đời theo tin mừng của Người không? Chắc hẳn một tình thế khó khăn kéo dài có thể khiến đức tin của chúng ta sa vào trong một cơn thử thách ghê gớm. Nhưng chúng ta có thể vì thế mà để mất đức tin không?
Xuất hành 17,8-13
Diện mạo của ông Mô sê, cánh tay được bạn bè nâng lên, là hình ảnh của người cầu nguyện cho dân tộc mình. Chúa Giê su trên thánh giá, giăng tay để giao hòa tất cả mọi người. Đôi tay hướng về trời sẽ đem lại cho lời cầu nguyện của chúng ta sức mạnh cần thiết.
Thánh Vịnh 120
Ngước mắt lên trời để kêu cứu: Người sẽ đến không? Chúa không ngủ đâu dù bên ngòai xem ra như thế. Cách Người hành động đảo lộn cách nhìn thiển cận chúng ta, nhưng dù chúng ta có nghĩ như thế nào đi nữa, Người sẽ bảo tòan mạng sống của chúng ta.
Thư 2 Tm 3,14-4,2
Thánh Phao lô đòi hỏi người môn đệ Ti mô thê của mình hãy nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Nếu Lời có ích để chuẩn bị cho Lời chứng, thì các bản văn thánh cũng có ích cho Lời cầu nguyện vì chúng có quyền năng ban cho chúng ta sự Khôn Ngoan. Từ đó, anh có thể kiên trì giúp đỡ người khác, quan tâm giáo huấn và sống đúng với Lời Thiên Chúa.
Tin mừng Lc 18,1-8
NGỮ CẢNH
Đọan văn nầy nằm trong phần nói về thời cuối cùng. Dẫn vào là câu hỏi các người Pha ri sêu về lúc nào Nước Thiên Chúa sẽ đến (17,20) và kéo dài cho đến câu hỏi của chính Chúa Giê su về tình trạng đức tin ngày Con Người trở lại (18,8).
Đoạn (18,1-8) là lời mời gọi hãy kiên trì cầu nguyện diễn tả dưới hình thức một dụ ngôn mà chỉ riêng Lu ca mới có.
TÌM HIỂU
Dụ ngôn: ngay đầu đoạn 18, Luca đã ghi chú đây là một dụ ngôn và cho biết ý nghĩa. Dụ ngôn là một câu truyện đời thường có thêm vài dữ liệu hài hước nhằm mục đích đề cao một ý tưởng nền tảng. Do vậy cần phải chú ý đừng xây dựng nhiều lí thuyết trên một chi tiết duy nhất. Quan án trong dụ ngôn là một người không lương thiện, đó là một điều hợp lí, nhưng không có tương quan gì với Thiên Chúa cả.
Cầu nguyện luôn: phải làm gì trước viễn tượng thời gian đến hồi kết thúc? Hoảng sợ? Vô tư? Tốt nhất là phó thác vào Chúa trong lời cầu nguyện và trong niềm hi vọng (x.21,36). Sau nầy Phao lô sẽ nói: “Hãy kiên trì cầu nguyện” (Rm 12,12). Do vậy, Chúa Giê su sắp kể một dụ ngôn về cầu nguyện. Chỉ mình Lu ca kể lại dụ ngôn nầy. Ông muốn nhấn mạnh một giáo huấn mà ông rất thích: cầu nguyện là một hoạt động chính yếu của các môn đệ Chúa Giê su (chủ đề tương tự trong 11,5-12).
Quan tòa – Bà góa: là hai gương mặt cũng đối nghịch nhau như người giàu có và ông La da rô (16,19-31) hoặc người Pha ri sêu và người thu thuế (18,9-14). Sự xuất hiện của Quan tòa đã được chuẩn bị bởi chủ đề về Thiên Chúa phán xét, và ông ta sắp trở thành hình ảnh Thiên Chúa, mặc dù không công chính và không quan tâm đến sự phán xét của Thiên Chúa. Vì những lợi ích cá nhân, ông quan tòa chấp nhận làm người minh giải cho bà góa; nhưng Thiên Chúa còn hơn thế nữa, Người cũng sẽ là người bảo vệ các môn đệ của Người chống lại thù địch là ma quỉ. Chúa Giê su nói điều đó với tư cách là Chúa (18.6).
Ngày đêm hằng kêu cứu: lời cầu xin nầy có lẽ là âm vang vọng lại của Giáo Hội nguyên thuỷ đang chờ đợi và ngạc nhiên vì Chúa chậm trở lại. Đoạn thư 2Pr 3,9 cắt nghĩa rằng sự chậm trể dành cho mọi người là nhằm giúp họ có cơ hội sám hối (x. Gv 35,18-23).
Người sẽ mau chóng: không xác định gì thêm về việc sắp trở lại của Chúa.
Lòng tin: là lòng tín thác vào một vì Thiên Chúa xử sự công mình và thi hành phán quyết của Người qua Chúa Giê su, Con Người: “Đức tin của con (vào Chúa Giê su) đã cứu con” (17,19).
Câu hỏi của Chúa Giê su không diễn tả một sự nghi ngờ về phía Ngài, nhưng là một lời mời gọi phải kiên trì trong lời cầu nguyện và trong sự trung thành, ngay cả khi sự bất tín trở thành phổ biến (2 Tx 2,3).
SỬ ĐIỆP
Các bài đọc chủ nhật nầy (bài 1 và 3) đều hướng tới việc kiên trì cầu nguyện.
Bài đọc thứ nhất nói với chúng ta về cuộc chiến đấu của Mô sê trong việc cầu xin Thiên Chúa trợ giúp dân Người. Để có thể đứng vững tiếp tục cầu nguyện, ông Mô sê được Aaron anh ông và Hua bạn ông nâng đỡ đôi tay hướng về Chúa. Lời cầu nguyện của một người cũng cần được hỗ trợ của người khác để có thể mang lại hiệu quả.
Trong bài tin mừng, cũng một lời mời gọi tương tự như thế ngỏ với chúng ta. Bà góa nghèo khổ biết rằng mình chẳng thể làm gì khác ngòai việc nài nỉ xin được minh xét, và cuối cùng bà đã tọai nguyện.
Lời cầu nguyện có một sức mạnh vô song nếu được hỗ trợ bằng lòng kiên trì và sự trợ giúp của người khác. Tất cả bắt đầu từ tin mừng mà Chúa Giê su gửi đến cho chúng ta: Thiên Chúa chúng ta không phải là một vị quan án giống trong dụ ngôn; Người là Cha, một người Cha đầy nhân ái. Chính vì thế mà chúng ta đã được Người hứa: “Người nghèo kêu lên, Thiên Chúa đã nghe; Người giải thoát họ khỏi mọi nỗi âu lo”. Lời cầu nguyện của chúng ta không có mục đích thức tỉnh Thiên Chúa hay làm cho Người chú ý. Người biết chúng ta đang cần gì trước khi chúng ta cầu nguyện với Người. Thánh Gioan khẳng định Người không chọn lựa lời cầu xin của chúng ta. Người lắng nghe chúng ta bất cứ chúng ta cầu xin điều gì.
Vì thế chúng ta được mời gọi hãy tin tưởng mãnh liệt, một niềm tin tưởng không bao giờ buông xuôi đôi tay và không dành chỗ cho một chút nghi ngờ nào. Điều quan trọng là phải cầu nguyện nhân danh Chúa Giê su: “Tất cả những gì anh em lấy lòng tin tưởng cầu xin nhân danh Ta thì sẽ được nhậm lời” (Mt 21,22). Vấn đề là chúng ta thường trải nghiệm về sự im lặng của Thiên Chúa vì cầu nguyện nhiều mà không được nhậm lời. Về vấn đề nầy, có một vài xác định cần thiết:
1. Lời cầu nguyện không thay thế hành động của chúng ta: dân Israel đã được cứu thoát nhờ vào lời cầu nguyện của ông Mô sê, nhưng cũng nhờ vào trận chiến của ông Giô suê trên mặt trận. Bà góa trong tin mừng không ngừng can đảm tranh đấu. Điều đó cũng đúng cho chúng ta ngày hôm nay. Lời cầu nguyện không chuẩn cho chúng ta phải có trách nhiệm. Một ngọn nến không thể giúp thi đậu được nếu người ta không chịu làm việc. Thiên Chúa không phải làm người thay thế những lười biếng của chúng ta hay khuyến khích chúng ta trốn chạy. Lời cầu nguyện không thôi chưa đủ; dấn thân không thôi cũng chưa đủ. Chúng ta cần phải có cả hai, lời cầu nguyện và sự dấn thân.
2. Đức tin thêm sức mạnh cho lời cầu nguyện. Trong tin mừng, Chúa Giê su nói với chúng ta về một quan án không công bằng nhưng cuối cùng cũng phải thỏa mãn điều người đàn bà nài nỉ để được yên ổn. Ông ta hoàn toàn trái ngược với Thiên Chúa, Người là Quan án chí công bởi vì Ngài tốt lành và hằng quan tâm đến mọi người.
Nguy cơ không được chấp nhận không đến từ Thiên Chúa mà là từ chính chúng ta. Nếu Chúa Giê su đòi chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện thì trước tiên là để cho lời cầu được thanh luyện, để thực sự xứng đáng với tình yêu say mê của Thiên Chúa đối với chúng ta và thế gian.
3. Đức tin cho phép chúng ta nhìn thấy lời cầu nguyện của chúng ta được thực sự nhậm lời. Lời khẩn xin của Chúa Giê su trong vườn Giết sê ma ni không được nhậm lời ngay lập tức. Cũng thế, lời cầu xin của Cha Maximiliên Kolbê bị lên án chết đói trong trại giam. Tuy nhiên lời cầu ấy không biến mất, nhưng đã được nhậm lời sau đó một cách khác.
Mỗi ngày chủ nhật chúng ta tụ họp trong nhà thờ nhân danh Chúa. Ngài hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta hãy nương tựa vào nhau và đầy lòng tin tưởng và kiên trì cầu nguyện. Chúng ta sẽ cầu nguyện với lời cầu của những người bên cạnh và của Giáo Hội tòan cầu. Đức Ki tô hiện diện giữa chúng ta và chờ đợi chúng ta. Ngài lắng nghe chúng ta hơn nếu chúng ta kết hợp mật thiết hơn với anh chị em mình trên tòan thế giới. Ước gì tin mừng ấy củng cố niềm tin của chúng ta!