Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 27

CHỦ NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

betho56.jpgCó đức tin để làm gì? Có người trả lời: Không dùng vào việc gì cả. Đức tin, giống như tình yêu, thuộc vào một trật tự khác hẳn phạm vi tiện ích. Đức tin, như Tình yêu, có một khả năng kì diệu là có thể thay đổi toàn bộ cuộc sống. Như một tia sáng đột nhiên chiếu vào căn phòng tối, đức tin mạc khải cho chúng ta điều thần linh.

Tiên tri Hb 1,2-3. 2,2-4

Đứng trước sự dữ đang hoành hành trong thế gian nầy, người ta có còn tin vào một Thiên Chúa tốt lành không? Đó là câu hỏi ngàn đời của người tín hữu: “Tại sao Thiên Chúa không can thiệp để chấm dứt bạo lực, nghèo khổ và mọi thứ xấu xa? Tiên tri Ha ba cúc loan báo rằng sẽ có câu trả lời vào Giờ của Thiên Chúa. Người công chính sống bởi Đức tin.

Thánh Vinh 94

Đây là Thánh Vịnh mà Giáo Hội và cả người Do thái cũng tiếp tục cầu nguyện mỗi ngày. “Xin đừng đóng tâm hồn chúng con lại”. Thái độ Tạ ơn dâng lên Thiên Chúa giả thiết đức tin, giúp giữ cho tâm hồn luôn mở ra đón nhận Lời ban sự Sống trước mọi thử thách hiện tại.

Thư 2Tm 1,6-8.13-14

Vị có trách nhiệm trong một Hội thánh đã lãnh nhận việc đặt tay là để phục vụ đức tin: Ngài là Chứng nhân của Chúa, dù phải trả giá; Ngài dạy giáo lí dựa trên giáo huấn các Tông đồ; Ngài cố gắng gìn giữ Tin mừng sao cho tòan vẹn.

Tin mừng Lc 17, 5-10

NGỮ CẢNH

Sau huấn dụ về gương xấu đối với những kẻ nhỏ (17,1-2) và lời mời gọi tha thứ cho anh em mình (3-4), Chúa Giê su đưa ra một lời dạy về sức mạnh cửa đức tin để trả lời cho câu hỏi của các môn đệ. Riêng đoạn 17,7-10 chỉ có trong tin mừng Luca, nói về sự phục vụ của những người tôi tớ trong đức tin.

TÌM HIỂU

Các tông đồ: x. 6,13. Các tông đồ khác với các môn đệ bởi trách nhiệm của họ trong cộng đoàn.

Sự kiện họ thưa với Chúa Giê su như là Chúa (hai lần như thế) cho thấy rằng Lu ca sắp đọc câu truyện nầy trong bối cảnh Giáo Hội sau phục sinh. Chỉ có Luca thuật lại lời nầy, là lời của một vài người xin một người điều gì đó mà mà người nầy không thể cho. Nhưng các tông đồ cảm nhận Chúa Giê su hơn một người bình thường.

Lòng tin: yêu thương anh em mình, có sức mạnh để chia sẻ và để tha thứ đòi hỏi một đức tin cá nhân thật sự mạnh mẽ. Chúng ta tìm gặp ở đây từ tin đã không xuất hiện từ đọan 8,50 (X. 5,20; 7,9.50). Đi theo Chúa Giê su trên đường lên Giê ru sa lem đòi phải có một đức tin lớn hơn là đi theo Ngài trên đường Ga li lê. Về phía Chúa Giê su, Ngài sẽ cầu nguyện cho đức tin của ông Si mon (22,32).

Hạt cải: theo hình ảnh nầy, đã được sử dụng ở 13,19, đức tin không xuất hiện ra bên ngòai nhiều, nhưng ngầm chứa một sức năng động vượt quá mọi hi vọng của con người: “Điều gì mà con người không thể làm được, thì Thiên Chúa lại làm được” (18,27).

Biển: hình ảnh riêng của Lu ca. Biển vốn là nơi sự chết thống trị và là biểu tượng của quyền lực ma quỉ, nay trở thành đất trồng trọt và sinh sống. Do vậy, Chúa Giê su gợi lên hình ảnh một thế giới mới đã được khai mào và đức tin của Giáo Hội sẽ thể hiện cho mọi người thấy. Theo cách đó, người ta sẽ không còn ngạc nhiên nữa khi nhìn thấy giá trị bị đảo ngược và những kì công do Thiên Chúa thực hiện, như cây được trồng dưới biển. Đức tin tạo nên điều mới mẽ như sự tha thứ và chia sẻ.

Người đầy tớ: chỉ có Lu ca kể lại câu truyện nầy. Theo đó thì dường như Chúa Giê su tiếp tục nói với các tông đồ (17,5). Tuy nhiên nội dung của sứ điệp lại có vẻ như ngỏ với đám đông. Chúa Giê su hỏi có lẽ là muốn gợi lên sự chú ý hơn là để  hỏi thực sự.

Có thể dịch là nô lệ. Trong trường hợp nầy thì đó là một người không thể đòi hỏi một quyền lợi gì cho mình. Hình ảnh mà Chúa Giê su dùng cho thấy rằng những người mà Ngài ngỏ lời không quan trọng, bởi vì chủ nhà chỉ có một người đầy tớ và một nô lệ làm ở ngòai đồng và trong nhà bếp. Cả hai tông đồ thuộc về thế giới nhỏ bé (như ông Dê bê đê làm việc với các con ông và một vài người làm công: Mc 1,19-20).

Vào bàn ăn đi: khác với các chủ nhà trần gian, Chúa Giê su làm công việc của các đầy tớ (12,37; x. Ga 13,1-13).

Theo lệnh phải làm: bằng cách thay đổi thể bị động sang thể chủ động, ta có thể dịch: “điều mà Thiên Chúa đã truyền lệnh”. Chúa Giê su đưa ra một giáo huấn cho các môn đệ của Ngài: họ là tôi tớ bởi vì Thiên Chúa là chủ của họ.

Vô dụng: đúng hơn có lẽ dịch “tầm thường”. Từ hi lạp có nghĩa là: “không cần thiết”, và không chỉ muốn nói là “vô ích”. Trong một ngữ cảnh khác, cũng từ ấy thì có nghĩa “vô dụng” (Mt 25,30).

Sau khi đã làm điều mình phải làm, các tông đồ không được lợi dụng danh nghĩa tông đồ nhằm tìm vinh danh cho chính mình, hay nhằm các lợi ích các nhân khác. “Vinh quang không phải cho chúng con, Lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng cho danh Ngài” (Tv 115,1).

Sau khi Chúa Giê su sống lại, các tông đồ nhiều lần phải chống lại các vinh quang mà người ta dành cho mình (Cv 3,12;10,26;14,15). Còn hơn thế nữa, ơn cứu độ mà họ trông chờ không phải là một thứ tiền lương dành cho công việc họ làm, mà là một quà tặng miễn phí của ông chủ.

Phải làm: một bản văn Híp pri diễn tả cùng một ý tưởng tương tự: “Anh em không phải là những người tôi tớ phục vụ Chúa mình với điều kiện lãnh nhận một phần thưởng. Trái lại, anh em hãy là những người tôi tớ phục vụ Chúa mình với điều kiện là không nhận lãnh một phần thưởng nào cả” (Pirche Abot 1,3). Đối với người tôi tớ thì được Thiên Chúa  tuyển chọn là một lí do để biết ơn Người.

SỨ ĐIỆP

Đức tin

Từ chủ đạo trong các bài đọc kinh thánh chủ nhật hôm nay là đức tin.Về vấn đề nầy, còn nhiều sai lầm cần phải giải tỏa. Tin ở đây không chỉ là hành vi tin vào một điều gì, cũng không đơn thuần là một ý kiến, hay một kết luận từ một suy tư hoặc một lí luận. Trước tiên, đức tin là một đà sống, một gắn kết, một dấn thân của con người hướng về Thiên Chúa. Như thế, động từ “tin” quá nghèo nàn, không đủ để mô tả thực tại phong phú ấy. Điều quan trọng nhất là dựa vào Thiên Chúa, lắng nghe lời Ngài như khi người ta sung sướng lắng nghe người mà người ta thực sự tin tưởng. Tất cả điều ấy chỉ có thể trở thành hiện thực nếu như chúng ta có đôi tai và trái tim mở rộng. Đó là một cố gắng mà chúng ta phải thực hiện hằng ngày.

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta thấy tiên tri đối diện với bạo lực của người ác và quyền thế. Tình huống ngày nay cũng tương tự, chúng ta thường trở thành những người mất kiên nhẫn vì sự bạo lực leo thang trên thế giới, trong xã hội hay học đường hiện nay. Do vậy, chúng ta hiểu lời than vãn của tiên tri Ha ba cúc khi ông la lớn trước sự im lặng lạ lùng của Thiên Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đóai hoài, con la lên: ‘Bạo tàn!’ mà Ngài không cứu vớt”. Tiếng kêu đau khổ ấy luôn luôn mang tính thời sự. Chúng ta cảm nhận trong thân xác của mình sự đau khổ của thế gian, bạo lực khủng khiếp. Nhưng là những người Ki tô hữu, chúng ta biết nơi nào cần phải kín múc năng lực để giải phóng nhân loại.

Đức Cha Coffy nói: “Người tín hữu không sống một cuộc sống khác cuộc sống bình thường, họ chỉ sống cuộc sống bình thường một cách khác”. Họ cậy dựa vào Thiên Chúa. Họ không thể bằng lòng với một đức tin nhàm chán thể hiện qua những hình thức tín lí và những việc đạo đức ít nhiều mang tính phù phép. Họ hiểu rằng đức tin của họ phải được nuôi dưỡng bằng Lời Thiên Chúa và phải tích cực sống động. Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải sẵn sàng khơi lại ngọn lửa ơn sủng sắp tắt.

Như Ha ba cúc và các tông đồ, chúng ta được mời gọi hướng về Thiên Chúa để cầu xin Người tăng thêm đức tin. Và trong Tin mừng, Chúa Giê su nói đến trách nhiệm của chúng ta. Đức tin không phải là một sự thóai thác. Niềm hi vọng không phải là một sự nhẫn nhục. Chúa Giê su so sánh đức tin với một năng lực lạ lùng có thể nâng cả thế giới lên. Như một hạt nhỏ xíu có thể chuyển dời cả núi non. Chúng ta biết rõ những ngọn núi gây cản trở chúng ta: đó là sự dửng dưng, sự bất động, sự sợ hãi dấn thân, tính ích kỉ dưới mọi hình thức. Chúng ta được mời gọi chính là để cho cuộc chiến đấu hằng ngày ấy.

Chúa tin tưởng chúng ta, nên Ngài giao phó cho chúng ta những trách nhiệm trong thế giới mà chúng ta đang sống. Ngài không làm việc thay thế cho chúng ta, nhưng ban cho chúng ta sức mạnh nội tâm mà chúng ta cần đến nếu chúng ta biết cầu xin Người. Sức mạnh ấy chính là Chúa Thánh Thần. Ngài ban Thánh Thần để chúng ta trở nên những người sáng tạo với Ngài. Nhưng Ngài nhắc nhở rằng chúng ta là “những người đầy tớ vô dụng”. Công việc chính yếu thì do Thiên Chúa làm. Còn chúng ta chỉ là những dụng cụ. Nhưng may mắn quá! Một dụng cụ để một mình thì không dùng vào việc gì cả, nhưng không thể không có dụng cụ. Chúng ta đừng buồn vì mang tước hiệu “đầy tớ vô dụng”. Phải cố gắng hiểu cho đúng: “Anh em chỉ là những người đầy tớ”, vì chúng ta dấn thân cho một sứ mạng vượt quá sức chúng ta. Chúng ta chỉ là những kẻ thừa hành. Lời Chúa nói không phải là lời cứng cõi nhưng là lời động viên, nói với chúng ta rằng trách nhiệm chính yếu không nằm trên vai chúng ta.

Nói khác đi, đó là lời giảm nhẹ trách nhiệm, nhưng không vì thế mà chúng ta trở nên vô ích. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta vì Người yêu thương và tin tưởng nơi chúng ta. Chính qua những việc làm chẳng ra gì của chúng ta mà Người thực hiện công trình của Người. Tất cả những điều đó phải khiến chúng ta tràn đầy hãnh diện nhưng không làm cho chúng ta lo lắng. Một điều Người đòi hỏi nơi chúng ta là luôn an phận người tôi tớ. Trách nhiệm chính là của Người. Người sẽ thực hiện những điều kì diệu, miễn là chúng ta tin tưởng đi theo và phục vụ Người. Vì thế chúng ta được mời gọi phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Chính Người hành động chứ không phải đức tin lớn hay nhỏ của chúng ta. Chúng ta làm hết sức mình trong việc loan báo tin mừng và xây dựng một thế giới công bình và huynh đệ hơn. Nhưng không thể thực hiện được điều gì nếu chúng ta không tin cậy và tha thiết cầu nguyện với Đức Ki tô.

Mỗi ngày chủ nhật, chúng ta đến kín múc tận nguồn suối là Lời Chúa và Mình Thánh Đức Ki tô. Lương thực ấy chỉ sinh hiệu quả khi chúng ta mở ra cho tình yêu đối với Cha và tất cả anh em chúng ta. Chính việc lãnh nhận lời Thiên Chúa và Thánh Thể nuôi dưỡng đức tin và giúp chúng ta có thể hành động cho Đức Ki tô và với Ngài.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên - Lm . J. P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên- Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên-Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên- Lm.JB

Các bài viết cũ hơn