Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên
Lễ Thánh Anrê, Tông Ðồ - Lễ Kính
RAO GIẢNG VÀ LÀM CHỨNG
LỜI CHÚA: Mt 4, 18-22
Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người
thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả
lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi
hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người
ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người
lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá
lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông
bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.
SUY NIỆM
Sứ
mạng chính của người môn đệ Chúa Giê-su là rao giảng và làm chứng. Thánh An-rê
tông đồ đã dành cả cuộc đời và ơn gọi để nói về Chúa cho mọi người. Người còn
dùng cái chết của mình để làm chứng về Chúa Giê-su phục sinh. Cách thế rao giảng
và làm chứng của thánh nhân thật độc đáo và khác lạ. Độc đáo khi dám đến với những
anh em vùng xa xôi, hẻo lánh. Khác lạ vì chịu tử đạo dưới cây thập giá hình chữ
X. Một cách dân thân không ngần ngại về khoảng cách địa lý, phương tiện di chuyển.
Một cách diễn tả tình yêu cho đến tận cùng nơi thập giá khác thường. Hai phương
cách ấy đáng để những người Ki-tô chúng ta ngày nay suy gẫm về ơn gọi và cách
thế hiện diện của mình.
Tin
mừng cho chúng ta biết, thánh nhân xuất thân từ những người ngư phủ, một nghề
bình dân, quanh năm suốt tháng làm quen với sông nước, biển cả và nắng gió. Với
xuất phát điểm như thế, dĩ nhiên về phương diện tri thức, văn hóa là không nhiều.
Tay chài tay lưới miệt mài sinh nhai, mấy ai dám mạo hiểm chuyển sang một nghề
hướng dẫn, thu phục người khác được? Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách chúng tôi. Cảm
nghiệm tình yêu của thánh Phao-lô cũng là con đường mà An-rê đã chọn trong ngày
hôm nay. Khi được Đức Giê-su gọi ngay tại bờ biển, lúc đang làm việc, ngay lập tức An-rê mạnh dạn từ bỏ “nghề định
mệnh” chuyển sang “nghiệp lưới người” đầy chông gai và thử thách phía trước. Hành
trình địa lý mới của thánh nhân không còn bó buộc nơi dải bờ biển thân quen,
nhưng là những vùng đất xa xôi khắp các vùng Nga Sô và Hy Lạp. Nghề nghiệp mới
của ngài là gặp gỡ, trao đổi, trình bày Lời Chúa đến cho hết thảy mọi người xa
lạ, thay vì vãn chuyện, hàn huyên với những người đồng nghề cùng cảnh. Cũng
theo Tin mừng, thánh An-rê đã dành trọn cả cuộc đời rao giảng Lời Chúa và gửi gắm
tâm hồn nơi những mảnh đất xa xôi này.
Lời
rao giảng sẽ thuyết phục và sống động hơn khi con người dám đứng ra làm chứng,
dám bảo đảm về những điều xác tín và chia sẻ. Thánh An-rê đã đi đến tận cùng của
con đường tình yêu huyền nhiệm. Lời nói lung lay, gương bày soi sáng. Đức tin
không có việc làm là đức tin chết. An-rê đã không rao giảng xuông về một sứ điệp
hão huyền. Ngài lấy chính ơn gọi và sứ mạng của Thầy mình để minh chứng tình
yêu cho đi, chết vì yêu. Yêu Chúa là chấp nhận yêu tha nhân một cách vô vị lợi.
Theo tương truyền, thánh nhân rao giảng Lời Chúa cho những người dân tộc
Scythes xa xôi, cho những người Nga Sô hẻo lánh và cho cả những người Hy Lạp nặng
về triết lý, khoa bảng. Hành động của thánh nhân cho anh chị em của mình đã được
đền đáp bằng tình yêu, bằng ân phúc. Phúc lành tử đạo trên cây thập giá hình chữ
X độc đáo và khác lạ. Phần thưởng mà ngài được vinh danh là bổn mạng của giáo hội
Constantinople, được yêu mến như là vị sáng lập của giáo hội Kiev và là quan thầy
chính của nước Tô Cách Lan.
Rao
giảng và làm chứng là hai phạm trù song song như hai mặt của một đồng xu. Người
Ki-tô hữu cũng mang hai sứ mạng này khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy.
Ơn gọi này thôi thúc những người bước theo Đức Ki-tô không ngưng nghỉ nhưng
liên lỉ và mãi mãi. Thế nhưng làm sao chúng ta có thể tự do rao giảng Tin mừng
khi thâm tâm vẫn còn bận tâm, toan tính cho những vị kỷ cá nhân. Làm sao người
Ki-tô hữu ngày nay nói về một Đức Ki-tô tình yêu khi con tim vẫn còn chứa đựng
những hận thù chính trị, văn hóa và tôn giáo. Làm sao người Công giáo Việt Nam
hiện nay có thể giới thiệu về một Giáo hội hiệp nhất khi khối óc vẫn chất chứa
những nghi kị, hiềm khích và loại trừ.
Lá
thư mục vụ 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi tất thảy mọi người Công
giáo Việt Nam cách thế rao giảng và làm chứng tốt nhất trong bối cảnh ngày nay,
đó là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Cách thức thực thi hữu hiệu nhất ắt hẳn
là lắng nghe và đối thoại. Lắng nghe những âu lo, phiền muộn nơi những người
xung quanh như Đức Giê-su đã ân cần, nhân hậu trước những cảnh đời trái ngang
trong Tin Mừng. Đối thoại, đón nhận những khác biệt, hiểu lầm như Đức Giê-su đã
kiên nhẫn, trò chuyện với người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cóp hay Ngài sẵn lòng
trao đổi, tỏ bày lòng nhân hậu vô biên trong vụ án người phụ nữ ngoại tình. Như
vậy, đối thoại và lắng nghe những thao thức của đồng loại cũng là lời mời gọi của
Hội đồng Giám mục Á châu đối với chúng ta. Mạnh dạn đối thoại với anh chị em sống
chung quanh mình qua những lãnh vực như: đối thoại tôn giáo, đối thoại văn hóa
và đối thoại với người nghèo. Khiêm tốn, từ tâm như thầy Giê-su, đó là những
phương cách để người Công giáo Việt Nam chúng ta dễ dàng trình bày và làm chứng
về một Chúa Giê-su nghèo khó, gẫn gũi và thân thuộc trên mảnh đất hình chữ S
thân thương nhiều giá trị văn hóa và giàu chất tâm linh này.
Lm Mi-ca-e Vũ An Lộc