Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 10

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊ SU

sss09.jpgThân xác trao nộp. Máu đổ ra. Tất cả những kiểu nói ấy mô tả thật đúng thảm trạng đang ăn mòn thế gian. Đâu đó trên thế giới, đang có những con người khốn khổ, bị bắt bớ, bị hành hạ, bị xúc phạm, bị tra tấn và bị giết chết bằng đủ mọi cách. Từ đó vang lên tiếng kêu la tuyệt vọng thảm thiết. Tiếng kêu của máu đòi trả thù máu. Nhưng lời: “Mình bị trao nộp, Máu đổ ra” ở đây lại mang một tầm mức khác ngang qua con người Chúa Giê su. Chúng khẳng định một Tình yêu mạnh mẽ vô song, có thể lướt thắng mọi chướng ngại. Vì đó chính là Tình yêu Thiên Chúa.

Sách Xuất Hành

Trong Do thái giáo, máu đổ ra trong một nghi thức hiến tế mang một ý nghĩa mới khi trở thành tưởng niệm một giao ước: người Híp pri đã hứa vâng phục Lề luật của Thiên Chúa tự nguyện đi vào Lịch sử của họ.

Thánh Vịnh 115

Niềm vui khôn tả khi nghĩ đến cách thức mà Thiên Chúa giải thoát khỏi hiểm nguy. Hạnh phúc chừng nào khi cảm nghiệm mình còn sống. Vì thế tác giả dâng lời cảm tạ Chúa và đáp lại lòng tốt của Người bằmg một hi tế tưởng niệm Giao Ước.

Thư Do thái

Ơn ban đích thực bằng Máu cho loài người được tham dự vào đời sống của chính Thiên Chúa, đó là ơn ban mà Đức Ki tô đã hoàn tất trên thập giá. Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi sự kiềm tỏa của sự dữ khi đề nghị chúng ta sống Tình yêu của Ngài. Qua hi tế, Ngài cho phép tất cả loài người tìm lại được tương quan đích thực của họ với Thiên Chúa: đó là Giao Ước mới.

Tin Mừng Mc 14,12-16.22-26

Cho đến giây phút cuối cùng, Chúa Giê su vẫn tỏ ra là người làm chủ tình thế. Khồ nạn bắt đầu từ đây. Việc xức dầu ở Bê ta nia (14,1-11) chỉ là tiền khúc. Ngài tự nguyện để cho mọi việc xảy đến. Ngài gán cho chiếc bánh bẻ ra và chén rượu chia sẻ ý nghĩa cái chết của Ngài: để cho trần gian được sống.

Bánh không men: có hai nghi thức trong cuộc cử hành Lễ Vượt qua: bửa ăn trong đó người ta ăn chiên, và tuần lễ trong đó bánh phải hoàn toàn không có men, bắt đầu lại ngay từ đầu, loại bỏ hết những chiếc bánh cũ của năm trước, và dùng sản phẩm lúa mì vừa được gặt hái.

Ăn lễ Vượt qua: những khách hành hương, như trong trường hợp của Chúa Giê su và các môn đệ, phải cử hành tiệc vượt qua theo từng nhóm, một phụng vụ mà từ lúc đầu được dự trù trong bầu khí gia đình (Xh 12,3). Do đó ở đây Chúa Giê su đóng vai trò người chủ nhà.

Mang vò nước: giống như việc chuẩn bị vào thành Giê ru sa lem, qua chi tiết nầy, Chúa Giê su khẳng định rằng Ngài là Chúa mọi sự, biết rõ các biến cố sắp xảy ra đến từng chi tiết, dù sau đó Ngài bị bắt và bị hành hạ.

Được chuẩn bị sẵn sng: một yếu tố khác vượt ngòai những sự kiện bình thường: căn phòng vừa trống vừa được chuẩn bị sẵn sàng. Mác cô không giải thích sự kiện đặc biệt nầy.

Bánh: đây là bánh không men (14,12).

Dâng lời chúc tụng: đây là lời chúc tụng Thiên Chúa. Nếu bữa tiệc Ly không phải là bữa tiệc Vượt qua, thì không thể biết được Chúa Giê su đã đọc lời chúc tụng nào. Còn nếu như Mc quả quyết Ngài thực sự ăn tiệc Vượt qua, thì phụng vụ ấn định đến từng chi tiết. Sau đây là một trong những lời chúc tụng theo nghi thức hiện đang được dùng trong bửa ăn Vượt qua người do thái: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúc tụng Chúa, vua vũ trụ, đã cho đất đai sinh ra bánh. Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúc tụng Chúa, vua vũ trụ, đã  thánh hóa chúng con bằng các luật điều của Chúa và đã truyền cho chúng con ăn bánh không men”.

Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy: bằng những lời thiết lập bí tích Thánh Thể nầy, Chúa Giê su cho thấy Ngài đã ý thức về sự chết gần kề của mình:chính dựa trên sự chấp nhận tự do ấy là nền tảng để người ki tô hữu đặt niềm tin vào giái trị cứu chuộc nơi cái chết của Chúa Giê su.

Các lời mà Chúa Giê su nói trong bữa Tiệc li – dù được truyền lại một cách khác nhau – cho thấy rằng Giao Ước mới mà Thiên Chúa kí kết với Dân của Người được sinh ra từ quà tặng mà Chúa Giê su đã cống hiến từ bản thân mình cho hết mọi người.. “Mình” chỉ tòan thể con người Chúa Giê su mà sự hiện diện cứu độ được cảm nghiệm nơi bữa Tiệc li”.

Máu Giao Ước: Chúa Giê su đặt cái chết của Ngài dưới ánh sáng cuộc Vượt qua Do thi giáo. Biến cố nầy, sau cuộc giải thóat khỏi Ai cập, đã dẫn đến Giao Ước được kí kết tại núi Si nai: “Bấy giờ ông Mô sê lấy máu (các con vật) mà rải trên dân và nói: “Đây là máu Giao ước Đức Chúa đã lập với anh em dựa trên tất cả các lời nầy” (Xh 24, 8).

Bởi đó ai thông hiệp vào mình và máu Chúa Giê su thì trở thành dân mới của Giao Ước.

Đổ ra vì muôn người: chính Cha Giê su gán một ý nghĩa thiêng liêng cho cái chết của Ngài. Máu Ngài đổ ra. Đó là máu của một hi tế “cầu an” hoặc “thông hiệp” giống như trong trường hợp con chiên vượt qua: chúng ta được mời gọi nuôi sống bằng hi vật, hoặc cùng lúc thông hiệp với hi tế của người và ngồi vào Bàn tiệc của Thiên Chúa như dấu chỉ bình an và hòa giải được ban cho. Tất cả mọi người được mời gọi. Đó chính là ý nghĩa của kiểu nói sê mít “nhiều người” (10,45).

Rượu mới: lễ vĩnh cửu mà Chúa Giê su loan báo ở đây gợi lên một trong những lời chúc tụng cuối cùng của lễ vựơt qua của người Híp pri: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúc tụng Chúa, vua vũ trụ, đã tạo thành hoa trái của cây nho. Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin hãy đóai thương dân Ít ra ên của Chúa, thành Giê ru sa lem, kinh thành của Chúa, và núi Si on, nơi vinh quang của Chúa ngự trị. Xin hãy đưa chúng con lên đó và cho chúng con hân hoan. Xin hãy cho chúng con ăn cây trái của nó và đầy no mọi phúc lành của nó. Xin hãy giải thóat chúng con trong ngày sa bát nầy và cho chúng con hân hoan trong ngày lễ Bánh không men nầy. Lạy Cha, cúhc tụng Cha vì đất và hoa trái của cây nho” (Agađa của lễ Vượt qua).

Niềm hi vọng diễn tả trong bản văn nầy hướng đến sự phục hồi vương quốc Ít ra ên. Còn Chúa Giê su thì lại loan báo một thứ rượu mới của nước Thiên Chúa. Trong chính giờ phút đi đến cái chết, Ngài nói không do dự về bữa tiệc vình cửu.

Hát Thánh Vịnh: cuối bữa tiệc Vượt qua, người ta hát các Thánh vịnh 113-118. “Không phải người đã chết hay mọi kẻ bước vào cõi thinh lặng ngàn thu sẽ ca tụng Đức Chúa; nhưng là chính chúng ta, những người còn đang sống, chúng ta chúc tụng Chúa từ nay đến muôn đời” (Tv 115, 17-18).

Núi Ô liu: những áp lực đè nặng trên Chúa Giê su cũng như số đông khách hành hương đã buộc Chúa Giê su và các môn đệ đi khỏi kinh thành. Do đó họ đi vào vườn cây dầu nằm  nơi thung lũng Cê dron, bên triền núi Ô liu.

SỨ ĐIỆP

Hôm nay Giáo hội cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa, hay Bí tích Thánh thể. Ngày nay, Bí tích Thánh Thể hay Thánh lễ dần dần trở nên xa lạ đối với nhiều người. Có nghiều bạn trẻ nói: « Thánh lễ không mang lại cho tôi điều gì hết; nó không liên can gì đến tôi cả». Những suy tư đó đến từ một người không biết rõ thánh lễ là gì. Thử đọc lại trong tin mừng trình thuật kể lại những gì Chúa Giê su đã làm chiều thứ Năm Tuần Thánh khi Ngài thiết lập bi tích Thánh Thể. Điều thiết yếu đối với chúng ta không phải là hiểu, vì thực ra, buổi chiều hôm đó, các tông đồ đã phải ngạc nhiên và chắc không hiểu những gì xảy ra trước mắt họ. Vì thế, tâm tình phải có là thờ phượng, ngạc nhiên và tin tưởng.

Chủ nhật hôm nay, một lần nữa chúng ta được mời gọi hướng về Mầu nhiệm Mình Máu Đức Ki tô với tất cả niềm tin của mình. Khi rước lễ, chúng ta lãnh nhận chính Mình Thánh Đức Ki tô, nhưng có thể chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa của từ đó. Vào thời Chúa Giê su, khi người ta nói đến thân mình, người ta không nghĩ đến thân xác đối lập với linh hồn, mà là muốn nói đến toàn vẹn con người, bao gồm tất cả những gì làm nên con người. Do đó, lễ Mình Thánh Đức Ki tô, đó là lễ của toàn thể con người Đức Ki tô. Ngài hiến ban sự sống, hiến ban toàn vẹn con người của Ngài. Chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm đức tin là mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Bánh và rượu đã trở thành dấu chỉ của một cuộc sống hiến ban cho nhân loại tất cả, đến chỗ tận hiến hoàn toàn chính mình.

Trong bài tin mừng mà chúng ta vừa nghe về bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Giê su chiều thứ năm Tuần thánh. Tất cả diễn ra trong một bầu khí thật là bi thảm. Không còn những đám đông người ngưỡng mộ ồn ào chung quanh nữa, mà chỉ còn một nhóm nhỏ các tông đồ đang lo lắng trước những gì sắp xảy ra. Chúa Giê su loan báo cho họ biết rằng một người trong nhóm họ sẽ phản bội Ngài. Chiếc bánh bẻ ra ám chỉ Thân mình sẽ được dâng hiến làm hi tế. Chén rượu là hình ảnh máu Ngài sẽ đổ ra trên đồi Can vê.

Vì thế, khi rước lễ, chúng ta rước lấy Mình Thánh Đức Ki tô. Ngài đã bị trao nộp vì chúng ta và cho muôn người được tha tội. Nhưng để rước lễ thực sự, chúng ta phải sẵn sàng trở thành một « thân mình hiến ban » và « một cuộc sống đổ máu ». Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki tô hướng chúng ta đến mầu nhiệm ấy. Và cũng vì thế mà chúng ta có thể hát: « Anh em là Thân Mình Đức Ki tô, Anh em là máu Đức Ki tô, Anh em là tình yêu Đức Ki tô »

Rồi mỗi ngày chủ nhật chúng ta họp nhau trong nhà thờ, chính là để kín múc từ nguồn suối vô tận tình yêu ở nơi Thiên Chúa. Thánh Thể là một ơn ban mà Thiên Chúa đã dành tặng miễn phí cho chúng ta. Tất cả là hồng ân chứ không do công nghiệp của chúng ta. Do đó, chúng ta không có quyền đòi hỏi như một phần thưởng mà chúng ta đáng được sau những ngày tháng phục vụ cho Thiên Chúa và Giáo Hội. Chúng ta chỉ có thể lãnh nhận quà tặng ấy một cách khiêm nhường từ lòng thương xót của Thiên Chúa.  Mọi đòi hỏi là một sự thiếu kính trọng đối với Chúa.

Trong mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta còn chiêm ngưỡng một thực tại mầu nhiệm khác. Khi truyền phép, Đức Ki tô không chỉ hiện diện trong hình bánh, mà còn muốn hiến thánh và thần hóa chính chúng ta nữa. Nghĩa là Ngài muốn lắp đầy bằng sự hiện diện của Ngài, muốn biến chúng ta thành những con cái thực sự của Thiên Chúa theo hình ảnh của chính Ngài. Ngài muốn lấy sự sống của Ngài đổ đầy tâm hồn chúng ta để chúng ta có thể yêu thương và hiến thân cho tha nhân bằng cuộc sống tiếp nhận và tha thứ, chia sẻ và thân thiện đối với tất cả mọi người như Ngài. Ngài muốn sự hiện diện của Ngài phủ kín cuộc đời chúng ta để chúng ta trở nên những Ki tô khác. Trong suốt cuộc sống trần thế, Chúa Giê su đã luôn vâng phục và làm hài lòng Thiên Chúa Cha. Khi ngự vào lòng chúng ta, Ngài cũng muốn giúp chúng ta mang lại niềm vui cho Thiên Chúa bằng cách sống như Ngài. Chúng ta hãy để cho Ngài xâm chiếm và biến đổi. Thánh lễ là một việc làm của tình yêu.

Hằng tuần, chính Đức Ki tô mời gọi chúng ta đến bàn tiệc của Ngài. Chiếc bánh mà Chúa Giê su ban cho chúng ta, chính là lương thực đem lại sự Sống trường sinh cho chúng ta. Do đó, chúng ta phải cố gắng hết mình để mỗi thánh lễ thực sự là Biến cố lớn trong suốt tuần. Nếu chúng ta thực sự đón nhận Đức Ki tô trong đời sống, thì tất cả mọi sự sẽ thay đổi. Chúng ta hãy hiệp ý với tất cả những người Ki tô hữu cầu nguyện xin ngài dạy chúng ta biết thật sự yêu thương tất cả những người chung quanh như Ngài và với sức mạnh tình yêu của Ngài.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Lễ Vượt qua là lễ gì?

THƯA: Là lễ mà hằng năm người Do thái cử hành một cách trọng thể để kỉ niệm cuộc Vượt qua kì diệu mà Thiên Chúa dẫn dắt họ từ kiếp nô lệ Ai cập đến Đất Hứa. Do vậy, cuộc cử hành luôn bao gồm một bữa ăn nghi thức, trong đó người ta ăn chiên Vượt Qua (x. Xh 12,11; Đnl 16,16).

2. HỎI: “Tuần Lễ Bánh Không Men” là gì?

THƯA: Tuần Bánh Không Men, người ta chỉ ăn bánh làm từ bột không có men để tưởng nhớ lúc họ vội vã ra khỏi Ai cập, bột không có đủ thời gian để lên men. Bữa ăn đó được chuẩn bị một cách cẩn thận và Chúa Giê su biết rõ mọi chi tiết vì Ngài đã cử hành hằng năm.

3. HỎI: Phần đầu đoạn tin mừng mô tả các chi tiết chuẩn bị lễ Vượt qua có ý nghĩa gì?

THƯA: Các chi tiết mà Chúa Giê su truyền cho các môn đệ chuẩn bị Lễ Vượt cũng như sự việc xảy ra đúng y những gì Chúa Giê su đã báo trước không có nghĩa là đã có một sự thoả thuận trước với chủ nhà, nhưng là cách diễn tả cho thấy các biến cố chung quanh cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê su nằm trong sự sắp xếp của Thiên Chúa. Chúng còn bộc lộ cho chúng ta thấy Chúa Giê su không phải là người thụ động, nhưng chính là người chủ động, điều khiển cách chính xác diễn tiến các sự kiện xảy ra.

4. HỎI: Chúa Giê su chủ tọa bữa tiệc Vượt qua đã mang lại cuộc cử hành điều gì mới?

THƯA: Với tư cách là người đứng đầu, Chúa Giê su chủ toạ bữa tiệc, đọc lời chúc tụng hay kinh tạ ơn trên bánh và rượu trước khi bẻ ra và phân phát cho các thực khách. Nhưng khi thực hiện các cử chỉ đó, Chúa Giê su gán cho chúng ý nghĩa mới. “Mình” ở đây không chỉ một phần thân thể, mà là con người toàn bộ. Chính Ngài thực sự trao ban chính mình. Dù nhiều lần đã loan báo trước cho các môn đệ biết Ngài sẽ chết, nhưng đây là lúc Ngài nói đến cái chết như là sự hoàn toàn dâng hiến. Cùng với lời mời gọi: “Anh em hãy cầm lấy”, các ông được tháp nhập vào trong định mệnh của Ngài, đi vào trong một mối giây hiệp thông mới với Thầy mình.

5. HỎI: Như thế, Chúa Giê su tỏ cho các môn đệ biết ý nghĩa cái chết của Ngài?

THƯA: Đúng vậy, qua những lời thiết lập bí tích Thánh Thể: “Nầy là Mình Thầy.. Nầy là Máu Thầy” Chúa Giê su muốn cho các môn đệ biết ý nghĩa cái chết của Ngài. Từ một cái chết bi thảm, Ngài đã biến thành “một cuộc sống trao ban”. Ngài gán cho cái chết của Ngài một ý nghĩa để bí tích Thánh Thể thật sự là một tưởng niệm hiện tại hóa ơn ban tự hiến của Ngài.

6. HỎI: “Máu Giao ước” gợi lại điều gì?

THƯA:Nầy là máu Giao Ước”. Qua lời nầy, Chúa Giê su hướng các môn đệ về với nghi thức mà ông Mô sê thực hiện dưới chân núi Sinai để kết thúc Giao Ứơc giữa Thiên Chúa và dân Người. Ông rảy một nửa máu tế vật lên bàn thờ, tượng trưng cho Thiên Chúa, và một nửa trên dân. Như thế, trong Máu là dấu chỉ của sự sống, một giây hiệp thông sự sống được nối kết giữa Thiên Chúa và dân của Người (Xh 24,3-8). Giờ thì không còn là thứ máu biểu tượng nữa, mà là thực tại biểu hiện bởi máu: đó là tình yêu trung thành cho đến chết.

7. HỎI: Tại sao Chúa Giê su mời các môn đệ chia sẻ chén rượu với Ngài?

THƯA: Chúa Giê su mời gọi các môn đệ uống chung một chén là muốn cho họ được thực sự kết hợp với vận mạng của Ngài, thông phần và cái chết thảm khốc của Ngài, như biểu dương lòng trung thành và tình yêu thương, khởi đầu cho một cuộc gặp gỡ mới giữa Thiên Chúa và loài người, cho một hiệp thông mới giữa con người với nhau.

8. HỎI: “Máu đổ ra cho nhiều người” có nghĩa gì?

THƯA: “Máu đổ ra cho nhiều người” là lời nói gợi lại hình ảnh bí nhiệm của người tôi tớ đau khổ mà sách Isaia Đệ nhị nói tới (Is 53). Như người tôi tớ đau khổ, Chúa Giê su trong cái chết của Ngài, đã mang lấy trên mình, nhận lấy trách nhiệm của cả một đám đông. Đám đông nầy bao quát toàn thể nhân loại, bởi vì theo bản văn của Isaia, đám đông ấy bao gồm cả những kẻ ở xa (Is 42,6; 49,6; 52,15).

9. HỎI: Chúa Giê su có hướng Bữa Tiệc li đến tương lai không?

THƯA: Có. Câu 25 liên kết hiện tại với tương lai, đưa bữa tiệc li cuối cùng của Chúa Giê su với các môn đệ về bữa tiệc cánh chung: bữa tiệc hiện thời chỉ là dấu chỉ hướng tới bữa tiệc cuối cùng. Như thế bữa tiệc li trở thành cây cầu giữa cộng đoàn các môn đệ và sự hoàn thành cánh chung của cộng đoàn đó: biểu tượng của Giáo Hội.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần X Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần X Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần X Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Tâm Chúa Giuêsu - Lm Đan Vinh HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần X Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần X Thường Niên - Lm Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần X Thường Niên - Nt Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần X Thường Niên - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa Ki-Tô - LM ĐAN VINH - HHTM

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ MÌNH MÁU CHÚA: QUÀ TẶNG TÌNH YÊU. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM THỨ SÁU LỄ THÁNH TÂM CHÚA- THIÊN CHÚA LUÔN TÌM KIẾM, CỨU VỚT KẺ LẠC. Nt. Madalena Nguyễn Thị Lan. O.P
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN X LỄ TRÁI TIM ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM. Nt Têrêsa Ngọc Lễ
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN NĂM C- YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ.
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN X THƯỜNG NIÊN NĂM C LỄ MINH MÁU THÁNH CHÚA- CHẠNH LÒNG THƯƠNG- Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN X THƯỜNG NIÊN NĂM C . Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN X LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA. Lm Phao lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN X THƯỜNG NIÊN LỄ MINH MÁU THÁNH CHÚA- HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN... Lm HK