TRÁI TIM CHẠNH
THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA
Xã hội và thế giới ngày nay phát triển nhanh chóng, công
nghệ truyền thông và các phương tiện hiện đại đưa con người xích lại gần nhau
hơn, thế giới, nhân loại như sống chung trong một mái nhà. Tuy nhiên, công nghệ
và sự phát triển có thể khiến cho con người cảm thấy gần nhau, nhưng cũng chính
nó đang khiến cho nhiều người tuy sống gần nhau nhưng hoàn toàn xa lạ nhau. Cuối
tháng năm vừa qua, trên mạng có đăng tải một đoạn video clip, về một tài xế
taxi bị thương, đang vật lộn với tên cướp. Cách đó vài bước chân, một công an
thản nhiên đứng bấm điện thoại. Sự việc sau đó được giải thích là anh công an
kia đang gọi điện kêu người đến tiếp ứng. Cho dù biện minh với lý do gì, thì việc
thản nhiên gọi điện thoại trong khi một người dân đang vật lộn với tên cướp
nguy hiểm, cũng bị cộng đồng cho là hành động vô cảm, thiếu trách nhiệm. Lối sống
vô cảm, dửng dưng là là một bệnh dịch đang lan tràn trong xã hội chúng ta, nó nguy
hiểm hơn cả covid. Nó tấn công vào mọi người, mọi tầng lớp từ người lớn đến trẻ
nhỏ, từ quan chức đến người dân, từ người tu hành đến các tín đồ.
Hôm nay, mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Lời Chúa cho thấy,
Thiên Chúa của chúng ta là vị Thiên Chúa có trái tim chạnh thương. Ngài không vô
cảm, dửng dưng đứng nhìn con người đau khổ, chết chóc. Ngài đã cởi bỏ địa vị
Thiên Chúa để “lao mình xuống” cứu chúng ta lên khỏi cơn sóng dữ là sự chết.
Tiên tri Hôsê là một trong những vị ngôn sứ đã dùng ngôn ngữ và hình ảnh rất gần
gũi, để diễn tả về một Thiên Chúa chạnh thương, Ngài đã “phải lòng” vì yêu con
người. Có những lúc Hôsê diễn tả tình thương của Thiên Chúa với con người nồng
cháy như tình yêu của đôi nam nữ; có lúc ông diễn tả về Thiên chúa như một người
chồng thủy chung, kiên nhẫn tìm kiếm, tha thứ cho người vợ lăng loàn ngoại
tình. Hôm nay ngôn sứ Hôsê lại dùng hình ảnh thân thương của Thiên Chúa như người
cha đối với con thơ của mình: “Khi Israel
còn nhỏ, Ta đã yêu nó. Ta cầm lấy cánh tay nó và tập đi cho nó. Ta nâng niu
chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên và áp vào má chúng.”
Mặc dù được yêu thương chăm sóc như một trẻ thơ trong
vòng tay cha mẹ, nhưng Israel đã không nhận ra tình yêu của Chúa. Họ như một đứa
con thường xuyên trốn tránh, chống đối lại cha mẹ. Thiên Chúa vẫn không bỏ Israel,
cũng không kết án buộc tội nó, nhưng vẫn yêu thương tha thứ và tiếp tục chăm
sóc cho nó: “Ta cúi xuống gần nó mà đút
cho nó ăn. Nhưng nó không chịu về với Ta. Hỡi Epraim, Ta từ chối ngươi sao được!
Hỡi Israel, Ta nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.”
Có thể nói đó là những lời tâm sự của Thiên Chúa như một người Cha đang “trải
lòng ra”, nói lên “nỗi lòng” của mình trước những đứa con ngỗ nghịch.
Nếu như trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã qua các ngôn sứ để
trải lòng mình với Israel, thì trong thời tân Ước, Thiên Chúa đã cho Con của
Ngài là Đức Giêsu đến thế gian, để có thể yêu thương và chăm sóc con người cách
cụ thể hơn nữa. Đức Giêsu đã sống với con người bằng tình yêu bao dung lớn lao
của người cha đối với con cái; tình yêu quảng đại, kiên nhẫn của người thầy đối
với học trò và tình yêu chân thành, thân thiết như những người bạn.
Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha, là Đấng vô hạn vô
biên, quyền năng. Ngài đã trở nên hữu hạn yếu đuối như tất cả mọi người, để có
thể cảm thông và yêu thương con người với trái tim của Thiên Chúa. Đức Giêsu
yêu thương chúng ta như người mục tử yêu thương chăm sóc cho đoàn chiên. Ngài
chăm sóc cho con chiên bị ốm đau, băng bó những con bị thương tích, đi tìm con
chiên lạc, vui mừng vác nó trên vai và đem về đàn. Vì mang trái tim của một người
cha, Đức Giêsu như người cha nhân hậu ngày ngày tựa cửa chờ đứa con hoang đàng
trở về. Khi thấy nó từ đàng xa, Ngài đã chạy ra ôm choàng lấy nó mà hôn, đón nhận
lại nó vào gia đình, trả lại vinh dự cho nó và còn mở tiệc ăn mừng khi đứa con
đi hoang trở về.
Vì mang trái tim của người Thầy, Đức Giêsu ân cần kiên
nhẫn dậy dỗ chỉ bảo cho chúng ta con đường cứu độ, dạy chúng ta sống sao cho trọn
đạo với Thiên Chúa, chỉ cho chúng ta con đường về quê trời. Với trái tim của
người bạn, Đức Giêsu luôn ở bên chúng ta, cùng đồng hành khi chúng ta vui, yêu
thương trợ giúp khi chúng ta gặp khó khăn thử thách và ra tay bảo vệ khi chúng
ta gặp sống gió. Vì mang trái tim của một vị Thiên Chúa, Đức Giêsu đã dùng quyền
năng Thiên Chúa để xua trừ ma quỷ, bảo vệ và gìn giữ chúng ta khỏi những tấn công
của các thế lực sự dữ. Ngài tha thứ khi chúng ta lỗi lầm và nâng chúng ta dậy
những khi ta vấp ngã, ôm chúng ta vào lòng khi chúng ta đau khổ.
Sau cùng, để minh chứng đến tột cùng tình yêu của Người
đối với nhân loại, Đức Giêsu đã trao ban thịt máu mình làm của ăn của uống nuôi
sống nhân loại và để ở lại với nhân loại cho đến tận thế. Đức Giêsu đã trải qua
cuộc thương khó đau đớn khổ nhục và cuối cùng chấp nhận cái chết, để chết thay
cho loài người chúng ta. Tin Mừng Gioan cho thấy, trên cây thập giá, Đức Giêsu
đã để cho tên lính lấy ngọn giáo đâm thấu trái tim, để minh chứng một tình yêu
đến cùng dành cho nhân loại. Người đã để cho những giọt máu và nước cuối cùng đọng
lại nơi trái tim cũng được đổ ra vì nhân loại để tha thứ, cứu độ và khơi lên sự
sống cho nhân loại.
Nếu như xưa Thiên Chúa đã dùng Hôsê để “trải lòng” ra với
con người, thì hôm nay, Thiên Chúa để cho Con của Ngài mở cả lồng ngực, cả trái
tim cho con người được thấy. Nếu như ngày xưa con người chỉ được “nghe những lời
tâm sự” của Thiên Chúa qua Hôsê và các ngôn sứ, thì hôm nay con người được “nhìn
thấy” tình yêu, được “đụng chạm” đến trái tim của một Thiên Chúa là Cha.
Khi suy gẫm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại
qua Đức Giêsu, thánh Phaolô không thể diễn tả bằng lời, ngài chỉ có thể cảm nhận
và nói lên rằng: “Tình thương của Đức
Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết của con người.” Thánh Phaolô
cũng nhận ra rằng, ông được tuyển chọn để nói về Tin Mừng tình thương của Thiên
Chúa, đó là ân huệ là diễm phúc cho ông. Vì nhờ Tin Mừng mà ông nhận biết Thiên
Chúa, nhận ra tình yêu phong phú và sự khôn ngoan diệu kỳ của Ngài dành cho
nhân loại. Trước tình yêu lớn lao phát xuất từ trái tim vĩ đại vô hạn của Thiên
Chúa, thánh Phaolô chỉ còn biết dâng lời chúc tụng, tạ ơn về những điều kỳ diệu
Thiên Chúa đã thực hiện.
Thưa quý OBACE, chúng ta vừa suy gẫm về tình yêu thương
của Thiên Chúa là Cha, qua tình yêu thương của Chúa Giêsu dành cho nhân loại.
Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm, đón nhận tình yêu của Chúa và mang lấy trái
tim của Chúa, để biết sống và yêu như Chúa. Tình yêu đích thực phải phát xuất từ
một trái tim tự do và sự ý thức. Chúa không ép chúng ta yêu Chúa, nhưng Chúa hằng
mong muốn và chờ đợi con người yêu Chúa, đến với Chúa, để cho Chúa yêu thương,
che chở bảo vệ. Đáp lại tình yêu của Chúa, chúng ta không bao giờ bị thiệt,
không bao giờ đau khổ hay mất mát, Chúa sẽ làm cho cuộc đời, trái tim ta trở
nên đầy tràn hạnh phúc. Vì thế, đáp đền lại tình yêu của Thiên Chúa cách tốt nhất
đó là bằng tình yêu thật sự, phát xuất từ trái tim, tâm hồn của ta, hoàn toàn
tin tưởng phó thác cho sự chăm sóc của Chúa.
Đón nhận tình yêu của Chúa, chúng ta được mời gọi để
cho Chúa biến đổi tâm hồn cuộc đời, làm cho trái tim ta trở nên nhạy bén và
tràn đầy tình yêu như trái tim yêu thương của Chúa. Lối sống ích kỷ nhỏ nhen
đang làm cho trái tim của con người dường như trở nên chật chội teo tóp nhỏ bé
lại, khiến cho nhiều người đánh mất sự nhạy bén trước nỗi đau khổ của anh em; nhiều
người để trong tim mình sự thù oán, cay cú, bất khoan dung. Những thói xấu này
như dòng máu nhiễm độc đang từng ngày hủy hoại cuộc đời và tâm hồn con người.
Hôm nay cũng là ngày xin ơn thánh hóa các Linh Mục. Xin
cộng đoàn cầu nguyện cho các linh mục của Chúa. Xin cho các linh mục cũng để
cho Chúa thanh luyện trái tim và cuộc đời mình, để mỗi ngày các linh mục nên giống
Chúa hơn, có trái tim chạnh thương cảm thông hơn. Xin cho các ngài mỗi ngày
thêm thánh thiện hơn và qua sứ thánh thiện của các ngài, đoàn dân của Chúa cũng
được thánh hóa. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí