LỄ MÌNH MÁU
THÁNH CHÚA GIÊSU: MÁU GIAO ƯỚC
Theo truyền thống từ phương Đông qua phương Tây, trong
những cam kết quan trọng, người ta đều lấy máu mình làm bằng chứng. Khi ba người:
Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi kết ước với nhau, mỗi người chích máu từ ngón
tay pha vào ly rượu và cùng nhau uống ly rượu đó như bằng chứng của lời cam kết
họ sẽ là anh em. Cũng với hình thức giống những thế, người phương Tây cũng cắt
máu pha rượu để uống minh chứng cho lời thề. Người ta cũng thấy có nhiều người
lấy máu mình để viết nên những lời thề hoặc những tối hậu thư để lại. Điều đó
cho thấy con người từ cổ chí kim luôn nhận ra giá trị linh thiêng, cao quý của
máu. Vì máu được coi là thành phần chính yếu đem đến sự sống cho con người. Họ
lấy máu của mình để thề có nghĩa là lấy chính sự sống để thề.
Đối với người Do Thái, máu còn mang ý nghĩa thiêng
liêng hơn nữa. Máu được coi là chính sự sống, thuộc chủ quyền của Thiên Chúa.
Vì thế, không ai đuợc phép chạm đến máu cũng không được ăn hoặc uống máu của
người và súc vật. Trong đêm xuất hành khỏi Aicập, gia đình nào có dấu máu chiên
bôi trên khung cửa, sẽ được cứu sống. Vì thế, người Do Thái tin rằng máu đó là
dấu máu giải thoát, đem lại sự sống cho họ.
Máu đã trở nên thánh thiêng đối với người Do Thái. Vì thế,
sách Xuất Hành hôm nay kể lại cuộc ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với con người.
Máu được dùng như một “nhân chứng” quan trọng. Lúc đó, ông Môsê lên núi gặp gỡ
Thiên Chúa. Chúa đã truyền cho ông phải chuẩn bị cho buổi lễ ký kết giao ước giữa
Thiên Chúa và con người. Nội dung của giao ước này là, Thiên Chúa nhận Israel
làm dân riêng của Ngài, Thiên Chúa sẽ yêu thương gìn giữ bảo vệ họ. Còn phía
Israel cam kết sẽ tuân giữ các giới răn lề luật của Thiên Chúa. Trong lễ ký kết,
dân Israel đồng thanh thưa rằng: “Tất cả
những gì Thiên Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” Để chứng
kiến cho giao ước giữa Thiên Chúa và Israel, ông Môsê đã lấy máu của những con
bò được sát tế hôm đó, rảy một phần trên bàn thờ và một phần rảy trên dân chúng
cùng với lời tuyên bố: “Đây là máu giao ước
Đức Chúa đã lập với anh em.”
Thiên Chúa là Đấng
trung thành, Ngài luôn thi hành những gì Ngài đã cam kết. Trái lại, Israel đã
không trung thành với Thiên Chúa như đã cam kết. Họ mau chóng quên giới răn lề
luật của Chúa, từ bỏ Thiên Chúa để thờ cúng các thần minh của dân ngoại, sống
và tuân giữ các tập tục của dân ngoại. Mỗi lần như thế, Thiên Chúa lại để cho
tai ương, dịch bệnh, chiến tranh, cướp bóc xảy ra, như một lời nhắc nhở cảnh
báo Israel. Thiên Chúa còn sai nhiều các ngôn sứ để cảnh báo nhắc nhở, kêu gọi
Israel sám hối trở về cùng Chúa. Khi Israel nhận ra lỗi lầm và điều chỉnh lại đời
sống trở về với Chúa, Thiên Chúa lại rộng tay tha thứ và đón nhận họ.
Thiên Chúa luôn tìm mọi cách để thể hiện tình yêu đối với
con người. Ngài muốn chăm sóc cho con người cách cụ thể như người mẹ chăm sóc
cho con thơ, muốn gần gũi với con người như những người bạn. Vì thế, Thiên Chúa
đã cho Con của Ngài xuống thế làm người. Đức Giêsu chính là hiện thân của tình
yêu Thiên Chúa đến với nhân loại, sống và cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với
con người. Và, vì yêu yêu thương nhân loại đến cùng, Đức Giêsu đã hy sinh mạng
sống, trao tặng máu thịt làm của ăn của uống cho nhân loại.
Câu chuyện diễn ra tại nhà Tiệc Ly, Thánh Marcô nhận ra
đó là một lễ ký kết giao ước không khác gì cuộc lễ ký kết đã diễn ra trên núi
Sinai thời Xuất Hành. Nếu như trên núi Sinai thời Xuất Hành, ông Môsê cho dựng
mười hai tảng đá tượng trưng cho mười hai chi họ Israel, thì tại phòng Tiệc Ly,
mười hai Tông đồ chính là những người đại diện cho mười hai chi tộc Israel mới.
Ngày xưa ông Môsê đã cho giết bò để làm của lễ toàn thiêu và lấy máu rảy trên
bàn thờ và trên dân chúng, thì hôm nay Đức Giêsu đã biến thân mình làm của lễ
hy tế dâng lên Chúa Cha và lấy máu mình làm nhân chứng cho một giao ước mới.
Giao ước tại núi Sinai được ký kết giữa Thiên Chúa và dân Isarel, giao ước tại
nhà Tiệc Ly được ký kết giữa Thiên Chúa với toàn thể nhân loại.
Thánh Marcô đã nhắc đến nghi thức sát tế con chiên Vượt
Qua của người Do Thái. Nghi lễ này nhắc lại sự kiện vĩ đại Thiên Chúa đã thực
hiện cho dân của Ngài khi giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ áp bức tại đất Aicập.
Nghi thức này được cử hành hàng năm, mỗi gia đình phải chuẩn bị một con chiên
không tì vết, đến giờ quy định, họ đem con chiên lên Đền Thờ để sát tế. Cũng
vào giờ sát tế con chiên Vượt Qua, tại nhà tiệc ly hôm đó, Đức Giêsu đã tự hiến
chính mình cho Thiên Chúa Cha, Người trao ban máu thịt làm của ăn của uống cho
nhân loại: “Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy
bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy,
đây là Mình Thầy. Và Người cầm chén rượu…và nói: Đây là Máu Thầy, Máu Giáo Ước
đổ ra vì muôn người.”
Tin Mừng Marcô đã nhận
ra bữa Tiệc Ly hôm đó thực sự là một nghi lễ ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và
toàn thể nhân loại, là đoàn dân mới đã được Đức Giêsu quy tụ. Giáo ước Sinai
đòi buộc Israel tuân giữ Mười Điều Răn của Thiên Chúa, giao ước mới được ký kết
giữa Đức Giêsu và nhân loại, đòi mọi người sống theo lề luật của Tin Mừng. Giao
ước Sinai lấy máu chiên bò rảy trên bàn thờ và dân chúng như là máu giao ước và
là nhân chứng giữa hai bên. Trong giao ước tại nhà Tiệc Ly, máu của Đức Giêsu
được đổ tràn trên toàn thể nhân loại và là nhân chứng mạnh mẽ cho sự cam kết
yêu thương đến tận cùng giữa Thiên Chúa và con người.
Tác giả thư Do Thái
đã nhận ra Đức Giêsu chính là vị Thượng Tế của Thiên Chúa, từ nơi Thiên Chúa mà
đến. Qua hy tế hiến dâng chính mình, Đức Giêsu đã thanh tẩy tội lỗi cho toàn
nhân loại và ban ơn cứu độ cho toàn thế giới. Tác giả còn nhận ra rằng, trong
thời Cựu Ước, hàng năm, vị thượng tế phải vào Đền Thờ dâng hy lễ là chiên bò và
rảy máu chúng trên mình và trên dân để xá tội cho chính mình và cho toàn dân. Vị
Thượng Tế Giêsu đã dâng hiến lễ một lần duy nhất, của lễ là chính thân mình Người,
bàn thờ dâng hiến chính là Thập Giá. Máu được đổ ra và rảy trên toàn thể nhân
loại cũng chính là máu của Đức Giêsu. Người đã thực hiện một Giao Ước Mới để tẩy
xóa tội lỗi nhân loại và mở đường cho mọi người bước vào nhà Thiên Chúa, chung
hưởng gia nghiệp với Người.
Máu và Thịt được
trao ban trong nghi lễ ký kết giao ước tại nhà Tiệc Ly chính là Máu Thịt của Đức
Giêsu, máu thịt của chính Thiên Chúa. Máu thịt được ban tặng không phải là một
kỷ vật được cất kỹ nhưng để làm của ăn, của uống cho tất cả nhân loại chúng ta.
Biến mình trở nên của ăn, của uống, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu thương đến tận
cùng với con người. Người muốn đáp ứng nhu cầu căn bản của con người, đó là ăn
uống, muốn trở nên nguồn dinh dưỡng cho con người. Ăn Thịt và uống Máu Đức
Giêsu, chúng ta được nuôi dưỡng bằng chính sức sống của Thiên Chúa, được Đức
Giêsu đi vào trong tâm hồn và cuộc đời. Chúa Giêsu muốn nên một với con người
và muốn con người nên một với Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, Lễ Minh Máu Thánh Chúa là dịp nhắc cho
chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa là Đấng Trung Thành với lời đã cam kết. Ngài cam kết
yêu thương chúng ta đến cùng và Ngài cũng muốn chúng ta trung thành với cam kết
tuân giữ giới răn lề luật của Tin Mừng cho đến cùng. Vì yêu đến cùng, Đức Giêsu
đã trao ban máu thịt, con người và sự sống cho nhân loại chúng ta. Ngài đã hiến
tế đời mình trên thập giá, đổ hết máu mình ra để tẩy rửa tội lỗi nhân loại, đã
trao ban sự sống mới cho nhân loại qua cuộc phục sinh của Ngài.
Chúa Giêsu đã trao tặng cả con người và sự sống của Người
làm của ăn, của uống nuôi dưỡng đời sống đức tin của người tín hữu. Tôn thờ
Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi siêng năng đến thờ lạy Chúa,
nhất là đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào trong tâm hồn. Có Chúa trong tâm hồn,
Chúa sẽ nuôi dưỡng và bảo vệ chúng ta khỏi sự tấn công của ma quỷ và tội lỗi.
Đón Chúa về trong gia đình, Chúa sẽ đem lại sự bình an và hạnh phúc cho gia
đình. Chúa sẽ dạy cho bậc cha mẹ biết sống đời hy sinh vì con cái; cho các
thành viên biết sống trung thành với giới răn của Chúa và luật Giáo Hội. Có
Chúa trong gia đình, Chúa sẽ giải gỡ những vướng mắc, xóa đi những bất hòa và
nhất là Chúa sẽ là Đấng bảo vệ và gìn giữ gia đình chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng và sự cần
thiết không thể thiếu của Bí Tích Thánh Thể trong đời sống đức tin của người
tín hữu, để chúng ta biết dành thời giờ và ưu tiên cho việc tìm kiếm và lãnh nhận
Mình Máu Chúa mỗi ngày. Mình Máu Chúa sẽ là bảo đảm cho phần rỗi chúng ta. Amen
Lm Giuse Đỗ Đức Trí