THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI
VATICAN. Trong thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM thế giới về gia
đình, ĐTC mời gọi toàn Giáo Hội tiếp tục tiến bước noi gương lòng cảm thương
của Thiên Chúa.
Sau 3 tuần làm việc khẩn trương, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ
14 về “ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày
nay” đã kết thúc với thánh lễ 10 giờ sáng chúa nhật 25-10-2015, tại Đền thờ
Thánh Phêrô.
Có 314 vị đồng tế với ĐTC, gồm các nghị phụ và các linh
mục dự thính viên và cộng tác viên, trong số này có 71 Hồng Y, 7 vị Thượng Phụ,
4 vị Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, và
174 Giám Mục, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu. Có nhiều người khác tham
dự thánh lễ qua các màn hình lớn đặt tại quảng trường thánh Phêrô.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC nói:
“Tất cả 3 bài đọc của Chúa nhật này đều trình bày cho chúng
ta lòng cảm thương của Thiên Chúa, tình phụ tử của Chúa, được biểu lộ chung kết
trong Đức Giêsu.
Ngôn sứ Gêrêmia, giữa thảm họa của đất nước, loan báo
Chúa đã cứu dân Ngài, phần còn lại của dân Israel (31,7).. Đoạn thư gửi tín hữu
Do thái cũng trình bày cho chúng ta lòng cảm thương của Chúa Giêsu. Chúa mặc
lấy những yếu đuối của chúng ta để cảm thương những người ở trong sự u mê, lầm
lạc..
ĐTC diễn giải nhiều về bài Tin Mừng kể lại Chúa Giêsu chữa
lành người mù Bartimeo. Ngài nói:
“Có một chi tiết đặc biệt hay. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ
của Ngài đi gọi Bartimeo. Các môn đệ nói với người mù bằng hai kiểu nói mà Chúa
Giêsu sử dụng trong phần còn lại của bài Tin Mừng. Trước hết các môn đệ nói với
người mù: “Hãy can đảm lên!”, một từ có nghĩa đen là ”hãy tin tưởng, hãy phấn
khởi!”. Thực vậy, chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới mang lại cho con người
sức mạnh để đương đầu với những tình cảnh trầm trọng nhất. Thành ngữ thứ hai
là: “Hãy đứng lên!” giống như Chúa Giêsu nói với bao nhiêu bệnh nhân, cầm tay
họ và chữa lành họ. Các môn đệ của Ngài không làm gì khác hơn là lập lại những
lời khích lệ và có sức giải thoát của Chúa Giêsu, dẫn người mù đến thẳng với
Chúa, mà không giảng giải gì. Cả các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay cũng được kêu
gọi làm như vậy, nhất là ngày nay: nghĩa là đặt con người tiếp xúc với lòng
Thương Xót cảm thương cứu độ. Khi tiếng kêu của nhân loại trở nên mạnh mẽ hơn,
như nơi ông Bartimeo, không có câu trả lời nào khác ngoài những lời nói của
Chúa Giêsu mà chúng ta nhận làm của mình và nhất là noi theo tâm hồn của Chúa.
Những tình trạng lầm than và xung đột, đối với Thiên Chúa, là những dịp thực
hành lòng thương xót. Ngày nay là thời kỳ của lòng thương xót!
Nhưng có một số cám dỗ đối với những người theo Chúa Giêsu.
Tin Mừng làm nổi bật ít là 2 cám dỗ. Không có môn đệ nào dừng lại như Chúa
Giêsu đã làm. Họ tiếp tục tiến bước, tiến hành như thể không có gì xảy ra. Nếu
ông Bartimeo là người mù, thì họ là những người điếc: vấn đề của ông không phải
là vấn đề của họ. Tình trạng này cũng có thể là nguy cơ của chúng ta; đứng
trước những vấn đề liên lỉ, tốt hơn nên tiếp tục tiến bước, không để cho mình
bị phiền toái. Theo cách thức ấy, giống như các môn đệ, chúng ta ở với Chúa Giêsu,
nhưng không suy nghĩ như Chúa. Ta ở trong nhóm của Ngài, nhưng nếu ta không cởi
mở tâm hồn, thì sẽ mất đi lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn và lòng nhiệt thành, và
có nguy cơ trở thành những người quen thuộc với ơn thánh. Chúng ta có thể nói
về Chúa, làm việc với Chúa, nhưng sống xa tâm hồn của Chúa, một tâm hồn hướng
về ngừơi bị thương. Đó là một cám dỗ: một thứ linh đạo ảo ảnh: chúng ta có thể
tiến qua sa mạc của nhân loại mà không thấy điều thực sự hiện hữu, nhưng chỉ
thấy điều chúng ta muốn thấy; chúng ta có khả năng kiến tạo những quan niệm về
thế giới, nhưng chúng ta không chấp nhận điều mà Chúa đặt trước mắt chúng ta.
Một niềm tin không biết ăn rễ trong đời sống của dân chúng thì nó khô cằn, và
thay vì là một ốc đảo xanh tươi, thì lại tạo nên những sa mạc khác.
ĐTC nói tiếp:
“Có một cám dỗ thứ hai, đó là rơi vào một đức tin đã hoạch
định. Chúng ta có thể tiến bước với dân Chúa, nhưng chúng ta đã có lịch trình
tiến hành, qui định trước tất cả: chúng ta biết đi đâu và cần bao nhiêu thời
gian; tất cả đều phải tôn trọng nhịp độ của chúng ta, và mọi điều bất tiện đều
làm phiền chúng ta. Chúng ta có nguy cơ trở thành những người trong Tin Mừng
mất kiên nhẫn và khiển trách ông Bartimeo. Trước đó họ đã khiển trách các trẻ
em (Xc 10,13), nay họ trách người hành khất mù: ai gây phiền toái hoặc không
thích hợp thì bị loại bỏ. Trái lại Chúa Giêsu muốn bao gồm, nhất là những người
bị gạt ra ngoài lề và kêu lên Ngài. Những người, như Bartimeo, có đức tin, vì
biết mình cần ơn cứu độ là cách thức tốt nhất để gặp Chúa Kitô.
Và sau cùng, Bartimeo lên đường theo Chúa Giêsu (Xc v.52).
Không những ông ta phục hồi được thị giác, nhưng còn hiệp với cộng đoàn những
người đồng hành với Chúa Giêsu.
Anh chị em tham dự Thượng Hội đồng thân mến, chúng ta đã đồng
hành với nhau. Tôi cám ơn anh chị em vì con đường chúng ta đã đi chung với cái
nhìn hướng về Chúa và anh chị em, trong sự tìm kiếm những con đường mà Tin Mừng
chỉ cho thời đại chúng ta ngày nay để loan báo mầu nhiệm tình yêu gia đình.
Chúng ta hãy tiếp tục con đường mà Chúa muốn. Chúng ta hãy xin Chúa một cái
nhìn được chữa lành và cứu độ, biết loan truyền ánh sáng, vì nhắc nhớ vẻ huy
hoàng đã soi chiếu. Không bị lu mờ vì sự bi quan và tội lỗi, chúng ta hãy tìm
kiếm và thấy vinh quang của Thiến Chúa, chiếu tỏa trong con người đang sống”.
Trong phần lời nguyện giáo dân bằng các thứ tiếng: Hoa, Pháp,
Ba Lan, Anh và Hindi, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và các GM, cho các
gia đình Kitô, các vị lãnh đạo chính quyền, kinh tế và công nghệ, những người
nghèo, người đau khổ và cô đơn, sau cùng là cho các thừa sai.
Sau thánh lễ, ĐTC đã lên lầu 3 của dinh Giáo Hoàng để đọc
kinh truyền Tin lúc 12 giờ trưa với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng
trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nhắc đến Thượng HĐGM thế giới
về gia đình vừa kết thúc và cũng gợi lại bài Tin Mừng, nói lên sự quan tâm và
lòng thương xót của Chúa đối với dân của Người.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn:
vi.radiovaticana.va