Ngày 20 tháng 9
THÁNH AN-RÊ KIM, PHAO-LÔ CHUNG
và các bạn Tử đạo
· Gương Thánh nhân
Sau khoảng 60 năm đạo Chúa được rao truyền trên đất nước Triều Tiên, Hội thánh phải lâm cơn bách hại. Nhiều người Ki-tô hữu bị bắt bớ giam cầm, và bị giết vì đức tin; trong số đó có thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung và nhiều giáo dân khác. Đang khi bị tù tội tra tấn, các ngài chẳng những vui lòng chấp nhận vì Chúa, mà còn an ủi khích lệ nhau trung kiên theo Chúa.
Dưới đây là những lời khích lệ của thánh An-rê Kim Linh mục: “Anh em và các bạn rất thân mến, hãy suy đi nghĩ lại: Từ khởi thủy Thiên Chúa đã sắp đặt trời đất và mọi loài; sau cùng, anh em hãy suy vì lý do và ý định nào mà Thiên Chúa đã tác tạo từng người giống hình ảnh Ngài và như họa ảnh Ngài. Vậy nếu trong thế gian đầy nguy hiểm và gian khổ nầy mà chúng ta không nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa, chúng ta sinh ra và sống ở đời nầy thật vô ích. Mặc dù nhờ Thiên Chúa chúng ta sinh ra, cũng như nhờ Thiên Chúa chúng ta nhận lãnh phép rửa tội, gia nhập Giáo hội, đồng thời mang quí danh là môn đệ hoàn hảo của Chúa, nhưng chỉ có danh hiệu mà không có thực chất, thì việc chúng ta sinh ra và gia nhập Giáo hội đều là hư không, hơn nữa việc nầy còn phản bội Thiên Chúa và ân sủng của Người. Chúng ta đừng sinh ra thì tốt hơn là lãnh nhận ơn Chúa và phạm tội chống lại Người…”
“Anh em rất thân mến, anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta là Đức Giê-su xuống thế gian chịu muôn vàn đau khổ cho tới cùng, đồng thời dùng cuộc khổ nạn của mình mà thiết lập Giáo hội, và làm cho Giáo hội tăng trưởng bằng khổ nạn của các tín hữu. Dù đàn áp và chống đối, các quyền lực thế gian không bao giờ có thể thắng Giáo hội. Sau khi Chúa lên trời, kể từ thời các tông đồ cho đến nay, Hội thánh tăng trưởng khắp nơi giữa những đau khổ”.
“Còn bây giờ, ròng rã 50 năm trở lại đây, kể từ lúc Hội thánh đi vào đất Triều Tiên của chúng ta, người tín hữu lại đã bị bách hại, ngay cả hôm nay cuộc bách hại còn đang nặng nề, đến nỗi nhiều người cũng là bạn hữu với nhau trong cùng một đức tin, trong đó có tôi, đang chịu cảnh tù ngục, cũng như cả anh em cũng đang sống giữa đau khổ. Vì chúng ta làm nên một thân thể như thế, làm sao lòng chúng ta lại không buồn? Theo tình cảm nhân loại, làm sao chúng ta không cảm thấy nỗi đau đớn phải chia ly?”
“Tuy nhiên, như lời Kinh Thánh nói, Thiên Chúa quan tâm đến sợi tóc nhỏ nhất trên đầu, và quan tâm bằng sự thông suốt của Người; vậy tại sao lại không cho rằng cuộc bách hại như thế là lệnh của Thiên Chúa, là phần thưởng hoặc cuối cùng là hình phạt của Người?”
“Thế nên chúng ta hãy tuân theo ý Chúa, và anh em hãy hết lòng chiến đấu cho thủ lãnh là Đức Giê-su ở trên trời, và chiến thắng ma quỷ thế gian nầy, như Đức Ki-tô đã chiến thắng”.
Chính nhờ nâng đỡ khích lệ nhau, và với ơn Chúa giúp, các ngài đã anh dũng tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô cho đến chết, và đã đổ máu ra làm chứng cho Chúa.
· Quyết tâm
Hằng ngày khuyên lơn nhắc nhở những người thân yêu siêng năng sốt sắng thờ phượng Chúa, làm tôi Chúa, nhất là sẵn sàng chịu khổ chịu cực vì Chúa, theo gương các thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung và các bạn tử đạo.
· Lời nguyện
Lạy Chúa là Đấng tạo thành và cứu độ muôn dân. Chúa đã mời gọi dân tộc Triều Tiên đón nhận đức tin Công giáo, để gia nhập cộng đoàn Thiên Chúa chọn. Chúa lại ban cho cộng đoàn nầy tăng trưởng nhờ lời tuyên xưng của các bậc anh hùng, là hai thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung, cùng các bạn tử đạo. Xin nhậm lời cầu nguyện của các ngài, mà ban cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, là trung thành tuân giữ giới răn Chúa cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Chúng con cầu xin…
THÁNH GIOAN CÓT-NAY TÂN
Linh Mục Tử Đạo
· Gương Thánh nhân
Đối với các thánh tử đạo, đặc biệt thánh Gioan Tân tử đạo hôm nay, thử thách bách hại chẳng phải là cực hình khốn khổ mà là niềm vui mầng hạnh phúc nhất trên đời, chẳng những các ngài sẵn lòng chịu khổ chịu chết vì Chúa, các ngài còn coi đó là nguồn hân hoan diễm phúc.
Khi bị bắt nhốt trong củi giải về Sơn Tây, cha Gioan Tân hết sức vui mầng. Suốt dọc đường, ngài luôn ca hát ngợi khen cảm tạ Chúa. Trong ba tháng tù cũng như khi bị đưa ra pháp trường xử án, cha vẫn vui vẻ tươi cười hát thánh ca, vì tin chắc sẽ được làm chứng cho Chúa, sẽ được phần thưởng lớn lao như lời Chúa hứa: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả, và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mầng nhảy múa, vì nầy đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Lc. 6, 22-23).
Gioan Cót-nay sinh ngày 28 tháng 02 năm 1809 tại Lou-đun, nước Pháp, trong một gia đình đạo đức sốt sắng. Nhờ đó khi lớn lên cậu được Chúa thương gọi giúp việc Chúa, nên sau khi mãn trung học, cậu đã xin gia nhập Chủng viện. Và do ơn Chúa soi sáng, cậu ước muốn đi giảng đạo ở miền xa. Thế nên năm 1830, thầy Gioan xin vào Đại Chủng Viện thừa sai Pa-ri, dọn mình chịu chức phó tế để đi truyền giáo ở Viễn Đông.
Tháng 3 năm 1832, thầy đã đến Ma Cao, và được Bề Trên sai đi tỉnh Tứ Xuyên ở Trung Quốc. Nhưng vì đường sá khó khăn trở ngại, thầy tạm đến ở Việt Nam, chờ hai người giáo hữu Trung Hoa đến đón rước. Chẳng may những người nầy mắc bệnh chết dọc đường, thầy phải quay về Hà Nội, xin ở lại giảng đạo tại Việt Nam và lấy tên là Tân. Sau một thời gian học tiếng và tập sự thi hành mục vụ, ngày 20 tháng tư năm 1934, Đức cha Du phong chức Linh mục cho thầy, và sai đi giúp xứ Bầu Nọ, tỉnh Sơn Tây. Trong ba năm ở đây, cha luôn luôn tận tụy hy sinh cho đoàn chiên, chăm sóc giúp đỡ cả phần hồn lẫn phần xác cho họ. Ngoài ra việc dâng Thánh lễ, ban Bí tích, giảng dạy giáo lý ở nhà thờ, cha thường xuyên đi thăm viếng bệnh nhân, người già yếu. Nhất là các giáo hữu bê bối nguội lạnh, tìm cách an ủi khích lệ họ.
Lúc đó ở Bầu Nọ có băng cướp do tên Đức cầm đầu. Chúng thường cướp giật tài sản của dân làng, làm cho nhiều người phải điêu đứng khổ sở. Các giáo hữu trong họ đạo thấy vậy thì hợp với dân làng vây bắt chúng nộp cho quan. Tên Đức tức giận, tìm cách trả thù. Hắn tố cáo dân làng chứa chấp Tây dương Đạo trưởng (Linh mục nước ngoài). Nhưng quan tổng trấn Sơn Tây lúc đó không tha thiết gì đến lệnh bắt đạo của vua, nên ông ta làm ngơ. Thấy vậy, hắn dùng mưu kế khác, nhất định trả thù cho được. Hắn cho người đem vũ khí chôn giấu gần chỗ cha Tân ở, rồi tố cáo cha xúi dân làm loạn, chống lại triều đình. Quan liền đem quân đến làng Bầu Nọ bao vây khám xét, khi thấy vũ khí, quan ra lệnh tìm bắt cha Tân. Quân lính tìm thấy cha trốn trong bụi rậm liền bắt nhốt vào củi, giải về Sơn Tây ngày 20 tháng 06 năm 1837. Suốt dọc đường, cha luôn vui mầng ca hát cảm tạ Chúa, vì Người đã thương cho cha được dịp làm chứng cho Người.
Ở Sơn Tây, nhiều lần quan cho điệu cha ra tòa tra tấn đánh đập, bắt ép cha nhận tội âm mưu làm loạn, chống đối vua chúa quan quyền. Nhưng cha trả lời: “Thưa quan, tôi là Đạo trưởng. Hằng ngày tôi dạy bảo người có đạo thờ Chúa kính vua, lẽ nào tôi làm ngược lại lời tôi giáo huấn mà chống đối vua quan.”
Quan giận dữ, cho đánh cha bằng roi có gắn những miếng chì bén nhọn, rách nát cả thịt da; máu chảy đầm đìa. Nhưng cha vẫn vui lòng chấp nhận, không than trách lời nào. Quan lại buộc cha bước qua Thập giá chối đạo. Cha liền ôm lấy Thánh giá hôn kính. Quá tức giận, quan kết án chém đầu cha. Nhưng vua Minh Mạng đã đổi án lăng trì (phân thây).
Ngày 20 tháng 09 năm 1837, cha được đưa ra pháp trường, lòng tràn ngập hân hoan, miệng luôn hát thánh ca cảm tạ ngợi khen Chúa, vì được phước chịu chém đầu phân thây để làm chứng cho Chúa.
Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã phong Chân Phước cho cha ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988. Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô 2 suy tôn cha lên Hiển Thánh.
· Quyết tâm
Noi guơng thánh Gioan Tân Linh mục tử đạo, hằng ngày siêng năng rao giảng đạo Chúa và sẵn sàng chịu khổ chịu cực vì Chúa. Nhất là khi gặp thử thách gian khổ thì vui lòng chấp nhận và hân hoan cảm tạ Chúa, vì được dịp làm chứng cho Chúa và sẽ được phần thưởng lớn lao.
· Lời nguyện
Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.