THÁNH GIUSE – NGƯỜI THỢ CẦN CÙ CHĂM CHỈ
Lời Chúa: Mt 13, 54-58 M
54 Khi ấy, Đức Giêsu
về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói:
“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? 55 Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông
không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp,
Simôn và Giuđa sao? 56 Và chị em của
ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được
như thế?” 57 Và họ vấp ngã vì Người.
Nhưng Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê
hương mình mà thôi”. 58 Người không
làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
Suy niệm
Trình thuật Tin Mừng theo Thánh Matthêu thuật
lại cho chúng ta biết gia cảnh của Chúa Giêsu qua một số người đồng hương. Họ
tra vấn về nguồn gốc gia đình, anh em họ hàng của Chúa Giêsu. Khi giảng dạy,
Chúa Giêsu được nhiều người ngưỡng mộ vì những lời lẽ khôn ngoan và các phép lạ
kèm theo: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?
Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh
em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em
của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta
được như thế?” (c. 54-56).
Tại quê nhà Nagiarét, Chúa Giêsu bị người đồng
hương xem thường, nhưng họ vẫn phải công nhận Người là con của bác thợ Giuse và
bà Maria. Qua thánh Giuse, Chúa cậu bé Giêsu đã được sinh ra trong dòng
tộc của Vua Đavít, trong một gia đình trần thế, có cha có mẹ. Theo văn hóa Do
Thái, người mẹ chính là người thầy đầu tiên của con trẻ. Người mẹ sẽ dạy cho
con gái nề nếp gia phong, học biết cách làm vợ đảm đang dịu hiền, còn con trai
thì theo cha để được truyền thụ những kiến thức về tôn giáo, về xã hội và kinh
nghiệm sống. Thánh Giuse cũng đã dạy cho cậu bé Giêsu biết yêu mến chu toàn các
điều luật, biết tham dự nghi lễ vượt qua và các nghi lễ khác. Thánh Giuse cũng
dạy con mình biết lao động bằng nghề thợ mộc chân chính. Có lẽ trẻ Giêsu cũng
được học trường làng, học tiếng Hípri với các trẻ Do Thái khác. Tin Mừng ghi lại
rằng, năm lên 12 tuổi, cậu bé Giêsu vào hội đường đọc sách Luật bằng tiếng
Hípri và trò chuyện với các vị khôn ngoan (x. Lc 2,46).
Nói đến thánh Giuse, chúng ta nghĩ ngay đến một
con người trầm lặng, một người thợ gương mẫu đã chu toàn trách nhiệm làm chủ
gia đình Nagiaret, tận tụy chăm sóc Mẹ Maria và dưỡng dục Chúa Giêsu. Thuộc dòng dõi vua Đavít, thánh Giuse đã được
tuyển chọn để làm dưỡng phụ cho Con Thiên Chúa nhập thể vào trần gian. Thánh Giuse có một
đời sống âm thầm khiêm tốn và nghèo khó. Dưới lớp áo lao động bạc màu, là cả dòng máu trâm anh và một tâm hồn
cao khiết. Với đôi tay chăm chỉ cần mẫn và một trái tim trung thành bất chấp mọi
gian lao, thánh nhân không đòi hỏi gì cho riêng mình: không tiền bạc, không
danh vọng, chỉ thiết tha chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Nơi xóm làng Nagiarét, thánh Giuse chọn một nghề bình thường để nuôi
sống gia đình và đã được người dân địa phương gọi với cái tên thân mật là ‘Bác Thợ Mộc’.
Thánh Giuse
là mẫu gương cho người Kitô hữu noi theo để chu toàn bổn phận trong mọi ngành
nghề, vì Người đã làm việc trong tâm tình liên kết với Đức Giêsu. Lao động thì
vất vả nhưng đem lại niềm vui lớn lao. Lao động phục vụ con người, giúp ta tới
gần Thiên Chúa. Tại gia đình Nagiarét, Chúa Giêsu đã học được nơi thánh Giuse
tinh thần phục vụ. Trong ý nghĩa đó, năm 1955, Đức Giáo Hoàng
Piô thứ 12 đã chọn thánh Giuse như mẫu gương của giới công nhân và người lao động.
Lời Chúa trong sách Sáng Thế cho biết: Sau khi tạo dựng trời
đất muôn vật, Thiên Chúa đã trao cho con người quyền cai trị trái đất và được
tham dự vào kế hoạch cứu độ của Người. Vì thế lao động không phải là một hình
phạt do tội, nhưng là góp phần mình vào công cuộc sáng tạo và cứu độ của Thiên
Chúa.
Thánh
Giuse là người trầm lặng biểu lộ sức mạnh của mình qua năng lực hoạt động. Trong
nhiệm cục cứu độ, thánh Giuse đã được chọn để xây nền đức tin cho dân Chúa vốn
đã bị mất định hướng vì tội lỗi. Con Thiên Chúa đã nhập thể vào trần gian để cứu
độ nhân loại khởi đi từ mái nhà Nadarét có Mẹ Maria và cha thánh Giuse.
Kinh
Thánh không ghi lại lời nói nào của thánh Giuse, nhưng người trở thành gương mẫu
cho mọi hoạt động. Đó là vét rỗng chính mình, để mình ra không trước nhan Thiên
Chúa. Chiều sâu của hoạt động là sự thinh lặng để lắng nghe tiếng nói nội tâm. Thánh Giuse hành động trong chiêm niệm
và chiêm niệm trước khi hành động. Thánh nhân không phải là người nhu nhược, chỉ
biết hành động theo lời sứ thần nhưng ngài hoàn toàn có phân định với ý thức và
tự do. Quyết định đón nhận Đức Maria về nhà làm vợ khi bà đang mang thai, chắc
chắn thánh Giuse đã có những phút giằng co trong nội tâm. Thế nhưng khi đã thuận
theo ý Chúa, thánh nhân luôn có được sự bình an trong tâm hồn.
Thánh
Giuse trở thành mẫu gương cho mọi hoạt động vì ngài đã thực hành điều chính yếu
trong cuộc đời. Dù đôi tay có chai sần vì công việc của người thợ mộc, dù phải
bôn ba trong nghịch cảnh, dù sống trong cảnh nghèo nhưng niềm vui Nước Trời đã
thành sự nơi trần thế. Mỗi hành động của thánh Giuse đều được tuôn trào từ sự
vâng phúc thánh ý Chúa. Khi truyền tin, sứ thần Chúa đã trân trọng gọi thánh
Giuse là “con cháu Đavít” (Mt 1,20).
Vì thế thánh nhân đã hành động như bậc trượng phu, xứng danh là hậu duệ của
thánh vương Đavít.
Trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng của công đồng
Vatican II, Giáo hội khuyên nhủ các tín hữu: “Hãy ra sức vận dụng lao động
và óc sáng tạo để làm cho cuộc sống phát triển rộng rãi hơn...Con người được dựng
nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, đã được lệnh phải khắc phục trái đất với tất
cả những gì nó chứa đựng, phải theo lẽ công minh và đường lối thánh thiện mà quản
trị thế giới. Con người nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, thì phải
quy hướng bản thân và muôn loài muôn vật về Người, để khi mọi loài đã quy phục
con người, thì danh Thiên Chúa được tôn vinh trên toàn cõi đất. Điều này ứng dụng
cho cả những công việc thường ngày. Khi con người cả nam lẫn nữ làm ăn nuôi sống
mình, nuôi sống gia đình và hoạt động để phục vụ hữu hiệu cho xã hội, thì họ có
thể coi lao động là tiếp nối công trình của Tạo Hóa, có quyền kể mình như đang
góp phần lo cho anh em được sung túc, đang góp tài năng riêng của mình cho kế
hoạch của Thiên Chúa được hoàn thành trong lịch sử”.
Trong xã hội hiện nay, nhiều người vẫn sống
trong cảnh nghèo đói vì thất nghiệp. Một số người còn bị lạm dụng, bị bóc lột sức
lao động bởi những doanh nghiệp và những quốc gia lớn, họ không được tôn trọng,
không được hưởng sự công bằng do công sức lao động. Bên cạnh đó, còn một số người
lười biếng không chịu làm việc, họ trở thành gánh nặng cho xã hội.
Giữa
một thế giới chạy theo do hưởng thụ, gương sống của thánh Giuse thật cần thiết
để mỗi người chúng ta noi theo. Dù
làm công việc gì, chúng ta đều đang cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc
sáng tạo. Cuộc khủng về kinh tế, xã hội và văn hóa mời gọi chúng ta khám phá
lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của lao động, để mang lại một sự ổn
định cho xã hội để không một ai bị loại ra bên ngoài. Cung cách phục vụ của
thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng chính Con Thiên Chúa khi làm người, đã không
coi thường đời sống lao động (x. Patris Corde 6).
Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời và con người của
thánh Giuse là dấu chứng và biểu hiện tuyệt vời về lòng thương xót của Thiên
Chúa. Noi gương thánh Giuse
chuyên cần trong cầu nguyện và lao động, xin cho chúng con ý thức giá trị và ý
nghĩa của lao động, biết đem hết sức lực và khả năng của mình để phục vụ xã hội
và Giáo hội. Xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận hàng ngày với một con tim
yêu mến, hầu góp phần loan báo Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.
Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP