Ngày 14 tháng 12
THÁNH GIOAN
THÁNH GIÁ
LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
(1542-1591)
Chúa
Kitô đã phán: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình vác thánh giá mà
theo Ta” (Mt 16, 24). Hơn ai hết thánh Gioan Thánh giá đã
hiểu thấu lời khuyến cáo trên và để đem áp dụng từng nét trong đời sống. Thực thế, thánh Gioan Thánh giá có
thể ám
chỉ về mình lời Thánh vịnh: “Từ niên thiếu tôi đã sống nghèo nàn” (Tv 87, 16).
Thánh
nhân sinh năm 1542, tại miền cao nguyên Vecchia Castilla, nước Tây Ban Nha. Cha ngài thuộc dòng quý tộc, nhưng
mẹ ngài
lại là
con nhà lao động. Cuộc kết hôn không môn đăng hộ đối này đã làm cho cả gia tộc thân phụ ngài bất mãn, hất hủi cha mẹ thánh nhân. Mẹ thánh nhân đạo đức và duyên dáng, nhưng
rất
nghèo. Bị gia đình hất hủi, thân phụ thánh nhân phải đi bán lụa ở chợ làm kế sinh nhai. Hai ông bà
sinh hạ được ba người con. Thánh Gioan là con út. Người cha vì quá lam lũ, đã
qua đời lúc thánh nhân mới lên hai tuổi.
Cha
chết rồi, mẹ và anh cả ngài phải làm việc cho một xưởng dệt để kiếm tiền nuôi gia đình. Vì là nhà
nghèo, Gioan đã phải bỏ học chữ để học nghề. Cậu học được rất nhiều nghề, từ nghề thợ mộc, thợ may, điêu khắc đến cả nghề thợ sơn.
Năm 1554, Gioan được gửi tới thành phố Médina del Campo. Nơi
đây cậu sẽ được thấy rõ bộ mặt thực của xã hội với tất cả những vất vả, xấu xa, uế tạp, bần cùng và trụy lạc của nó. Cũng tại nơi
đây, Gioan học đọc, học viết tại nhà trường các bà phước. Đến sau Gioan lại học về thuốc và được tới phục vụ trong một bệnh viện. Lợi dụng thời gian thuận tiện này, Gioan tìm giờ học văn phạm và triết học với các cha dòng tên vào các
buổi
sáng sớm và đêm tối. Cũng trong thời gian này, Gioan nuôi dưỡng chí hướng làm một thầy dòng khổ tu và ngài xin nhập dòng Cátminh với danh hiệu Gioan Mátthia (Jean
Saint Mathias). Tuy nhiên thầy Gioan không thoả mãn với dòng này, ngài muốn gia nhập dòng khổ tu Chartreux. Trong thời gian này, thầy vẫn tiếp tục học triết lý và sau đậu bằng triết học. Sau khi mãn triết lý, thầy qua ban thần học vào năm 1567. Cũng năm
đó, thầy Gioan được hân hạnh gặp thánh nữ Têrêsa Cả, lúc đó đang có sứ mệnh canh tân dòng kín
Catminh. Hồi đó thánh nữ Têrêsa đã 52 tuổi. Còn thầy Gioan mới có 25 tuổi. Thánh Têrêsa cố gắng thuyết phục thầy Gioan đứng ra canh tân luật dòng cho hợp với tinh thần buổi đầu.
Qua
năm 1568, thầy Gioan được thụ phong linh mục. Cũng năm ấy cha lấy danh hiệu là Gioan Thánh giá và bắt đầu khổ hạnh với hai người bạn ở Duruelo. Nơi
đây ngày ngày cha đi giảng dạy dân chúng trong vùng. Nhưng
cha không bao giờ ăn cơm ở nhà xứ nơi
cha giảng vì cha thích trầm lặng. Tới năm 1570, cha được cử làm bề trên nhà tập, liên tiếp trong những năm 1572-1577, cha
Gioan làm cha giải tội và linh hướng cho dòng kín Cátminh ở Avila. Nhờ đấy thánh Têrêsa và ngài đã
quen biết nhau hơn. Càng hiểu nhau, các ngài càng quý
mến
nhau. Nhưng thường ra không có hoàn cảnh thuận tiện để hai người nói chuyện với nhau về Thiên Chúa. Nhưng
điều gì
Thiên Chúa muốn đều có thể được cả. Vì thế nhiều lần Người đã cho thánh Têrêsa Cả ngất trí để đến gặp cha Gioan. Khi làm cha
giải tội, cha vừa tỏ ra hiền từ vừa cương
quyết.
Đôi khi sự cương quyết và hiền từ ấy đã gây nên những phản ứng khác nhau. Người yêu kẻ ghét. Chẳng hạn một tối kia, vừa bỏ toà giải tội ra về, đang đi đường, một người đàn ông lực lưỡng từ trong bóng tối nhẩy ra ôm chầm lấy cha và đánh cha một trận tơi
bời. Nhưng
đối với những đấng thánh thì đây là dịp vui mừng của các ngài. Một tối khác, cha Gioan đang ngồi ăn cơm
tối một mình trong phòng, bỗng một thiếu nữ trẻ đẹp đột nhiên vào phòng và tỏ tình âu yếm cha với những lời nói lả lơi
quyến rũ.
Cha Gioan lấy lời hiền từ mà khuyên bảo cô. Lời nói hiền dịu như
rót vào tai của cha, đã khiến cô cảm động, khóc nức nở vì hối hận, và sau đó cô đã tự ý rút lui yên hàn.
Năm
1575, mở màn cho những đêm tăm tối (nuit obscure) của cha Gioan. Quả thế, năm 1575 dòng Cátminh mở hội nghị bất thường. Các tu sĩ ở đây muốn sống theo một quy luật rộng rãi và dễ dãi. Họ không muốn theo con đường hẹp mà cha Gioan đang muốn đưa
họ vào.
Họ kết án cha Gioan và đồ đệ cha là bất khẳng, phản loạn và cố chấp. Đêm 4 tháng 12 năm
1577, họ bí mật cho người về bắt cha Gioan và đồ đệ cha về giam hãm 9 tháng trong
phòng tối tại nhà dòng mẹ ở Tolêđê. Đây là kinh nghiệm cụ thể về “đêm tối tăm”. Chính chốn lao tù này đã giúp cha
Gioan sáng tác nên những vần thơ thần bí rất mực sâu sắc.
Chỉ có đau khổ và tình yêu mới có thể làm nên những chuyện phi thường như
thế. Đau
khổ thể xác một ngày một gia tăng kèm thêm với những đau khổ tinh thần. Bề trên dòng buộc cha Gioan phải bỏ ý định canh tân luật dòng theo tinh thần thánh nữ Têrêsa Cả. Trong khi đó, thánh nữ Têrêsa vận động khắp nơi
giải
thoát cha Gioan. Thánh nữ cầu cứu tới cả nhà cầm quyền. Nhưng nỗ lực của thánh nữ đều vô ích.
Nhưng
sự gì
thế gian
không làm được thì trên trời lại càng làm được. Tiếng kêu của cha Gioan đã làm rung động cả thiên đàng. Chính Đức Trinh Nữ sẽ ra tay cứu thoát cha Gioan bằng cách giúp cha vượt ngục. Đến giờ đã định, cha Gioan chọn một đêm thật tối trời để vượt ngục. Giữa đêm khuya cha tháo ổ khóa bện lại làm giây leo qua cửa sổ. Nhưng
khốn nỗi, giây quá ngắn, khiến cha Gioan ngã xuống góc thành lũy, nhưng
không xây xát gì vì đây chỉ là một bức tường thấp. Thật đúng như lời Thánh vịnh: “Cảm đội ơn
Chúa, con đã vượt tường lũy” (Tv 17, 30). Sau đó cha Gioan bò dậy và lần mò tới dòng kín Cátminh, xin tá
túc.
Những tâm hồn khiêm tốn, đau khổ thường được Chúa yêu riêng và trọng dụng. Cha Gioan được bầu làm bề trên dòng ở Can-vê. Nơi
đây cha nghỉ ngơi lấy lại sức, sống trong trầm mặc và sống trong học thuyết của cha. Thỉnh thoảng thầy trò thường dẫn nhau tới bờ suối. Và sau khi đã nói với họ về Thiên Chúa, cha để họ tản mát mỗi người mỗi ngả hầu đối thoại riêng tư
với
Chúa. Hằng ngày có rất đông người tội lỗi, buồn phiền, bối rối, đến xin cha cầu nguyện và khuyên bảo. Tự tay cha xây cất một nhà dòng rất đẹp, có nhiều cây ngả bóng tăng vẻ thần bí cho chốn tu trì, cha cho phép các
thầy ra
vườn
nguyện ngắm, cầu nguyện dưới bóng cây, bởi vì thiên nhiên rất dễ hướng lòng người tới Thiên Chúa sáng tạo. Nơi
đây cha Gioan sáng tác “Bài ca thiêng liêng” (Le cantique spirituel) và “Ngọn lửa tình ái” (Vive flamme
d’amour). Sau đau khổ sẽ tới vinh quang cũng như
sau bão tố trời lại rạng sáng. Năm 1588, cha Gioan được bầu làm bề trên tu viện Sêgovia. Mọi người đều quí mến và thán phục cha Gioan. Người ta đồn rằng: ngài được in năm dấu như
Chúa Giêsu. Nhưng ngài một mực cải chính lời đồn đại đó. Ở Sêgôvia, cha Gioan truyền treo bức ảnh Chúa Giêsu vác thánh
giá ở một chỗ mà mọi người có thể xem rõ. Một hôm, đang lúc nguyện ngắm, Chúa Giêsu hiện đến hỏi ý cha Gioan xem cha muốn xin phần thưởng gì. Cha Gioan thưa:
“Lạy
Chúa, con muốn chịu đau khổ vì Chúa. Con muốn bị người đời khinh chê và bỏ rơi”. Không bao lâu ước nguyện của cha được thực hiện. Qua năm 1591, hội nghị dòng quyết định không trao cho cha
Gioan một chức vụ nào nữa. Chính cha thánh cũng tiên báo: “Rồi đây người ta sẽ ném tôi vào xó nhà”. Người ta bắt đầu mở chiến dịch lăng mạ dèm pha và vu cáo cha. Nhưng
cha chỉ lấy câu: “Dĩ đức báo oán” để đáp lại. Người ta kể lại rằng thời đó, cha đã dập tắt một đám cháy bằng một lời nguyện. Lần khác cha làm bốn dấu thánh giá mà dẹp được cơn
bão.
Khi
sức đã
kiệt, bề trên muốn cho cha Gioan được nghỉ ngơi
hoàn toàn. Năm 1591, bề trên cho cha thánh tự do chọn một trong hai tu viện: tu viện Baeza, tu viện ngài yêu mến hơn
hết và
tu viện Ubeđa. Ngài đã không ngần ngại chọn tu viện Ubeđa, một tu viện vốn không ưa
ngài. Sức cha mỗi ngày một kiệt vì những đau khổ tự ý và không tự ý hằng ngày gây nên. Thêm vào
đó bệnh tật lợi dụng lúc cơ thể đã kiệt lực bắt đầu bộc phát, bắp chân cha bị năm cái nhọt lớn khiến bác sĩ phải lột hết da đùi của người, từ khuỷu chân xuống đến gót chân. Các gân bị đứt hết.
Quá
đau đớn cha thánh than: “Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa
đã làm cho con như thế đấy”. Nhiều người muốn nói chuyện với ngài nhưng
ngài không thể nói với họ được: “Xin quý ngài tha lỗi cho tôi, tôi không thể trả lời quý ngài được, vì đang bị đau khổ dày vò”. Bác sĩ tiếp tục mổ hai nhọt trong thận. Trên vai ngài lại có một ung nhọt to bằng nắm tay. Biết cha thánh ưa
nhạc, người ta mời mấy nghệ sĩ đến gẩy đàn cho ngài nghe để làm dịu phần nào những nhức nhối khó chịu. Nhưng
cha thánh vội gạt ngay đi: “Nếu Thiên Chúa ban cho tôi khổ là có ý cho tôi chịu, tại sao quý ngài lại muốn dùng âm nhạc để làm giảm bớt đi? Vì tình yêu Chúa
Giêsu, tôi xin cảm tạ lòng bác ái của quý ngài đã muốn dành cho tôi. Tôi muốn chịu tất những đau khổ này do tay Chúa gửi cho tôi mà không nhờ tới bất cứ một nâng đỡ trần gian nào để nhờ đó tôi đáng được ân phúc”.
Những ngày cuối cùng của đời ngài đã qua đi trong yên
tĩnh và êm dịu. Cha thánh luôn luôn cầu nguyện, trước nửa đêm ngày 13 tháng 12 năm
1591, đang khi mọi người đọc kinh phó linh hồn, cha thánh làm hiệu ngừng đọc và xin đọc cho ngài nghe một đoạn sách Nhã Ca. Cha bề trên đọc một đoạn, cha thánh cũng đọc theo. Đúng nửa đêm, tay cha cầm Thánh giá, miệng đọc: “Lạy Chúa, con xin phó dâng
linh hồn con trong tay Chúa” (Lc 23, 46). Ngài nhìn một lượt các thầy dòng hiện diện, hôn Thánh giá, rồi tắt thở.
Đến sau, xác thánh Gioan
Thánh giá được đưa về Sêgovia. Qua bao năm trường, xác thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn và xông mùi thơm
tho. Xác thánh nhân được táng trong nhà nguyện dòng Cátminh.
Đức Giáo Hoàng Clementê X đã
phong chân phước cho thánh Gioan Thánh giá năm 1675. Đức Thánh Cha Bê-nê-đích-tô
XIII đã phong thánh cho ngài năm 1726 và sau cùng, Đức Piô XI tặng thánh nhân danh hiệu tiến sĩ Giáo hội năm 1926.