TÌNH MẪU TỬ CỦA MẸ MARIA DÀNH CHO
NHÂN LOẠI
Trong tất cả
tình cảm của con người, tình mẫu tử là một thứ tình cảm hết sức thiêng liêng và
có một sức mạnh đặc biệt. Mặc dù ngày nay có những người mẹ đành tâm vứt bỏ con
mình trong sọt rác, nhưng đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt. Nhìn chung,
tình mẫu tử có sức mạnh thúc đẩy một người mẹ dám hy sinh dành cả cuộc đời để
lo lắng cho con, yêu thương con, cho dù đứa con đó ngỗ nghịch hư hỏng, thậm chí
hy sinh cả mạng sống để cứu con mình. Có những người mẹ từ chối hoá trị, chấp
nhận cái chết để cho con được sinh ra đời, có người mẹ không chỉ sinh ra con,
mà khi con bị bệnh, đã cho con một phần cơ phận của mình.
Nếu như mỗi người ở trần gian đều có một người mẹ, thì Thiên Chúa lại
quan phòng để ban tặng cho tất cả chúng ta có một người mẹ thiêng liêng, đó là
Mẹ Maria. Dù là Mẹ thiêng liêng, nhưng Đức Maria đã yêu thương nhân loại bằng
tình mẫu tử của một người mẹ trần gian và còn dùng thế giá của mình trước tôn
nhan Chúa để yêu thương và che chở chúng ta bằng tình yêu và uy quyền của Mẹ
Thiên Chúa.
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính Đức Maria với tước hiệu “Nữ Vương rất thánh
Mân Côi”. Đây là tước hiệu Mẹ Maria vui thích nhất, vì tước hiệu này vừa ca tụng
quyền năng Thiên Chúa, vừa cùng với Mẹ tạ ơn Thiên Chúa vì muôn việc kỳ diệu
Chúa đã làm nơi Mẹ.
Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể làm được tất cả mọi sự, Ngài có muôn
vàn cách thế, để yêu thương và tha thứ cho nhân loại. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã
muốn chọn một cách thức hết sức đặc biệt là cho Con của Ngài xuống thế làm người
và đầu thai trong cung lòng Đức Maria. Việc một vị Thiên Chúa thiêng liêng, quyền
năng, vô hạn lại trở nên con người hữu hình và hữu hạn là một việc vượt quá sức
suy tưởng của con người. Hơn nữa, Thiên Chúa lại muốn cho Con của Ngài được
sinh ra bởi một người phụ nữ, làm con của con người. Người phụ nữ được tuyển chọn
chính là Đức Maria.
Tin Mừng Luca thuật lại giây phút long trọng Thiên Chúa cử sứ thần
Gabriel đến hỏi ý kiến Đức Maria. Sứ thần vào nhà Trinh nữ và chào : “Kính chào Bà Đầy Ơn Phúc, Thiên Chúa ở cùng
Bà”. Một lời chào hết sức kính trọng và đặc biệt. Sứ thần đã phải cung kính
nghiêng mình trước ân phúc mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Sứ thần đã nhận thấy
nơi Mẹ là đấng được tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa bảo vệ. Thiên Chúa
không ngừng ban ơn để Mẹ trở nên một cung điện cho Con Thiên Chúa đến cư ngụ.
Khi Thiên Chúa cư ngụ nơi nào, thì Ngài biến nơi đó thành đền thánh của Ngài.
Kinh Mân côi là lời Hội Thánh và mỗi chúng ta lặp lại lời chào long trọng của sứ
thần dành cho Mẹ. Lời này vừa ca tụng quyền năng của Thiên Chúa vừa chiêm ngắm
ân sủng Chúa ban cho Mẹ.
Đức Maria không hiểu lời sứ thần nói có nghĩa gì. Mẹ cũng không hình dung
được điều gì sẽ xảy ra cho mình. Qua một lời giải thích ngắn gọn : “Thánh Thần sẽ đến với Trinh Nữ và uy quyền
của Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh Nữ, vì thế, Đấng Trinh Nữ sinh ra sẽ là Đấng
Thánh, là Con Thiên Chúa”. Đức Maria đã thưa : “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Ngay
lúc đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã ngự xuống đầu thai trong cung lòng của Mẹ.
Kế đến, lời kinh nhắc đến lời chúc tụng mà bà Isave dành cho Mẹ, khi Mẹ
đem Chúa Giêsu đến viếng thăm gia đình Dacaria và Isave : “Em có phúc hơn mọi phụ nữ, và con trong lòng em thật diễm phúc”.
Qua lời này, chúng ta ca tụng Mẹ là người phụ nữ hạnh phúc nhất và vinh dự nhất
trong nhân loại, vì Mẹ đã trở thành người đại diện cho cả loài người đón rước Đấng
Cứu Thế bước vào trần gian và vào cung lòng Mẹ. Mẹ hạnh phúc vì Mẹ được Chúa
yêu thương tuyển chọn. Mẹ đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa cách quảng đại.
Mẹ đã dám để Thiên Chúa sử dụng cung lòng và cuộc đời của mình, để Thiên Chúa dẫn
đi trên con đường Chúa muốn và dám phó thác hoàn toàn cho Chúa.
Từ một thụ tạo, Mẹ được Thiên Chúa nâng lên địa vì là Mẹ Con Thiên Chúa.
Với địa vị này, Thiên Chúa đã hạ mình làm con của Mẹ, đồng thời Thiên Chúa cũng
hạ mình “trao nhường vinh quang và quyền năng” của một vị Thiên Chúa cho Mẹ. Từ
đó, Đức Maria trở nên người Mẹ vô cùng thần thế trước mặt Thiên Chúa, được đặt
vào vị trí như một “Bà Chúa”, Nữ vương trên trời. Dù được đặt vào vị trí cao
sang trổi vượt hơn tất cả mọi loài thụ tạo, nhưng Đức Maria vẫn không quên mình
là một con người trong hàng thụ tạo của Thiên Chúa. Mẹ không lấn át quyền năng
của Thiên Chúa nhưng dựa vào quyền hạn Thiên Chúa ban để dõi theo con cái trần
thế và để che chở phù trì.
Sách Công Vụ cho thấy, mặc dù là mẹ Con Thiên Chúa, sau cuộc phục sinh của
Chúa Giêsu, Mẹ vẫn hiện diện một cách âm thầm bên các tông đồ và nâng đỡ đời sống
đức tin cho các ông. Mẹ cùng cầu nguyện với các tông đồ, cùng cầu xin và chờ đợi
Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mẹ không hề lên tiếng hay can thiệp vào công việc của
các tông đồ, nhưng dõi theo trong cầu nguyện và khích lệ các tông đồ trên hành
trình truyền giáo. Vì sự hiện diện nâng đỡ này, Giáo Hội hướng về Mẹ qua lời cầu
xin trong phần thứ hai của kính Kính Mừng : “Thánh
Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ
lâm tử”.
Hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội liên tục trải qua những sóng gió thử
thách, những bách hại và giết chóc, Giáo Hội luôn chạy đến cùng Mẹ. Giáo Hội
tin rằng, Mẹ không thể lìa xa con cái thiêng liêng của Mẹ. Qua lời trăn trối của
Chúa Giêsu trên thập giá, Mẹ đã đón nhận nhân loại làm con và Mẹ trở nên Mẹ của
Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội và mỗi người chúng ta luôn có chỗ để cậy dựa và cầu
xin. Qua lời cầu xin này, chúng ta ý thức thân phận yếu hèn tội lỗi của mình để
xin Mẹ thương nâng đỡ và xin Chúa tha thứ : “Cầu
cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”.
Lời cầu xin này cho thấy con người yếu đuối, tội lỗi và bất xứng, cần đến
ơn Chúa mọi giây phút. Xin Mẹ cầu bầu cho ngày hôm nay, tức là cho giây phút hiện
tại này, để mỗi phút giây chúng ta có thể sống đẹp lòng Chúa, phù hợp với ý
Chúa. Cầu cho ngày “hôm nay” còn là lời cầu xin cho cả thế giới ngày nay đầy bất
ổn, chiến tranh, bạo lực được thái bình thịnh vượng, được sống an lành. Cầu cho
con người ngày nay đầy những tham vọng, kiêu ngạo, ngỗ nghịch chống đối Thên
Chúa, biết quay về và nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa thật, là Đấng quyền năng làm
chủ vũ trụ này.
Chúng ta cũng xin Mẹ trợ giúp mỗi người trong giờ lâm tử. Tức là xin Mẹ ở
bên chúng ta lúc sống cũng như khi chết, khi phải đương đầu một cách quyết liệt
với ma quỷ, dục vọng và thế gian. Xin Mẹ ra tay cứu giúp chúng ta trong giờ lâm
tử, đế cho đến hơi thở cuối cùng, chúng ta vẫn thuộc trọn về Chúa và thuộc về Mẹ.
Mừng lễ Đức Maria Mân Côi và suy gẫm về kinh Mân Côi, chúng ta được mời gọi
tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và tin tưởng vào sự che chở, bênh vực của
Mẹ. Hãy chạy đến với Đức Maria mỗi ngày qua chuỗi Mân Côi, vì đây là lời kinh bảo
đảm cho khi sống và khi chết luôn có Mẹ Maria cứu giúp. Lời kinh này đưa chúng
ta đến gần Chúa, gần Mẹ và gần nhau hơn. Vì thế mỗi người, mỗi nhà, mỗi nhóm
hãy đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Chúng ta có thể đọc riêng, đọc chung bất cứ nơi
đâu : khi đi đường, khi đi làm, khi làm việc, khi lái xe, chúng ta đều có thể cất
lên lời kinh : Kính Mừng Maria đầy ơn phúc…
Không có nơi nào an toàn cho bằng trái tim và vòng tay của Mẹ. Vì thế, đừng
ngại ngần đến với Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. Khi rảnh, chúng ta có thể đọc
cả chuỗi năm mươi. Khi bận, chúng ta có thể đọc chuỗi mười và có thể đọc năm
kinh, ba kinh. Kinh Mân côi phù hợp cho hết mọi người, từ người trí thức đến
người bình dân, từ người già đến người trẻ, từ linh mục tu sĩ đến giáo dân, ai
cũng có thể cầu nguyện bằng lời kinh này.
Lịch sử Giáo Hội và kinh nghiệm đức tin còn cho thấy kinh Mân Côi là lời
kinh rất hiệu quả để xây dựng hạnh phúc gia đình, để giải gỡ những khó khăn
trong cuộc sống và để nâng đỡ đời sống đức tin. Xin cho mỗi người, mỗi gia đình
biết tin tưởng và luôn chạy đến với Mẹ Mân Côi qua lời kinh Kính Mừng mỗi ngày.
Amen.
Lm . Đỗ Đức Trí