Trang Chủ > Suy Niệm > Các Thánh

THÁNH TÊ-PHA-NÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI

(Thế kỷ I)

Các Giáo phụ, nhất là thánh Augustino, thánh Phun-gien và thánh Đamianô đều hết lời ca ngợi thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi và đứng đầu danh sách bảy phó tế do các tong đồ đặt tay. Chính tên thánh nhân trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “được đội triều thiên”, nên nhiều người nghĩ rằng thánh nhân đã đuợc ơn gọi tử đạo từ lúc lọt long mẹ.

Có lẽ thánh Tê-pha-nô sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái, theo văn hóa Hy Lạp. Lúc thiếu thời, Tê-pha-nô được thụ giáo với danh sư Ga-ma-liên là người Biệt phái và là một tiến sĩ luật Do Thái rất có thế giá, được toàn dân kính nể ở Giêrusalem lúc bấy giờ. Được thầy giỏi hướng dẫn, Tê-pha-nô ngày đêm học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh. Có lẽ khi ở Giêrusalem, Te-pha-nô đã có dịp làm quen với Phao-lô lúc ấy còn gọi là Sao-lô (người sẽ tham dự vào cuộc ném đá Tê-pha-nô sau này, nhưng được ơn trở lại va 2trở thành tong đồ của các dân ngoại) nhất là được gặp gỡ, tiếp xúc với các tong đồ và các tín hữu gốc Do Thái theo văn hóa Hy Lạp, nên Tê-pha-nô đã xin trở lại Kitô giáo  và nhập đoàn với đông đảo tín hữu Kirtô thuôc nhiều nền văn hóa khác nhau lúc bấy giờ.

Vì số tín hữu gia tăng mỗi ngày một nhiều, các tông đồ không thể lo chu đáo cho mọi người, nhất là trong các buổi hội họp. Vì thế, các ngài có sáng kiến tìm các phụ tá để giúp việc bác ái và phục vụ các buổi lễ bẻ bánh. Bởi thế, nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ (tín hữu) và nói: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng Lời Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đạt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời thiên Chúa. Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy long tin và đầy Thánh Thần cùng với các ông Phi-líp-phê… Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông” (Cv 6, 1-6). Nghi thức đặt tay trong Cựu Ước chỉ sự thánh hiến hoặc chuyển quyền cho người khác. Ở đây, các Tông Đồ đặt tay trên bảy người là trao quyền cho các ông giữa cộng đoàn. Có thể nói đây là lễ phong chức đầu tiên, cho bảy phó tế tiên khởi, thời Giáo Hội sơ khai, thời các thánh Tông Đồ.

Các phó tế được đặt tay có nhiệm vụ lo việc bác ái trong cộng đoàn và phục vụ trong các buổi lễ bẻ bánh. Nhưng vì nhu cầu đón nhận Tin Mừng nơi lương dân, chính các Thầy phó tế này cũng trở thành những kẻ phục vụ Lời, nghĩa là tiếp tay với các Tông Đồ để rao giảng Tin Mừng. Sách Công Vụ Tông Đồ đã ghi nhận là trong thời này có các nhà truyền giáo nổi tiếng:Các ông Tê-pha-nô, Ba-na-ba, nhất là Sao-lô trở lại. Tê-pha-nô có tên trong danh sách các nhà truyền giáo nổi tiếng ấy, vì ông được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, ông còn được đầy ân sủng và quyền năng; ông đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân, nghĩa là được quyền năng như các Tông Đồ. Ngoài ra, Tê-pha-nô còn có tài ăn nói và thong thạo Kinh Thánh nhờ được học dưới mái trường của tiến sĩ luật Do Thái Ga-ma-liên. Với những ơn thiêng liêng và tài năng như vậy, Tê-pha-nô đã góp phần rất nhiều với các Tông Đồ, trong việc làm tăng thêm rất nhiều số các tín hữu, kể cả một đám rất đông các tư tế thuộc giới bình dân.

Không ngờ những thành công kia lại là căn nguyên dẫn đến cái chết tử đạo của thầy phó tế tiên khởi Tê-pha-nô. Mặc dầu ngài ít giao tiếp thân thiện với những  người Do Thái không trở lại đạo, vì ngài cho rằng việc đi lại thân thiện với họ xem ra chẳng mấy quan trọng. Bởi ngài coi việc họ cứng lòng không tin vào Chúa Giêsu là sự chối từ ánh sáng. Vậy mà có một số người trong bọn họ, ngày kia đã đứng ra tranh luận với Tê-pha-nô. Nhưng họ làm sao địch nổi những lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho Ngài. Rồi vì tức giận và ghen ghét, họ vu cáo cho Tê-pha-nô là đã nói lộng ngôn xúc phạm đến Môisê và Thiên Chúa. Họ sách động dân chúng cùng các kỳ mục và các kinh sư, rồi ập tới bắt ngài và điệu tới Thượng Hội Đồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm đến nơi thánh và lề luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nazareth ấy sẽ phá hủy nơi này và thay đổi những tục lệ mà Môisê đã truyền lại cho chúng ta.. Toàn thể cử tọa trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Tê-pha-nô và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ” (Cv 6, 10-5).

Bấy giờ vị Thượng tế hỏi ông Tê-pha-nô: “Có đúng như vậy không?” Ông Tê-pha-nô không trả lời thẳng vào câu hỏi của vị thượng tế, nhưng đáp lại bằng một diễn từ dài. Nói đúng ra đây là bài giảng giáo lý theo đúng hình thức Keryma được sử dụng thời các Tông đồ. Bài keryma luôn đặt Đức Kitô phục sinh là trọng tâm và là nguồn ơn cứu độ. Chủ đề này lần lượt được quảng diễn qua ba đề tài:

1.      Đức Kitô Phục Sinh nên Ngài là Chúa và là Đấng Cứu Độ.

2.      Các Tông Đồ làm chứng về Chúa Phục Sinh và kêu gọi sám hối

3.      Ai tin vào Chúa phục Sinh thì được ơn tha thứ.

Vì thế, trong bài diễn từ nói trước Thượng Hội Đồng lược tóm lịch sử của dân Chúa chọn, thánh Tê-pha-nô muốn làm nổi bật lên những sự chống đối, bất trung của dân Chúa qua dòng lịch sử. Ngài đề cao vai trò và địa vị của Chúa Kitô, khi đưa ra hình ảnh Môisê. Môisê là hình ảnh Chúa Giêsu, đền thờ đích thực không phải là đền thờ do tay người ta làm ra, được xây nên ở Giêrusalem, mà đền thờ đó là chính Chúa Giêsu. Rồi khi thánh Tê-pha-nô kết thúc bài giảng bằng lời tố cáo tội họ sát hại các ngôn sứ và cả việc đóng đinh Chúa Giêsu nữa, thì ai cũng hiểu rằng ngài đã làm cho những người Do Thái đang ngồi xử ngài phải giận điên lên và căm thù ngài như thế nào. Đang khi đó, thánh nhân được đầy ơn Thánh Thần, Người đăm đăm nhìn trời như để báo cho đám người điên dại kia hãy mở mắt, mở tai ra mà nhìn và nghe một sự thật mà ngài đã rao giảng. Ngài thấy vinh quang Thiên Chúa và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Nhưng những người cố chấp và cứng lòng đó đã la ó, bịt tai và đồng loạt xông vào lôi người thánh ra ngoài thành mà ném đá cho chết, để nguội lửa căm thù đang sôi sục trong lòng họ. Trong khi đó, người thánh vẫn bình tĩnh  cầu nguyện với Đấng mà ngài đã tin và hằng rao giảng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con”. Rồi quì gối xuống, ngài nói lên lời tha thứ như tiếng vọng lại lời tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá xưa: “lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”.

Về việc chôn cất thánh nhân, sách Công Vụ Tông Đồ chỉ ghi lại một dòng vắn tắt nhưng đầy tình cảm mến thương đối với vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Chúa lúc ban đầu.

Ôi! Cao đẹp thay đời sống và cái chết của thầy phó tế tiên khởi: một đời sống hết mình vì Đấng mình tin, một cái chết can đảm mà trước đó còn lấy lời cầu xin cho người làm khổ minh. Thánh Tê-pha-nô đã thực hiện từng chữ Lời của Chúa: “Ai không ở với tôi là chống lại tôi”.

Lời nguyện:

Lạy Chúa, thánh Tê-pha-nô vị tử đạo đầu tiên đã biết cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình như Chúa Kitô dạy.,

Hôm nay, mừng Thánh nhân được rước về trời, chúng con nài xin Chúa ban ơn, để chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà yêu thương ngay cả địch thù, Amen

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Kính Trọng Thể CTTĐVN- Lm. Đan Vinh HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Josaphat - Lm. Anton Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lễ Mẹ Mân Côi - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
     Suy niệm Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (15/09/2021) - Duyên Trần
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Mẹ Lên Trời (15.08) - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lễ Chúa Hiển Dung - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Kính Thánh Maria Madalena - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa lễ Thánh Tôma Tông đồ - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Đá tảng đức tin của Tông đồ Phê-rô - Lm. Đan Vinh HHTM

Các bài viết cũ hơn
     24/11 - LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM - Lm. Giuse Nguyễn Đức Thắng
     THÁNH VALENTINÔ (Saint Valentine's Day)
     Lễ kính thánh Têrêxa Avila