Trang Chủ > Suy Niệm > Các Thánh

ĐỨC MẸ PHÙ HỘ GIÁO HỮU – YÊN ỦI KẺ ÂU LO

 

chuỗi Mân Côi.jpgThưa quý OBACE, không phải ngẫu nhiên Giáo Hội đưa vào lời Kinh cầu Đức Bà lời chúc tụng: Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu – Đức Mẹ yên ủi kẻ âu lo. Lời chúc tụng này như là lời đúc kết niềm tin của Giáo Hội, tin tưởng cậy trông vào sự che chở bảo vệ của Đức Mẹ mỗi khi các tín hữu gặp khó khăn thử thách và những lo âu sợ hãi. Trong lịch sử, nhiều lần Đức Mẹ đã can thiệp, an ủi các tín hữu trên toàn thế giới khi họ gặp gian nan thử thách. Hôm nay, khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành trên thế giới thì từ Đức Giáo Hoàng đến các giáo dân trên khắp thế giới vẫn tin tưởng chạy đến kêu cầu, phó thác thế giới cho Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi. Từ đầu năm đến nay, tại nhiều đền Thánh dâng kính Đức Mẹ trên nhiều quốc gia, người ta đã tổ chức những đêm lần chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho đất nước Việt Nam thoát cơn dịch bệnh.

Kể từ khi Mẹ đón nhận lời trăn trối của Chúa Giêsu trên đỉnh đồi Calvê, nhận nhân loại làm con của Mẹ, thì tình mẫu tử cũng bắt đầu từ đây. Mẹ đã không thể bỏ rơi con cái mình được nữa, vì Mẹ đã sinh ra nhân loại trong đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Lịch sử Giáo Hội cho thấy Mẹ Maria luôn hiện diện với các con của mẹ, để an ủi, nâng đỡ. Khi được Thiên Chúa trọng thưởng, đặt làm Nữ Vương trên trời dưới đất, Mẹ lại dùng uy quyền và thế giá của mình để phù hộ che chở các tín hữu.

Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Mẹ vẫn hiện diện, âm thầm bước theo Chúa. Mẹ không thể đến gần Chúa vì đám đông dân chúng đang vây quanh gào thét hành hạ Chúa, nhưng, chắc chắn ánh mắt của Mẹ và của Chúa đã nhiều lần gặp nhau. Ánh mắt ấy, sự hiện diện ấy đã an ủi và là động lực để Chúa bước đi trên con đường thập giá.

Mẹ Maria cũng là người củng cố tinh thần và đức tin cho các Tông đồ. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, các Tông đồ là những người sợ hãi hoảng loạn nhiều nhất. Đức Mẹ Maria đã hiện diện giữa các Tông đồ để an ủi khích lệ các ông. Đặc biệt khi “Người môn đệ Chúa yêu đón Mẹ về nhà mình” tức là đón Mẹ về với anh em Tông đồ, Mẹ hiện diện như một người mẹ che chở bảo vệ cho những đứa con thơ dại.

Sách Công vụ kể về việc Mẹ hiện diện với các Tông đồ để cầu nguyện và xin ơn Chúa Thánh Thần. Điều này cho thấy, Mẹ Maria đồng hành cùng với mọi vui buồn, đau khổ và hy vọng với các Tông đồ. Mẹ hiện diện giữa các Tông đồ như người Mẹ và cũng như một người tín hữu trong cộng đoàn Giáo Hội sơ khai. Mẹ không gây ảnh hưởng, cũng không giữ một vai trò nào. Mẹ ở giữa Giáo Hội để cùng cầu nguyện với Giáo Hội và cầu nguyện cho Giáo Hội, để nài xin Chúa Thánh Thần xuống. Mẹ hiện diện âm thầm như biết bao người mẹ khác trong gia đình. Sự hiện diện này là sự hiện diện để có thể an ủi khi con cái gặp đau khổ, vỗ về khi con cái bị thử thách và sẵn sàng ra tay khi con cái bị đe dọa tấn công bởi sự dữ.

Làm sao Mẹ Maria có thể phù hộ các giáo hữu, yên ủi kẻ âu lo? Thưa là vì Mẹ đã từng trải qua những lúc đau khổ tột cùng, Mẹ hiểu được những lúc đau khổ người ta cần có người ở bên. Mẹ đã chứng kiến cảnh tan tác, hoảng loạn của những người môn đệ của Chúa. Mẹ ở bên để đem lại cho họ sự an ủi và bình an. Khi chúng ta đau khổ, Mẹ cũng ở bên chúng ta như vậy. Mẹ phù hộ cho chúng ta, vì Mẹ có một vị trí rất quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa, được chọn làm Mẹ Con Thiên Chúa làm người. Sau khi đưa Mẹ về trời, Thiên Chúa còn đặt Mẹ làm Nữ Hoàng trên trời dưới đất, là người bảo vệ và cầu bầu cho chúng ta cách đắc lực nhất.

Câu chuyện truyền tin hôm nay đã kể về biến cố vô cùng quan trọng, khởi đầu cho chương trình cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa đã chuẩn bị từ nhiều ngàn năm trước. Đây là giây phút quan trọng, Thiên Chúa đã cho sứ thần Gabriel đến để hỏi ý kiến của Mẹ, mời Mẹ cộng tác vào chương trình lớn lao này. Có thể nói rằng: Lời thưa vâng hoặc thưa không của Mẹ đều có thể đưa đến sự thành toàn hoặc đổ vỡ chương trình của Chúa. Sứ thần Gabriel xuất hiện trước mặt Mẹ với sự cung kính và thưa lên: “Kính chào Đức Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà.” Lời chào đặc biệt long trọng này khiến Đức Mẹ ngỡ ngàng, không hiểu. Mẹ đã phải thưa lại sứ thần: “Lời chào đó có ý nghĩa gì?” Sứ thần đã giải thích: “Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao.” Lời giải thích của sứ thần vượt quá sự tưởng tượng của một thôn nữ nhà quê, chưa từng sống đời gia đình. Song với niềm tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, Đức Maria đã khiêm tốn thưa với sứ thần: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền.”

Thưa quý OBACE, lời kinh Mân Côi mà Giáo Hội dùng để tôn vinh và cầu khẩn với Mẹ Maria chính là lặp lại lời chào kính của sứ thần Gabriel dành cho Mẹ. Lặp lại lời chào: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà…” một cách long trọng, Giáo Hội cũng muốn cúi mình tôn kính trước sự cao trọng mà Thiên Chúa dành cho Mẹ, bảo vệ Mẹ; Giáo Hội cùng với Mẹ cúi đầu trước quyền năng và sáng kiến khôn ngoan của Thiên Chúa khi cho Ngôi Lời Con Thiên Chúa đầu thai trong cung lòng của Mẹ. Đồng thời Giáo Hội cũng dùng lời thưa của sứ thần để cùng với Mẹ tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã đoái thương tuyển chọn và chọ Mẹ được cộng tác cách cụ thể vào chương trình cứu độ của Ngài.

Tiếp nối lời chào của sứ thần, Giáo Hội cũng dùng lời của bà Isave để ca tụng Mẹ: “Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ và con trong lòng bà có phúc.” Vì quả thật, giữa muôn ngàn người phụ nữ, nhưng Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria, một thiếu nữ đơn sơ thánh thiện tại làng Nazaret trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa. Thiên Chúa tin tưởng trao phó Con của Ngài cho Mẹ; biến cung lòng và cả con người của Mẹ nên đền thờ cho Con của Ngài cư ngụ. Với sự đồng ý để cho Thiên Chúa sử dụng cuộc đời của mình, Mẹ dâng tặng cho Chúa không chỉ một nơi cư ngụ, nhưng còn dâng cả máu huyết của mình để làm nên máu thịt, thân xác Con Thiên Chúa. Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ vì được làm Mẹ con Thiên Chúa, được yêu thương chăm sóc cho Con Thiên Chúa bằng tình mẫu tử tự nhiên và lòng tôn kính yêu mến thiêng liêng.

Cùng với lời ca tụng Thiên Chúa, tôn vinh Đức Mẹ, Giáo Hội đã xin Mẹ thương đến thân phận tội lỗi và xin Mẹ nâng đỡ cho hành trình trần thế của mình: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.” Giáo Hội tha thiết xin Mẹ đồng hành ở bên các tín hữu khi còn sống cũng như lúc lâm vòng nguy hiểm và cận kề cái chết.

Nhắc lại những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã ban tặng cho Mẹ cũng là để khuyến khích mỗi chúng ta nhờ Mẹ mà đến với Chúa. Trong gia đình, người mẹ vẫn luôn có cái nhìn trực giác, thấu hiểu tâm trạng tính nết của từng đứa con; mẹ cũng là người yêu thương bảo vệ các con theo sự thúc đẩy của tình mẫu tử. Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng được Mẹ Maria yêu thương và dễ cảm thông, sẵn sàng bảo vệ khi ta gặp khó khăn thử thách.

Lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày là cách thức chúng ta tôn vinh Thiên Chúa, ca tụng Đức Mẹ và tin tưởng cầu xin phó thác cho sự bảo vệ của Mẹ. Kinh Mân Côi là lời kinh dễ dàng, mọi nơi mọi lúc, mọi hoàn cảnh, chúng ta có thể dùng để hướng lòng về Chúa và tựa nương nơi tình mẫu tử của Mẹ.

Xin Chúa cho chúng ta luôn tin tưởng và siêng năng đọc kinh Mân Côi mỗi ngày để chúng ta cũng được sống trong tình yêu của Chúa như Mẹ và để bám lấy tay Mẹ, xin Mẹ giải gỡ mọi khó khăn trong cuộc sống. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Kính Trọng Thể CTTĐVN- Lm. Đan Vinh HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Josaphat - Lm. Anton Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
     Suy niệm Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (15/09/2021) - Duyên Trần
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Mẹ Lên Trời (15.08) - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lễ Chúa Hiển Dung - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Kính Thánh Maria Madalena - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa lễ Thánh Tôma Tông đồ - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Đá tảng đức tin của Tông đồ Phê-rô - Lm. Đan Vinh HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Truyền Tin - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh GIUSE - Lm Giuse Đỗ Nghĩa Trí
     HÃY ĐẾN CÙNG THÁNH GIUSE - Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn