Trang Chủ > Suy Niệm > Các Thánh

ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG, YÊN ỦI KẺ ÂU LO

 

Mẹ Lên trời.jpgThưa quý OBACE, đúng là con Covid rất nguy hiểm, nhưng có lẽ nó cũng sẽ phải dừng ở một mức nào thôi, nó không thể có sức tàn phá vô biên. Nhưng điều nó gây ra cho thế giới và nhất là chúng ta bây giờ đó là sự sợ hãi. Những hình ảnh trên mạng là có thật, những thông tin về sự lây lan của nó là có thật, giúp mọi người cảnh giác. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, đó là những hình ảnh, thông tin đó đang gieo con virus sợ hãi vào trong nhiều người. Con virus sợ hãi này làm cho nhiều người hoàn toàn mất khả năng đề kháng, buông xuôi chấp nhận để cho nó đánh gục. Nó cũng làm cho nhiều người nhiễm các biến chứng, biến chủng virus khác, đó là virus loại trừ, nghi kỵ và oán trách lẫn nhau, nhìn người F0, F1 như kẻ đi gieo sự chết. Sự nghi kỵ này xảy ra trong gia đình, khu xóm và cả trong cộng đoàn dòng tu nữa. Bảo vệ sự an toàn của mình bằng cách ly là tốt, tuy nhiên có nhiều người có quan điểm cực đoan, nặng lời lên án những hành động bác ái, tình nguyện tham gia phục vụ phòng chống Covid nơi người khác.

Hôm nay, mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời trong hoàn cảnh cách ly phong tỏa toàn xã hội này, chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Mẹ với tước hiệu: Đức Mẹ thăm viếng, yêu ủi kẻ âu lo. Cuộc đời của Mẹ được ghi dấu ấn bằng việc bước đến với Chúa, bước đến với anh chị em để chia sẻ, an ủi và phục vụ.

Người phụ nữ mang thai con đầu, chắc chắn có nhiều điều hết sức ngỡ ngàng, phải cẩn thận để bảo vệ thai nhi và sức khỏe của người mẹ. Các bà mẹ mang thai con đầu lòng thường rất mệt mỏi, cần có sự nghỉ ngơi. Đức Mẹ cũng trải qua khoảng thời gian mệt mỏi, ốm nghén, khó khăn như thế. Tuy nhiên, Đức Mẹ đã không tự cách ly tại nhà, Mẹ đã nghĩ đến người chị em là Isave cũng đang trải qua khoảng thời gian ốm nghén, mệt mỏi như mình, vì chị ấy đã lớn tuổi. Vì thế, mẹ đã khăn gói lên đường, trải qua một hành trình dài mệt nhọc để đến với bà Isave, vì Mẹ biết được chị đang cần sự giúp đỡ.

Cuộc gặp gỡ của hai bà mẹ quả là sự gặp gỡ trong niềm vui và trong sự hiện diện của Chúa. Cả hai người đều thấy Chúa ở nơi nhau. Đức Mẹ thấy Chúa đã yêu thương cất đi nỗi tủi nhục cho chị mình, còn bà Isave thì thấy Chúa hiện diện trong cung lòng của người em mình. Cuộc gặp gỡ của hai người mẹ này trở thành cuộc gặp để cùng nhau ca tụng quyền năng của Thiên Chúa. Họ đến với nhau, nói với nhau bằng những lời thánh thiện: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Còn Đức Maria thì đã hết lời, hết lòng để ca tụng quyền năng của Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi mừng vui trong Đấng cứu độ tôi.” Tất cả những điều tốt đẹp này sẽ không thể xảy ra nếu không có bước chân đầu tiên của Đức Maria ra khỏi nhà để lên đường. Điều này cũng cho thấy rằng khi mỗi người dám gạt bỏ sự ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân để bước đến với người khác, đem Chúa đến cho người khác, thì Chúa sẽ làm cho tất cả những cuộc gặp gỡ này thành lời ca ca tụng Thiên Chúa.

Cuộc thăm viếng bà Isave gợi lên hình ảnh đặc biệt trong Cựu Ước, đó là sự kiện vua Đavit cho kiệu Hòm Bia của Thiên Chúa về lều trại của mình. Sau những năm Hòm Bia cùng với đoàn quân đi giao chiến với các lân bang, nay Đavít đã có được một thời hòa bình, ông đã cho kiệu Hòm Bia Thiên Chúa về lều trại của mình. Cuộc kiệu này thực sự là một cuộc rước trong hân hoan của toàn dân Israel đón Thiên Chúa đến ở giữa dân người. Hòm Bia Thiên Chúa đi đến đâu thì ban ơn chúc phúc cho mọi người ở đó, giúp họ cảm thấy vững dạ an lòng. Sau này, thánh Gioan trong sách Khải Huyền cũng đã nhìn thấy vẻ huy hoàng của “Đền thờ Thiên Chúa trên trời được mở ra và Hòm Bia Giao ước xuất hiện trong đền thờ” như là dấu chỉ của sự hiện diện an ủi yêu thương của Chúa.

Đức Maria còn ra khỏi con người và sự an toàn cá nhân của mình để đến với Chúa, bước theo Chúa. Chúng ta có thể thấy Mẹ đã không ở lại trong sự yên ổn trong nhà, nhưng Mẹ đã âm thầm bước theo Chúa Giêsu như một người giúp việc và như một môn đệ. Mặc dù Kinh Thánh không nói chi tiết, nhưng có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của Mẹ trên suốt hành trình truyền giáo của Chúa Giêsu, từ Capharnaum cho đến núi Calvê. Các môn đệ khác sợ hãi lẩn trốn khi thấy Chúa bước vào cuộc thương khó, nhưng Đức Maria đã không như thế. Với sự thúc đẩy của tình mẫu tử, và mối dây gắn bó của người môn đệ, Đức Maria đã ra khỏi sự sợ hãi để theo Chúa Giêsu đến chân cây thập giá. Trong suốt hành trình, Mẹ không thể nói với Chúa được câu nào, nhưng sự hiện diện của Mẹ, cùng với ánh mắt khích lệ, chắc chắn Mẹ đã an ủi và động viên cho Chúa Giêsu rất nhiều. Trong lúc Chúa đau đớn tột cùng dưới chân thập giá như thế, Mẹ không nói, không than van, nhưng Mẹ đã nghe Chúa nói. Sự hiện diện lắng nghe trong cảm thông và đón nhận này là một sự hiện diện đặc biệt vô cùng quý giá đối với Chúa Giêsu và Mẹ.

Thưa quý OBACE, trong hoàn cảnh cách ly phong tỏa hiện nay, chính phủ kêu gọi mọi người: Ai ở đâu, ở yên tại đó. Đó là một chủ trương tốt trong kế hoạch phòng tránh lây lan của bệnh dịch. Tuy nhiên, chúng ta không thể để cho tâm hồn, tình yêu thương của chúng ta bị cách ly khỏi anh chị em chung quanh. Chúng ta cũng không thể để cho con virus ích kỷ, sợ hãi lây lan trong tâm hồn mình và trong cộng đồng. Không ai có thể ngăn cản chúng ta sống yêu thương, không ai có thể cách ly chúng ta khỏi sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông và phục vụ.

Nếu ai cũng chỉ biết nghĩ và lo bảo vệ bản thân, gia đình mình, thì còn ai sẽ là những người bước ra tuyến đầu? Các người có trách nhiệm họ có sợ lây bệnh không? Thưa có, nhưng họ vẫn chấp nhận hy sinh ngày đêm bám chốt, ngủ bờ ngủ bụi để bảo vệ cho sự an toàn của cộng đồng. Các bác sĩ và nhân viên y tế có sợ lây, sợ chết không? Thưa có, nhưng vì mạng sống của nhiều người khác, mà họ dám bước ra khỏi sự sợ hãi khỏi sự an toàn của bản thân và gia đình để phục vụ và cứu chữa các bệnh nhân. Các tình nguyện viên là linh mục, tu sĩ nam nữ và các bạn trẻ GLV có sợ lây nhiễm không? Thưa có, họ rất sợ, vì họ không có chuyên môn, nhưng họ vẫn muốn bước ra khỏi sự an toàn của bản thân và cộng đoàn, để bước đến an ủi, phục vụ các anh chị em bệnh nhân khác, đem lại cho họ chút niềm vui. Có thể các tình nguyện viên sẽ chẳng làm được việc gì chuyên môn, nhưng qua việc tận tụy phục vụ của họ, qua tấm lòng của họ, các bệnh nhân sẽ nhận ra Chúa nơi thái độ cung cách phục vụ của họ.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” (Một đời người một rừng cây) huống hồ chúng ta là con cái của Chúa, chúng ta là con của Đức Mẹ, chúng ta không thể tìm kiếm sự an toàn cho mình mà không quan tâm đến người khác. Chúng ta không thể đến với nhau cách thể lý trong giai đoạn này, nhưng chúng ta vẫn có thể đến với nhau bằng lời cầu nguyện, bằng sự cảm thông khích lệ. Chúng ta cũng có thể bước đến an ủi, phục vụ nhau trong gia đình, nhất là khi gia đình có người F0, F1. Chúng ta đừng nhìn nhau như những con virus, cùng đừng coi nhau là kẻ gieo rắc tai họa, nhưng nhìn nhau bằng cái nhìn cảm thông khuyến khích và cầu nguyện nhiều cho nhau. Có khi chỉ cần một cuộc điện thoại hỏi thăm nhau trong khu cách ly, cũng là niềm an ủi khích lệ lớn cho nhau.

Do hoàn cảnh, do sức khỏe, không phải ai cũng có thể tình nguyện phục vụ. Chúng ta đang ở chỗ an toàn, thì cùng đừng chê trách người khác; chúng ta cũng đừng làm gì khiến anh chị em nhụt chí hoặc xem thường những việc làm nhân ái tốt đẹp của họ. Nhưng biết trân trọng ý chí, quyết tâm và sự quảng đại của họ trong lúc nguy hiểm này. Chúng ta không thể đến với các bệnh nhân, thì hãy gửi gắm nơi các tình nguyện viên, những tình cảm yêu thương của chúng ta đến với các bệnh nhân, nhất là những người đang một mình lẻ loi trong các khu cách ly, không người thân bên cạnh. Một cách khác nữa, chúng ta có thể làm để an ủi thăm viếng anh chị em mình lúc này, đó là cùng chung tay chia sẻ phần dành dụm ít ỏi còn lại của gia đình với các chương trình “lan tỏa yêu thương” mà các Đức Giám Mục kêu gọi và các giáo xứ cũng như các tổ chức, cá nhân đang thực hiện. Đó là chúng ta đang thăm viếng và an ủi kẻ âu lo như Đức Mẹ.

Xin Chúa cho chúng ta biết học ở nơi Mẹ tấm gương bước đến với Chúa và bước đến để thăm viếng an ủi anh chị em chung quanh, nhất là trong giai đoạn khó khăn vì phong tỏa này. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Kính Trọng Thể CTTĐVN- Lm. Đan Vinh HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Josaphat - Lm. Anton Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lễ Mẹ Mân Côi - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
     Suy niệm Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (15/09/2021) - Duyên Trần

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lễ Chúa Hiển Dung - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Kính Thánh Maria Madalena - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa lễ Thánh Tôma Tông đồ - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Đá tảng đức tin của Tông đồ Phê-rô - Lm. Đan Vinh HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Truyền Tin - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh GIUSE - Lm Giuse Đỗ Nghĩa Trí
     HÃY ĐẾN CÙNG THÁNH GIUSE - Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Stephano Tử Đạo - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - Nt. M. Anh Thư. OP
     Ngày 28 tháng Mười: Lễ Thánh Si-mon và Thánh Giu-đa Tông đồ.