Trang Chủ > Suy Niệm > Các Thánh

NÊN THÁNH BẰNG SỰ IM LẶNG

le thanh giuse.jpg

Một số nơi người ta đang đặt vấn đề về ô nhiễm âm thanh. Gần đây, chính quyền xử phạt những loa kẹo kéo, karaoke gây ảnh hưởng đến người khác. Đúng là chúng ta đang sống trong môi trường có quá nhiều âm thanh, quá nhiều tiếng ồn. Dường như nhiều người đã thành thói quen và không chịu được sự thinh lặng, người ta nói thật nhiều mà không cần lắng nghe. Ở trong gia đình không chỉ có âm thanh của tivi, karaoke, mà còn có rất nhiều âm thanh của vợ, chồng, của con cái cãi vã, chửi bới, cằn nhằn lẫn nhau. Nhiều người khác trở thành nghiện nói: nói trong nhà, nói với hàng xóm và còn lên mạng để nói cho có thêm nhiều người nghe. Có nhiều người lên mạng nói lấy được, nói chì chiết, chửi bới trên mạng, nói đến độ khinh thường xúc phạm đến người khác. Cũng vì mọi người quen nói, quen sống với các thứ âm thanh hỗn tạp như vậy, những người ít nói, hoặc không muốn nói nhiều, có khi bị coi là trầm cảm, tự kỷ.

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính thánh Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu và là bạn trăm năm của Đức Maria. Thánh Giuse vẫn được truyền thống Giáo Hội coi là một vị thánh thinh lặng, ít nói. Mặc dù Ngài có một vai trò quan trọng như thế, nhưng các tác giả Kinh Thánh không ghi lại một lời nào của Ngài. Ngài nên thánh bằng cả một đời sống phục vụ cho Chúa Giêsu và chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, nhưng Ngài chỉ làm việc trong thinh lặng. Cuối cùng Ngài cũng về với Chúa cách âm thầm, thinh lặng không ai biết là vào thời điểm nào.

Sự thinh lặng của Thánh Giuse không phải là sự thinh lặng của người trầm cảm hay tự kỷ, cũng không phải là sự thinh lặng trống rỗng, cù lần, nhưng là một sự thinh lặng để cầu nguyện. Một trong ba việc làm của Mùa Chay mà Chúa Giêsu mời gọi đó là cầu nguyện. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về việc cầu nguyện: “Khi cầu nguyện các con đừng nhiều lời như dân ngoại; khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa lại, một mình anh với Chúa thôi.” Như thế cho thấy, Thánh Giuse đã cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy, gặp gỡ riêng tư với Thiên Chúa cách thân tình, như cha với con và còn thân thiết như hai người bạn. Chúng ta cũng có thể nói: Chúa Giêsu đã thấy, đã học nơi Thánh Giuse về đời sống cầu nguyện như vậy. Cả cuộc đời của Ngài, được diễn ra trong sự thinh lặng nội tâm, sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, gặp gỡ, trò chuyện thân thưa với Thiên Chúa. Nhờ đó, Giuse đã tìm được ý Chúa để giải gỡ mọi khó khăn.

Giuse nên thánh bằng cách tìm ra ý Chúa và thi hành. Việc Maria có thai, mà Giuse không phải là tác giả, đã là một cú sốc cho Giuse. Trong cùng hoàn cảnh như vậy, nhiều người khác sẽ phản ứng bằng cách điều tra người này người nọ, hoặc sẽ tố cáo làm lớn chuyện cho mọi người biết. Giuse đã không làm như thế. Là người công chính, tức là người đạo đức, công minh chính trực, luôn chu toàn giới răn lề luật của Chúa, Giuse đã có cách phản ứng khác. Giuse đã để mình chìm vào trong thinh lặng cả bên ngoài và trong tâm hồn, cầu nguyện và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Chính trong sự thinh lặng để lắng nghe, Giuse đã nghe được tiếng Chúa qua lời báo mộng của sứ thần: “Đừng ngại rước Maria về nhà làm vợ mình vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần… Khi tỉnh dậy, Giuse đã làm như lời sứ thần truyền.”

Trong biến cố lánh nạn qua Ai Cập, Giuse cũng đã thể hiện con người của Ngài là con người thinh lặng cầu nguyện để tìm ra ý Chúa. Với lệnh của Hêrôđê truyền giết tất cả các trẻ từ ba tuổi trở xuống, chắc chắn sẽ làm cho nhiều người hoang mang khiếp sợ. Giuse cũng lo sợ cho sự an toàn của Hài Nhi và Mẹ Người, nhưng Giuse không hoảng loạn. Một lần nữa, Giuse lại nhận được lời mộng báo từ sứ thần. Ông nhận ra đó là thánh ý Chúa nên đã quyết định đưa vợ và Hài Nhi lên đường trốn qua Ai Cập ngay lúc đêm khuya.

Giuse nên thánh bằng làm nhiều hơn nói. Tin Mừng khi kể về thời thơ ấu của Chúa Giêsu chỉ nhắc đến một vài biến cố xảy ra trong gia đình Nazaret. Một vài biến cố như thế cũng đủ để cho thấy Giuse là người làm nhiều hơn nói. Giuse không bao giờ kể lể về những khó khăn mà gia đình đã trải qua, cũng không than thân trách phận, nhưng âm thầm chăm chỉ làm theo ý Chúa, làm việc để chu cấp những nhu cầu thiết yếu cho vợ con. Trong biến cố trở về Giêrusalem kê khai nhân khẩu, Giuse không hề đắn đo cân nhắc về một hành trình dài, nhiều vất vả và nhiều tốn kém. Ông trở về quê trong sự vâng phục không chỉ với chính quyền, nhưng trước hết là vâng phục ý Chúa. Vì, Giuse nhận ra rằng Hài Nhi Giêsu con vua Đavít sẽ phải được sinh ra trong thành của Đavít như lời các tiên tri đã loan báo. Do đó, cuộc trở về quê này, là một hành trình làm cho Lời Kinh Thánh được nên trọn. Cũng thế, cuộc hành trình hồi hương từ Ai Cập trở về cũng là một hành trình làm cho lời Kinh Thánh nên trọn.

Giuse nên thánh qua việc giáo dục trẻ Giêsu bằng gương sáng hơn là những lời khuyên bảo; giáo dục trẻ Giêsu trưởng thành trong đời sống tự nhiên và đời sống đức tin. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, quả thật đó là cách giáo dục của thánh Giuse. Mặc dù cũng phải bươn chải trong cuộc sống như bao gia đình khác, nhưng Giuse đã dành ưu tiên cho việc đạo đức và việc làm này trở thành bài học cụ thể, sống động cho trẻ Giêsu. Ngay từ lúc trẻ Giêsu được tám ngày, “Giuse đem Hài Nhi và Mẹ Người lên Giêrusalem để làm phép cắt bì cho đứa trẻ như luật dạy” Cuộc sống lúc đó còn rất khó khăn, nên của lễ của Giuse và Maria chỉ là một cặp bồ câu non dâng cho Chúa. Tin Mừng thuật lại: “Hàng năm, cha mẹ Người có thói quen trẩy hội Đền Thờ Giêrusalem, trẻ Giêsu theo cha mẹ Người trở về Nazareth và hằng vâng phục hai đấng. Con trẻ càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và đạo đức”. Tin Mừng nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu lớn lên trong vâng phục và trong đạo đức, điều này chứng tỏ rằng Giuse và Maria đã dày công giáo dục trẻ Giêsu bằng chính gương sáng đạo đức của các Ngài. Sau này thánh Luca còn ghi nhận: “Chúa Giêsu vào hội đường ngày Sabat theo thói quen Thói quen này chắc chắn Đức Giêsu đã học từ nơi cha mẹ mình từ khi còn nhỏ.

Không chỉ giáo dục trẻ Giêsu trưởng thành trong đời sống đức tin, Giuse đã góp phần hình thành nên nhân cách của Đức Giêsu và giúp Người trưởng thành trong đời sống nhân bản. Điều này đã thể hiện qua lời nói, con người, phong cách của Đức Giêsu trên hành trình rao giảng Tin Mừng, được nhiều người yêu mến, thán phục. Thánh Giuse còn tạo cho Chúa Giêsu một nghề, đó là nghề mộc của gia đình. Chắc chắn, Đức Giêsu cũng đã thành thạo với nghề này, đã cùng với Thánh Giuse làm việc để chu cấp cho cuộc sống gia đình Nazaret. Khi Chúa Giêsu trở về Nazaret sau hành trình truyền giáo, dân làng vẫn có thói quen gọi Chúa Giêsu là bác thợ mộc, con ông thợ mộc trong làng. Như thế, Kinh Thánh cho thấy, thánh Giuse đã có ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống đạo đức và đời sống tự nhiên của Chúa Giêsu.

Thưa quý OBACE, khác với các ngôn sứ chỉ nói về Đấng Cứu Thế, khác với các thánh khác chỉ phục vụ cho chương trình của Đấng Cứu Thế, thánh Giuse là người sống với Đấng Cứu Thế và phục vụ chính Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, với vai trò và nhiệm vụ hết sức quan trọng như vậy, Giuse vẫn không để lại một lời nào trong Kinh Thánh. Ngài hoàn toàn giữ sự im lặng để cầu nguyện, gẫm suy, tìm ra thánh ý Chúa, im lặng để thực hiện. Trong im lặng, Ngài chu toàn bổn phận nuôi dưỡng và giáo dục trẻ Giêsu nên con người trưởng thành.

Ngày nay, các thứ âm thanh dường như làm chủ cuộc sống và sinh hoạt của con người. Ra ngoài đường người ta phải nghe các âm thanh của các phương tiện, máy móc. Về đến nhà, lại phải nghe âm thanh tru tréo hoặc cộc cằn của vợ, chồng. Tất cả những âm thanh ấy đang khiến cho con người mệt mỏi, căng thẳng. Những âm thanh ồn ào từ bên ngoài gây cho nhiều người sự khó chịu, nhưng những âm thanh chua chát, cộc cằn từ trong gia đình khiến cho vợ chồng, con cái đau đớn, tổn thương. Nhất là khi cuộc sống cá nhân và gia đình bị ngập tràn, hoặc tra tấn bởi âm thanh, nó sẽ cướp đi sự yên lặng ngọt ngào người ta có thể dành cho nhau.

Bên cạnh những âm thanh gào thét tra tấn đôi tai, thì từ trong lòng của mỗi người cũng đang có nhiều thứ âm thanh ồn ào khác, khiến cho ta không thể để lòng mình yên lặng được. Đó là những âm thanh của ma quỷ, tỗi lỗi, âm thanh của giận hờn và thù oán. Ngoài ra, trong lòng con người còn có cả những âm thanh của thèm muốn, tham vọng, ghen tị, nhỏ nhen, cùng tiếng kêu réo của tiền bạc, công việc, địa vị, danh vọng… Những thứ âm thanh đó làm át đi một âm thanh quan trọng đó là tiếng nói của lương tâm. Tiếng nói của lương tâm là tiếng nói thầm thì nhắc Chúng ta làm điều tốt và xa lành điều xấu. Vì quen với nhiều thứ âm thanh như thế, nhiều người tránh né và sợ hãi khi phải sống trong thinh lặng. Họ ưa tìm đến với những chỗ ồn ào để tránh khỏi phải đối diện với chính mình, tránh những câu chất vấn của lương tâm. Họ tìm nhiều cách để trấn áp những lời nhắc nhở của Chúa, của Tin Mừng.

Thánh Giuse, một con người nên thánh bằng sống yên lặng bên ngoài và bên trong tâm hồn, để gặp gỡ trò chuyện và sống thân mật với Chúa. Xin Thánh Cả giúp ta biết học nơi Ngài, biết dành nhiều giờ trong thinh lặng để nghe và suy gẫm Lời Chúa, nhận ra ý Chúa và tiếng Chúa nói qua từng biến cố và mạnh dạn thi hành. Xin cho chúng ta yêu mến, tìm kiếm sự thinh lặng nội tâm, để tâm hồn không ngừng được đổ đầy bằng sự hiện diện của Chúa cho dù vẫn phải bôn ba với cuộc sống hàng ngày. Amen

Lm Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Kính Trọng Thể CTTĐVN- Lm. Đan Vinh HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Josaphat - Lm. Anton Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lễ Mẹ Mân Côi - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
     Suy niệm Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (15/09/2021) - Duyên Trần
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Mẹ Lên Trời (15.08) - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lễ Chúa Hiển Dung - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Kính Thánh Maria Madalena - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa lễ Thánh Tôma Tông đồ - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Đá tảng đức tin của Tông đồ Phê-rô - Lm. Đan Vinh HHTM

Các bài viết cũ hơn
     HÃY ĐẾN CÙNG THÁNH GIUSE - Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Stephano Tử Đạo - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - Nt. M. Anh Thư. OP
     Ngày 28 tháng Mười: Lễ Thánh Si-mon và Thánh Giu-đa Tông đồ.
     Ngày 15 Tháng Chín: "Lễ Đức Me Sầu Bi"
     Ngày 28 Tháng Tám: Thánh Âu-gút-ti-nô Giám mục Tiến Sĩ Hội Thánh
     Chân phước Gioan-Phaolô II – Sứ giả Hòa bình
     Gioan Phaolô II. Vị Giáo Hoàng chiêm niệm
     Mười điều tâm niệm sống hàng ngày của Chân Phước - Giáo Hoàng Gioan XXIII
     LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI.Minh Tứ