Trang Chủ > Truyền Giáo > Văn Kiện

 

I. THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

nhân kỷ niệm 100 năm Tông Thư Maximum Illud

về hoạt động truyền giáo trên thế giới

 

(Lettera del santo padre Francesco in occasione del centenario della promulgazione della lettera apostolica “Maximum Illud” sull’attività svolta dai missionari del mondo)

 

Kính gửi Hiền huynh

Hồng y Fernando Filoni

Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân Tộc

 

Ngày 30 tháng 11, 2019, chúng ta sẽ cử hành Kỷ Niệm 100 Năm Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV công bố Tông Thư Maximum illud, qua đó ngài muốn tạo một sức thúc đẩy mới cho công việc truyền giáo là loan báo Tin Mừng. Năm 1919, trong bối cảnh cả thế giới vừa ra khỏi một cuộc xung đột bi thảm mà ngài gọi là một “cuộc tàn sát vô ích”,[1] Đức Thánh Cha nhận thấy cần phải có một phương thức mới cho hoạt động truyền giáo trên thế giới, để hoạt động này được tẩy sạch mọi âm hưởng của chủ nghĩa thuộc địa và tránh xa các mục tiêu của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bành trướng, vốn đã tỏ ra tai hại như thế nào. “Hội Thánh của Thiên Chúa có tính phổ quát, không xa lạ với bất cứ dân tộc nào,”[2] ngài viết, đồng thời mạnh mẽ kêu gọi loại trừ mọi hình thức tư lợi, vì mục đích duy nhất của hoạt động truyền giáo là làm cho lời rao giảng và tình yêu của Chúa Giêsu được lan rộng nhờ đời sống thánh thiện và các việc lành của người truyền giáo. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nhấn mạnh missio ad gentes, “sứ mạng đến với muôn dân”, ngài dùng các khái niệm và ngôn ngữ của thời ngài để tìm cách làm sống lại, đặc biệt giữa hàng giáo sĩ, một ý thức bổn phận đối với các công cuộc truyền giáo.

Bổn phận này là một lời đáp cho lệnh truyền ngàn đời của Chúa Giêsu, “hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Tuân theo mệnh lệnh này của Chúa không phải là tùy Hội Thánh muốn chọn hay không: nói theo lời của Công Đồng Vaticanô II, nó là “nhiệm vụ cơ bản” của Hội Thánh”,[3] vì Hội Thánh “tự bản chất là truyền giáo.”[4] “Loan báo Tin Mừng thực sự là ân sủng và ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính sâu xa nhất của Hội Thánh; Hội Thánh tồn tại là để loan báo Tin Mừng.”[5] Công Đồng còn nói rằng, nếu Hội Thánh muốn trung thành với chính mình và rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại vì mọi người, là Đấng Cứu Thế hằng sống và giàu lòng thương xót, thì Hội Thánh, “được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, phải đi cùng một con đường như Đức Kitô đã đi: con đường của nghèo khó và vâng phục, của phục vụ và hi sinh.”[6] Bằng cách này, Hội Thánh sẽ hiệu quả trong việc rao giảng Chúa Kitô, “mẫu mực của nhân loại đã được cứu chuộc, được thấm nhuần tình thương huynh đệ, sự chân thành và tinh thần hòa bình mà mọi người đều ước nguyện.”[7]

Điều mà Đức Bênêđíctô từng ước muốn hết sức thiết tha gần một thế kỷ qua, và Công Đồng cũng đã lặp lại khoảng 50 năm trước đây, ngày nay vẫn còn hợp thời. Ngay cả bây giờ, cũng như trong quá khứ, “Hội Thánh được Chúa Kitô sai đi trình bày và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho hết mọi người và mọi dân tộc, nhận thức rằng mình còn phải thực hiện một công việc truyền giáo bao la.”[8] Về điểm này, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II nhận định rằng “sứ mạng của Đức Kitô Cứu Thế được ủy thác cho Hội Thánh vẫn còn lâu mới được hoàn thành”, và “một cái nhìn tổng quan về loài người cho thấy rằng sứ mạng này vẫn còn chỉ đang bắt đầu và chúng ta phải toàn tâm toàn ý dấn thân để phục vụ nó.”[9] Do đó, bằng những lời mà bây giờ tôi muốn một lần nữa mời gọi mọi người chú ý, Thánh Gioan-Phaolô khuyên nhủ Hội Thánh thực hiện một “sự dấn thân mới cho truyền giáo”, với niềm xác tín rằng hoạt động truyền giáo “canh tân Hội Thánh, làm sống dậy đức tin và căn tính Kitô hữu, và cống hiến niềm phấn khởi mới và động lực mới. Đức tin được kiện cường khi nó được trao ban cho người khác! Chính trong sự dấn thân cho sứ mạng truyền giáo phổ quát của Hội Thánh mà việc tân phúc âm hóa của các dân tộc Kitô giáo sẽ tìm được nguồn cảm hứng và nâng đỡ.”[10]

Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium của tôi, lấy từ kỷ yếu của Hội Nghị Toàn Thể Thường Kỳ lần thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, là hội nghị được tổ chức để suy tư về việc tân phúc âm hóa cho việc loan truyền đức tin Kitô giáo, một lần nữa tôi đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp này trước toàn thể Hội Thánh. Trong Tông Huấn tôi đã viết, “Đức Gioan Phaolô II xin chúng ta nhận ra rằng ‘không được giảm bớt nỗ lực rao giảng Tin Mừng’ cho những người ở xa Đức Kitô, ‘bởi vì đây là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Thánh’. Thật vậy, ‘hoạt động truyền giáo hôm nay vẫn là thách thức lớn nhất cho Hội Thánh’, và ‘nhiệm vụ truyền giáo phải là nhiệm vụ hàng đầu’. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta hiểu nghiêm túc những lời này? Chúng ta sẽ thấy rằng việc vươn ra truyền giáo là một hệ hình cho mọi hoạt động của Hội Thánh.”[11]

Tôi tin chắc rằng thách thức này vẫn còn cấp bách như trước. “[Nó] mang ý nghĩa của một kế hoạch và có những hệ quả quan trọng. Tôi hi vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc ‘quản trị thuần tuý’ đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới, chúng ta phải ‘thường xuyên trong trạng thái truyền giáo’.”[12] Với lòng tin tưởng vào Thiên Chúa và can đảm, chúng ta đừng sợ thực hiện “một chọn lựa truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh. Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp mang tính bao gồm và mở rộng hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng đi ra và nhờ đó kích thích một đáp ứng tích cực từ tất cả những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài. Như Đức Gioan Phaolô II có lần nói với các Giám Mục vùng Châu Đại Dương: ‘Mọi sự canh tân của Hội Thánh phải lấy truyền giáo làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh qui vào chính mình.’”[13]

Tông thư Maximum Illud kêu gọi vượt lên trên những ranh giới quốc gia và làm chứng, bằng tinh thần ngôn sứ và sự bạo dạn Tin Mừng, cho ý muốn cứu độ của Thiên Chúa nhờ sứ mạng phổ quát của Hội Thánh. Chớ gì dịp kỷ niệm Bách Chu Niên Tông Thư ấy là một động lực cho chúng ta phấn đấu chống lại cơn cám dỗ dai dẳng luôn ẩn nấp dưới mỗi hình thức tự qui của Hội Thánh, sự thu mình lại của Hội Thánh để ẩn mình trong vùng an toàn, thái độ bi quan mục vụ và mối hoài cổ vô bổ về quá khứ. Trái lại, chớ gì chúng ta biết mở lòng mình ra cho niềm vui luôn mới mẻ của Tin Mừng. Trong thời đại đầy rối loạn này, bị xé nát bởi những thảm kịch của chiến tranh và bị đe dọa bởi khuynh hướng độc hại quá tập trung vào những khác biệt và kích động những xung đột, chớ gì Tin Mừng mà trong Chúa Giêsu sự tha thứ chiến thắng tội lỗi, sự sống chiến thắng tử thần và tình yêu chinh phục sợ hãi, chớ gì Tin Mừng ấy được rao giảng cho thế giới với sự nhiệt tình mới, và làm cho niềm tin tưởng và hi vọng thấm nhuần dần dần vào mọi người.

Dưới sự soi dẫn này, tôi chấp nhận đề nghị của Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc, và bằng lá thư này tôi yêu cầu cử hành một Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo vào tháng Mười năm 2019, nhắm thúc đẩy việc gia tăng ý thức về missio ad gentes và hăng say tiếp tục sự biến đổi truyền giáo trong đời sống và hoạt động mục vụ của Hội Thánh. Có thể coi Tháng Truyền Giáo của Tháng Mười năm 2018 là một sự chuẩn bị tốt cho việc cử hành này bằng cách làm cho mọi tín hữu quan tâm tới việc rao giảng Tin Mừng và giúp các cộng đoàn của họ gia tăng nhiệt tình truyền giáo và phúc âm hóa. Ước gì tình yêu đối với việc truyền giáo của Hội Thánh, cũng là một “niềm say mê Đức Giêsu và say mê dân của Người,”[14] ngày càng lớn mạnh hơn!

Hiền huynh đáng kính, tôi ủy thác cho Hiền Huynh, cho Bộ mà Hiền Huynh lãnh đạo, và cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, công việc chuẩn bị cho sự kiện này, đặc biệt bằng việc gây ý thức nơi các giáo hội địa phương, các Tu Hội Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, cũng như nơi các hiệp hội, các phong trào, các cộng đoàn và các đoàn thể khác của Hội Thánh. Ước gì Tháng Truyền Giáo Đặc Biệt là một cơ hội mạnh mẽ và hiệu quả của ân sủng, và thúc đẩy các sáng kiến và trên hết là việc cầu nguyện, linh hồn của mọi hoạt động truyền giáo. Ước gì nó cũng tạo sự tiến triển trong việc rao giảng Tin Mừng, việc suy tư Kinh Thánh và thần học về sứ mạng của Hội Thánh, các công việc bác ái Kitô giáo, và các hoạt động thực tiễn của sự cộng tác và liên đới giữa các Giáo Hội, để nhiệt tình truyền giáo được thêm sức sống mới và không bao giờ thiếu giữa chúng ta.[15]

Từ Điện Vaticanô, 22 tháng Mười, 2017

Chúa Nhật XXIX Mùa Thường Niên

Tưởng nhớ Thánh Gioan-Phaolô II

Chúa Nhật Truyền Giáo Thế Giới

PHANXICÔ

 


Chú thích

 

[[1]]     Thư gửi các Lãnh Đạo của các nước tham chiến, 1 tháng 8, 1917: AAS IX (1917), 421-423.

[2]     Bênêđíctô XV, Tông Thư Maximum Illud, 30 tháng 11, 1919: AAS 11 (1919), 445.

[3]     Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Hội Thánh Ad Gentes, 7 tháng 12, 1965, 7: AAS 58 (1966), 955.

[4]     Ibid., 2: AAS 58 (1966), 948.

[5]     Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 8 tháng 12, 1975, 14: AAS 68 (1976), 13.

[6]     Sắc Lệnh Ad Gentes, 5: AAS 58 (1966), 952.

[7]     Ibid., 8: AAS 58 (1966), 956-957.

[8]     Ibid., 10: AAS 58 (1966), 959.

[9]     Gioan-Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio7 tháng 12, 1990, 1: AAS 83 (1991), 249.

[[1]0]   Ibid., 2: AAS 83 (1991), 250-251.

[[1]1]   Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium 15: AAS 105 (2013), 1026.

[12]    Ibid., 25: AAS 105 (2013), 1030.

[13]    Ibid., 27: AAS 105 (2013), 1031.

[14]    Ibid., 268: AAS 105 (2013), 1128.

[15]    Ibid., 80: AAS 105 (2013), 1053.

 

 

                                              


 

II. THƯ CỦA HỒNG Y FERNANDO FILONI

TỔNG TRƯỞNG BỘ LOAN BÁO TIN MỪNG CÁC DÂN TỘC

gửi các Hồng Y và Giám Mục giáo phận

(To the Eminent and Most Excellent Ordinaries)

 

 

 

BỘ LOAN BÁO TIN MỪNG CÁC DÂN TỘC

 

Prot. N. 4364/17

 

 

 

Kính gửi Quý Hồng Y

và Giám Mục Bản Quyền Sở Tại

Thành Vaticanô, 3 tháng 12, 2017

 

Thưa Quí Anh Em trong hàng giám mục,

Để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha trong lá thư riêng của ngài ngày 22 tháng 10, 2017, tôi muốn chia sẻ với anh em và với các Hội Thánh được giao phó cho anh em coi sóc một số suy tư và đề nghị liên quan đến việc cử hành Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo, Tháng Mười năm 2019.

Trọng tâm của sáng kiến liên quan đến toàn thể Hội Thánh này là cầu nguyện, làm chứng và suy tư về tâm điểm của missio ad gentes như là một tình trạng thường xuyên được sai đi loan báo Tin Mừng lần đầu tiên (Mt 28:19). Bổn phận hoán cải cá nhân và cộng đoàn để trở về với Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, phục sinh và đang sống trong Hội Thánh, sẽ đổi mới nhiệt tình và niềm đam mê làm chứng cho Tin Mừng về sự sống và niềm vui Phục Sinh, bằng cả lời nói và việc làm (Lc 24:46-49). Sứ mạng của Hội Thánh trong các bối cảnh con người, tôn giáo và văn hóa chưa thấm nhuần Tin Mừng đòi hỏi việc thông truyền đức tin phải dẫn đến một nếp sống cá nhân, một văn hóa và một cách sống hiệp thông được hình thành bởi niềm vui của Tin Mừng và các giá trị Kitô giáo. Đức tin Kitô giáo biểu lộ sứ mạng đích thực của nó khi nó được dâng hiến hoàn toàn cho sự cứu rỗi của thế giới. Chứng tá của đức ái, dấn thân cho công lý và hòa bình, và đối thoại liên văn hóa với các truyền thống tôn giáo trong sự tôn trọng hỗ tương đối với sự sống con người và nhân phẩm, đặc biệt của những người nghèo khổ nhất trong xã hội, tất cả đều qui hướng sứ mạng của Hội Thánh xung quanh việc rao giảng cuộc Khổ Nạn, sự Chết và Sống Lại của Chúa Giêsu Kitô.

Hoạt động Missio ad gentes, được Evangelii Gaudium xác định là hệ hình của hành động mục vụ của Hội Thánh (LG 15), chính là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô xin chúng ta đặt vào tâm điểm của kỷ niệm 100 năm Tông Thư Maximum Illud của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV (30 tháng 11, 1919). Nói cách khác, chúng ta phải “đặt sứ mạng của Đức Giêsu vào tâm điểm của Hội Thánh, lấy nó làm tiêu chuẩn đo lường tính hiệu quả của các cơ cấu Hội Thánh, các kết quả của các lao nhọc của Hội Thánh, sự hiệu quả của các thừa tác viên Hội Thánh và niềm vui mà họ khơi dậy. Bởi vì không có niềm vui, chúng ta không thu hút được ai cả.”[1]

Đức Thánh Cha đã vạch ra bốn chiều kích,[2] hay cách thức để chuẩn bị và sống Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo, Tháng 10 năm 2019, để khắc phục những chia rẽ và những quan điểm đối chọi giữa việc mục vụ thông thường và việc mục vụ truyền giáo, giữa các thách thức của việc truyền giáo tại các vùng trước kia là Kitô giáo nhưng nay đã bị tục hóa và dửng dưng với tôn giáo, và việc truyền giáo missio ad gentes giữa các nền văn hóa và các tôn giáo vẫn còn chưa biết đến Tin Mừng (EG 14). Bốn chiều kích này là:

1.      gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô trong Hội Thánh của Người: Thánh Thể, Lời Chúa, cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn;

2.      chứng tá của các Thánh, các vị Tử Đạo Truyền Giáo và các Thánh Hiển Tu, là những biểu hiện độc đáo của các Hội Thánh trên khắp thế giới;

3.      đào luyện về Kinh Thánh, huấn giáo, thiêng liêng và thần học liên quan đến missio ad gentes;

4.      đức ái truyền giáo bằng việc nâng đỡ vật chất cho các công cuộc bao la của việc phúc âm hóa, đặc biệt missio ad gentes và việc đào luyện Kitô hữu tại các Hội Thánh địa phương thiếu thốn nhất.

Một cách thích đáng và phù hợp cho các Kitô hữu ở mỗi vùng, tôi đề nghị mỗi Hội Thánh địa phương và mỗi Hội Đồng Giám Mục quyết định cách thức để sống và noi theo các chiều kích này, để tạo nên một cuộc trở về mới với sứ mạng của Đức Giêsu. Thêm vào đó, tôi yêu cầu anh em thông báo và mời các thành viên địa phương của các Tu Hội Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, cũng như các thành viên của các hiệp hội và các phong trào Hội Thánh có trong giáo phận của anh em, để họ làm những thành viên tích cực trong sáng kiến truyền giáo này của Đức Thánh Cha.

Trong thời gian chuẩn bị xa này, tôi đề nghị mỗi giáo hội địa phương của anh em dấn thân vào vào việc cầu nguyện và suy tư, kêu gọi các cộng đoàn chiêm niệm và đan tu đi vào cùng một tinh thần cầu nguyện này. Sống giữa thế giới, các anh chị em này của chúng ta, nhờ sống ơn gọi chiêm niệm theo tinh thần triệt để của Phép Rửa, họ là những dấu chỉ hiệu quả về tư cách làm con cái Thiên Chúa của mọi người nam và người nữ. Trong nhịp sống bình thường hằng ngày của họ trong các tu viện và các cộng đoàn, họ sống các yếu tố nòng cốt của Kitô giáo, biểu thị tâm điểm của sứ mạng, tâm điểm của mọi việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân. Cần phải nhắc đến họ, để thực sự mọi người trên khắp thế giới có thể được biến đổi và sống phù hợp với sứ mạng của Chúa Giêsu và của Hội Thánh Người, để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Tôi chắc chắn rằng mỗi giáo hội địa phương sẽ có thể tìm ra những cách thức và thời gian thích hợp với mỗi bối cảnh cụ thể để đưa các nam nữ Tu Sĩ tích cực tham gia vào sáng kiến Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo, Tháng Mười 2019 này.

Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo (PMS) cùng với Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân Tộc này trực tiếp phụ trách công việc chuẩn bị và thực hiện Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo này. Các Giám Đốc quốc gia và giáo phận của PMS, hiện diện và hoạt động trong các giáo hội địa phương của anh em, được yêu cầu làm việc chung với nhau để sáng kiến này của Đức Giáo Hoàng có thể thực sự đem đến niềm say mê mới đối với Tin Mừng, gia tăng nhiệt tình và sự hăng say truyền giáo trong các giáo hội của anh em. Tôi đã yêu cầu Văn Phòng Thư Ký Quốc Tế của Liên Hiệp Giáo Hoàng Truyền Giáo (PMU) phối hợp công việc chuẩn bị, đào tạo và thực hiện Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo. Các cố gắng hợp tác cũng đang diễn ra với Đại Học Giáo Hoàng Urbanô để tổ chức các khóa suy tư và đào luyện thần học-truyền giáo ở cấp thế giới và cấp châu lục.

Hơn nữa, để hỗ trợ hành động sáng tạo của các giáo hội địa phương, một số gợi ý và hướng dẫn sẽ được cung cấp bằng các văn bản và các suy tư, kết quả của một cuộc tham khảo rộng rãi các Kitô hữu trên khắp thế giới. Vào lúc thích hợp, anh em sẽ được thông báo về các cuộc cử hành mà Đức Thánh Cha sẽ chủ sự, được đề nghị là những sự kiện của Hội Thánh hoàn vũ và sẽ trực tiếp bao gồm Hội Thánh tại Rôma.

Sau cùng, tôi tha thiết xin anh em xác định những mẫu gương đặc biệt của các tín hữu nam nữ thuộc các giáo hội địa phương của anh em, là những người đã làm chứng cho sứ mạng, những người được biết đến vì đời sống Kitô giáo gương mẫu của họ và sự thánh thiện của họ đã được nhìn nhận trong các cộng đoàn Kitô hữu của anh em. Sẽ rất hữu ích nếu anh em có thể gửi cho chúng tôi các bài tiểu sử của họ qua địa chỉ email dưới đây. Tôi cũng rất biết ơn nếu anh em có thể giới thiệu một số thành viên thuộc các giáo hội của anh em có khả năng biên soạn những bài suy tư thiêng liêng và truyền giáo dựa trên Sách Thánh. Xin anh em vui lòng chuyển lại các gợi ý và đề nghị liên quan cho Văn Phòng Thư Ký Quốc Tế của PMU (october2019@ppoomm.va).

Tôi xin gửi đính kèm theo đây bản sao lá thư Đức Thánh Cha gửi cho tôi, đề ngày 22 tháng 10 vừa qua, cũng như bản văn Bài Diễn Từ của ngài cho các Giám Đốc Quốc Gia các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, ngày 3 tháng 6 năm 2017.

Trong Mùa Vọng này, chúng ta giao phó tất cả công việc chuẩn bị này cho Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, và cho Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Têrêsa, và Chân Phước Paolo Manna. Tôi cũng chân thành gửi lời chào thăm anh em, với niềm hi vọng đạt được những kết quả dồi dào của sự trở về với Đức Kitô vì lợi ích công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.

 

Hồng y Fernando Filoni

Tổng Trưởng


III. THƯ CỦA HỒNG Y FERNANDO FILONI

TỔNG TRƯỞNG BỘ LOAN BÁO TIN MỪNG CÁC DÂN TỘC

gửi các Bề Trên Tổng Quyền các Dòng Tu

(To the General Superiors of Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life)

 

 

BỘ LOAN BÁO TIN MỪNG CÁC DÂN TỘC

 

Prot. N. 4364/17

 

Thành Vaticanô, 8 tháng 4, 2018

Chúa Nhật 2 Phục Sinh

 

Thưa Quý Bề Trên Tổng Quyền

Các Tu Hội Thánh Hiến

và các Tu Đoàn Tông Đồ,

 

Nguyện xin Bình an của Chúa Phục Sinh là niềm hi vọng của chúng ta!

Sau lá thư của tôi ngày 3 tháng 12, 2017, một lần nữa tôi viết về sáng kiến truyền giáo mà Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta đã công bố cho toàn thể Hội Thánh ngày Chúa Nhật 22 tháng 10, 2017. Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo, Tháng Mười 2019 thực sự là cơ hội có một không hai cho tất cả chúng ta; việc mừng kỷ niệm 100 năm Tông Thư Maximum Illud của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV giúp chúng ta làm bừng cháy lại nhiệt tình và niềm đam mê đối với sứ mạng của Đức Giêsu Kitô. Như Đức Thánh Cha Bênêđíctô nhấn mạnh nhiều năm trước vào ngày 30 tháng 11, 1919, việc canh tân sứ mạng Tin Mừng vẫn còn hợp thời hôm nay, xét trong bối cảnh hiện thời của thế giới và Hội Thánh.

Mục tiêu thiêng liêng, mục vụ và thần học của tháng đặc biệt truyền giáo này là để chúng ta nhận ra, sống và xác tín rằng sứ mạng này là và phải trở thành hệ hình đầy đủ hơn của đời sống và hoạt động cho toàn thể Hội Thánh và vì thế, cho mỗi người Kitô hữu. Khi cải hóa trái tim và tinh thần chúng ta như là những môn đệ truyền giáo, Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đi ra thế giới và loan báo Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh. Việc đặt missio ad gentes, với các khía cạnh khác nhau của nó, vào tâm điểm của đời sống Hội Thánh và nhìn nhận sứ mạng của Đức Giêsu như là trái tim và căn tính của Hội Thánh, giúp chúng ta tái khám phá ra mối quan hệ đích thực nhưng đầy thách thức của Thiên Chúa với thế giới mà Người đã tạo thành, cứu chuộc và yêu thương (xem Ga 17; Ep 1).

Đức Thánh Cha đã chia sẻ với chúng ta chủ đề cho Tháng Mười 2019:

ĐƯỢC RỬA TỘI VÀ ĐƯỢC SAI ĐI:

HỘI THÁNH CHÚA KITÔ THI HÀNH SỨ MẠNG TRONG THẾ GIỚI 

            Cầu nguyện, suy tư và hành động sẽ giúp chúng ta sống khía cạnh này của Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo. Thực vậy, “nhờ Phép Rửa, chúng ta được nhận chìm trong suối nước sự sống không cạn là cái chết của Chúa Giêsu, hành vi yêu thương cao cả nhất của toàn thể lịch sử; và nhờ tình yêu này, chúng ta được sống một đời sống mới, không còn lệ thuộc sự ác, tội lỗi và sự chết nữa, nhưng được hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta.”[3] Chúng ta được mời gọi xác nhận căn tính rửa tội của mình trong một cuộc gặp gỡ cá nhân với con người sống động của Đức Giêsu Kitô. Người mời gọi chúng ta làm chứng cho Người trên thế giới.

Hội Thánh thi hành sứ mạng mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ Cha trong Thánh Thần. Bằng việc loan báo Đức Giêsu Kitô trong Lời Chúa và Bí Tích, Hội Thánh đáp lại niềm khát khao một cuộc sống đích thực và một sự ý thức về mục đích vốn có trong lòng mỗi con người, nam và nữ. Cống hiến Phép Rửa nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần (xem Mt 28:19) cho những cư dân của thế giới này và bẻ bánh Thánh Thể với họ có nghĩa là trao ban cho họ chính sự sống của Thiên Chúa, sự sống cứu chúng ta khỏi sự dữ và sự chết (x. Ga 6:48-51; 10:10). Trong nước và Thánh Thần, Máu Chúa Kitô (x. 1 Ga 5:1-13) cứu chuộc chúng ta, ban đức tin cho chúng ta, và ban chúng ta cho thế giới vì phần rỗi các linh hồn. Ân sủng giải thoát và cứu chúng ta thì thực sự được loan báo cho những người nghèo và những người bị tội lỗi giam cầm (x. Lc 4:14-22). Không một sự gì và không một ai bị loại trừ khỏi tình thương nhân từ của Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta ra đi truyền giáo, để mọi người có thể được lôi kéo đến với Người.

Chúng ta biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta vì ngài hướng dẫn và giao phó cho chúng ta một chủ đề thích hợp trên hành trình tiến tới dịp mừng Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo của Tháng 10, 2019. Với cái nhìn này và trong tinh thần hiệp thông, tôi muốn đề nghị một cách để gia tăng sự ý thức của chúng ta về ơn gọi truyền giáo của Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Ngoài những sáng kiến có thể được thực hiện bởi các Giám Mục tại các giáo hội địa phương mà anh chị em là thành phần, tôi muốn đề nghị mỗi người trong anh chị em khởi sự một tiến trình lắng nghe lẫn nhau, sao cho mọi người có thể cộng tác vào sự hoán cải truyền giáo của toàn bộ tập thể giáo hội mà Đức Phanxicô hằng nhấn mạnh và ước mong (x. EG 25. 27. 30. 32. 33). Việc lắng nghe nhau trong Thánh Thần hoán cải chúng ta và giúp chúng ta lớn lên trong chính sự hiệp thông đến từ hoạt động truyền giáo chân chính và cũng cần thiết cho hoạt động ấy.

Nhờ các đặc sủng khác nhau của chúng, đời sống trinh khiết thánh hiến và thừa tác vụ chức thánh trong việc phục vụ Đức Kitô và Hội Thánh của Người có thể là những nguồn để truyền thông, nhờ việc lắng nghe và chia sẻ được phát triển từ các kinh nghiệm của anh chị em về đời sống Kitô giáo và việc tông đồ truyền giáo của anh chị em trong Thánh Thần. Do đó chúng ta được kêu gọi trở nên ý thức hơn về các ơn của Phép Rửa, Thánh Thể và Hội Thánh, đồng thời cố gắng thể hiện tốt hơn ơn gọi chuyên biệt của chúng ta để sống missio ad gentes. Để khai triển theo chủ đề được Đức Thánh Cha Phanxicô cống hiến cho chúng ta, tôi đề nghị chúng ta bắt đầu suy tư dựa trên các đề tài này: “Rao giảng, Bí Tích và Chứng Tá Kitô giáo trong sứ mạng Missio ad gentes.” Chiều hướng suy tư này là kết quả của cả việc cầu nguyện và kinh nghiệm sống, nó có thể là một kiểu thần học-trải nghiệm. Nó có thể bao gồm việc gặp gỡ nhau để thuật lại những kinh nghiệm truyền giáo của cá nhân với một cơ sở mạnh về thần học và thiêng liêng. Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh, trong Kinh Thánh, trong các Bí Tích, trong đức ái, và trong đối thoại với thế giới và các nền văn hóa và tôn giáo của thế giới, đó là tâm điểm mà chúng ta muốn truyền thông, lắng nghe nhau, phân định và chia sẻ. Chúng tôi hi vọng mỗi Hội Dòng của anh chị em sẽ tổ chức các hoạt động lắng nghe nhau, cầu nguyện và suy tư, tùy theo các phương tiện, hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể của anh chị em.

Trong tư cách của Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân Tộc và các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, chúng tôi đề nghị anh chị em chỉ định một số thành viên thuộc Cộng Đoàn của mình để tổ chức tiến trình lắng nghe, phân định thiêng liêng và chia sẻ, cùng với các tổ chức đào luyện truyền giáo của chúng tôi, Văn Phòng Quốc Tế của Liên Hiệp Giáo Hoàng Truyền Giáo (PUM) và Trung Tâm Quốc Tế Sinh Động Hóa Truyền Giáo (CIAM). Một đề nghị cụ thể sẽ là sắp đặt một cuộc họp tại Trung Tâm CIAM để chia sẻ suy tư giữa các thành viên của cùng những dòng tu hay những dòng tu khác nhau, tùy theo hoàn cảnh được xét là thuận tiện nhất. Kết quả của công việc thuộc đức tin và phân định này về missio ad gentes sẽ giúp tất cả chúng ta thổi một sức sống mới vào các hoạt động truyền giáo, bắt đầu với các hoạt động mà Chúa Thánh Thần cung cấp cho chúng ta tùy theo các vai trò khác nhau của chúng ta trong cùng một Hội Thánh của Chúa Kitô. Tôi đã xin Cha Fabrizio Meroni, Tổng Thư Ký của PUM và Giám Đốc của CIAM, sẵn sàng tiếp nhận mọi thư trả lời và tìm hiểu về các đề nghị đã nhắc đến ở trên (email: fabriziomeroni@ppoomm.va; PUM +39 0669880228; CIAM +39 0669882484). Anh em cũng có thể tham khảo các Giám Đốc quốc gia và giáo phận của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo hiện diện trong các giáo hội địa phương của anh em để có sự cộng tác. Nhờ họ, chúng tôi đang thu thập các suy tư quan trọng để xuất bản một sách Hướng Dẫn sẽ gửi đến anh em khi sách được in xong.

Tôi hi vọng và cầu xin để vieệc chuẩn bị của chúng ta cho Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo của Tháng Mười 2019 sẽ góp phần vào một sự hoán cải đích thực để trở về với Chúa Kitô. Cùng với Mẹ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ, hiệp nhất trong Phòng Tiệc Ly, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần đặc biệt tuôn đổ các ơn của Người xuống trên chúng ta trong ngày lễ Hiện Xuống. Tôi thân ái chào thăm và cám ơn anh chị em.

 

Hồng y Fernando Filoni

Tổng Trưởng

 


IV. DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Cho các thành viên tham dự

Đại Hội các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo (3 tháng 6, 2017)

(Audience with participants in the Assembly of the Pontifical Mission Societies, 03.06.2017)

 

BOLLETTINO

VĂN PHÒNG BÁO CHÍ TÒA THÁNH

 

Buổi triều yết của các thành viên tham dự

Đại Hội các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 03.06.2017

Lúc 11.00 hôm nay, tại Sảnh Đường Clementina của Dinh Tông Tòa Vaticanô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên tham dự Đại Hội các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.

Đây là bài diễn từ của Đức Thánh Cha cho các thành viên hiện diện:

 

Bài Diễn Từ của Đức Thánh Cha

 

Thưa Đức Hồng Y,

Các Anh Chị Em thân mến,

 

Tôi hân hoan chào mừng anh chị em vừa kết thúc Đại Hội Toàn Thể của mình, và tôi cám ơn Đức Hồng Y vì những lời tốt đẹp của ngài. Cùng với ngài, tôi chào mừng tất cả các Bề Trên, các Tổng Thư Ký, các Giám Đốc Quốc Gia và tất cả các anh chị em đang có mặt ở đây.

Anh chị em hẳn biết rõ mối quan tâm của tôi đối với các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, thường chỉ được biết đến như là một tổ chức quyên góp và phân phát, nhân danh Giáo Hoàng, các trợ giúp kinh tế cho những giáo hội túng thiếu nhất. Tôi biết anh chị em đang tìm kiếm những cách thức mới, những phương pháp thích hợp hơn và có tính giáo hội hơn để thể hiện việc phục vụ cho sứ mạng phổ quát của Hội Thánh. Trong tiến trình cải cách cấp bách này, chúng ta cũng hãy để cho mình được nâng đỡ bởi lời chuyển cầu của Thánh Carôlô Lwanga và các bạn tử đạo của Uganđa mà hôm nay chúng ta cử hành lễ nhớ phụng vụ của các ngài.

Để canh tân nhiệt tình và niềm đam mê, động cơ thiêng liêng cho hành động tông đồ của vô số các vị thánh truyền giáo và tử đạo, tôi đã vui lòng chấp nhận đề nghị mà anh chị em đã soạn thảo cùng với Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân Tộc, để thông báo một thời gian đặc biệt cầu nguyện và suy tư về missio ad gentes. Tôi sẽ xin toàn thể Hội Thánh dâng hiến tháng Mười của năm 2019 cho mục tiêu này, vì vào năm ấy chúng ta sẽ cử hành Kỷ niệm một trăm năm Tông Thư Maximus Illud của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV. Trong văn kiện Huấn Quyền rất quan trọng này của ngài về truyền giáo, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở rằng đời sống thánh thiện là hết sức cần thiết để việc tông đồ được hiệu quả, vì thế ngài khuyên có một sự kết hiệp mạnh mẽ hơn với Chúa Kitô và một sự dấn thân đầy xác tín và vui vẻ vào niềm đam mê của Chúa Kitô đối với việc loan báo Tin Mừng cho mọi người, yêu thương và tỏ lòng thương xót đối với mọi người. Những người nam và người nữ, “nổi bật về nhiệt tình và sự thánh thiện”, đang ngày càng cần thiết cho Hội Thánh và cho việc truyền giáo. “Chớ gì người rao giảng Thiên Chúa hãy là một người của Thiên Chúa”, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV khuyên như thế (x. Tông Thư Maximum Illud, 30 tháng 11, 1919; AAS XI [1919], 449).

Đổi mới bản thân đòi hỏi sự hoán cải, và cần sống sứ mạng như một cơ hội thường xuyên để rao giảng Chúa Kitô, để cho Người được gặp gỡ nhờ việc chúng ta làm chứng về Người, và giúp những người khác tham dự vào cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng ta với Người. Tôi hi vọng sự trợ giúp thiêng liêng và vật chất cho Hội Thánh làm cho công việc này ngày càng dựa trên Tin Mừng và sự dấn thân do phép rửa của mọi tín hữu, giáo dân và giáo sĩ, trong cùng một sứ mạng của Hội Thánh: đem tình yêu Chúa đến cho mọi người, đặc biệt những người cần lòng thương xót của Người nhất. Tháng đặc biệt cầu nguyện và suy tư về truyền giáo như là việc loan báo Tin Mừng đầu tiên sẽ giúp ích cho việc canh tân đức tin này của Hội Thánh, để lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất, là Chúa và Tân Lang của Hội Thánh, luôn luôn hiện diện và ở lại trong trái tim Hội Thánh.

Mong rằng việc chuẩn bị cho thời gian đặc biệt dành cho việc loan báo Tin Mừng lần đầu giúp chúng ta luôn luôn là một Hội Thánh không ngừng trên đường truyền giáo, theo những lời của Chân Phước Phaolô VI trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, hiến chương của cố gắng truyền giáo hậu-Công Đồng: “Hội Thánh là người rao giảng Tin Mừng, nhưng chính Hội Thánh bắt đầu bằng việc nghe rao giảng Tin Mừng. Hội Thánh là cộng đồng các tín hữu, cộng đồng sống và truyền thông niềm hy vọng, cộng đồng yêu thương huynh đệ, và Hội Thánh cần không ngừng lắng nghe những điều mình phải tin, lắng nghe những lý do của niềm hy vọng, lắng nghe giới luật mới của tình thương. Hội Thánh là Dân của Thiên Chúa chìm ngập trong thế gian và thường bị cám dỗ đi theo các ngẫu tượng, và Hội Thánh luôn luôn cần nghe công bố "những kỳ công của Thiên Chúa"  để làm cho Hội Thánh trở về với Chúa của mình; Hội Thánh luôn luôn cần được Thiên Chúa quy tụ trở lại và hiệp nhất lại với nhau. Tóm lại, Hội Thánh luôn luôn cần phải được phúc âm hoá, nếu muốn giữ được sự tươi trẻ, sinh lực và sự cường tráng để rao giảng Tin Mừng.” (số 15). 

Trong tinh thần lời giáo huấn của Chân Phước Phaolô VI, tôi muốn rằng việc cử hành kỷ niệm một trăm năm Tông Thư Maximum illud vào tháng Mười năm 2019 là một thời gian thuận lợi cho việc cầu nguyện, học hỏi các chứng tá của nhiều vị thánh và nhiều vị tử đạo truyền giáo, suy tư Kinh Thánh và thần học, huấn giáo và việc bác ái truyền giáo để góp phần vào việc phúc âm hóa trước tiên và trên hết cho Hội Thánh, để khi đã tái khám phá sự tươi trẻ và sức nóng của mối tình đầu dành cho Chúa chịu đóng đinh và phục sinh, Hội Thánh có thể phúc âm hóa thế giới với tính khả tín và hiệu quả của Tin Mừng.

Tôi chúc lành cho toàn thể anh chị em trong ngày hôm nay trước Đại Lễ Hiện Xuống. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ và Mẹ Hội Thánh, luôn luôn là nguồn cảm hứng cho chúng ta bằng chứng tá đức tin của Mẹ và bảo đảm chắc chắn sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ. Xin hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Thánh Lwanga và các bạn tử đạo, và Chân Phước Paolo Manna, luôn luôn cầu nguyện cho tất cả chúng ta là những thừa sai của Người.

 

bản dịch tiếng Việt:

Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên



[1] ĐGH Phanxicô, Gặp gỡ Ủy Ban Điều Hành CELAM, Tòa Khâm Sứ tại Bogotà, 7 tháng 9,2017.

[2] ĐGH Phanxicô, Diễn từ cho các Giám Đốc Quốc Gia của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, tại Hội Nghị Toàn Thể, Thành Vaticanô, ngày 3 tháng 7, 2017.

[3] ĐGH Phanxicô, Triều yết chung, Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014.


Các bài viết mới hơn
     Sứ điệp Mùa Chay 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô
     Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2022
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021

Các bài viết cũ hơn
     TÌM HIỂU VẾ SẮC LỆNH TRUYỀN GIÁO
     HIỂU và SỐNG "TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG"
     TÌM HIỂU TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG
     Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2015
     VĂN KIỆN: TÔNG HUẤN, TÔNG THƯ, TỰ SẮC, THÔNG ĐIỆP
     Toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô
     TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM – NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG
     Bài Huấn dụ của ĐTC Benedicto XVI Ngày thứ tư, ngày 19-9-2012
     HUẤN THỊ COOPERATIO MISSIONALIS VỀ VIỆC CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO
     HUẤN THỊ COOPERATIO MISSIONALIS.Hồng Y TOMKO Jozef.