Trang Chủ > Truyền Giáo > Văn Kiện

TÌM HIỂU VỀ SẮC LỆNH TRUYỀN GIÁO

(AD GENTES)   


ad gentes.jpg

 

Tôi nói là thử mà chưa dám bàn hẳn về vấn đề, vì AD GENTES là một sắc lệnh quan trọng về một vấn đề rộng lớn bao quát cả công cuộc truyền giáo của Hội Thánh và đặc biệt của người giáo dân, nên khó có thể bàn cho thấu đáo ngay được.Vì thế, tôi xin hạn chế bài này trong việc giới thiệu và trình bày sơ qua những điểm chính yếu trong sắc lệnh mà thôi.

A. GIỚI THIỆU

AD GENTES là một trong 9 sắc lệnh của Công đồng Va-ti-can-nô II ban hành ngày 7.12.1965 tại Roma với chữ ký của ĐGH Phao-lô VI và 2394 chữ ký của các Nghị Phu. Sắc lệnh này chia làm 6 chương, đánh số từ 1 đến 42 ; mỗi chương là một đề mục và mỗi đề mục lại chia ra làm nhiều tiểu tiết. Toàn bộ sắc lệnh nói nhiều về vấn đề truyền giáo của Hội Thánh, trong đó người giáo dân chiếm một vị trí đáng kể. Đã 39 năm kể từ khi được ban hành, sắc lệnh vẫn chưa mất tính thời sự mà lại còn rất thích hợp cho chúng ta nghiên cứu, học hỏi trong năm truyền giáo này.

Nói đến truyền giáo là tự nhiên nghĩ đến truyền đạo. Mà truyền đạo nhiều khi lại bị hiểu là dụ dỗ, lôi kéo như chiêu mộ đảng viên vào một đảng phái chính trị vậy. Truyền giáo không phải là như thế, mà ct yếu là rao giảng lời chân lý và sinh ra các Hội Thánh. (praedicaverunt verbum veritatis et genuerunt ecclesias) thời nào Hội Thánh cũng phải truyền giáo và giao phó công việc này cho các con cái mình cho đến khi Chúa Giê-su lại đến trần gian lần thứ hai, để thu hi vạn vật về một mối mà dâng lên Chúa Cha, khi chu kỳ lịch sử hoàn tất. Lúc bấy giờ công trình cứu chuộc mới hoàn toàn chấm dứt. Vậy từ đây đến giai đoạn đó, mọi người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy phải làm việc truyền giáo nơi bản thân mình cũng như nơi những người khác.

Phải chăng vì vậy mới phân biệt làm hai thứ truyền giáo: truyền giáo bên trong và truyền giáo bên ngoài. Truyền giáo bên trong là lo cho công việc truyền giáo ở trong nước mình, trong gia đình mình, nơi bản thân mình. Từ đây mới có những từ như missio ad intra trong tiếng La-tinh và mission à rintérieur trong tiếng Pháp, sở dĩ có những từ này vì nhiều nước đạo gốc bên Âu Châu như Pháp, Đức, Ý, người ta bỏ đạo hay không hành đạo mấy nữa, nên phải tìm những cách thế thích hợp để giảng đạo cho những nơi đó.

Vì vậy, có những đội ngũ linh mục và giáo dân tra tay làm công việc truyền giáo ngay trên chính quê hương của họ. Gần đây lại có từ nova evanaelisatio (thường được dịch là tái phúc âm hóa). Nova evangelisatio thực ra là rao giảng Tin Mừng dưới một hình thức mới cho hợp với những thay đổi đang diễn ra trên thế giới, để người ta có thể hiểu và đón nhận chứ không phải chiều theo các ý thích của họ để được chấp nhận, vì Tin Mừng là một giá trị cao quí vốn có tính đòi hỏi cao. Mà vì đòi hỏi cao như thế nên mới càng có giá trị. Người ta bỏ đạo, không theo đạo nữa, tại sao vậy ? Có phải tại lối trình bày hay sống đạo của con cái mình không ? Có phải tại người ta khô khan, chạy theo vật chất, mất hết ý thức về tội lỗi và sự thiêng thánh cũng như mất lòng tin vào Thiên Chúa rồi không, tuy họ vẫn ăn ở đàng hoàng đối với những người khác ? Hội Thánh tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra những đường lối thích hợp. Nếu nói là Tái Phúc Âm Hóa thì dường như có một lúc nào đó, công việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh đã bị gián đoạn, nên bây giờ mới phải làm lại cho hợp với chữ Tái. Thực ra, Hội Thánh đã không bao giờ ngừng rao giảng, dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện như thánh Phao-lô khuyên bảo môn đệ của mình :

“Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăn đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chú tâm dạy dỗ. ” (2 Tm 4,2)

Có những giai đoạn vô cùng khó khăn, Hội Thánh không làm gì để công khai loan báo Tin Mừng được thì con cái của Hội Thánh, bằng nhiều cách thế khác nhau, vẫn duy trì công việc rao giảng Tin Mừng, như 300 năm đầu khi Hội Thánh mới được thành lập trong đế quốc Rô-ma, như ở Việt Nam trong thời kỳ vua quan nhà Nguyễn cấm đạo, chủng sinh được huấn luyện trên các ghe thuyền bí mật ngoài khơi hay trên sông rạch, như ở Nhật Bản từ thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX, không còn và không có một nhà truyền giáo nào lọt vào được, thế mà giáo dân vẫn cha truyền con nối dạy bảo nhau giữ đạo cho đến khi các nhà truyền giáo lại được bước chân tới.

Trong hiện tình, hình thức truyền giáo bên trong là điều thiết thực với các nước đạo gốc bên Âu châu. Cũng vì vậy nên đã có những tổ chức như Mission de France, để người Pháp giảng đạo cho chính đồng bào họ, trên chính quê hương đất nước của họ. Khi ĐGH Gio-an Phao-lô II dùng từ nova evangelisatio, có lẽ Người muốn chú trọng đến điểm rao giang Tin Mừng dưới những hình thức mới nhiều hơn chăng ?.

Bên cạnh việc truyền giáo ở bên trong là truyền giáo ở bên ngoài. Thường khi nói đến truyền giáo, người ta quen hiều về hình thức này nhiều hơn. Quả thực, truyền giáo là được sai đi. Từ missio trong tiếng La-tinh được dùng để chỉ việc truyền giáo. Missio bởi động từ mittere là sai. Nhà truyền giáo là người được sai đi, thường là đến những nơi xa, xa quê hương, đồng bào, tổ quốc mình để sống giữa một dân lạ chưa biết Chúa biết đạo. Đó là các nhà truyền giáo Châu Âu được sai đến các nước bên Châu Phi hay Châu Á. Bây giờ thì ngược lại. Hiện đang có phong trào các Hội Thánh Châu Âu mời các linh mục, tu sĩ người châu Á, Châu Phi sang làm việc giúp các họ đạo bên đó, nhất là các dòng tu. Dòng Phaolô thành Chartres tỉnh Đà Nng, Sài Gòn, Dòng Đức Bà, Dòng Don Bosco, Dòng Trợ Thế Thánh Gio- an Thiên Chúa đã gửi các tu sĩ của mình sang làm việc tại những nới ấy.

Còn đối với giáo dân thì sao ? Xưa nay, người ta vẫn nghĩ truyền giáo là việc của các linh mục, tu sĩ. Nhưng thực ra không phải thế. sắc lệnh AD GENTES cho chúng ta một cái nhìn khác, đặc biệt chú trọng và đề cao vai trò của giáo dân trong công việc truyền giáo. Có thể nói chính vì giáo dân, vì vai trò của họ mà Công Đồng ra sắc lệnh này, để cổ võ và hướng dẫn giáo dân làm việc truyền giáo.

Muốn hiểu để xác tín điều này, cần phải đọc toàn bộ sắc lệnh. Trước đây có thể chúng ta không biết vì chưa nghe nói đến, dù từ năm 1970 đã có bản dịch bằng tiếng Việt Nam của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, nhưng thường ít người đọc. Nói chung người Việt Nam ít đọc sách báo, người Công Giáo cũng ít đọc sách báo đạo. Đây cũng là một điều bất lợi cho nền văn hóa Công Giáo ở nước ta, vì sách báo làm ra cũng mấy ai chịu mua và đọc nên ít người viết và cũng không thấy có hứng thú để viết. Vậy để giúp cho dễ đọc sắc lệnh này, tôi xin phân chia các phần đoạn như sau.

B. TRÌNH BÀY SẮC LỆNH

Lời mở đầu

Trước khi vào chương I, sắc lệnh có mấy lời mở đầu nói đến vai trò của Hội Thánh. Hội Thánh được sai đến với các dân ngoại làm dấu chỉ phổ quát về ơn cứu độ. Do những đòi hỏi về tính Công Giáo (phổ quát) của mình và vì phải tuân theo lệnh truyền của Đấng sáng lập, nên Hội Thánh có bổn phận phải rao giảng Tin Mừng cho mọi người và ỉhành lập cộng đng tín hữu ở khắp nơi, noi gương các Tông đồ để lại, sao cho Lời Chúa được phổ biến và tôn vinh (2 Tx 3, 1). Nhằm mục đích này, Hội Thánh phác họa những đường nét chính yếu về hoạt động truyền giáo và tập hợp sức mạnh của giáo dân dể cùng nhau bước qua cửa hẹp thập giá, hầu mở rộng bờ cõi Nước Thiên Chúa, cho đến ngày mọi sự được hoàn thành viên mãn trong Chúa Ki-tô.

CHƯƠNG I

CÁC NGUYÊN TẮC MANG TÍNH GIÁO THUYẾT

1.1Ý định của Chúa Cha

Do bản chất, Hội Thánh mang tính truyền giáo trong cuộc hành hương trên cõi đời này. Tính chất đó bắt nguồn từ sứ mệnh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Chúa Cha. Vì yêu thương loài người. Chúa Cha mun cho mọi người được tham dự vào đời sng thn linh của Người không phải cách riêng rẽ, nhưng cách tập thể. Vậy Người kêu gọi tất cả những ai tản lạc về qui tụ thành một dân dưới sự che chở của Người (x. Ga 11,52).

1.2. Sứ mệnh của Chúa Con

Ý định cứu độ loài người của Chúa Cha không diễn ra cách kín đáo trong tâm tưởng của con người, nhưng cụ thể nơi Chúa Con. Chính vì thế, Chúa Con đã được sai xuống trần gian, bước vào lịch sử của loài người một cách dứt khoát, mới mẻ, để lôi kéo họ ra khỏi chốn tối tăm và khỏi quyền lực của Xa-tan (x Cl 1, 13 : Cv 10, 38) và hòa giải họ với Chúa Cha (x. 2 Cr 5, 19). Đúng là “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19, 10) Trong số này, vai trò của Chúa Con xuống thế làm người được mô tả rất đầy đủ và cô đọng.

1.3. Sứ mệnh của Chúa Thánh Thn

Để hoàn thành sứ mệnh nói trên, Chúa Giê-su đã sai Thánh Thần từ Chúa Cha đến thực hiện ơn cứu độ trong tâm hồn các tín hữu, và thúc đẩy Hội Thánh hoạt động cho lan rộng khắp nơi. Chúa Thánh Thần đã hoạt động trước khi Chúa Ki-tô được vinh hiển. Tuy vậy, ngày Ngũ Tuần, Người cũng đã ngự xuống trên các Tông đồ để ở với các ông luôn mãi (x. Ga 14,16). Hội Thánh được thành lập và xuất hiện công khai trước mặt mọi người, Tin Mừng được rao giảng cho muôn dân. Cả số này kê khai hoạt động rất phong phú và hữu hiệu của Chúa Thánh Thần trên toàn Hội Thánh xưa cũng như nay và mãi cho đến tận thế.

1.4. Hội Thánh được Chúa Giê-su sai đi

Ngay từ đầu cuộc đời công khai truyền đạo, Chúa Giê-su đã “gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người. Và Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,13 ; X. Mt 10,1-42)

Như vậy, các Tông đồ là mầm mống của ít-ra-en mới, và đồng thời cũng là nguồn gốc phẩm trật trong Hội Thánh. Rồi sau khi từ cõi chết trỗi dậy, khải hoàn vinh hiển, hoàn thành mầu nhiệm cứu độ và phục hồi thế giới, với đầỵ đủ quyền hành trên trời dưới đất (x. Mt 28, 18), trước khi về Trời (x. Cv 1,11), Chúa Giê-su đã thành lập Hội Thánh làm dấu chỉ ơn cứu độ. Người đã sai các môn đệ đi khắp thế gian và truyền lệnh cho các ông:

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thn” (Mt 28,19tt); “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin thì sẽ bị kết án.” (Mc 16,15tt)

Từ đây xuất phát nhiệm vụ của Hội Thánh phải quảng bá đức tin và mang ơn cứu độ đến cho muôn người. Số này có những lời lẽ rất thấm thìa về nhiệm vụ truyền giáo của Hội Thánh ; Hội Thánh phải noi gương Chúa Giê-su trên đường truyền đạo trong tinh thần đơn sơ nghèo khó, vâng lời, phục vụ, hy sinh chịu chết như Chúa Giê- su để cuôi cùng sông lại vinh hiển như Người.

1.5. Hoạt động truyền giáo

Nhiệm vụ này phải được hoàn thành do lệnh của Hàng Giám mục mà đứng đầu là Đấng kế vị thánh Phê-rô với lời cu nguyện và sự hợp tác của toàn thể Hội Thánh.

Nhiệm vụ này là một và duy nhất ở khắp nơi trong mọi hoàn cảnh, dù không diễn ra cùng một cách như nhau, do hoàn cảnh khác nhau tại mỗi địa phương. Vì thế, phải công nhận rằng những sự khác nhau đó trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh không do chính bản chất thâm sâu của việc truyền giáo, mà do hoàn cảnh tại nơi diễn ra việc truyền giáo. Những điều kiện và hoàn cảnh này một phần tùy thuộc ở Hội Thánh, một phần tuỳ thuộc ở các dân tộc, các đoàn người mà hoạt động truyền giáo hướng tới. Do đó, việc truyền giáo có thể gặp khó khăn hay thuận lợi, có thể tiến triển nhanh hay chậm, thậm chí có khi bị ngăn cản hay phá hủy nữa. Nhưng mục đích chính yếu và riêng biệt vẫn là loan báo Tin Mừng và thành lập Hội Thánh nơi các dân tộc và các đoàn người chưa tin vào Chúa Ki-tô. Bản văn La-tinh trong sắc lệnh dùng chữ implantandi nghĩa là trồng: munus Evangelium praedicandi et Ecclesiam ipsam implantandi. Chữ trng rất gợi ý. Người ta nói là trng cây. Hội Thánh được coi như một thứ cây được mang đi trồng ở nơi này nơi khác. Việc trồng cây đòi phải có sự chăm sóc kỹ lưng, cây mới khỏi chết và lớn lên được, như phải dọn đất, làm cỏ, bón phân, tưới nước v.v... Việc “trồng” Hội Thánh cũng phải diễn ra như vậy.

1.6. Lý do và sư cẩn thiết phải hoạt động truyền giáo

Lý do là vì Thiên Chúa muốn như thế. Người muốn “cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ cố một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người; đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1 Tm 2, 4-6) ; “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ." (Cv 4, 12)

Vậy, mọi người phải trở về với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su được biết là nhờ lời rao giảng của Hội Thánh và mọi người phải được sáp nhập vào Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Người nhờ bí tích thánh tẩy. Nhiều người không biết Tin Mừng không phải vì lỗi tại họ nên Hội Thánh có bổn phận, đồng thời cũng có quyền rao giảng Tin Mừng. Vì thế, hoạt động truyền giáo của Hội Thánh bây giờ cũng như xưa kia vẫn cần thiết và giữ nguyên vẹn sức mạnh.

1.7. Hoạt động truyền giáo trong đời sng và lịch sử con người

Tin Mừng được coi như là chất men khơi lên tự do, tiến bộ, hữu nghị, hiệp nhất và hòa bình. Chúa Giê-su được phụng vụ Mùa Vọng tôn vinh là “niềm hy vọng và ơn cứụ độ của muôn dân” Hoạt động truyền giáo được xếp vào thời kỳ giữa cuộc giáng lâm lần thứ nhất và thứ hai để bày tỏ chương trình cứu độ và công trình thực hiện của Thiên Chúa .

Giữa hoạt động truyền giáo và bản tính con người có một mối dây liên hệ mật thiết. Khi biểu lộ Chúa Ki-tô, Hội Thánh bày tỏ cho loài người qua chính việc đó, sự thật về bậc đời và ơn gọi toàn vẹn của họ. Chúa Ki-tô là nguyên lý và mô hình của nhân loại được đổi mới, tức một xã hội rộng lớn được thấm nhuần tình huynh đệ chân thành, tính hiếu hòa mà mọi người đang ngưỡng vọng. Hội Thánh làm chứng cho Chúa Giê-su bằng lời rao giảng Tin Mừng. Lời rao giảng này vượt lên mọi thứ phân biệt về nòi giống hay chủng tộc. Chính Chúa Giê-su là sự thật và con đường mà lời rao giảng Tin Mừng phải tỏ cho mọi người thấy.

1.8. Tính cánh Chung của hoạt động truyền giáo

Từ sau khi Chúa Giê-su về Trời cho đến khi Người lại đến là thời gian của Hội Thánh. Hội Thánh được Chúa giao cho nhiệm vụ phải làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người bằng việc loan báo Tin Mừng khắp nơi (x. Mc 13, 10).

Hoạt động này là làm sao cho người ta thấy được ý định cứu độ của Thiên Chúa tỏ hiện và thể hiện trong lịch sử loài người. Nhờ việc rao giảng và cử hành các bí tích mà bí tích Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh, hoạt động truyền giáo làm cho Chúa Giê-su, Đấng cứu độ hiện diện giữa loài người. Tất cả những gì là hay là tốt là đẹp nơi các dân tộc là như do một sự hiện diện bí mật của Thiên Chúa.

Hoạt động truyền giáo đến giải gỡ con người cho khỏi cái xấu, để trả lại những điều tốt lành kia cho Chúa Giê-su, Đấng phá hủy quyền lực của ma quỉ và ngăn chặn đủ mọi thứ tội ác. Như vậy, hoạt động truyền giáo hướng về ngày cánh chung, góp phần vào việc xây dựng Trời mới đất mới vào thời chu kỳ lịch sử hoàn tất, và Dân Thiên Chúa mỗi ngày một mở rộng như lời tiên báo nhiệm mầu của ngôn sứ l-sai-a :

“Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng cấc tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc.” (Is. 54,2)

CHƯƠNG II

CHÍNH CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

DẪN NHẬP

Hội Thánh phải hoà nhập vào mọi nhóm người, liên kết với mọi điều kiện xã hội và văn hóa của những người mình đang chung sống. Cần đi lại tiếp xúc với người ngoài đạo, trò chuyện, sống chung, chia sẻ với họ, theo gương Chúa Giê-su, thực hành bác ái yêu thương, không phân biệt đối xử hay kỳ thị sang hèn, giàu nghèo,

I. LỜI CHỨNG MANG CHẤT KI-TÔ

1.1. Hiện diện giữa mọi người

Hội Thánh phải hiện diện trong mọi lớp người, qua các con cái của mình sống, hay được sai tới sống trong đó. Mọi Ki-tô hữu, bất kỳ sống ở đâu, cũng phải biểu lộ một cách nào đó, con người mới mình đã mặc lấy nhờ bí tích Thánh Tẩy, và ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thn mình đã nhận được trong ngày lãnh bí tích Thêm sức, bằng gương sáng đời sống cũng như bằng lời nói của mình. Như vậy, họ sẽ lấy các việc lành mà tôn vinh Chúa Cha (x. Mt 5, 16)

Muốn làm chứng cho Chúa Ki-tô cách hữu hiệu, họ phải hòa hợp với những người khác bằng tình thương và lòng trọng kính, coi mình là thành phần trong khu vực mình sinh sống, tham gia vào đời sống văn hóa xã hội nhờ những cuộc trao đổi và sinh hoạt chung. Họ không được xa lạ với những truyền thống của ông cha, vui vẻ tìm kiếm và khám phá ra những nơi, những người mà giá trị Lời Chúa có thể ẩn tàng trong đó.

Tuy nhiên, vì người thời nay quá say mê nhạy cảm với văn minh kỹ thuật và tiện nghi vật chất, dễ xa lìa những giá trị tôn giáo đạo đức nên Ki-tô hữu phải, là những người làm chứng cho những giá trị bền vững của Tin Mừng và khơi gợi cho người ta hướng về niềm tin Ki-tô giáo.

1.2. Sự hiện diện của tình thương

Sự hiện diện của các Ki-tô hữu trong xã hội loài người phải mang theo tình thương mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, Đấng đã muốn cho chúng ta yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x. 1 Ga 4, 11).

Tình thương Ki-tô giáo lan rộng tới hết mọi người, không phân biệt chủng tộc ngôn ngữ tôn giáo hay địa vị xã hội. Đó là một tình thương miễn phí không đòi hỏi gì cả, không tìm lợi lộc cũng không đòi phải biết ơn. Đức Ki-tô đã rảo qua các thành thị làng mạc, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền để nói lên rằng triều đại Thiên Chúa đang đến (x. Mt 9, 35 ; Cv 10, 38). Hội Thánh cũng phải noi gương Đấng lãnh đạo mình mà săn sóc những người ốm đau bệnh tật nghèo khổ, chia vui sẻ buồn với người ta, nhận ra các khát vọng và vấn đề của họ, cùng chịu đau khổ và băn khoăn lo lắng với họ trước cảnh chết chóc tang thương.

Những người con của Chúa, con của Hội Thánh phải hợp tác với mọi người thành tâm thiện chí để tham gia các tổ chức kinh tế xã hội, nhất là hoạt động trong phạm vi giáo dục học đường.

Nhưng Hội Thánh không muốn dây mình vào các công việc cầm quyền trị nước của người trần gian. Hội Thánh không đòi danh hiệu nào khác ngoài danh hiệu phục vụ bằng tình thương và các dịch vụ từ thiện để hướng người ta về ơn cứu độ.

II. RAO GIẢNG TIN MỪNG VÀ TỤ HỌP DÂN THIÊN CHÚA

1.1.  Rao giảng Tin Mừng và thay đổi đời sng

Nơi nào được tự do rao giảng để công bố mầu nhiệm về Chúa Ki-tô (x. Cl 4, 3), Hội Thánh phải loan báo (x. 1 Cr 9, 16 ; Rm 10) cho mọi người (x. Mc 16, 15) 14) cách mạnh dạn và kiên trì (x Cv 4, 13. 29. 31 ; 9,27. 28 ; 13, 46 ; 14, 3 ; 19, 8 ; 26, 26 ; 28, 31) Thiên Chúa hằng sống (x. 1 Tx 2, 2 ; 2 Cr 3,12 ; 7,14 ; Pl 1,20 ; Ep 3,12 ; 6,19-20) và Đấng Người đã sai là Đức Giê-su Ki-tô để cứu độ muôn người (x. 1 Tx 1, 9-10 ; 1 Cr 1, 18-21 ; GI 1, 31 ; Cv 14, 15 ; 17, 22-31), để các người không phải là Ki-tô hữu nhờ Chúa Thánh Thần soi trí mở lòng (x. Cv 16, 14) mà tin và tự do quay đầu về cùng Thiên Chúa và trung thành gắn bó với Đấng là con đường, sư thật và sự sống (Ga 14, 6)

Hội Thánh nghiêm cấm con cái mình không được dụ dỗ hay cưỡng ép ai vào đạo, đồng thời cũng cương quyết đòi quyền được tự do hành đạo không bị ai ngăn cản hay cấm cách. Đây là căn bản của chính sách tự do tôn giáo mà Hội Thánh chủ trương.

2.2. T chức dự tòng và khai tâm Ki-tô giáo

Ngày xưa phải đăng ký rồi xin học đạo chừng hai năm mới được lãnh phép Thánh Tẩy. Ngày nay thời gian chuẩn bị chính thức không đến nỗi lâu dài như vậy. Thời gian chuẩn bị càng lâu càng tốt. Như vậy, những người dự tòng sẽ có cơ hội hiểu biết sâu hơn đạo họ sắp theo. Theo đạo là theo một lối sống do một niềm tin. Người dự tòng được chuẩn bị để sống theo Tin Mừng bằng một nếp sống gắn bó với Chúa Giê-su, cởi bỏ con người cũ, thực thi bác ái và sống chan hòa với những người chung quanh bằng tinh thần vui tươi, cởi mở, dấn thân, phục vụ theo gương Chúa Ki-tô. Trong thời gian dự tòng, không phải chỉ có linh mục quản xứ, các giáo lý viên có liên hệ với các ưng sinh mà cả cộng đoàn họ đạo.

Làm thế nào để cho các anh chị em dự tòng cảm thấy họ được đón tiếp và thuộc về một đại gia đình những người tin theo Chúa, nhờ đấy họ được khuyến khích và nâng đỡ trong những bước đầu đời đi tìm Chúa.

Ill. HUẤN LUYỆN CỘNG ĐOÀN KI-TÔ GIÁO

3.1. Huấn luyện cộng đoàn

Cộng đoàn Ki-tô hữu là dấu hiệu về sự có mặt của Chúa trong xã hội trần gian và trên thế giới. Cộng đoàn Ki-tô hữu phải là những người ăn sâu mọc rễ trong dân chúng; họ không còn phải là những người xa lạ giữa đồng bào mình nên phải có tinh thần đoàn kết, hợp tác, không phân biệt đối xử, không tranh dành ảnh hưởng, không đố kỵ ai...

Ki-tô hữu không khác người ta, tuy vẫn sống cho Chúa. Họ phải sống theo lề thói của dân nước mình, cố trở nên những công dân tốt, yêu quê hương đất nước, không khinh chê coi thường người khác. Ki-tô hữu hiện diện trong xã hội không thôi thì chưa đủ mà còn phải loan báo Chúa Ki-tô bằng lời nói và việc làm, để giúp cho những người khác đón nhận đầy đủ Chúa Ki-tô nữa..

3.2. Thành lập hàng giáo sĩ bản quốc

Hội Thánh rất vui mừng khi nhận thấy tại các dân tộc bên châu Á, châu Phi có nhiều ơn gọi dâng mình cho Chúa làm tu sĩ, linh mục. Hội Thánh được xây dựng và phát triển lớn mạnh là nhờ chính nhân sự bản quốc trong các xứ truyền giáo. Với hàng giáo sĩ này, Hội Thánh địa phương sẽ có các giám mục, linh mục, tu sĩ để cai quản và tổ chức các sinh hoạt trên quê hương xứ sở của mình. Ngoài ra, tại những nơi này cũng có thể phục hồi truyền thống phó tế vĩnh viên. Các phó tế sẽ được tuyển chọn và huấn luyện để làm trợ tá cho các linh mục trong việc rao giảng Tin Mừng

3.3. Hun luyện các giáo lý viên

Ngày nay, ơn gọi giảm sút, nhất là tại các nước Âu Mỹ, nên vai trò của giáo lý viên lại càng cần thiết. Vậy phải kêu gọi và cổ võ cho có nhiều giáo dân nam nữ tham gia tổ chức này. Họ cần được huấn luyện và khuyến khích tiếp tay cho các linh mục để giảng dạy giáo lý và giúp những người khác hiểu biết thêm về đạo. Muốn thế, họ cần được huấn luyện về giáo lý, Kinh thánh, phụng vụ. Các người có trách nhiệm phải lo cho họ có nơi, có lớp để được đào luyện về phương diện này. Đàng khác họ cũng cần được trả thù lao cho công việc họ làm. Những ai làm việc toàn thời giờ cho giáo lý cần được trả lương cân xứng.

3.4. Cổ võ đời sng tu trì

Trong thời kỳ “gieo trồng” (thành lập) Hội Thánh, phải lưu tâm gây dựng đời sống tu trì. Các tu sĩ sẽ giúp ích rất nhiều cho công cuộc truyền giáo vì lòng tn tâm và chí hướng tông đồ của họ. Với truyền thống phong phú lâu đời của mình, các dòng tu làm việc tại các xứ truyền giáo có thể đóng góp kinh nghiệm, sức sống cho các Hội Thánh trẻ.

Tuy vậy, các dòng hay tu hội cũng cần tìm cách hội nhập khôn khéo vào đời sống văn hóa và xã hội nơi mình đang sống, sao cho khỏi trở nên xa lạ và lạc lõng giữa nơi mình phải đem ánh sáng Tin Mừng tới. Vì vậy, phải cố biểu lộ và diễn tả các giá trị Tin Mừng theo tinh thần và đặc tính của từng dân tộc. Nơi nào đã có nhiều tu hội cùng theo đuổi một mục đích, các giám mục và Hội Đồng Giám Mục ở những nơi đó không nên cho thành lập thêm nữa, kẻo có hại cho đời sống tu trì và công việc tông đồ. Tuy vậy, cũng rất nên khuyến khích thiết lập đời sống đan tu và chiêm niệm, vì đó là những nơi tiếp vận sức sống thiêng liêng.

CHƯƠNG III

 CÁC HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

I. S TIẾN TRIỂN CỦA CÁC HỘI THÁNH TRẺ

Ngày nay, các Hội Thánh trẻ tại các xứ trước đây gọi là truyền giáo đang lên. Họ đã có hàng giám mục và linh mục bản xứ với những cơ cấu rõ ràng. Hoạt động của họ mỗi ngày một tiến triển. Thường những Hội Thánh này thuộc các nước nghèo. Vì vậy Hội Thánh trung ương và Hội Thánh các nước giàu nên lưu tâm giúp đỡ các Hội Thánh trẻ này bằng nhiều hình thức khác nhau, như đã giúp và còn đang giúp. Vấn đề quan trọng hơn là giúp cho các Hội Thánh này trưởng thành và chín chắn về mặt thần học, Kinh Thánh, phụng vụ và đời sống đức tin để một ngày nào đó các Hội Thánh ấy có thể tự túc và giúp đỡ những Hội Thánh khác.

II. HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA CÁC HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Hội Thánh địa phương có nhiệm vụ phải đại diện cho Hội Thánh toàn cầu cách thật hoàn hảo và nên biết rằng mình cũng được sai đến với những người chưa biết Chúa như mình trước đây. Hội Thánh này phải làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng đời sống cá nhân của mỗi tín hữu và bằng đời sống tập thể của cả Hội Thánh trên quê hương xứ sở mình. Vì thế, việc rao giảng lời Chúa là cần thiết để Tin Mừng đến được với mọi người. Vậy, trước hết giám mục phải là người rao giảng đức tin để dẫn đưa nhiều người đến cùng Chúa Ki- tô. Muốn chu toàn nhiệm vụ này cho thỏa đáng, ngài phải biết rõ tình trạng của đoàn chiên mình, xem đồng bào mình nghĩ về Chúa làm sao, dựa vào các thay đổi đang xảy ra chung quanh về vấn đề đô thị hóa, di dân, thất nghiệp, tệ nạn xã hội, gia tăng dân số v.v... Trong các Hội Thánh trẻ này, các linh mục bản xứ phải hăng hái, nhiệt thành loan báo Tin Mừng, rao giảng lời Chúa, hợp tác với các linh mục truyền giáo người nước ngoài, để làm thành một linh mục đoàn duy nhất, dưới quyền điều khiển của giám mục sở tại. Làm như thế không phải chỉ để coi sóc giáo dân, cử hành bí tích, lo việc thờ phượng mà còn chú tâm rao giảng Tin Mừng cho những người bên ngoài nữa. Các tu sĩ nam nữ, các giáo dân cũng phải có một mối bận tâm như vậy đối với đồng bào mình, nhất là đối với những người nghèo khổ.

Ill. PHÁT ĐỘNG VIỆC TÔNG Đ CỦA GIÁO DÂN

Hội Thánh không được thiết lập thật sự, chưa sống trọn vẹn đầy đủ, chưa phải là dấu hiệu giữa loài người, bao lâu chưa có một bậc giáo dân đích thật làm việc và hợp tác với hàng giáo phẩm (Ecclesia non vere fundata est, non plene vivit, nec perfectum Christi signum est inter homines, nisi cum Hierarchia laicatus veri hominis exstet et laborat)

Giáo dân là những tín hữu vừa thuộc về dân Thiên Chúa, vừa thuộc về xã hội dân sự, về dân tộc mình. Họ sinh ra tại đó, thừa hưởng gia tài văn hóa của quê hương mình, gắn bó mật thiết với vận mệnh dân tộc mình. Nhưng họ cũng thuộc về Chúa Ki-tô vì đã được sinh ra về đường thiêng liêng trong Hội Thánh, nhờ đức tin và bí tích Thánh tẩy họ đã lãnh nhận (x. 1 Cr 15, 23) Bổn phận chính yếu của họ là làm chứng cho Chúa bằng lời nói và việc làm, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Các linh mục phải tôn trọng hoạt động tông đồ của giáo dân, phải huấn luyện họ về tinh thần trách nhiệm và tông đồ, đồng hành với họ trong các nỗi khó khăn, theo lời chỉ dạy trong Hiến chế Ánh sáng muôn dânsắc lệnh Tông đồ giáo dân.

IV. KHÁC BIỆT NHƯNG DUY NHẤT.

Các Ki-tô hữu đến từ nhiều dân tộc, môi trường, văn hóa, tập quán khác nhau nhưng lại như nhau vì cùng có chung một đức tin, một phép rửa, một Chúa. Đây là một sự phong phú trong khác biệt, khác biệt nhưng duy nhất. Tính duy nhất được phô diễn trong sự khác biệt. Nét độc đáo của Ki-tô giáo là ở chỗ đó và riêng đối với Công Giáo, đạo chung cho mọi người, tuy khác nhau như mới nói. Nền tảng làm nên sự duy nhất trong khác biệt là các suy tư thần học, dựa vào mạc khải, Kinh Thánh, truyền thống và giáo huấn của Hội Thánh. Khoa nói và suy nghĩ về Chúa, tức thần học, chỉ có một, nhưng lại được diễn tả trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, qua các thời đại khác nhau, ở những khung trời văn hóa cũng khác nhau nữa, nhưng vẫn diễn tả một Chúa, một đức tin.

CHƯƠNG IV

CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO

I. ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO

Ai là môn đệ Chúa Ki-tô thì cũng có bổn phận phải quảng bá đức tin. Nhưng có một số người cũng như một số tu hội được ơn gọi đặc biệt lo việc truyền giáo. Họ là những người được chọn và gọi để được gửi đi xa, đến những nơi và những người chưa biết Chúa hay chưa được nghe nói đến Chúa. Để làm công việc này, ngoài ơn gọi ra, họ lại phải có một số điều kiện đặc biệt, như sẵn sàng ra đi, từ bỏ quê hương xứ sở của mình, dấn thân vào những miền xa lạ, bằng lòng đón nhận những rủi ro bất ngờ, những nguy hiểm, thiếu thốn. Những nhà truyền giáo này có thể là linh mục tu sĩ nam nữ hay giáo dân. Bao giờ Hội Thánh cũng cần người và luôn cầu xin Thiên Chúa ban cho có những con người như thế.

II. ĐƯỜNG LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO.

Vì đi truyền giáo ở nơi xa cho những người lạ là một ơn gọi đặc biệt, nên nhà truyền giáo cũng phải được huấn luyện để có một nền linh đạo phù hợp. Nền linh đạo đó là noi gương Chúa Giê-su “mặc lấy thân lệ”, (Pl 2, 7) và “trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9, 22) Nhiệm vụ của nhà truyền giáo là loan báo Tin Mừng, nên cần phải dám can đảm nói. Dù đôi khi nguy hiểm đến tính mạng hay phải mất mạng nữa. nhưng cố gắng sống như thánh Phao-lô đã sống:

“Trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa; gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều kiên trì chịu đựng. ” (2 Cr 6, 4-5)

Ngoài ra, lại phải đổi mới mỗi ngày bằng một cuộc thay đổi thiêng liêng từ bên trong (x. 1 Tm 4, 14 ; Ep 4,

; 2 Cr 4, 16) Các vị Thường quyền và các bề trên, vào những thời kỳ ấn định, phải tập họp các nhà truyền giáo lại để cho họ được bồi bổ tâm linh hầu kiên trì tiếp tục sứ mệnh. Nên có khu vực dành riêng cho công việc này.

Ill. HUẤN LUYỆN THIÊNG LIÊNG VÀ ĐẠO ĐỨC.

Nhà truyền giáo tương lai phải được huấn luyện về đường thiêng liêng và đạo đức để có thể thực hiện công việc cao quí này. Người ấy phải mau mắn có sáng kiến, kiên trì làm nên những việc phải làm, nhẫn nại khi gặp khó khăn, can đảm gánh chịu sự cô đơn, nhọc mệt, vất vả., vui vẻ tiếp xúc với mọi người. Ngay trong thời kỳ thực tập, huấn luyện, nhà truyền giáo đã phải có những tâm tình và thái độ như thế, bằng một đời sống thiêng liêng sâu đậm, một đức tin sống động và một lòng trông cậy không gì lay chuyển. Và như vậy, nhà truyền giáo phải là con người cầu nguyện.

IV. HUẤN LUYỆN VỀ HỌC THỨC VÀ TINH THẦN TÔNG ĐỒ

Học thức ở đây muốn nói trước hết là các khoa đạo. Truyền giáo là đi giảng đạo, nên phải thông thạo các khoa về đạo như thần học, Kinh thánh. Ngoài ra là khoa truyền giáo và các khoa khác có lợi ích thực dụng như chỉ thuốc trị bệnh, sử dụng và sửa chữa máy móc thường dùng, điện học, vi tính, kinh tế và nhất là huấn giáo.

Nhà truyền giáo càng có kiến thức và khả năng sâu rộng càng được kính phục và có thể giúp ích nhiều cho người ta. Các cha truyền giáo Dòng Tên ở thế kỷ XVI, XVII đã chinh phục được một số vua chúa và quan chức triều đình Trung Hoa là nhờ tài cao học rộng của các ngài, cũng như tài ứng xử khôn khéo trong việc tôn trọng và cố gắng hội nhập nền văn hóa của họ. Vậy các nhà truyền giáo, bất kể cả linh mục hay giáo dân nam nữ phải lo học hành và biết cách làm việc tông đồ trong phạm vi truyền giáo. Điều này thật là cần thiết và bổ ích.

V. CÁC VIỆN ĐÀO TẠO HAY CÁC T CHỨC LÀM VIỆC TRONG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO

Truyền giáo là công việc khó khăn và trọng đại. Một cá nhân, cho dẫu tài ba và hăng say đến mấy cũng không thể một mình làm nổi. Vì vậy, phải kết hợp thành những viện đào tạo, những tổ chức chuyên lo công việc này. May thay Hội Thánh đã có những dòng tu, tu hội hay các tổ chức tông đồ đứng ra làm công việc đó. Đã có những trường lớp đào tạo huấn luyện người đi truyền giáo và đã có những đoàn thể kết hợp sáng kiến và nỗ lực với nhau để thúc đẩy và canh tân việc truyền giáo. Điều này là cần và còn cần mãi. Vậy phải lo duy trì và phát triển những viện đào tạo, những tu hội, những tổ chức theo đường hướng này.

CHƯƠNG V

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO

DẪN NHẬP

Các ki-tô hữu mỗi người theo ơn riêng đã nhận được, cũng như tùy khả năng, phải góp phần vào công việc truyền giáo. Người gieo cũng như người trồng phải hợp tác với nhau hướng về một mục đích chung. I\lhư vậy, công việc cần phải được tổ chức theo một định hướng cho có trật tự và hiệu quả.

I. TỔ CHỨC CHUNG.

Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ và công việc hàng đầu của giám mục đoàn, của thượng hội đồng giám mục. Đây là một mối bận tâm lớn và một công việc rất quan trọng của Hội Thánh. Vì vậy, cần có một Bộ riêng để lo về vấn đề này. Đó là Bộ Truyền giáo. Bộ này lo tổ chức, đôn đốc, cung cấp tài liệu, hướng dẫn và chỉ huy mọi công việc liên hệ. Cũng chính Bộ tuyển lựa nhân viên, liên hệ với các nơi và lo tài trợ vật chất cho các xứ truyền giáo.

II. TỔ CHỨC TẠI ĐỊA PHƯƠNG TRONG CÁC X TRUYỀN GIÁO.

Muốn cho công việc đạt kết quả tốt, các nhà truyền giáo phải một lòng một ý với nhau (x. Cv 4, 32). Đó là nhiệm vụ của giám mục với tư cách là thủ lãnh và trung tâm hợp nhất trong công việc tông đồ của giáo phận, để cổ võ hoạt động truyền giáo, chỉ huy, phối hợp, phân công ... Vì vậy, nên có một hội đồng mục vụ để giúp ngài điều hành các công việc. Ngài cũng không nên chỉ lưu tâm đến các tín hữu mà còn phải để ý đến cả những người ở bên ngoài nữa.          

III. PHI HỢP VỚI MIỀN.

Các hội đồng giám mục phải thỏa thuận với nhau trong những vấn đề quan trọng và bức thiết, tuy vẫn phải lưu ý đến sự khác biệt của từng miền. Để khỏi phí phạm tài lực và nhân sự, nên tập trung sức và phương tiện lại, như mở chung các chủng viện, các trường đào tạo, các trung tâm mục vụ, huấn giáo, phụng vụ, thánh nhạc v.v... Tùy như thuận tiện và nên chăng, các hội đồng giám mục nên hợp tác với nhau theo hướng này.

IV. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC VIỆN HAY SỞ.

Phối hợp hoạt động của các viện hay các tổ chức giáo sĩ là điều hữu ích. Tất cả trường sở, viện hay tổ chức bất cứ thuộc loại nào liên quan đến hoạt động truyền giáo đều phải tùy thuộc giám mục sở tại. Vì thế nên có hợp đồng giữa bề trên viện, sở với giám mục. Khi một dòng tu hay tu hội nào được giao cho đất để hoạt động thì phải hoạt động theo mục đích đã được giao. Khi linh mục triều có đủ số, linh mục dòng nên nhường lại, nếu là nhà hay đất của địa phận, khi được yêu cầu. Tuy vậy, linh mục dòng nên tiếp tục ở lại để giúp địa phận mà trước đây minh đã tới để hợp tác. Tòa thánh sẽ đề ra những nguyên tắc chung điều hành việc ký kết hợp đồng giữa đôi bên.

V. HỢP TÁC GIỮA CÁC DÒNG, TU HỘI.

Có thể có nhiều dòng tu hay tu hội cùng làm việc trong một giáo phận. Bề trên của các dòng hay tu hội, hoặc hiệp hội các bề trên dòng nam và dòng nữ nên bàn soạn xem có thể cùng nhau làm chung những gì cho đỡ phân tán sức lực và có thể tập trung vào một số hoạt động, để cùng làm với nhau cho mạnh và đỡ mất nhiều người. Một trong những hướng đó là tổ chức nơi đào luyện trí thức chung, gửi bản báo cáo chung cho các cơ quan quốc tế hay siêu quốc gia v.v... Ngoài ra các vị lại phải liên lạc mật thiết với hội đồng giám mục.

VI. PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC “VIỆN KHOA HỌC”

Viện khoa học ở đây không phải là các viện khoa học như người ta thường hiểu mà là những dòng tu hay tu hội nghiên cứu chuyên môn về truyền giáo, đặc biệt về việc đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa khác, hay những khoa có ích cho việc truyền giáo như chủng tộc học, lịch sử các tôn giáo, xã hội học hay ngôn ngữ hoặc các môn mục vụ v.v... Các dòng hay tu hội nên trao đổi chuyên viên và hợp tác với nhau về mặt này.

CHƯƠNG VI

HỢP TÁC

DẪN NHẬP

Công đồng khuyên mời mọi Ki-tô hữu đổi mới sâu xa bên trong cũng như bên ngoài để có ý niệm sâu sắc về trách nhiệm của mình trong công việc rao giảng Tin Mừng.

I. BỔN PHẬN TRUYỀN GIÁO CỦA TOÀN DÂN THIÊN CHÚA

Bổn phận trước tiên, quan trọng nhất là quảng bá đức tin, sống sâu sắc đời sống Ki-tô hữu của mình.

II. BỔN PHẬN TRUYỀN GIÁO CỦA CỘNG ĐỒNG.

Vì Dân Thiên Chúa sống trong các cộng đồng giáo phận, giáo xứ và hiện diện trong những cộng đồng ấy nên phải làm chứng cho Chúa Ki-tô trước mặt muôn dân. ơn đổi mới chỉ có thể gia tăng nơi các cộng đồng, khi mỗi cộng đồng chiếu giãi đức ái của mình ra chung quanh và lưu tâm đến những người còn ở bên ngoài. Hội Thánh dường như vẫn thường lưu tâm đến những người ở trong Hội Thánh hơn. Chính vì vậy mà cả cộng đồng cần phải cầu nguyện, hợp tác, hoạt động, qua trung gian các con cái của mình cho những người còn ở bên ngoài.

III. BỔN PHẬN TRUYỀN GIÁO CỦA CÁC GIÁM MỤC.

Tất cả mọi giám mục, với tư cách là những người kế vị các Tông đồ, đã được hiến thánh không phải cho một giáo phận, nhưng chung cho toàn thế giới. Lệnh truyền của Chúa Ki-tô phải rao giảng Tin Mừng cho mọi thọ tạo (Mc 16, 15) 16, 15) liên hệ trước tiên và trực tiếp đến các ngài.

Trong giáo phận mình, giám mục đôn đốc, thúc đẩy, điều khiển công cuộc truyền giáo, làm khơi dậy tinh thần và hoạt động truyền giáo. Ngài lưu tâm động viên những người ốm đau bệnh tật dâng các nỗi hy sinh đau khổ của mình cho Chúa, để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, lại cổ động cho có nhiều ơn gọi làm linh mục, tu sĩ để lo việc truyền giáo.

IV. BỔN PHẬN TRUYỀN GIÁO CỦA CÁC LINH MỤC.

Các linh mục, đại diện Chúa Ki-tô, cộng sự viên của các giám mục có ba nhiệm vụ liên quan đến sứ mệnh của Hội Thánh. Trước hết, các vị phải hiểu thật kỹ là mình được hiến thánh để lo việc truyền giáo. Các vị hiệp thông với Chúa Ki-tô để đưa những người khác đến với Người. Các vị phải kết hợp các mối bận tâm của mình để làm sao cho Tin Mừng đến được với những người còn ở bên ngoài. Trong khi làm mục vụ, các vị phải thúc đẩy và khơi dậy giáo dân lòng nhiệt thành lo việc truyền giáo bằng cách giảng dạy giáo lý và cách thức loan báo Tin Mừng. Các vị lại phải cổ động cho có nhiều thanh niên thiếu nữ dâng mình cho Chúa để làm việc tông đồ. Những vị nào là giáo sư dạy trong các đại chủng viện hay đại học nên nói cho các sinh viên biết tình hình thế giới và Hội Thánh và làm nổi bật khía cạnh truyền giáo trong các môn tín lý, Kinh Thánh, luân lý và lịch sử v.v... hầu gây ý thức truyền giáo nơi những người đó.

V. BỔN PHẬN TRUYỀN GIÁO TRONG CÁC DÒNG VÀ TU HỘI.

Các dòng hoạt động hay chiêm niệm và các tu hội đã góp phần rất lớn trong việc loan báo Tin Mừng cho thế giới. Công lao của các đồng và tu hội đã được Công đồng ghi nhận và đ cao. Công đng cảm tạ Chúa vì những sự hy sinh to lớn của các dòng và tu hội để tôn vinh danh Chúa và cứu vớt các linh hồn. Công đồng khuyên nhủ và khuyến khích các dòng cũng như tu hội kiên trì phát triển hơn nữa các hoạt động truyền giáo của mình. Dòng nào, tu hội nào có thể, nên mở thêm các nhà tại những nơi truyền giáo.

Hiện nay trong Hội Thánh thấy xuất hiện nhiều hình thức tu trì mới ở ngay giữa lòng đời. Các tu hội đời là những hình thức mới mẻ, thích hợp cho thời đại chúng ta. Công đồng khuyên mời những tu hội này hăng hái, tích cực hoạt động dưới quyền điều khiển và sự hướng dẫn của các giám mục.

VI. BỔN PHẬN TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO DÂN

Giáo dân hợp tác với các linh mục và giám mục trong việc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, với danh nghĩa là những nhân chứng và đồng thời là những dụng cụ sống động trong sứ mệnh cứu độ. Trong những nước kỳ cựu theo Ki-tô giáo, họ là những người đã đóng góp công của và người để xây dựng Hội Thánh. Trong những Hội Thánh mới mẻ, giáo dân cũng đã làm như vậy. Họ là một lực lượng hùng hậu không thể thiếu và là những thành phần rất đắc lực trong mọi hoạt động của Hội Thánh. Bổn phận của họ ngày nay là hợp tác với những người không phải là công giáo trong lãnh vực kinh tế xã hội, khoa học văn hóa v.v... để góp phần vào công việc phát triển xã hội và làm cho cõi đất này đáng sống hơn vì có tình nhân ái và mối bận tâm lo đến ích chung. Để có thể thi hành tốt những nhiệm vụ này, giáo dân cần được đào luyện trong các trường hay viện chuyên môn, để đời sống của họ thành một lời chứng hùng hồn cho Chúa Giê-su giữa những người ngoài Công Giáo.

KẾT LUẬN

Các Nghị phụ trong Công Đồng hiệp nhất với Đức Giám mục Rô-ma cảm nhận sâu xa bổn phận phải làm cho nước Thiên Chúa lan rộng khắp nơi, thân ái gửi lời chào tất cả mọi người rao giảng Tin Mừng, nhất là những ai vì danh Chúa Ki-tô đã phải chịu nhiều đau khổ. Công Đồng chia sớt các nỗi thống khổ của họ và chân thành cám ơn tất cả vì những đóng góp lớn lao cho công cuộc truyền giáo.

Trên đây là phần giới thiệu và trình bày sắc lệnh AD GENTES (Đến với muôn dân), một sắc lệnh, như nói ở đầu bài, quan trọng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong công cuộc truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta nghe, đọc không thôi thì chưa đủ mà còn phải tiếp tục học hỏi, nghiền ngẫm, đào sâu mỗi ngày, cùng với lời cầu tha thiết xin Chúa đánh động lòng chúng ta và thúc đẩy chúng ta đi đến với những người khác, nhất là những người chưa biết Chúa, ở những nơi Tin Mừng chưa được loan báo, bằng những cách thế khôn khéo và thích hợp. Phải có một chính sách truyền giáo. Chính sách này, Hội Thánh đã ban cho chúng ta qua sắc lệnh trên đây. Nhưng sắc lệnh mới là văn bản. Văn bản này cần đem ra áp dụng và thực hành.

Vậy chúng ta hãy sống và thực hành như sắc lệnh chỉ dạy, rồi sau một quá trình học tập và thực hiện, chúng ta sẽ rút ra những kinh nghiệm cụ thể và thiết thực để áp dụng vào thực tế.


Các bài viết mới hơn
     Sứ điệp Mùa Chay 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô
     Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2022
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021
     Các tài liệu liên quan đến Tông Thư Maximum Illud

Các bài viết cũ hơn
     HIỂU và SỐNG "TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG"
     TÌM HIỂU TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG
     Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2015
     VĂN KIỆN: TÔNG HUẤN, TÔNG THƯ, TỰ SẮC, THÔNG ĐIỆP
     Toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô
     TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM – NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG
     Bài Huấn dụ của ĐTC Benedicto XVI Ngày thứ tư, ngày 19-9-2012
     HUẤN THỊ COOPERATIO MISSIONALIS VỀ VIỆC CỘNG TÁC TRUYỀN GIÁO
     HUẤN THỊ COOPERATIO MISSIONALIS.Hồng Y TOMKO Jozef.
     Tông Thư Porta Fidei – Cánh Cửa Đức Tin