Tông Thư Porta Fidei –
Cánh Cửa Đức Tin
Kính gửi quý độc giả Tông Thư “Cánh cửa Đức Tin”
của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, để công bố Năm Đức Tin, từ ngày 11 tháng 10
năm 2012, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng chung Vatican II, và sẽ kết thúc
vào lễ Đức Kitô Vua Vũ Trụ, ngày 24 tháng 11 năm 2013.
TÔNG THƯ - TỰ SẮC
PORTA FIDEI – CÁNH CỬA ĐỨC TIN
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
CÔNG BỐ NĂM ĐỨC TIN
1. “Cánh cửa đức tin” (x. Cv 14,27) dẫn vào đời sống kết hiệp với
Thiên Chúa, đồng thời mở ra con đường bước vào Giáo Hội, vẫn luôn mở rộng cho
chúng ta. Chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa đó khi Lời Chúa được loan báo và
để ơn biến đổi uốn nắn tâm hồn. Bước qua cánh cửa đó là dấn bước vào một cuộc
hành trình kéo dài suốt đời. Hành trình này bắt đầu bằng bí tích Rửa Tội (x. Rm 6,4), nhờ đó chúng ta có thể gọi
Thiên Chúa là Cha, và hoàn tất bằng với việc vượt qua cái chết, tiến đến sự
sống đời đời, là hoa quả sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng đã dùng ơn Chúa
Thánh Thần mà muốn cho tất cả những ai tin nơi Người đều được thông phần vào
vinh quang của Người (x. Ga 17,22).
Tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần –
chính là tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8): Chúa Cha, khi đến thời viên
mãn, đã sai Con của Ngài đến cứu độ chúng ta; Chúa Giêsu Kitô đã chuộc tội trần
gian trong mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người; Chúa Thánh Thần dẫn dắt
Giáo Hội qua các thời đại, đang khi mong chờ cuộc quang lâm vinh hiển của Chúa.
2. Khi bắt đầu đảm nhận sứ vụ Kế vị Thánh Phêrô, tôi đã nhắc đến
việc cần phải tái khám phá hành trình đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và
niềm hưng phấn mới của việc gặp gỡ Đức Kitô. Trong Bài giảng Thánh lễ khai mạc sứ vụ Giáo hoàng, tôi đã nói: “Toàn thể
Giáo Hội và các Mục tử trong Giáo Hội, cũng như Đức Kitô, phải lên đường để đưa
con người ra khỏi sa mạc, đến nơi có sự sống, đến việc làm bạn với Con Thiên
Chúa, đến với Đấng ban cho chúng ta sự sống, sự sống dồi dào” [1]. Tuy nhiên,
các Kitô hữu lại thường quan tâm nhiều hơn tới những kết quả của sự dấn thân về
phương diện xã hội, văn hóa và chính trị, cứ tưởng rằng đức Tin là tiền đề hiển
nhiên của đời sống xã hội. Nhưng thực tế cho thấy tiền đề ấy không chỉ không
còn được coi là hiển nhiên nữa mà thậm chí con thường bị phủ nhận [2]. Trong
khi ngày xưa, có thể nhận ra một hệ thống văn hóa thống nhất, được nhiều người
chấp nhận, có tham chiếu nội dung đức Tin và những giá trị chịu ảnh hưởng của
đức Tin, thì ngày nay, trong các lãnh vực lớn của xã hội có lẽ không còn như
vậy nữa, do cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức Tin đã ảnh hưởng tới nhiều người.
3. Chúng ta không thể chấp nhận để muối nhạt đi và ánh sáng bị che
khuất (x. Mt 5,13-16). Con người ngày
nay, cũng giống như người phụ nữ Samaria, có thể cũng lại cảm thấy cần phải đến
bên giếng nước để lắng nghe Chúa Giêsu, Đấng mời gọi hãy ta tin vào Người và
múc lấy nước hằng sống từ Người trào ra (x. Ga
4,14). Chúng ta phải tìm lại niềm vui thích nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa được
Giáo Hội trung thành truyền lại, và bằng Bánh Hằng Sống, được ban cho để nâng
đỡ tất cả những ai làm môn đệ Chúa (x. Ga
6,51). Quả thật, giáo huấn của Chúa Giêsu vẫn còn vang dội mạnh mẽ trong thời
đại chúng ta: “Các con hãy làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng để
được lương thực thường tồn” (Ga
6,27). Câu hỏi đã được mọi người nghe Chúa nói đặt ra, cũng câu hỏi của chúng
ta ngày nay: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (Ga 6,28). Chúng ta biết Chúa Giêsu trả
lời ra sao: “Việc Thiên Chúa muốn là: Anh em hãy tin vào Ðấng mà Ngài đã sai
đến” (Ga 6,29). Vậy, tin vào Chúa Giêsu Kitô chính là con đường chắc chắn
đạt tới ơn cứu độ.
4. Từ những điều nói trên đây, tôi quyết định mở một Năm Đức Tin. Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11-10-2012, nhân kỷ niệm 50 năm khai
mạc Công đồng Vatican II, và sẽ kết thúc vào ngày đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ,
24-11-2013. Ngày 11-10-2012 cũng sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 20 năm xuất bản Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, được vị
Tiền nhiệm của tôi, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II [3] ban hành, với
mục đích trình bày cho mọi tín hữu sức mạnh và vẻ đẹp của đức Tin. Văn kiện này
là thành quả đích thực của Công đồng Vatican II. Thượng Hội đồng Giám mục khóa
họp ngoại thường năm 1985 đã mong ước văn kiện này được sử dụng trong việc dạy
giáo lý [4]; và toàn thể hàng Giám mục của Giáo Hội Công giáo đã cộng tác thực
hiện văn kiện này. Chính tôi cũng đã triệu tập Đại hội toàn thể Thượng Hội đồng
Giám mục vào tháng Mười năm 2012 về đề tài Tân
Phúc âm hóa để thong truyền đức Tin Kitô giáo. Đây sẽ là một cơ hội thuận
lợi để đưa toàn thể Giáo Hội bước vào một giai đoạn suy tư đặc biệt và tái khám
phá đức Tin. Đây không phải là lần đầu tiên Giáo Hội được kêu gọi cử hành Năm Đức Tin. Vị Tiền nhiệm đáng kính của
tôi, Tôi tớ Chúa Phaolô VI cũng đã ấn định Năm
Đức Tin tương tự vào năm 1967, để kỷ niệm cuộc tử đạo của hai Thánh Tông đồ
Phêrô và Phaolô, nhân 1900 năm cuộc làm chứng cao cả của các ngài. Đức cố giáo
hoàng đã nghĩ đến việc kỷ niệm này là một thời điểm long trọng để trong toàn
thể Giáo Hội chính thức và chân thành “tuyên xưng cùng một đức Tin”; ngoài ra,
ngài mong muốn đức Tin được củng cố “về phương diện cá nhân cũng như tập thể,
có tự do và ý thức, nơi nội tâm cũng như bên ngoài, khiêm tốn và chân thành”
[5]. Ngài tin rằng bằng cách này toàn thể Giáo Hội “sẽ ý thức rõ rệt hơn về đức
Tin của mình, để làm tươi mới đức Tin, thanh luyện, củng cố và tuyên xưng đức
Tin” [6]. Những xáo trộn lớn diễn ra trong Năm
Đức Tin ấy càng cho thấy rõ cần phải có một cuộc cử hành như thế. Năm Đức Tin ấy đã kết thúc với Bản Tuyên xưng Đức Tin của Dân Chúa [7],
cho thấy có biết bao nội dung cốt yếu từ các thế kỷ qua, vốn là gia sản của mọi
tín hữu, cần phải được củng cố, hiểu biết và ngày càng đào sâu hơn, để đưa ra
chứng từ phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đã khác xưa.
5. Trong một số khía cạnh, vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi đã coi Năm Đức Tin ấy như “một hệ quả và là một
yêu cầu của thời hậu Công đồng” [8], ngài ý thức rõ về những khó khăn nghiêm
trọng của thời đại, nhất là về việc tuyên xưng đức Tin chân thật và sự giải
thích đức Tin đúng đắn. Tôi cho rằng việc khởi sự Năm Đức Tin trùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican
II có thể là một cơ hội thuận lợi để hiểu rằng các văn kiện Công đồng, được các
Nghị phụ để lại như di sản, - theo như lời Chân phước Gioan Phaolô II -, “không hề mất giá trị và vẻ ngời sang”.
Các văn kiện ấy cần phải được đọc một cách đúng đắn, được phổ biến rộng rãi và
tiếp nhận thấu đáo như những văn kiện quan trọng và mang tính quy phạm thuộc
Huấn quyền, trong Truyền thống của Giáo Hội… Hơn bao giờ hết tôi cảm thấy nghĩa
vụ phải nói rõ Công đồng chính là hồng ân
Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ XX: Công đồng mang lại cho chúng ta một
chiếc la bàn đáng tin cậy để định hướng trong cuộc hành trình thế kỷ đang mở
ra” [9]. Tôi cũng muốn mạnh mẽ nhắc lại những gì tôi đã nói về Công đồng sau
vài tháng được bầu lên kế vị Thánh Phêrô: “Nếu chúng ta đọc và đón nhận Công
đồng, với sự giải thích đúng đắn, thì Công đồng ngày càng sẽ và luôn trở thành
một nguồn lực lớn lao cho việc thực hiện cuộc canh tân vốn luôn cần thiết đối
với Giáo Hội” [10].
6. Cuộc canh tân Giáo Hội
cũng còn được thực hiện qua chứng từ cuộc sống của các tín hữu: quả vậy, bằng
chính sự hiện diện của mình trong thế giới, các tín hữu được mời gọi làm ngời
lên Lời Chân lý Chúa Giêsu để lại cho chúng ta. Chính Công đồng, trong Hiến chế
tín lý Lumen Gentium, đã khẳng định:
“Trong khi Chúa Kitô, ‘thánh thiện, vô tội, không tì vết’ (Dt 7,26) không hề biết đến tội lỗi (x. 2 Cr 5,21), chỉ đến mà chuộc tội cho dân (Dt 2,17), thì Giáo Hội, mang trong lòng mình những kẻ tội lỗi, vì
thế, Giáo Hội là thánh thiện đồng thời cũng được kêu gọi thanh luyện chính
mình, không ngừng phải nỗ lực thống hối và canh tân. Giáo Hội ‘tiến bước trong
cuộc lữ hành qua những cuộc bách hại của trần thế và những an ủi của Thiên Chúa’,
loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cho đến khi Chúa đến (x. 1 Cr 11,26). Quyền năng của Chúa Phục
sinh giúp cho Giáo Hội thắng vượt – với lòng nhẫn nại và yêu thương – những
buồn sầu và khó khăn xảy đến cho Giáo Hội từ bên ngoài và cả từ bên trong, và
trung thành bày tỏ mầu nhiệm của Chúa giữa lòng thế giới, mầu nhiệm ấy dù còn
bị bóng tối che khuất nhưng cuối cùng sẽ đến ngày hiển lộ trong ánh quang rạng
ngời” [11].
Trong viễn cảnh này, Năm Đức Tin là một lời mời gọi hãy hoán
cải một cách đích thực và được đổi mới, trở về với Chúa là Đấng duy nhất cứu độ
thế giới. Trong mầu nhiệm cái chết và phục sinh của Người, Thiên Chúa đã mặc
khải trọn vẹn Tình yêu cứu độ và kêu gọi con người hoán cải cuộc sống nhờ được
tha thứ tội lỗi (x. Cv 5,31). Đối với
thánh Phaolô Tông đồ, Tình yêu ấy dẫn con người đến cuộc sống mới: “Qua phép
Rửa, chúng ta đã được mai táng với Người trong sự chết, để như Chúa Kitô sống
lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha, chúng ta cũng sẽ được sống trong
sự sống mới” (Rm 6,4). Nhờ đức Tin,
sự sống mới này làm khuôn mẫu cho toàn thể cuộc sống con người theo sự mới mẻ
tuyệt đối của sự sống lại. Tùy theo mức độ sẵn sàng vâng heo ý Chúa, mọi tư
tưởng và tình cảm, tâm trí và hành vi của con người dần dần được thanh luyện và
biến đổi, trong một cuộc hành trình chẳng bao giờ được hoàn tất ở đời này. Đức
Tin “hành động qua đức ái” (Gl 5,6)
trở thành một chuẩn mực mới giúp thông hiểu và hành động, làm thay đổi toàn thể
cuộc sống con người (x. Rm 12,2; Cl 3,9-10; Ep 4,20-29; 2 Cr 5,17).
7. “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14): chính tình yêu Chúa Kitô đổ đầy tâm hồn chúng ta và
thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng. Ngày nay cũng như xưa kia, Chúa sai chúng
ta ra đi trên khắp nẻo đường thế giới để công bố Tin Mừng của Ngài cho mọi dân
tộc trên trái đất (x. Mt 28,19). Chúa
Giêsu Kitô dung tình yêu thu hút con người thuộc mọi thế hệ đến với Người:
trong mọi thời đại, Người gọi Giáo Hội đến và trao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng,
với một mệnh lệnh luôn luôn mới mẻ. Vì thế, ngày nay Giáo Hội phải dấn thân một
cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc Tân Phúc âm hóa, để tái khám phá niềm
vui đức Tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền đức tin. Việc dấn thân truyền
giáo của các tín hữu, vốn không bao giờ được thiếu, sẽ nhận được sức mạnh và tinh
thần hăng hái qua việc hằng ngày nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Thực vậy, đức
Tin sẽ tăng trưởng khi biết sống đức Tin với cảm nghiệm về tình yêu đã nhận
lãnh, và biết thông truyền đức Tin với cảm nghiệm về ân sủng và niềm vui. Đức
tin làm cho chúng ta trở nên phong phú, bởi đức Tin giúp tâm hồn mở rộng trong
hy vọng và đem lại một chứng tứ giàu sức sống: đức Tin mở cánh cửa tâm trí của
tất cả những ai lắng nghe và đón nhận Lời Chúa mời gọi hãy gắn bó Lời Chúa để
trở thành môn đệ của Người. Thánh Augustinô cho biết, các tín hữu “nhờ tin
tưởng mà được củng cố” [12]. Thánh giám mục thành Hippo đã có lý khi nói như
vậy. Như chúng ta biết, cuộc đời của thánh nhân là một cuộc tìm kiếm không
ngừng vẻ đẹp của đức Tin cho đến khi tâm hồn ngài được sự an nghỉ trong Thiên
Chúa [13]. Trong nhiều tác phẩm của mình, thánh nhân đã giải thích tầm quan
trọng của việc tin và chân lý đức Tin. Những tác phẩm ấy đến nay vẫn còn là một
di sản phong phú vô song, giúp biết bao người tìm kiếm Thiên Chúa gặp được con
đường đúng đắn đưa đến được “cánh cửa
đức tin”.
Vì vậy, sở dĩ đức Tin
được tăng trưởng và vững mạnh là nhờ biết tin tưởng; để đời mình được vững
chắc, không có cách nào khác hơn là không ngừng buông mình vào vòng tay của một
tình yêu dường như lớn lao thêm mãi, bởi tình yêu ấy phát xuất từ Thiên Chúa.
8. Trong dịp vui mừng này, tôi muốn mời gọi anh em Giám mục trên toàn
thế giới hãy hiệp nhất với Người Kế Vị thánh Phêrô, trong thời điểm ân phúc
thiêng liêng Chúa dành cho chúng ta, để nhớ lại hồng ân đức Tin quý giá. Chúng
ta mong được cử hành Năm Đức Tin này
một cách xứng đáng và sinh ơn ích. Cần tăng cường suy tư về đức Tin để giúp tất
cả những ai tin vào Chúa Kitô được ý thức hơn và củng cố lòng gắn bó với Tin
Mừng, nhất là vào lúc nhân loại đang sống giữa những đổi thay sâu sắc như hiện
nay. Chúng ta sẽ có cơ hội tuyên xưng đức Tin nơi Chúa Phục Sinh trong các nhà
thờ chính tòa và các nhà thờ trên khắp thế giới; trong các gia đình, để mỗi
người cảm thấy sự đòi hỏi cấp thiết phải hiểu biết hơn nữa về đức Tin và truyền
lại đức Tin cho các thế hệ mai sau. Các cộng đoàn dòng tu cũng như các giáo xứ,
và toàn thể những tổ chức trong Giáo Hội, dù lâu đời hay mới lập, hãy tìm cách
thức công bố Kinh Tin Kính trong Năm Đức
Tin này.
9. Chúng ta mong ước rằng Năm
Đức Tin sẽ khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức Tin trong sự toàn vẹn và với một niềm xác tín được
đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng. Năm này cũng sẽ là một cơ hội thuận
lợi để tăng cường việc cử hành đức
Tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể, vốn là “chóp đỉnh mà hoạt
động của Giáo Hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của
Giáo Hội” [14]. Đồng thời, chúng ta ước mong việc làm chứng bằng đời sống của các tín hữu sẽ tăng tiến trong sự khả
tín. Tái khám phá nội dung đức Tin được tuyên xưng, được cử hành, được thể hiện
qua đời sống và cầu nguyện [15], và suy tư về chính việc làm của lòng tin, đó
là nhiệm vụ mỗi tín hữu phải thực hiện, nhất là trong Năm Đức Tin này.
Không phải là không có
lý do mà trong những thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu phải học thuộc lòng kinh Tin
kính. Các tín hữu dùng kinh này cầu nguyện hằng ngày, để không quên lời cam kết
khi chịu phép Rửa tội. Với những lời mang ý nghĩa súc tích, thánh Augustinô
nhắc nhở điều đó trong bài giảng về việc trao
Tín biểu (Kinh Tinh kính), ngài nói: “Tín biểu về mầu nhiệm thánh (Kinh
Tinh kính) mà tất cả anh chị em cùng nhau lãnh nhận và từng người trong anh chị
em hôm nay đọc lên, là những lời diễn tả đức Tin của Mẹ Giáo Hội, được xây dựng
vững chắc trên nền tảng vững bền là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Anh chị em
đã nhận lãnh và tuyên đọc Tín biểu này, vậy, phải lưu giữ Tín biểu nơi lòng trí
anh chị em, phải lặp lại Tín biểu khi lên giường ngủ, phải suy ngẫm Tín biểu
khi ra nơi công cộng, không được quên Tín biểu khi ăn uống, ngay cả khi thân
xác đã ngủ yên, thì trái tim vẫn tỉnh thức với Tín biểu này” [16].
10. Đến đây, tôi muốn phác ra một lộ trình giúp hiểu sâu thêm những
nội dung đức Tin, không những vậy mà với những nội dung đó, còn là việc làm,
qua đó, chúng ta quyết định hoàn toàn
phó thác cho Thiên Chúa với tất cả tự do. Thực vậy, có sự thống nhất sâu
xa giữa hành vi thể hiện đức Tin và những nội dung chúng ta tán đồng. Thánh
Phaolô Tông đồ giúp đi vào bên trong thực tại này khi ngài viết: “Có tin thật
trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu
độ” (Rm 10,10). Con tim mách bảo chúng ta rằng chúng ta có được đức Tin
vì trước hết đó là quà tặng của Thiên Chúa, và ân sủng Chúa tác động và biến
đổi tận nơi sâu thẳm trong con người.
Câu chuyện bà Liđia là
một dẫn chứng đầy sức thuyết phục về vấn đề này. Thánh Luca thuật lại, khi
thánh Phaolô đến thành Philípphê, ngày thứ Bảy, ngài đi rao giảng Tin Mừng cho
vài phụ nữ; trong số đó có bà Liđia và “Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý những
lời Phaolô nói” (Cv 16,14). Một diễn
đạt mang ý nghĩa quan trọng. Thánh Luca dạy, việc hiểu biết những nội dung để
tin thì không đủ, nếu cõi lòng, cung thánh đích thực của con người, không được
ơn Chúa mở cho, nhờ đó mới có được đôi mắt để nhìn sâu xa và hiểu ra điều được
loan báo chính là Lời Chúa.
Tiếp đến việc tuyên xưng
ngoài miệng cho thấy đức Tin gồm cả việc làm chứng và dấn thân công khai. Người
Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng tin là chuyện riêng tư. Tin, là quyết
định ở lại với Chúa để sống với Người. Một khi “ở lại với Chúa”, ta sẽ hiểu
được tại sao ta tin. Chính vì đức Tin là một hành vi tự do, nên cũng đòi phải
có trách nhiệm xã hội về những điều đã tin. Giáo Hội, trong ngày lễ Hiện xuống,
rõ ràng đã cho thấy chiều kích công khai ấy của việc tin tưởng và loan báo
không chút sợ hãi về niềm tin của mình cho mọi người. Chính ơn Chúa Thánh Thần
giúp chúng ta đảm đương sứ mạng, thêm sức để chúng ta làm chứng một cách trung
thực và can đảm.
Tự bản than việc tuyên
xưng đức Tin là một hành vi cá nhân, đồng thời cũng mang tính cộng đoàn. Thực
vậy, chính Giáo Hội là chủ thể đầu tiên của đức Tin. Trong đức Tin của cộng
đoàn Kitô hữu, mỗi người lãnh nhận bí tích Rửa tội, là dấu chỉ có hiệu lực về
sự gia nhập đoàn dân tín hữu để được ơn cứu độ. Như Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo minh chứng: Nói “Tôi tin” là lên đức
Tin của Giáo Hội được cá nhân mỗi tín hữu tuyên xưng, cụ thể là khi chịu phép
Rửa tội. Còn nói “Chúng tôi tin” là nói lên đức Tin của Giáo Hội được các Giám
mục tuyên xưng khi nghị hội Công đồng, hoặc khái quát hơn, được cộng đoàn tín
hữu cử hành phụng vụ tuyên xưng. Tuyên xưng “Tôi tin” cũng chính là Giáo Hội,
Mẹ của chúng ta, đáp lại Thiên Chúa bằng đức Tin của mình và dạy chúng ta nói
lên “Tôi tin”, “Chúng tôi tin” [17].
Chúng ta đã rõ, để chính bản thân chấp nhận đức Tin, nghĩa là hoàn toàn
đồng tâm nhất trí với tất cả những gì Giáo Hội đề nghị chúng ta tin, cần phải
hiểu rõ những nội dung đức Tin. Sự hiểu biết về đức Tin dẫn vào toàn bộ mầu
nhiệm cứu độ được Thiên Chúa mặc khải. Vì vậy việc chấp nhận đức Tin có nghĩa
là, khi đã tin, chúng ta hoàn toàn tự do chấp nhận trọn vẹn mầu nhiệm đức Tin,
bởi chính Chúa là Đấng bảo đảm cho mọi điều chúng ta tin. Ngài đã mặc khải
chính mình và cho phép chúng ta được nhận biết mầu nhiệm tình yêu của Ngài
[18].
Mặt khác, chúng ta không thể quên, trong bối
cảnh văn hóa của chúng ta, có nhiều người, tuy
không nhìn nhận mình có ơn đức Tin, vẫn chân thành tìm kiếm ý nghĩa tối
hậu và sự thật cuối cùng về hiện hữu của mình và về thế giới. Sự tìm kiếm này
thực là một “tiền đề” của đức Tin, vì nó thúc đẩy con người bước vào cuộc hành
trình dẫn đến mầu nhiệm Thiên Chúa. Quả thật, bản thân lý trí con người vốn đòi
hỏi về “điều có giá trị vững bền và trường cửu” [19]. Đòi hỏi này là một lời
mời gọi mãi mãi, được ghi khắc không thể xóa nhòa trong tâm hồn con người, để
bắt đầu một cuộc hành trình tìm gặp Đấng mà chúng ta sẽ không tìm kiếm nếu Ngài
đã không đến gặp chúng ta [20]. Chính đức Tin mời chúng ta đến gặp Ngài và mở
cho chúng ta bước vào cuộc gặp gỡ ấy một cách trọn vẹn.
11. Để hiểu biết một cách có hệ thống về nội dung
đức Tin, mọi người đều có thể tìm thấy sự trợ giúp quý báu và không thể thiếu
trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.
Đó là một trong những thành quả quan trọng nhất của Công đồng chung Vatican II.
Trong Tông hiến Fidei depositum (Kho
tàng đức Tin), không phải ngẫu nhiên
được ký vào ngày kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II, Đức Chân
phước Gioan Phaolô II đã viết: “Sách Giáo lý này sẽ mang lại một đóng góp quan
trọng cho công cuộc canh tân toàn thể đời sống Giáo Hội... Tôi nhìn nhận Sách
này như một dụng cụ giá trị và hợp pháp phục vụ sự hiệp thông trong Giáo Hội và
như một chuẩn mực chắc chắn để giảng dạy đức Tin” [21].
Theo đó, Năm
Đức Tin phải thể hiện quyết tâm tái khám phá và học hỏi nội dung cơ bản của
đức Tin được trình bày trong Sách Giáo lý
Hội thánh Công giáo với sự tổng hợp có hệ thống và gắn bó hữu cơ. Quả thật,
ở đây chúng ta thấy sự phong phú của giáo huấn mà Giáo Hội đã đón nhận, giữ gìn
và giới thiệu trong hai ngàn năm lịch sử của mình. Từ Kinh Thánh tới các Giáo
phụ, từ các bậc Thầy về thần học cho đến các Thánh qua các thế kỷ, Sách Giáo lý là bản ghi nhớ vĩnh viễn về
biết bao cách thức Giáo Hội suy ngẫm về đức Tin và tạo sự tiến triển trong giáo
thuyết, nhằm giúp các tín hữu được vững vàng trong đời sống đức tin.
Qua cách cấu trúc, Sách Giáo lý Hội thánh Công
giáo trình bày sự phát triển đức Tin vươn đến tận những đề tài lớn của đời
sống hằng ngày. Qua các trang sách, có thể thấy điều được trình bày trong Sách Giáo lý không phải là một lý thuyết,
nhưng là một cuộc gặp gỡ với một Người đang sống trong Giáo Hội. Quả thật, sau
phần Tuyên xưng đức Tin, là phần giải thích đời sống bí tích, trong đó Chúa
Kitô hiện diện, hoạt động và tiếp tục xây dựng Giáo Hội của Người. Nếu không có
phụng vụ và các bí tích thì việc tuyên xưng đức Tin sẽ không hiệu quả, vì thiếu
ân sủng nâng đỡ việc làm chứng của các Kitô hữu. Cũng vậy, giáo huấn của Sách Giáo lý về đời sống luân lý đạt trọn
vẹn ý nghĩa nếu được đặt trong tương quan với đức Tin, phụng vụ và cầu nguyện.
12. Vì thế, trong Năm Đức Tin, Sách Giáo lý Hội
thánh Công giáo sẽ là một công cụ đích thực nâng đỡ đức Tin, nhất là cho
những người quan tâm đến việc huấn luyện các Kitô hữu, một điều rất quan trọng
trong bối cảnh văn hóa ngày nay. Với mục đích ấy, tôi đã mời gọi Bộ Giáo lý đức
Tin, cùng với các Cơ quan hữu trách khác của Tòa Thánh, soạn một Bản hướng dẫn, đề ra cho Giáo Hội và các
tín hữu một số chỉ dẫn để sống Năm Đức
Tin này một cách hiệu quả và thích hợp hơn, phục vụ cho lòng tin và công
cuộc truyền giáo.
Quả thật, nhiều hơn so với trước đây, đức Tin
hiện đang phải đối diện với một loạt vấn đề, do não trạng con người đã thay
đổi, nhất là ngày nay cho rằng sự chính xác hợp lý thuộc về lĩnh vực chinh phục
của khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, Giáo Hội không bao giờ sợ chứng minh rằng
không có bất kỳ xung đột nào giữa đức Tin và khoa học chân chính, vì cả hai đều
hướng đến chân lý, mặc dù bằng những con đường khác nhau [22].
13. Một điều quan trọng trong Năm Đức Tin là điểm lại lịch sử đức Tin của chúng ta, được ghi dấu
bằng mầu nhiệm lạ lùng về sự đan xen giữa thánh thiện và tội lỗi. Lịch sử thánh
thiện cho thấy sự đóng góp lớn lao của những người, nam và nữ, cho sự tăng
trưởng và phát triển cộng đoàn bằng chứng từ cuộc sống của mình, còn lịch sử
tội lỗi thúc đẩy mỗi người phải thành tâm và thường xuyên hoán cải để cảm
nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đang đến gặp gỡ mọi người.
Lúc điểm này, chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu
Kitô “là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2): nơi Người mọi khổ đau và khát vọng của tâm hồn con người
được hoàn tất. Niềm vui yêu thương, câu trả lời trước bi kịch khổ ải và đớn
đau, sức mạnh của tha thứ khi bị xúc phạm, và chiến thắng của sự sống trước hư
không của sự chết, tất cả đều tìm được sự hoàn tất trong mầu nhiệm Nhập thể,
mầu nhiệm Chúa làm người, chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta để biến đổi nó bằng
quyền năng phục sinh của Người. Nơi Đấng đã chết và sống lại để cứu chuộc chúng
ta, đã có biết bao tấm gương đức Tin, in dấu hai ngàn năm lịch sử cứu độ của
chúng ta.
Nhờ lòng tin, Đức Maria đã đón nhận lời thiên
thần, và trong tinh thần vâng phục, Mẹ đã tin vào lời loan báo Mẹ sẽ trở thành
Mẹ của Thiên Chúa (x. Lc 1,38). Khi
đến thăm bà Isave, Mẹ cất bài ca chúc tụng Đấng Tối Cao vì những kỳ công Ngài
thực hiện nơi tất cả những ai đã đặt niềm tin nơi Ngài (x. Lc 1,46-55). Mẹ sinh hạ người Con duy nhất trong vui mừng và lo âu,
mà giờ đây Mẹ vẫn còn nguyên vẹn đồng trinh (x. Lc 2,6-7). Tín nhiệm nơi Thánh Giuse, hôn phu của Mẹ, Mẹ mang Chúa
Giêsu sang Ai Cập để cứu con khỏi cuộc bách hại của Hêrôđê (x. Mt 2,13-15). Với đức Tin, Mẹ theo Chúa
lúc Người đi rao giảng và ở với Chúa cho đến tận đồi Golgotha (x. Ga 19,25-27). Với đức Tin, Mẹ Maria đã
hưởng nếm những hoa trái của cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, và gìn giữ từng kỷ
niệm trong lòng (x. Lc 2,19,51), và
Mẹ truyền lại những kỷ niệm ấy cho Nhóm Mười Hai tụ họp với Mẹ trong Nhà Tiệc
ly để nhận lấy Chúa Thánh Thần (x. Cv
1,14; 2,1-4).
Nhờ đức Tin, các Tông đồ đã từ bỏ mọi sự để theo
Thầy (x. Mc 10,28). Các ngài tin vào
lời Chúa loan báo Nước Chúa đã đến và được thực hiện nơi Người (x. Lc 11,20). Các Tông đồ sống đời sống kết
hiệp với Chúa Giêsu, Đấng dùng lời giáo huấn mà dạy dỗ các ngài, để lại cho các
ngài luật sống, qua đó, người ta nhận ra các ngài là môn đệ của Chúa sau khi
Người chịu chết (x. Ga 13,34-35). Nhờ
đức Tin, các Tông đồ đã đi khắp thế giới, theo lệnh truyền mang Tin Mừng cho
mọi thụ tạo (x. Mc 16,15) và không
chút sợ hãi, các Tông đồ loan báo cho mọi người niềm vui Phục sinh mà chính các
vị đã là những nhân chứng trung thành.
Nhờ đức Tin, các môn đệ hình thành cộng đoàn đầu
tiên, quy tụ quanh giáo huấn của các Tông đồ, cùng cầu nguyện, cử hành Thánh
Thể, đưa những gì mình có làm của chung để giúp đỡ những anh chị em túng thiếu
(x. Cv 2,42-47).
Nhờ đức Tin, các vị tử vì đạo hiến mạng sống
mình làm chứng cho chân lý Phúc Âm, chân lý đã làm cho các ngài được biến đổi
và đạt tới ơn cao trọng nhất của tình yêu là tha thứ cho những kẻ bách hại
mình.
Nhờ đức Tin, những người nam và nữ đã dâng hiến
đời mình cho Chúa Kitô, bỏ mọi sự để sống đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm, vâng
phục, khó nghèo và khiết tịnh, là những dấu chỉ cụ thể của sự chờ đợi Chúa sắp
đến. Nhờ đức Tin, đông đảo Kitô hữu đã thúc đẩy những hoạt động bênh vực công
lý để cụ thể hóa Lời Chúa, Đấng đã đến để loan báo cho mọi người được giải
thoát khỏi áp bức và được hưởng một năm hồng ân (x. Lc 4,18-19).
Nhờ đức Tin, qua các thế kỷ, những người nam
người nữ thuộc mọi lứa tuổi được ghi tên trong Sách Sự Sống (x. Kh 7,9; 13,8), đã nói lên nét đẹp khi
bước theo Chúa Giêsu tại những nơi họ được kêu gọi để làm chứng về cuộc sống
làm người Kitô hữu: trong gia đình, nơi làm việc, trong xã hội, khi sống ơn
đoàn sủng và thực thi các thừa tác vụ họ đã được kêu gọi.
Nhờ đức Tin, chính chúng ta cũng đang sống: qua
việc nhìn nhận một cách sống động Chúa Giêsu đang hiện diện trong cuộc sống
chúng ta và trong dòng lịch sử.
14. Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội tốt để
tăng cường làm chứng bằng thực thi bác ái. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hiện nay đức
Tin, đức Cậy, đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức Mến” (1 Cr 13,13). Với những lời còn mạnh hơn
nữa nhằm thúc giục các Kitô hữu, Thánh Tông đồ Giacôbê khẳng định: “Thưa anh
em, ai bảo rằng mình có đức Tin mà không hành động theo đức Tin, thì nào có ích
lợi gì? Đức Tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị
em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong
anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại
không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy,
đức Tin không có việc làm thì quả là đức Tin chết. Đàng khác, có
người sẽ bảo: ‘Bạn, bạn có đức Tin; còn tôi, tôi có việc làm. Bạn thử cho tôi
thấy thế nào là tin mà không có việc làm, còn tôi, qua việc làm tôi cho bạn
thấy đức Tin của tôi’” (Gc 2,14-18).
Đức Tin không có đức Mến
sẽ chẳng mang lại kết quả, còn đức Mến không có đức Tin, sẽ là một tình cảm
luôn phó mặc cho ngờ vực. Đức Tin và đức Mến cần có nhau đến mức nhân đức này
giúp cho nhân đức kia thể hiện chính mình. Thực tế có nhiều Kitô hữu hiến đời
mình để yêu thương những người cô thế, bị gạt ra ngoài lề, bị loại trừ, coi họ
là những người đầu tiên cần phải đến gặp và là những người chủ yếu phải được
nâng đỡ, vì nơi họ phản chiếu gương mặt của chính Chúa Kitô. Nhờ đức Tin, chúng
ta có thể nhận ra gương mặt Chúa phục sinh nơi những người đang mong được chúng
ta yêu thương: “Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em
bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho chính Thầy” (Mt 25,40): những điều Chúa nói chính là
lời cảnh báo không được phép quên, và là một lời mời gọi không ngừng đáp lại
tình yêu Chúa đã chăm sóc chúng ta. Chính đức Tin giúp nhận ra Chúa Kitô và
chính tình yêu của Chúa thôi thúc chạy đến cứu giúp Chúa mỗi khi Người trở
thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống. Được đức Tin nâng
đỡ, với niềm hy vọng chúng ta hãy nhìn đến công cuộc dấn thân của chúng ta
trong thế giới, trong khi chờ đợi “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13; x. Kh 21,1).
15. Vào cuối đời, Thánh Tông đồ Phaolô truyền cho
môn đệ Timôthê “hãy nỗ lực đạt được đức Tin” (2 Tm 2,22), với lòng kiên trì như lúc còn trẻ (x. 2 Tm 3,15). Chúng ta hãy nghe lời mời
gọi này được gửi đến mỗi người chúng ta, để đừng ai biếng nhác trong đời sống
đức Tin. Đức Tin là bạn đồng hành suốt đời, đem lại một cái nhìn luôn mới mẻ để
nhận ra những kỳ công Chúa đang thực hiện cho chúng ta. Nhằm nắm bắt những dấu
chỉ thời đại hiện nay của lịch sử, đức Tin thúc đẩy mỗi người chúng ta trở
thành dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Đấng Phục sinh trong thế giới. Điều
mà thế giới ngày nay đặc biệt cần đến, đó là chứng từ đáng tin cậy của những
người được Lời Chúa soi sáng nơi tâm trí, có khả năng khai mở tâm trí của biết
bao người đang khao khát Thiên Chúa và sự sống thật, sự sống vô cùng vô tận.
“Ước gì Lời Chúa hoàn
tất hành trình của mình và được tôn vinh” (2
Tx 3,1): ước gì Năm Đức Tin này làm cho tương quan của chúng ta với
Chúa Kitô vững chắc thêm mãi, vì chỉ trong Người chúng ta mới vững lòng nhìn về
tương lai và được bảo đảm về một tình yêu đích thực và lâu bền. Những lời thánh
Tông đồ Phêrô chiếu tỏa tia sáng cuối cùng về đức Tin: “Anh em sẽ được hớn hở
vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những
thử thách đó nhằm tinh luyện đức Tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, -
vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ
hiện, đức Tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh
quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp
mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả,
rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức Tin, là ơn cứu độ con
người” (1 Pr 1,6-9). Các Kitô hữu cảm
nghiệm niềm vui và đau khổ. Biết bao vị thánh đã từng trải qua nỗi cô đơn! Biết
bao tín hữu, kể cả ngày nay, bị thử thách vì Thiên Chúa vẫn im lặng trong khi
họ muốn được nghe lời Người an ủi! Những thử thách của cuộc sống, đang khi giúp
chúng ta hiểu được mầu nhiệm Thập giá và dự phần vào đau khổ của Chúa Kitô (x. Cl 1,24), là khúc dạo đầu cho niềm vui
và hy vọng mà đức Tin dẫn đến: “Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cr 12,10). Chúng ta vững vàng tin
tưởng mạnh mẽ Chúa Giêsu đã chiến thắng cái ác và sự chết. Với niềm tín thác,
chúng ta trao phó bản thân cho Chúa: Chúa hiện diện giữa chúng ta và chiến
thắng quyền lực của ác thần (x. Lc
11,20) và Giáo hội, cộng đoàn hữu hình của lòng Chúa thương xót, ở lại trong
Chúa như dấu chỉ giao hòa rõ rệt với Chúa Cha.
Chúng ta hãy phó thác
thời điểm ân sủng này cho Mẹ Thiên Chúa. Mẹ được tuyên xưng là “Có phúc vì đã
tin” (Lc 1, 45).
Ban hành tại Đền thờ
Thánh Phêrô, Rôma,
ngày 11 tháng Mười 2011,
năm thứ 7 sứ vụ Giáo
hoàng của tôi
Bênêđictô
XVI, Giáo hoàng
(Đức Thành chuyển ngữ)
---------------------------------------------
Chú thích
[1]
Bài giảng Thánh lễ Khai mạc sứ vụ Phêrô của Giám mục Rôma (24-4-2005): AAS
97 (2005), 710; DC 102 (2005) tr. 547.
[2]
x. Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ tại Terreiro do Paco, Lisbon (11-5-2010):
Insegnamenti VI, 1 (2010), 673; DC
107 (2010), tr. 515.
[3]
x. Gioan Phaolô II, Tông hiến Fidei depositum (11-10-1992): AAS 86 (1994), 113-118; DC
90 (1993) tr. 1-3.
[4]
x. Phúc trình kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường lần thứ hai (7-12-1985), II, B, a, 4
in Enchiridion Vaticanum, vol. 9, n. 1797; DC 83 (1986), tr. 39.
[5]
Phaolô VI, Tông huấn Petrum et Paulum Apostolos, nhân kỷ niệm 1900 năm cuộc tử đạo của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô (22-2-1967):
AAS 59 (1967), 196; DC 64 (1967) col. 484-485.
[6]
Như trên, 198.
[7]
Phaolô VI, Long trọng tuyên xưng Đức Tin, Bài giảng Thánh lễ kỷ niệm 1900 năm cuộc tử đạo của Thánh Phêrô và
Phaolô, kết thúc Năm Đức Tin (30-6-1968): AAS
60 (1968), 433-445; DC 65 (1968) col. 1249-1258.
[8]
Phaolô VI, Tiếp kiến chung (14-6-1967):
Insegnamenti V (1967), 801; DC 64 (1967) col.. 1162.
[9]
Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (6-1-2001), n. 57: AAS 93 (2001), 308; DC 98 (2001), tr. 88.
[10]
Huấn từ tại Giáo Triều Rôma (22-12-2005): AAS
98 (2006), 52, 103; DC (2006), tr. 63.
[11]
Hiến chế về Giáo hội Lumen Gentium, số 8.
[12]
De utilitate credendi, 1, 2.
[13]
x. Augustinô thành Hippo, Tự thuật, I, 1.
[14]
Hiến chế về Phụng Vụ Sacrosanctum Concilium, số 10.
[15]
x. Gioan Phaolô II, Tông hiến Fidei depositum (11-10-1992):
AAS 86 (1994), 116; DC 90 (1993), tr. 1-3.
[16]
Augustinô thành Hippo, Bài giảng 215, 1.
[17]
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 167.
[18]
x. Hiến Chế Tín Lý Dei Filius, Ch. III:
DS 3008-3009; Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, số 5.
[19]
Bênêđictô XVI, Huấn từ tại Collège des Bernardins, Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), 722; DC 105 (2008), tr. 827.
[20]
x. Augustinô thành Hippo, Tự thuật, XIII, 1.
[21]
Gioan Phaolô II, Tông hiến Fidei depositum (11-10-1992): AAS
86 (1994), 115 và 117; DC 90 (1993), tr. 1-3.
[22]
x.
Thông điệp Fides
et Ratio (14-9-1998), ss. 34 và 106: AAS 91 (1999), 31-32, 86-87; DC 95 (1998), tr. 913 và 938.
© Copyright 2011 - Libreria Editrice Vaticana
ĐGH
Bênêđictô XVI
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org