Công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới truyền giáo 2012
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi toàn thể Giáo Hội phục hồi lòng hăng say tông đồ của các cộng đồng Kitô tiên khởi, và đẩy mạnh dấn thân truyền giáo cho dân ngoại.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 25-1-2012, nhân Ngày Thế giới truyền giáo sẽ được cử hành vào chúa nhật 21-10 năm nay, với chủ đề “Được kêu gọi làm rạng ngời Lời Chân Lý” (Tông thư Porta fidei, 6).
ĐTC ghi nhận rằng Ngày Thế giới truyền giáo năm nay có một ý nghĩa rất đặc biệt với dịp kỷ niệm 50 năm sắc lệnh của Công đồng chung Vatican 2 “Ad Gentes” về truyền giáo, việc khai mạc Năm Đức Tin, và Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giảng Tin Mừng. Tất cả đều góp phần tái khẳng định ý chí của Giáo Hội dấn thân can đảm và nhiệt thành hơn trong sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại để Tin Mừng đi tới mọi bờ cõi trái đất.
Trong sứ điệp, sau khi nhắc lại sự cấp thiết của sứ vụ truyền giáo, ĐTC viết: “Chúng ta cần phục hồi đà tiến tông đồ của các cộng đồng Kitô tiên khởi; các cộng đồng ấy, tuy bé nhỏ và yếu ớt, nhưng vẫn có khả năng dùng lời giảng và việc làm chứng tá, loan truyền Tin Mừng trong toàn thế giới được biết đến bấy giờ”.
ĐTC nhắc nhở các mục tử của Giáo Hội rằng: “Đối với một vị Chủ Chăn, mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng không kết thúc trong việc quan tâm đến phần Dân Chúa được ủy thác cho mình chăm sóc mục vụ, và qua việc gửi vài linh mục, giáo dân nam nữ theo diện 'Fidei donum', Hồng ân đức tin đến giúp các xứ truyền giáo. Mệnh lệnh ấy phải bao trùm toàn thể hoạt động của Giáo Hội địa phương, tất cả mọi lãnh vực, hay nói khác đi, nó phải bao trùm toàn thể cuộc sống và hoạt động của Giáo Hội địa phương. Điều này đòi phải luôn luôn thích ứng lối sống, các kế hoạch mục vụ và việc tổ chức của giáo phận theo chiều kích cơ bản này của Giáo Hội, nhất là trong thế giới liên tục biến đổi ngày nay.. Theo chiều hướng đó, ĐTC hy vọng việc cử hành Năm Đức Tin và Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giảng Tin Mừng sẽ là những cơ hội thuận tiện để tái đẩy mạnh việc cộng tác truyền giáo, không những qua sự trợ giúp kinh tế cho các Giáo Hội trẻ, nhưng còn tham gia trực tiếp vào việc truyền giảng Tin Mừng” (Xc Redemptoris Missio, 82).
Cũng trong sứ điệp ĐTC nói đến một trong những chướng ngại cản trở đà tiến truyền giáo là cuộc khủng hoảng đức tin, không những trong thế giới tây phương, nhưng trong phần lớn nhân loại.. Nhân loại vẫn đói khát Thiên Chúa và phải được mời gọi và dẫn đưa đến bánh sự sống và nước hằng sống, như người phụ nữ xứ Samaria đến giếng nước Giacob và đối thoại với Chúa Kitô (Xc Ga 4,1-30).
Sau khi diễn giải ý nghĩa cuộc gặp gỡ này của người phụ nữ với Chúa Giêsu, ĐTC viết: “Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô như một Nhân Vật sinh động làm mãn nguyện cơn khát của con tin chỉ có thể đưa tới ước muốn chia sẻ với người khác niềm vui về sự hiện diện của Chúa và giới thiệu Người để tất cả mọi người có thể cảm nghiệm. Cần canh tân lòng hăng say thông truyền đức tin để thăng tiến một công trình tái truyền giảng Tin Mừng cho các cộng đoàn và các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu đang bị sự tham chiếu về Thiên Chúa, để họ tái khám phá niềm vui đức tin.”
Sau cùng, ĐTC nhắc đến sự kiện việc loan báo Tin Mừng cũng phải được biểu lộ qua các hoạt động bác ái. Ngài nhắc đến và cám ơn các Hội Giáo Hoàng truyền giáo và kêu gọi các tín hữu hỗ trợ hoạt động của các Hội này và khẳng định rằng: “Nhờ hoạt động của các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, việc loan báo Tin Mừng cũng trở thành một sự can thiệp giúp đỡ tha nhân, thực thi công bằng đối với những người nghèo nhất, mang lại cơ hội được giáo dục tại những làng hẻo lánh nhất, trợ giúp y tế tại những miền xa xăm, giải thoát khỏi lầm than, phục hồi cho những người bị gạt ra ngoài lễ xã hội, nâng đỡ sự phát triển các dân tộc, vượt thắng những chia rẽ bộ tộc, tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn”
(SD 25-1-2012)
G. Trần Đức Anh OP