NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI
1-1-2012
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH
CHA BENEĐICTO XVI
“GIÁO
DỤC NGƯỜI TRẺ VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH”
(EDUCARE I GIOVANI ALLA GIUSTIZIA E ALLA PACE)
(Educating Young People in Justice and Peace)
(Eduquer les Jeunes à la Justice et à la Paix)
1. Ngày khởi đầu Năm Mới, là
hồng ân của Thiên Chúa ban cho nhân loại, mời gọi Tôi lên tiếng nói với mọi
người, cùng với niềm tín thác và tâm tình thân thương, nói lên một lời chúc
mừng đặc biệt cho thời điểm này đang đến trước mặt chúng ta để Năm tới này được
ghi đậm dấu ấn với công lý và hòa bình.
Chúng ta nhìn vào Năm
Mới với thái độ nào đây? Trong Thánh Vịnh 130 chúng ta thấy một hình ảnh tuyệt
đẹp. Tác Giả Thánh Vịnh nói rằng con người đức tin chờ đợi Thiên Chúa “còn hơn người lính canh mong chờ hưng đông“
(c. 6), Tác giả Thánh Vịnh chờ đợi Thiên Chúa với niềm hy vọng vững vàng, bởi
vì Tác giả biết rằng Thiên Chúa sẽ đem lại ánh sáng, lòng thương xót, ơn cứu
chuộc. Việc chờ đợi này phát sinh từ kinh nghiệm của Dân Được Chọn, là Dân nhận
biết mình được Thiên Chúa giáo dục để nhìn thế giới trong sự thật của nó và
không để cho mình bị đánh ngã bởi những gian truân. Tôi mời Anh Chị Em hãy nhìn
vào Năm 2012 với thái độ tín thác này. Đúng là trong năm vừa kết thúc, có làm
tăng thêm ý thức về cảm nghiệm về sự vô bổ do cơn khủng hoảng đang bao vây xã
hội, thế giới lao động và kinh tế; một cơn khủng hoảng mà căn rễ của nó trước
tiên nằm trong phạm vi văn hóa và nhân bản. Người ta thấy hầu như đó là một bức
màn đen tối bủa vây xuống thời đại chúng ta và không cho phép chúng ta nhìn ra
cách rõ ràng ánh sáng của ban ngày.
Tuy nhiên trong bóng tối
này trái tim của con người không ngừng chờ đợi hừng đông mà Tác Giả Thánh Vịnh
đã nói tới. Sự trông đợi như thế rất sống động và có thể nhận ra được cách rõ
rệt nơi các người trẻ, và do đó mà suy nghĩ của Tôi đang hướng về các
người trẻ này, khi nhìn vào sự đóng góp mà họ có thể và phải cống hiến cho xã
hội. Vậy Tôi muốn trình bày Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình lần thứ 45 trong
một viễn tượng giáo dục, với chủ đề sau đây: “Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình” (nhấn mạnh là của tôi) , với
niềm xác tín là các Bạn Trẻ, cùng với nhiệt huyết của mình và với sự thúc đẩy
tới các lý tưởng họ hướng tới, họ có thể hiến tặng cho thế giới một niềm hy
vọng mới.
Sứ Điệp của Tôi cũng xin
gửi tới các Bậc Phụ Huynh, các Gia Đình, tới tất cả những người chuyên lo việc
giáo dục, cũng như tới tất cả những ai có trách nhiệm trong những khâu khác
nhau trong đời sống tôn giáo, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và truyền
thông xã hội. Lưu ý tới thế giới người trẻ, biết lắng nghe họ và đáng giá đúng
về họ, không chỉ là một cơ may, nhưng
còn là một bổn phận tiên quyết của tất cả xã hội, hầu xây dựng một tương lai
công bằng và hòa bình.
Điều này có nghĩa là
truyền đạt cho người trẻ việc đánh giá các giá trị tích cực của đời sống, trong
khi gợi ra nơi họ ước vọng biết tiêu hao đời sống của mình để phục vụ Công Ích.
Đó là một trách nhiệm, trách nhiệm này, trong đó tất cả mọi người chúng ta phải
dấn thân tự chính bản thân chúng ta đi vào.
Các mối ưu tư lo lắng
được biểu lộ ra từ nhiều người trẻ trong những năm gần đây, trong nhiều Vùng
khác nhau trên thế giới, biểu lộ việc họ mong muốn được nhìn về tương lai với
niềm hy vọng. Trong thời điểm này có nhiều khía cạnh mà họ đang sống với sự bàng
hoàng và ngỡ ngành: lòng mong ước nhận được việc huấn luyện giúp họ chuẩn bị
cách sâu xa hơn để đương đầu với thực tại, với những khó khăn để thiết
lập một gia đình và có được một chỗ làm việc lâu dài và bền vững, có được khả
năng hữu hiệu để đóng góp vào đời sống chính trị, văn hóa và kinh tế
giúp kiến tạo một xã hội có bộ mặt nhân bản hơn và liên đới hơn.
Điều thật quan trọng là
các chất men này và sự thúc đẩy lý tưởng mà chúng chứa đựng nơi mình, tìm gặp
được sự lưu ý đúng mức trong tất cả mọi thành phần làm nên xã hội. Giáo Hội
nhìn vào người trẻ với niềm hy vọng, tín thác nơi người trẻ và khích lệ họ hãy
đi tìm sự thật, khích lệ họ bênh vực công ích, để có những viễn tượng mở ra đi
vào trong thế giới và những con mắt có khả năng nhìn “các sự việc mới” (Is 42, 9; 48, 6)!
Những người có trách nhiệm giáo dục
2. Việc giáo dục là một sự
mạo hiểm rất lôi cuốn hấp dẫn và khó khăn trong đời sống. Giáo dục – từ tiếng
Latin educere (e-ducere) – có nghĩa
là đưa ra ngoài chính mình để đem vào trong thực tế, hướng về sự viên mãn làm
cho con người lớn lên. Tiến trình như thế được nuôi dưỡng bằng sự gặp gỡ giữa
hai sự tự do, sự tự do của người lớn và sự tự do của người trẻ. Người trẻ
đòi hỏi trách nhiệm của người môn đệ, cần phải mở ra để đặt mình
được hướng dẫn tới sự hiểu biết thực tế, và sự tự do nơi người giáo dục, phải
sẵn sàng để hiến tặng chính mình. Vì, hơn bao giờ hết, điều này cần có những
chứng tá chính thực, và không nguyên từ những người làm ra các luật lệ và cung
cấp những thông tin; các chứng tá biết nhìn xa hơn những người khác, để
đời sống của họ ôm ấp những khoảng không gian rộng lớn hơn. Chứng tá là người
sống đầu tiên trên hành trình được đề nghị ra.
Đâu là những nơi lo việc
giáo dục chân chính về hòa bình và công lý được chín mùi? Trước hết gia đình,
bởi vì các phụ huynh là những nhà giáo dục thứ nhất. Gia đình là cái nôi nguyên
thủy của xã hội. “Trong gia đình mà con
cái học biết các giá trị nhân bản và Kitô Giáo cùng đồng thuận lo cho việc sống
chung mang tính cách xây dựng và hài hòa. Trong gia đình người ta học sống liên đới giữa các thế hệ, việc tôn
trọng các luật lệ, học biết tha thứ và tiếp đón người khác”. Gia đình là trường học thứ nhất nơi con
người được giáo dục sống công lý và bình an.
Chúng ta sống trong một
thế giới, trong đó gia đình, và cả chính sự sống, cũng đang bị đe dọa liên tục,
và, không phải hiếm xẩy ra, là chúng bị phân tán ra. Những điều kiện làm việc
thường ít hòa hợp với trách nhiệm gia đình, với những lo âu cho tương lai, cho
những nhịp cảm thông của cuộc sống thật bôn chen, những cuộc di dân đi tìm kiếm
những hỗ trợ tương xứng, tất cả đều kết thúc là làm cho thêm khó khăn để có
được những khả năng bảo đảm cho con cái một trong những điều quý báu nhất: sự hiện diện của cha mẹ; sự hiện diện cho
phép một sự chia sẻ luôn luôn sâu xa hơn, để có thể truyền đạt kinh nghiệm đó
và những điều chắc chắn khác có được qua nhiều năm tháng, mà chỉ với
thời gian cùng nhau qua đi mới có thể truyền đạt được cho nhau. Với các bậc cha
mẹ Tôi muốn nói là họ đừng nản lòng! Cùng với gương mẫu của đời sống của
họ, họ hãy khuyên nhủ con cái của mình trước tiên hãy đặt niềm hy vọng nơi
Thiên Chúa, vì chỉ từ Ngài mới nảy sinh công lý và hòa bình chính thực.
Tôi muốn nói với cả những
người lãnh đạo có trách nhiệm trong các cơ chế có nhiệm vụ giáo dục: xin họ
hãy tỉnh thức và có một ý thức lớn lao về trách nhiệm của mình để nhân phẩm của mọi người được tôn trọng và
được đánh giá đúng trong mọi trường hợp. Xin họ hãy lo lắng để mỗi người trẻ có
thể khám phá ra ơn gọi riêng của mình, đồng hành với họ trong việc làm cho các
ơn huệ mà Đức Kitô đã ban cho họ sinh hoa kết trái. Họ hãy bảo đảm cho
các gia đình rằng con cái của họ có thể có một hành trình huấn luyện không đi
ngược với lương tâm của họ và các nguyên lý tôn giáo của họ.
Mỗi môi trường giáo
dục có thể trở nên nơi mở ra trước những thực tại siêu việt và hướng tới
người khác; phải là nơi đối thoại, nơi hòa hợp và lắng nghe, trong đó người trẻ
cảm thấy mình được đánh giá cao về khả thể của họ và những kho tàng nội tâm của
họ, và họ học biết đánh giá anh chị em của mình. Họ có thể dạy cho người khác
biết thưởng thức niềm hoan lạc phát xuất ra từ việc sống đức bác ái hằng ngày
và sự cảm thương đối với người thân cận và đi từ việc tham gia cách tích
cực tới việc xây dựng một xã hội nhân bản hơn và huynh đệ hơn.
Tôi xin thưa với các
nhà hữu trách trong lãnh vực chính trị: xin các Vị này hãy trợ giúp cụ thể
các gia đình và các cơ sở giáo dục để họ thi hành bổn phận và quyền lợi của họ
lo công tác giáo dục. Không thể nào thiếu một sự trợ giúp tương xứng cho việc
trở nên người mẹ và người cha. Họ hãy làm thế nào để không một ai bị từ chối
được bước vào ơn huệ giáo dục và các gia đình có thể tự do chọn lựa những cơ
cấu giáo dục mà họ coi là xứng hợp nhất cho lợi ích của con cái của mình. Họ hãy
dấn thân để ủng hộ việc đoàn tụ các gia đình đang bị phân ly do nhu cầu đi kiếm
tìm các phương tiện để sinh sống. Hãy cống hiến cho người trẻ một hình ảnh
trong sáng về chính trị, được coi như là một việc phục vụ lợi ích của mọi
người.
Ngoài ra Tôi không thể
không lên tiếng kêu gọi giới truyền thông để xin họ hãy đóng góp phần
của mình vào công tác giáo dục. Trong xã hội ngày nay, các phương tiện truyền
thông đại chúng có một vai trò đặc biệt: các phương tiện này không chỉ nhằm
thông tin, nhưng còn có nhiệm vụ huấn luyện tinh thần những người đang tiếp
nhận các hoạt động của họ và vì thế họ có thể cống hiến một đóng góp đáng kể
trong việc giáo dục người trẻ. Một điều thật quan trọng là phải đặt trước mắt
mình một xác tín là mối dây liên kết giữa giáo dục và truyền thông quả
thật rất chặt chẽ: quả vậy giáo dục được thể hiện nhờ truyền thông, là hoạt
động ảnh hưởng tới, cách tích cực hay tiêu cực, trên công tác giáo dục
con người.
Ngay cả các người trẻ
cũng phải có can đảm để chính họ tự sống điều họ đòi hỏi nơi những người chung
quanh. Đó là một trách nhiệm lớn lao, mà trách nhiệm này liên hệ tới họ: Họ hãy
liệu cho mình có sức mạnh để xử dụng đúng và với ý thức sự tự do. Chính họ cũng
có trách nhiệm về việc giáo dục chính mình và việc huấn luyện tới công lý và
hòa bình
Giáo dục về chân lý và tự do
3.
Thánh Augustino tự hỏi: “Điều gì linh hồn mong mỏi hơn hết, nếu không phải là sự thật?”. Bộ mặt nhân bản của một xã hội tùy
thuộc rất nhiều vào sự đóng góp của giáo dục để duy trì mãi mãi sống động một
câu hỏi như thế không thể nào bị xóa bỏ. Việc giáo dục, quả vậy, bao gồm cả
chiều kích luân lý và thiêng liêng của cuộc sống, nhắm tới đích cuối cùng và sự
thiện của xã hội mà họ là thành viên. Vì thế, để giáo dục về chân lý trước tiên
cần biết nhân vị là ai, cần biết rõ bản tính của nhân vị. Khi chiếm ngắm thực
tại đang vây chúng quanh mình, Tác Giả Thánh Vịnh suy nghĩ như sau: “Khi tôi nhìn các tầng trời của Ngài, công
trình của ngón tay Ngài làm ra, khi chiêm ngắm vầng trăng và các ngôi sao mà
Ngài đã xếp đặt tại đó, thì con người là chi mà Ngài phải bận tâm nhớ tới?” (Tv 8, 4-5). Đây là câu hỏi căn bản cần
được đặt ra: con người là ai? Con người là một hữu thể mang trong
con tim mình một khát vọng vô tận, một khát vọng sự thật – không phải chỉ là
một phần sự thật, nhưng là sự thật có
khả năng giải thích ý nghĩa của cuộc sống – bởi vì con người được dựng nên theo
hình ảnh và giống Thiên Chúa. Lúc đó với lòng biết ơn việc nhận ra sự sống như
là ơn huệ không thể nào sánh ví được, dẫn đưa tới việc khám phá ra nhân phẩm
sâu xa và tính cách bất khả xâm phạm của mỗi con người. Vì thế việc giáo dục
đầu tiên hệ tại việc học biết nhận ra nơi con người hình ảnh của Đấng Tạo Hóa
và, tiếp theo đó như là hệ luận, học biết để có sự kính trọng đối với mỗi cá
nhân con người và trợ giúp người khác thể hiện một đời sống phù hợp với địa vị
thật cao cả này. Không bao giờ được quên rằng “sự phát triển đích thực của con người chỉ nhắm duy nhất vào cái toàn
thể của con người, trong mỗi chiều kích của con người”, gồm cả chiều kích siêu việt, và từ đây
người ta không thể hy sinh nhân phẩm đó nơi con người để đạt tới một điều
thiện riêng biệt, hoặc về phạm vi kinh tế hoặc về phạm vi xã hội, cá nhân hoặc
tập thể.
Chỉ trong mối liên hệ với Thiên Chúa
con người mới hiểu được tất cả ý nghĩa của sự tự do của mình. Và công tác giáo
dục, công tác có mục đích huấn luyện để có một sự tự do chân chính (nhấn
mạnh là của tôi). Tự do không phải là việc vắng khỏi những ràng buộc hoặc
sự thống trị của một quyền quyết định tuyệt đối, độc đoán, tự do cũng không
phải là mức độ tuyệt đối của “cái tôi”. Con người tin rằng mình là tuyệt đối,
con người không tùy thuộc vào bất cứ điều gì và bất cứ người nào, con người tin
rằng mình có thể làm tất cả những gì mình muốn, cuối cùng thì họ lại mâu thuẫn với
sự thật về chính hữu thể của mình và đánh mất sự tự do của mình. Con người,
trái lại, là một hữu thể có mối tương quan, con người sống trong tương quan với
người khác và, nhất là với Thiên Chúa. Sự tự do chân chính không bao giờ có thể
đạt được trong việc đi ra xa khỏi Thiên
Chúa.
Sự tự do là một giá trị quý báu,
nhưng lại rất tế nhị: sự tự do có thể bị hiểu lầm và xử dụng sai lầm. “Ngày nay một trở ngại đặc biệt xảo trá đối
với công tác giáo dục được cấu tạo nên do một sự hiện diện ào ạt, trong xã hội
và trong văn hóa, do thuyết tương đối
(nhấn mạnh là của tôi) mà, vì không
nhận ra điều gì là nhất định, con người ở lại mức độ cuối cùng chỉ là cái tôi
riêng của mình cùng với các ước muốn của mình, và dưới cái bộ dạng bên ngoài
của tự do, chúng lại trở nên tù ngục đối với mỗi người, để chia cách người này
với người khác, trong khi thu hẹp mỗi người lại để tìm thấy mình đang bị đóng
khung trong cái “tôi” của mình. Bên trong một viễn tượng tương đối như thế, thì
một nền giáo dục chân chính không thể có được: không có ánh sáng của chân lý
trước hay sau mỗi cá nhân, con người quả thế bị lên án bắt buộc trở thành đa
nghi về cái tốt lành của chính sự sống và của những tương quan làm nên, về tính
cách thích đáng của sự dấn thân của mình để xây dựng một điều gì chung với
những người khác”.
Vậy để thực hành sự tự do của mình,
con người phải vượt qua viễn tượng tương đối và phải biết sự thật về chính mình
và sự thật về điều thiện và điều ác. Trong thâm cung của lương tâm mình, con
người khám phá ra một luật lệ mà không phải là do mình đưa ra, nhưng trái lại
con người phải vâng theo luật lệ đó và tiếng nói của lương tâm này kêu gọi họ
hãy yêu thương và làm điều lành và tránh điều dữ, và đảm nhận trách nhiệm thực
hiện công tác chung và về điều dữ đã làm. Vì
thế, việc thực hành sự tự do là điều gắn liền một cách tự bên trong với luật
luân lý tự nhiên, mà lại có tính cách phổ quát, diễn tả địa vị của mỗi con
người, đặt ra nền tảng của mọi quyền lợi và bổn phận căn bản, và vì thế, cuối
cùng của việc phân tích, là nền tảng của việc chung sống đúng đắn và hòa hợp
giữa con người.
Việc xử dụng đúng đắn tự do như thế
là điều nằm ở trung tâm của việc thăng tiến công lý và hòa bình, là những điều
đòi hỏi sự tôn trọng với chính mình và với người khác, cả những người có cách
hiện hữu và cách sống khác với mình. Từ một thái độ như thế phát sinh ra những
yếu tố mà nếu không có chúng, thì hòa bình và công lý vẫn là những lời nói
thiếu nội dung: sự tín thác hỗ tương, khả năng tạo ra một sự đối thoại xây
dựng, khả năng làm cho có thể tha thứ, mà biết bao nhiêu lần người ta muốn có
được nhưng người ta lại thật vất vả để cho đi, đức bác ái hỗ tương, sự thương
cảm trong sự đương đầu với những người yếu đuối hơn mình, cũng như cả sự sẵn
sàng để chấp nhận hy sinh.
Giáo dục về công lý
4. Trong thế giới của chúng ta, trong đó
giá trị của con người, của địa vị của con người và của các quyền lợi của họ,
vượt ra hẳn ngoài các việc công bố những ý định, đang thực sự bị đe dọa bởi
khuynh hương đang lan tràn chỉ dựa vào các tiêu chuẩn của những gì là đáng lưu
tâm, những gì có lợi và đem con người có thêm, nhưng điều quan trọng là đừng
phân chia ý niệm về công lý ra khỏi các gốc rễ siêu việt. Công lý, quả thế,
không phải đơn thuần là một khế ước do con người làm ra, bởi vì điều đúng, thì
ngay từ đầu, không do luật con người đặt ra, nhưng là do căn tính sâu xa của
hữu thể của con người. Chính cái nhìn toàn diện về con người làm cho người ta
không rơi vào một quan niệm mang tính cách khế ước về công lý và không cho phép
đưa tới một viễn tượng liên đới và tình yêu.
Chúng ta không thể
không biết rằng một số luồng văn hóa hiện đại, được nâng đỡ bởi những nguyên
tắc kinh tế, duy lý và duy cá nhân, đã làm cho quan niệm về công lý xa khỏi gốc
rễ siêu việt, trong khi tách rời nó ra khỏi đức bác ái và tình liên đới: “Thành
trì của con người không được cổ võ do nguyên những mối tương quan về quyền lợi
và nghĩa vụ, nhưng còn hơn thế nữa và còn trước cả những mối liên hệ mang tính
nhưng không, do lòng thương xót và do sự hiệp thông. Đức bác ái luôn tỏ bày cả
trong những mối liên hệ con người tin yêu của Thiên Chúa, Đức ái đó đem lại giá
trị thần học và cứu độ cho mọi dấn thân cho công lý trong thế giới”.
“Phúc cho những ai
đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no thỏa” (Mt 5, 6). Họ sẽ được
no thỏa bởi vì họ đói và khát những mối liên hệ với Thiên Chúa, với chính mình,
với những người anh chị em của mình, và với toàn thể tạo vật mà Thiên Chúa đã
làm nên.
Giáo dục về hòa bình
4.
“Hòa bình không chỉ đơn thuần là việc vắng bóng
chiến tranh và cũng không thể được thu hẹp lại trong việc bảo đảm cho có thế
quân bình gữa các lực lượng đối nghịch nhau. Hòa bình không thể có được trên
trái đất này nếu không có việc bảo vệ các tài sản của con người, sự tự do
truyền đạt giữa các con người, sự trân trọng nhân vị của con người và các dân
tộc, sự luyện tập liên tục và chuyên cần tình huynh đệ”. Hòa bình là hoa trái của công lý và hiệu
quả của đức bác ái. Hòa bình trước tiên là ơn huệ của Thiên Chúa. Chúng ta
những Kitô Hữu tin rằng Đức Kitô là sự bình an đích thực của chúng ta: trong
Người, trong Thánh Giá của Người, Thiên Chúa đã hòa giải với Mình thế gian này
và đã phá hủy những bức tường ngăn cách người này với người khác (x. Ep 2,
14-18); trong Người chỉ có một gia đình được hòa giải lại trong tình yêu
thương.
Nhưng hòa bình không chỉ là ơn huệ đã lãnh
nhận, trái lại còn là công trình phải xây dựng. Để trở nên người kiến tạo hòa
bình, chúng ta phải giáo dục về tình thương cảm, tình liên đới, sự hợp tác,
tình huynh đệ, thái độ tích cực ở bên trong cộng đoàn và việc tỉnh thức trong
việc huấn luyện các lương tâm trong các vấn đề quốc gia và quốc tế và về tầm
quan trọng của việc đi tìm kiếm các phương cách tương xứng trong việc phân phối
các tài nguyên, trong việc thăng tiến cho thêm của cải, trong việc hợp tác để phát
triển và giải quyết các vụ tranh chấp. “Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”, Chúa Giêsu đã nói như thế trong bài
diễn từ trên núi (Mt 5, 9).
Hòa bình cho tất cả mọi người phát sinh ra từ
công lý của mỗi người và không người nào có thể tránh né khỏi việc dấn thân
chính yếu này để cổ võ công lý, theo những chuyên môn riêng của mình và theo
trách nhiệm của mình. Tôi mời gọi cách riêng các người trẻ, luôn có một thái độ
sống động hướng về những lý tưởng, hãy có sự kiên nhẫn và bạo dạn đi tìm công
lý và hòa bình, vun trồng một mong ước, việc nếm thử những gì là chính trực và
chân chính, ngay cả những khi việc này có thể kèm theo hy sinh và đi ngược
dòng.
Hãy ngước mắt lên Thiên Chúa
Đứng trước một thách
đố thật cam go để bước qua những nẻo đường của công lý và của hòa bình, chúng
ta có thể bị cám dỗ để tự hỏi chính mình, như tác giả Thánh Vịnh: “Tôi ngước
mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù trợ tôi đến từ nơi nào?” (Tv 121, 1).
Với tất cả mọi người,
nhất là với các Bạn Trẻ, Tôi muốn nói cách mạnh mẽ rằng: “Không có ý thức hệ
nào có thể cứu rỗi thế giới, nhưng chỉ có việc hướng lòng mình lên tới Thiên
Chúa hằng sống, là Đấng Tạo Hóa của chúng ta, là Đấng bảo đảm cho sự tự do của
chúng ta, bảo đảm những gì là thiện và chân . . . việc hướng lên không chút
ngập ngừng tới Thiên Chúa này là thước đo của những gì là chính trực và đồng
thời là tình yêu đời đời. Và điều gì có thể tự cứu thoát mình nếu không phải là
tình yêu?”. Tình
yêu được trọn vẹn nhờ chân lý, là sức mạnh làm cho có khả năng để dấn thân cho
sự thật, cho công lý, cho hòa bình, bởi vì tất cả được che kín, tất cả đều tin,
tất cả đều hy vọng, tất cả đều chịu đựng (x. 1Cr 13, 1-13).
Các Bạn Trẻ thân mến,
các Bạn là ơn huệ quý báu cho xã hội. Các Bạn đừng để cho mình bị ảnh hưởng bởi
thái độ thất vọng trước các khó khăn và các Bạn đừng buông xuôi theo các lối
giải quyết sai lầm, mà thường được trình bày như là con đường dễ dãi nhất để
vượt thắng các vấn đề. Các Bạn đừng sợ hãi, sợ dấn thân, sợ đương đầu với khó
nhọc và hy sinh, để chọn lựa những con đường đòi hỏi sự trung thành và kiên
trì, khiêm nhường và tận tụy. Các Bạn hãy sống với sự tín thác của tuổi niên
thiếu của các Bạn và những mong ước thầm kín sâu xa mà các Bạn thấy được hạnh
phúc, tìm ra sự thật vẻ đẹp và tình yêu thương chân thực! Các Bạn hãy sống một
cách thật thâm sâu giai đoạn này của cuộc đời thật phong phú và tràn đầy hứng
khởi.
Các Bạn hãy ý thức là
chính các Bạn phải trở nên gương mẫu và sự thúc đẩy cho người trưởng thành, và
các Bạn sẽ phải như thế, bao lâu các Bạn cố gắng để vượt qua những bất công và
tham nhũng, bao lâu các Bạn mong ước hơn nữa có một tương lai tươi sáng hơn và
các Bạn dấn thân để xây dựng tương lai đó. Các Bạn hãy hiểu rõ về các tiềm năng
của các Bạn và không bao giờ được đóng kín nơi chính mình các Bạn, nhưng biết
làm việc để kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người. Các Bạn
không bao giờ ở một mình. Giáo Hội tin tưởng nơi các bạn, theo dõi các Bạn,
khích lệ các Bạn và mong ước cống hiến cho các Bạn một điều còn quý báu hơn
nữa: đó là giúp các Bạn có thể ngước mắt của mình lên tới Thiên Chúa, gặp gỡ
Chúa Giêsu Kitô, Đấng là sự công lý và hòa bình.
Với tất cả mọi người,
Nam cũng như Nữ đang mang trong tận đáy lòng mình vấn đề hòa bình! Hòa Bình
không phải là một sự thiện đã đạt được, nhưng là một mục tiêu mà mọi người phải
ngưỡng vọng hướng về. Chúng ta hãy nhìn vào tương lai với niềm hy vọng lớn lao
hơn, chúng ta hãy khích lệ lẫn nhau trên hành trình của chúng ta, chúng ta hãy
làm việc để trao ban cho thế giới một bộ mặt nhân bản hơn và huynh đệ hơn,
chúng ta hãy cảm thấy được liên kết với nhau hơn trong trách nhiệm hướng tới
các thế hệ trẻ hiện tại và tương lai, đặc biệt trong việc giáo dục họ nên những
thế hệ hòa bình và là tác nhân của hòa bình. Chính trên nền tảng của sự hiều
biết ý thức trên đây, mà Tôi gửi tới Quý Vị những suy tư này và Tôi ngỏ lời mời
gọi Quý Vị: Chúng ta hãy kết hiệp lại những sức lực của chúng ta, sức lực tinh
thần và luân lý cũng như vật chất, để “giáo
dục các người trẻ về công lý và hòa bình”.
Ban hành
tại Điện Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2011.
BENEDICTO
XVI
Giáo
Hoàng
(Dịch từ bản nguyên văn tiếng Ý do Văn Phòng Báo Chí
Tòa Thánh công Bố. Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 29-12-2011)
BENEĐICTO XVI,
Diễn Văn cho Các Nhân Viên Hành Chánh của Vùng Lazio, Của Miền và Tỉnh Roma
(14-1-2011), trong L’Osservatore Romano,
15-1-2011, tr. 7.
Chú Giải Phúc
Âm theo Thánh Gioan, 26, 5.
CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes), 16.
X. BENEĐICTO XVI, Diễn
Văn tại Bundestag, (Berlino, 22-9-2011) : L’Osservatore Romano (24-9-2011), tr. 6-7.
Thông điệp Đức
Ái trong Chân Lý (Caritas in Veritate),(29-6-2009), 6: A.A.S. 101 (2009), 644-645.
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 2304.
9
BENEĐICTO XVI, Canh thức với Giới Trẻ, (Koln, 20-8-2005): A.A.S.
97 (2005), 885-886.