Toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Gc
5,8)
Anh
chị em thân mến,
Mùa
Chay là một mùa canh tân đối với Giáo Hội, các cộng đoàn và mỗi tín hữu. Nhưng
trên hết Mùa Chay là “một mùa ân thánh' (2 Cr 6,2). Thiên Chúa không yêu cầu
chúng ta điều gì mà trước đó Ngài không ban cho chúng ta: “Chúng ta yêu mến vì
Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Chúa không dửng dưng đối với
chúng ta. Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Ngài biết đích danh chúng ta,
chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Ngài. Chúa chú ý đến mỗi người
chúng ta; tình thương ngăn cản không để cho Chúa dửng dưng đối với những gì xảy
đến cho chúng ta. Nhưng xảy ra là khi chúng ta an mạnh và cảm thấy thoải mái,
thì chắc chắn chúng ta quên những người khác (điều mà Chúa Cha không bao giờ
làm), chúng ta không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và
bất công họ đang chịu... lúc ấy tâm hồn chúng ta rơi vào thái độ dửng dưng:
trong khi tôi tương đối an mạnh và thoải mái, thì tôi quên những người không
được an mạnh. Thái độ ích kỷ, dửng dưng này ngày nay có một chiều kích toàn
cầu, đến độ chúng ta có thể nói đó là một thứ hoàn cầu hóa sự dửng dưng. Đó là
một bất hạnh chúng ta cần đương đầu trong tư cách là Kitô hữu. Khi Dân Chúa trở
về với tình thương của Chúa, thì họ tìm được những câu trả lời cho những vấn
nạn mà lịch sử luôn đề ra cho họ. Một trong những thách đố khẩn cấp nhất mà tôi
muốn dừng lại trong Sứ Điệp này chính là thách đố hoàn cầu hóa sự dửng dưng.
Dửng
dưng đối với tha nhân và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các
Kitô hữu chúng ta. Vì thế, trong mỗi Mùa Chay chúng ta cần nghe lời kêu của các
Ngôn Sứ lên tiếng và thức tỉnh chúng ta. Thiên Chúa không dửng dưng đối với thế
giới, Chúa yêu thương thế giới đến độ ban Con của Ngài để cứu độ mỗi người.
Trong cuộc nhập thể, trong cuộc sống trần thế, trong cái chết và sống lại của
Con Thiên Chúa có mở ra vĩnh viễn cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người, giữa
trời và đất. Và Giáo Hội như bàn tay giữ cho cánh cửa ấy mở rộng nhờ việc công
bố Lời Chúa, cử hành các Bí tích, nhờ làm chứng tá đức tin hữu hiệu trong đức
bác ái (Xc Gl 5,6). Tuy nhiên, thế giới có xu hướng khép kín vào mình và đóng
kín cánh cửa qua đó Thiên Chúa đi vào thế giới và thế giới đến cùng Chúa. Vì
thế bàn tay, là Giáo Hội, không bao giờ được ngạc nghiên nếu bị phủ nhận, bị đè
bẹp và bị thương.
Vì
vậy Dân Chúa cần canh tân, để không trở nên dửng dưng và không khép kín vào
mình. Tôi muốn đề nghị với anh chị em 3 bước suy tư để đạt tới sự canh tân.
1. “Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể
khác cũng đau” (1 Cr 12,26) - Giáo Hội
Tình
thương của Thiên Chúa phá vỡ thái độ khép kín chết chóc là sự dửng dưng, tình
thương ấy được Giáo Hội trao tặng cho chúng ta qua giáo huấn, và nhất là qua
chứng tá của Giáo Hội. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà trước đó
chúng ta cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho chiếc áo lòng từ
nhân và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để trở nên giống Chúa, là Tôi
Tớ của Thiên Chúa và loài người. Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh nhắc rõ điều đó
cho chúng ta qua nghi thức rửa chân. Thánh Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân
cho Ông, nhưng rồi đã hiểu rằng Chúa Giêsu không muốn đó chỉ là một ví dụ về
cách thức chúng ta phải rửa chân cho nhau. Chỉ có người nào để cho Chúa Kitô
rửa chân trước thì mới có thể thi hành việc phục vụ này. Chỉ người nào được “dự
phần” với Ngài (Ga 13,8) thì mới có thể phục vụ con người.
Mùa
Chay là mùa thuận tiện để chúng ta để cho Chúa Kitô phục vụ và nhờ đó trở nên
như Chúa. Điều này xảy ra khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và khi chúng ta lãnh
nhận các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể. Trong đó chúng ta trở thành
điều mà chúng ta lãnh nhận: trở nên Mình Chúa Kitô. Trong thân mình này, không
có chỗ cho sự dửng dưng dường như thường ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Vì ai
thuộc về Chúa Kitô thì cũng thuộc về một thân mình duy nhất và trong Chúa chúng
ta không thể dửng dưng đối với nhau. “Vì thế nếu một chi thể đau, thì tất cả
các chi thể cùng đau chung; và nếu một chi thể được vinh dự thì tất cả các chi
thể khác cùng vui mừng với chi thể ấy” (1 Cr 12,26).
Giáo
Hội là cộng đồng hiệp thông của các thánh vì các thánh tham dự vào cộng đồng
ấy, và cũng vì đó là một sự hiệp thông những sự thánh: tình thương của Thiên Chúa
được tỏ lộ cho chúng ta trong Chúa Kitô và tất cả các hồng ân của Chúa. Trong
số các hồng ân này cũng có câu trả lời của những người để cho mình được tình
thương của Chúa chiếm hữu. Trong cộng đồng hiệp thông của các thánh và trong sự
tham dự vào những sự thánh, không ai sở hữu riêng cho mình, nhưng những gì họ
có là để cho tất cả. Và vì chúng ta được liên kết với nhau trong Chúa, chúng ta
cũng có thể làm được một cái gì đó cho những người ở xa, cho những người mà tự
sức riêng chúng ta không bao giờ có thể đạt tới họ, vì cùng với họ và cho họ
chúng ta cầu xin Thiên Chúa để tất cả chúng ta đều cởi mở đối với công trình
cứu độ của Chúa.
2.
“Em ngươi ở đâu?” (St 4,9) - Các giáo xứ và các cộng đoàn
Những
điều nói về Giáo Hội hoàn vũ thì cũng cần được biểu lộ trong đời sống của các
giáo xứ và cộng đoàn. Trong các thực tại Giáo Hội này, chúng ta có làm cho mọi
người cảm nghiệm được họ là thành phần của một thân mình duy nhất hay không? Đó
có phải là một thân mình cùng lãnh nhận và chia sẻ những gì Thiên Chúa muốn ban
hay không? Đó có phải là một thân mình biết và chăm sóc những phần tử yếu đuối
nhất, nghèo khổ và bé nhỏ nhất hay không? Hoặc chúng ta chạy trốn trong một
tình yêu đại đồng, dấn thân nơi xa xăm nhưng lại quên người nghèo Lazzaro ngồi
ngay trước cánh cửa khép kín của nhà mình hay không? (Xc Lc 16,19-31).
Để
lãnh nhận và làm cho những gì Chúa ban cho chúng ta được sinh hoa kết trái hoàn
toàn, cần phải vượt qua những ranh giới của Giáo Hội hữu hình theo hai chiều
hướng.
-
Thứ nhất, bằng cách liên kết trong kinh
nguyện với Giáo Hội thiên quốc. Khi Giáo Hội trần thế cầu nguyện, thì thiết
lập một sự hiệp thông phục vụ và mưu ích cho nhau, bay lên trước nhan Thiên
Chúa. Cùng với các thánh đã tìm được sự sung mãn trong Thiên Chúa, chúng ta là
thành phần cộng đồng hiệp thông ấy, trong đó tình thương chiến thắng dửng dưng.
Giáo Hội thiên quốc không chiến thắng vì đã quay lưng lại với những đau khổ của
trần thế và vui hưởng một mình. Đúng hơn, các thánh đã có thể chiêm ngắm và vui
mừng vì sự kiện, nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, các vị đã vĩnh
viễn chiến thắng thái độ dửng dưng, sự cứng lòng và oán thù. Bao lâu chiến
thắng ấy của tình thương chưa thấm nhập vào toàn thể thế giới, thì các thánh còn
đồng hành với chúng ta là những người lữ hành. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu,
Tiến sĩ Hội Thánh, đã viết với lòng xác tín rằng niềm vui trên trời vì chiến
thắng của Tình thương chịu đóng đanh sẽ không trọn vẹn bao lâu còn một người
trên trần thế phải chịu đau khổ và rên xiết: “Con hy vọng sẽ không ngồi yên mà
không làm gì trên trời, mong ước của con là còn tiếp tục làm việc cho Giáo Hội
và cho các linh hồn” (Thư 254 ngày 14-7-1897).
Cả
chúng ta cũng tham dự vào công phúc và niềm vui của các thánh và các ngài tham
dự vào cuộc chiến đấu cũng như mong ước của chúng ta muốn được an bình và hòa
giải. Niềm vui của các thánh vì chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh là động lực
thúc đẩy chúng ta vượt thắng bao nhiêu hình thức dửng dưng và cứng lòng.
Đàng
khác, mỗi cộng đoàn Kitô được kêu gọi hãy
vượt qua ngưỡng cửa nối kết họ với xã hội xung quanh, với những người nghèo và
những người xa xăm. Giáo Hội tự bản chất là thừa sai, không co cụm vào
mình, nhưng được sai tới tất cả mọi người. Sứ mạng của Giáo Hội là kiên nhẫn
làm chứng về Đấng muốn mang tất cả thực tại và mỗi người về cùng Chúa Cha. Sứ
mạng truyền giáo là điều mà tình thương không thể im lặng. Giáo Hội theo Chúa
Giêsu Kitô trên con đường dẫn Giáo Hội tới con người, cho đến tận bờ cõi trái
đất (Xc Cv 1,8). Như thế chúng ta có thể nhìn thấy nơi tha nhân người anh chị
em mà Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại cho họ. Những gì chúng ta nhận lãnh,
thì chúng ta cũng lãnh nhận cho họ. Cũng thế, những gì những người anh chị em
ấy sở hữu, chính là một món quà cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại.
Anh
chị em thân mến, tôi nồng nhiệt mong ước sao cho các nơi mà Giáo Hội hiện diện,
- đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, - trở thành những hải đảo
từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng!
3.
“Anh chị em hãy cũng cố tâm hồn!” (Gc 5,8) - mỗi tín hữu
Cả
với tư cách cá nhân, chúng ta cũng bị cám dỗ dửng dưng. Chúng ta bị tràn ngập
những tin tức và hình ảnh kinh hoàng thuật cho chúng ta đau khổ của con người
và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp. Phải làm gì để
không bị cái vòng kinh hoàng và bất lực ấy cuốn mất?
Trước tiên, chúng ta có thể cầu
nguyện trong tình hiệp thông của Giáo Hội trần thế và thiên quốc. Chúng ta đừng
coi nhẹ sức mạnh kinh nguyện của bao nhiêu người! Sáng kiến 24 giờ cho Chúa, mà
tôi cầu mong sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội, kể cả ở cấp độ giáo phận,
trong những ngày 13 và 14-3 tới đây, muốn biểu lộ sự cần thiết phải cầu nguyện.
Tiếp đến, chúng ta có thể
giúp đỡ bằng những việc bác ái, đối với những người ở gần cũng như những người
ở xa, nhờ bao nhiêu tổ chức bác ái của Giáo Hội. Mùa Chay là mùa thuận tiện để
chứng tỏ sự quan tâm tới tha nhân qua một cử chỉ, dù là nhỏ bé nhưng cụ thể,
nói lên sự tham dự của chúng ta vào nhân loại chung.
Thứ ba, sự đau khổ của tha
nhân là một lời mời gọi hoán cải, vì nhu cầu của người anh em nhắc nhở cho tôi
sự mong manh của đời tôi, sự lệ thuộc của tôi đối với Thiên Chúa và các anh chị
em. Nếu chúng ta khiêm tốn cầu xin ơn Chúa và chấp nhận khả năng giới hạn của
mình, thì chúng ta sẽ tín thác nơi tiềm năng vô biên chứa đựng trong tình
thương của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể chống lại cám dỗ của ma quỷ làm chúng
ta tưởng mình có thể tự mình cứu thoát bản thân và thế giới.
Để
khắc phục sự dửng dưng và sự tự phụ toàn năng của chúng ta, tôi muốn xin tất cả
mọi người hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn, như ĐGH
Biển Đức 16 đã nói (Thông điệp Deus caritas est, 31). Có một con tim từ bi không có nghĩa là có
một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững,
khép kín đối với kẻ cám dỗ, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa. Một con tim để cho
Thánh Linh thấu nhập và dẫn đi trên những con đường tình thương đưa tới các anh
chị em. Xét cho cùng, đó là một con tim nghèo, nghĩa là nhận biết sự nghèo hèn của
mình và xả thân cho tha nhân.
Vì
thế, anh chị em thân mến, tôi muốn cùng với anh chị em cầu xin Chúa Kitô trong
Mùa Chay này: “Fac cor nostrum secundum cor tuum”, “xin làm cho trái tim chúng con được nên giống Trái Tim Chúa” (Lời
cầu trong Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu). Như thế chúng ta sẽ có một con tim
mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không để nó khép kín vào mình, không
rơi vào vực thẳm của nạn hoàn cầu hóa sự dửng dưng.
Với
mong ước ấy, tôi hứa cầu nguyện để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến
bước trong hành trình Mùa Chay với nhiều thành quả, và tôi xin anh chị em cầu
nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị
em.
Vatican
ngày 4 tháng 10 năm 2014.
Lễ
Thánh Phanxicô Assisi
(G.
Trần Đức Anh OP dịch từ nguyên bản tiếng Ý)