Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Hàn Lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 đề cao tính chất thời sự của Thông điệp “Hòa bình dưới thế” do Đức Gioan 23 ban hành và ngài cổ võ sự tha thứ trong tiến trình hòa giải giữa các dân tộc.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi các tham dự viên khóa họp khoáng đại thứ 18 của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội, nhóm tại Vatican từ ngày 27-4 đến 1-5-2012 về đề tài: “Mong ước của thế giới được trật tự yên hàn: Thông điệp Pacem in terris, Hòa bình dưới thế, 50 năm sau”.
Trong sứ điệp, ĐTC mô tả Thông điệp “Hòa bình dưới thế” như “một thư ngỏ gửi thế giới”, như “lời kêu gọi thống thiết” của Đức Chân Phước Gioan 23 ở giai đoạn cuối đời, cho chính nghĩa hòa bình và công lý cần được thăng tiến ở mọi cấp độ xã hội, quốc gia và quốc tế. ĐTC Biển Đức nhận xét: “Tuy bối cảnh chính trị thế giới đã thay đổi nhiều trong nửa thế kỷ qua, nhưng quan điểm do Đức Gioan 23 cống hiến vẫn còn rất nhiều điều để dạy chúng ta, giữa lúc chúng ta nỗ lực đương đầu với những thách đố mới của hòa bình và công lý trong thời Hậu chiến tranh lạnh, giữa sự tiếp tục lan tràn võ khí”.
Đức Chân phước Gioan 23 khẳng định rằng “Thế giới sẽ không bao giờ trở thành nơi ở an bình, bao lâu không có hòa bình trong tâm hồn mỗi người và từng người, bao lâu mọi sự không được bảo tồn theo trật tự Thiên Chúa đã giữ gìn” (Pacem in terris, 165).
ĐTC Biển Đức 16 nhấn mạnh một điều chủ yếu trong giáo huấn xã hội Công Giáo, đó là một nền nhân loại học nhìn nhận con người là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, có trí thông minh và tự do, có khả năng nhận biết và yêu mến. Hòa bình và công lý là thành quả của trật tự đúng đắn được ghi khắc trong chính các loại thụ tạo, được viết trong tâm hồn con người” (Xc Rm 2,15).
Sứ điệp ĐTC đương kim đặc biệt đề cao ý niệm tha thứ được Đức Gioan Phaolô 2 đề xướng trong tinh thần của Đức Gioan 23 và nhấn mạnh rằng “không thể có hòa bình, nếu không có công lý, và không thể có công lý nếu không có tha thứ” (Sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới năm 2002).
ĐTC viết: “Ý niệm tha thứ cần được đưa vào các diễn văn quốc tế về việc giải quyết các xung đột, để biến đổi ngôn ngữ vô bổ của sự tố cáo lẫn nhau, vì thái độ này không dẫn tới đâu cả. Nếu con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa công chính đầy lòng từ bi (Ep 2,4), thì những đặc tính ấy cần phải được phản ánh qua cách cư xử trong các công việc con người. Đó là sự liên kết giữa công lý và tha thứ, giữa công lý và ân xá, ở trọng tâm câu trả lời của Thiên Chúa đối với sự sai trái của con người (Xc Spe salvi, 44)... Tha thứ không phải là chối bỏ sự hành động sai trái, nhưng là tham gia vào sự chữa lành và tình thương biến đổi của Thiên Chúa, Đấng hòa giải và phục hồi”.
Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa xã hội nhóm họp dưới quyền chủ tọa của Bà Chủ tịch Mary-Ann Glenndon, Giáo sư luật tại Đại học Havard, Hoa Kỳ, và từng là Đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh. (SD 30-4-2012)
G. Trần Đức Anh OP