Trang Chủ > Truyền Giáo > Tài Liệu Khác

CẦU NGUYỆN : LỜI CẦU NGUYỆN TƯ TẾ

cau nguyen.jpgAnh Chị Em thân mến,

Trong bài Giáo Lý hôm nay chúng ta tập trung chú ý vào Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu hướng lên Chúa Cha trong “Giờ” liên hệ tới biến cố Ngài sắp được đưa lên cao và việc tôn vinh danh Ngài (x. Ga 17, 1-26). Như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Truyền thống Kitô Giáo có lý, khi định nghĩa lời cầu nguyện này là “lời cầu nguyện tư tế” của Chúa Giêsu. Đó là lời cầu nguyện của Vị Tư Tế tối cao, và lời cầu nguyện này không thể tách rời ra khỏi Hy tế của Ngài, ra khỏi “cuộc đi qua” của Ngài [Việc Vượt Qua] để về với Chúa Cha, nơi đó Ngài hoàn toàn “được thánh hiến” cho Chúa Cha” (s. 2747).

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đây thật dễ hiểu trong cái nội dung thật phong phú của nó, nhất là nếu chúng ta đặt nó trong nền tảng của Lễ Xá Tội của Người Do Thái, gọi là lễ hội Yom Kippur. Trong ngày Lễ này Thày Cả Thượng Phẩm thực hiện việc xá tội trước tiên cho chính mình, rồi cho hàng tư tế và sau cùng cho tất cả cộng đoàn dân chúng. Mục đích của Lễ này là để đem lại cho Dân Israel, với những tội lỗi đã phạm trong cả một năm, có được ý thức về việc hòa giải với Thiên Chúa, ý thức mình là dân được tuyển chọn, là “dân thánh” sống ở giữa các dân tộc khác. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, được trình bày trong đoạn thứ 19 của Phúc Âm theo Thánh Gioan, lấy lại cơ cấu của lễ hội này. Chúa Giêsu trong chính đêm hôm đó đã hướng lên Chúa Cha vào lúc Ngài sắp dâng hiến chính mình Ngài. Ngài, vừa là linh mục và vừa là lễ vật, Ngài cầu nguyện cho mình, cho các Tông Đồ và cho tất cả những ai sẽ tin vào Ngài, qua Giáo Hội trong các thế hệ mai sau (x. Ga 17, 20).

Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên cho chính mình, đó là lời khẩn xin cho việc làm vinh danh của Ngài, lời khẩn xin cho việc “đưa lên” trong “giờ” của Ngài. Trong thực tế, lời cầu nguyện này còn hơn thế nữa, đó là một lời cầu xin và việc tuyên cáo về thái độ sẵn sàng đi vào, một cách tự do và quảng đại, trong kế đồ của Thiên Chúa Cha được thực hiện trong việc Chúa Giêsu bị trao nộp mình và trong cái chết và phục sinh. “Giờ” này đã bắt đầu với sự phản bội của ông Giuđa (x. Ga 13, 31) và sẽ đạt tới tột đỉnh trong việc Chúa Giêsu sống lại và về cùng Chúa Cha (Ga 20, 17). Việc đi ra ngoài của ông Giuđa khỏi phòng tiệc ly được Chúa Giêsu chú giải với những lời sau đây: “Bây giờ Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh trong Người” (Ga 13, 31). Không phải tình cờ, Chúa Giêsu bắt đầu Lời Nguyện Tư Tế khi nói: “Lạy Cha, đã đến giờ: xin Cha hãy làm vinh danh Con Cha để Con của Cha làm vinh danh Cha” (Ga 17, 1). Việc làm vinh danh mà Chúa Giêsu cầu xin cho mình, như là Thượng Tế, là việc đi vào trong sự vâng phục hoàn toàn Chúa Cha, một sự vâng phục đem Ngài tới điều kiện trọn vẹn nhất của Ngài như người con: “Bây giờ, lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Con trước mặt Cha với vinh danh mà Con đã có được bên Cha trước khi tạo thành vũ trụ” (Ga 17, 5). Sự sẵn sàng này và lời cầu xin này là hành động thứ nhất của chức tư tế mới của Chúa Giêsu đó là việc trao nộp mình trên thập giá, và chính trên thập giá yêu thương tột đỉnh – Chúa Giêsu được tôn vinh, bởi vì tình yêu là vinh quang đích thực, vinh quang của Thiên Chúa.

Phần thứ hai của Lời Cầu Nguyện này là việc chuyển cầu mà Chúa Giêsu van xin cho các môn đệ đang ở với Ngài. Họ là những người mà Chúa Giêsu có thể nói với Chúa Cha về họ như sau: “Con đã tỏ Danh của Cha cho những người mà Cha đã ban cho Con trên thế gian này. Họ thuộc về Cha và Cha đã ban họ cho Con, và họ đã tuân giữ lời của Cha” (Ga 17, 6). “Tỏ Danh của Thiên Chúa cho con người” là thực hiện một sự hiện diện mới của Chúa Cha ở trong Dân, ở giữa nhân loại. Việc “tỏ ra” này không chỉ là một Lời, nhưng là một thực tại nơi Chúa Giêsu; Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là một người của chúng ta – Ngài đã “được thực hiện”. Vì thế, việc tỏ ra này được thực hiện trong biến cố nhập thể của Ngôi Lời. Trong Chúa Giêsu là Thiên Chúa đi vào trong xác thịt con người, làm cho mình nên gần gũi một cách duy nhất và mới mẻ. Và sự hiện diện này đạt tới đỉnh chót trong hy tế mà Chúa Giêsu thực hiện trong biến cố Vượt Qua của sự chết và phục sinh.

Ở trung tâm điểm của Lời Cầu Nguyện này, để chuyển cầu và xá tội này cho các môn đệ, có lời cầu xin cho việc thánh hiến; Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha: Họ không thuộc về thế gian, như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha hãy thánh hiến họ trong chân lý. Lời Cha là chân lý. Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian; vì họ mà Con thánh hiến chính mình Con, để chính họ cũng được thánh hiến trong chân lý” (Ga 17, 16-19). Tôi đặt một câu hỏi: “thánh hiến” là gì trong trường hợp này? Trước tiên cần phải nói rằng “Đấng Được Thánh Hiến” hoặc “Đấng Thánh”, chỉ là Thiên Chúa mà thôi. Vậy thánh hiến có nghĩa là chuyển đổi một thực tại – một người hay một sự vật – đem vào trong phạm vi sở hữu của Thiên Chúa. Và ở đây về vấn đề này, người ta thấy có hai khía cạnh bổ túc cho nhau: từ một phía, có việc cất đi những sự vật tầm thường, nghĩa là tách rời ra, là “đặt ra một bên” khỏi môi trường của cuộc sống cá nhân của con người để được dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa; và đàng khác việc tách rời này, việc chuyển tới thế giới của Thiên Chúa, có ý nghĩa riêng như “việc gửi đi”, cho một sứ mệnh: chính vì được dâng hiến cho Thiên Chúa, mà thực tại, mà con người được thánh hiến hiện hữu “vì người khác”, được trao ban cho người khác. Dâng hiến cho Thiên Chúa có nghĩa là không còn hiện hữu cho mình nữa, mà cho tất cả mọi người. Được thánh hiến, những ai, như Chúa Giêsu, là người được tách ra khỏi thế gian và được đặt về phía Thiên Chúa để thi hành một nhiệm vụ và chính vì điều này mà họ hoàn toàn trở nên sẵn sàng cho tất cả mọi người. Với các môn đệ, họ sẽ phải tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu, bị trao ban cho Thiên Chúa, để như thế họ thi hành một sứ vụ cho tất cả mọi người. Buổi chiều Ngày Phục Sinh, Đấng Sống Lại, khi hiện ra với các môn đệ của Ngài, sẽ nói với họ rằng: “Bình an cho các con, Như Cha đã sai Thày, thì Thày cũng sai các con đi như vậy” (Ga 20, 21).

Phần thứ ba của Lời Cầu Nguyện tư tế này là đưa cái nhìn cho tới tận cùng các thế hệ mai sau. Trong Lời Cầu Nguyện này Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha để cầu xin cho tất cả những ai sẽ được đem tới đức tin nhờ sứ mệnh được khai mạc từ các Tông Đồ và được tiếp tục trong lịch sử: “Con không cầu nguyện chỉ cho những người này mà thôi, nhưng còn cho cả những ai sẽ tin vào Con nhờ lời của họ”. Chúa Giêsu cầu nguyện cho Giáo Hội của mọi thời đại, Chúa cũng cầu nguyện cho cả chúng ta nữa” (Ga 17, 20). Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chú giải như sau: “Chúa Giêsu đã làm cho hoàn tất công việc của Chúa Cha, và lời cầu nguyện của Ngài, như Hy Tế của Ngài, lan tỏa tới tận cùng các thế hệ. Lời cầu nguyện trong “Giờ” của Chúa làm đầy tràn thời đại sau hết và đem chúng hướng về thời điểm hoàn tất của chúng” (s. 2749).

Lời cầu xin ở trung tâm của Lời Cầu Nguyện tư tế này được dành cho các môn đệ của mọi thế hệ, đó là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong tương lai của tất cả những ai sẽ tin vào Ngài. Sự hiệp nhất đó không phải là một sản phẩm của thế gian làm ra. Sự hiệp nhất đó chỉ đến duy từ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và tới chúng ta từ Chúa Cha qua trung gian của Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu khấn xin một ơn huệ đến từ Trời Cao – có hiệu quả đích thực và có thể nhận thấy được – xuống thế gian này. Ngài cầu nguyện “để tất cả nên một; như Cha, Thưa Cha, ở trong Con và Con ở trong Cha, chúng cũng ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 21). Sự hiệp nhất giữa các Kitô Hữu, một đàng, là một thực tại bí mật nằm trong con tim của những kẻ tin. Nhưng, đồng thời, sự hiệp nhất này phải tỏ hiện ra với tất cả sự rõ ràng trong lịch sử, phải tỏ hiện ra để thế gian tin, sự hiệp nhất này có một mục tiêu thực tiễn và cụ thể, phải tỏ hiện ra để tất cả mọi người thực sự nên một mà thôi. Sự hiệp nhất của các môn đệ tương lai, khi họ hiệp nhất với Chúa Giêsu – Đấng mà Chúa Cha đã sai đến trong thế gian – cũng là nguồn mạch nguyên thủy của sự hữu hiệu của sứ mệnh Kitô Giáo trong thế gian.

“Chúng ta có thể nói rằng trong Lời Cầu Nguyện tư tế của Chúa Giêsu thể hiện việc thiết lập Giáo Hội . . . Chính ở đây, trong Bữa Tiệc sau cùng, Chúa Giêsu lập nên Giáo Hội. Bởi vì, Giáo Hội là gì khác hơn là cộng đoàn các môn đệ mà qua việc tin vào Đức Giêsu Kitô như Vị được Chúa Cha sai đến, Giáo Hội lãnh nhận sự hiệp nhất của mình và được hòa vào trong sứ mệnh của Chúa Giêsu để cứu rỗi thế gian khi dẫn đưa thế gian đi vào trong sự nhận biết Thiên Chúa? Ở đây chúng ta thực sự tìm thấy một định nghĩa về Giáo Hội. Giáo Hội sinh ra từ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Và lời cầu nguyện này không chỉ là lời nói mà thôi: đó là một hành động trong đó Chúa “Thánh hiến” chính mình và điều này có nghĩa là “Ngài tự hiến tế hy sinh chính mình Ngài” cho sự sống của thế gian” (x. Gesù di Nazareth, II, 117t.).

Chúa Giêsu cầu nguyện để các môn đệ của Ngài nên một trong một sự hiệp nhất duy nhất mà thôi. Từ sự duy nhất đó, sự duy nhất được lãnh nhận và được bảo tồn, Giáo Hội có thể bước đi “trong thế gian” mà không “thuộc về thế gian” (Ga 17, 16) và có thể sống sứ mệnh đã được trao phó cho mình để thế gian tin vào Chúa Con và Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Con đến. Lúc đó Giáo Hội trở nên một nơi, trong đó tiếp tục chính sứ mệnh của Đức Kitô; là dẫn đưa “thế gian” ra khỏi cảnh làm cho con người bị tha hóa xa lìa Thiên Chúa và xa lìa khỏi chính mình, ra khỏi cảnh tội lỗi, để trở về với việc sống trong thế giới của Thiên Chúa.

Anh Chị Em thân mến, chúng ta đã đưa ra một vài yếu tố từ sự phong phú của Lời Cầu Nguyện tư tế của Chúa Giêsu, lời cầu nguyện mời gọi chúng ta đọc lại và suy niệm thêm, để hướng dẫn chúng ta trong cuộc đối thoại với Đức Kitô, để dạy bảo chúng ta biết cầu nguyện. Cả chúng ta nữa, vì vậy, trong chính lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta biết đi vào, một cách thế thật đầy đủ, đi vào trong kế đồ mà Thiên Chúa định liệu cho mỗi người chúng ta; chúng ta hãy cầu xin Ngài làm cho chúng ta “được thánh hiến” cho Ngài, được thuộc về Ngài mỗi ngày luôn thêm hơn nữa, để có thể yêu thương người khác hơn nữa, yêu thương các người thân cận và những kẻ ở xa; chúng ta hãy cầu xin Chúa để chúng ta luôn có khả năng mở rộng lời cầu nguyện của chúng ta tới các chiều kích của cả thế giới, không đóng khung lời cầu nguyện đó trong việc xin sự trợ giúp cho các vấn đề của chúng ta, nhưng nhắc nhớ lại trước Chúa Kitô người thân cận của chúng ta, nhận biết vẻ đẹp khi chuyển cầu cho người khác; chúng ta hãy cầu xin Ngài ơn hiệp nhất hữu hình giữa những người tin vào Đức Kitô – chúng ta vừa kêu xin một cách mãnh liệt trong Tuần Cầu cho Sự Hiệp Nhất của Các Kitô Hữu - chúng ta cầu xin để luôn luôn sẵn sàng để đáp lại bất cứ ai hỏi chúng ta lý do của niềm hy vọng nơi chúng ta (x. 1Pr 3, 15). Xin chân thành cám ơn Anh Chị Em.

(Bài Huấn dụ của Đức Thanh Cha Benedicto XVI. Buổi triều yết thứ tư hằng tuần ngày 25-1-2012. Dịch từ nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh Công Bố, ngày 25-01-2012. Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 27-1-2012).


Các bài viết mới hơn
     NHỮNG CÂU HỎI CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LƯỢNG ĐỊNH LÒNG NHÂN ÁI - Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
     Ghanh Tỵ....... Cơn Khát Vô Cùng Của Nhân Loại - Lyeur Nguyễn
     Tuổi trẻ trong vòng vây của cơn cám dỗ - Giuse Phạm Đình Ngọc . SJ
     Nhà Là Nơi....... Lyeur Nguyễn
     ĐHY Tagle: 7 năm với Đức Phanxicô là một dụ ngôn về sự gần gũi của Thiên Chúa
     Dung Mạo của Lòng Thương Xót_Fr. Huynhquảng
     ĐỌC KINH THÁNH Một “bài tập thiêng liêng”_ Giuse NGUYỄN Văn Lộc, SJ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016
     SUY NIỆM 20 MẦU NHIỆM MÂN CÔI THEO Ý CHỈ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
     100 Truyện tích Chuỗi Hạt Mân Côi - Nguồn gốc, lịch sử chuỗi hạt Mân côi, Kinh Mân côi

Các bài viết cũ hơn
     THINH LẶNG VÀ LỜI NÓI : HÀNH TRÌNH CỦA VIỆC RAO GIẢNG PHÚC ÂM
     KHÔNG GÌ ĐẸP HƠN NỤ CƯỜI CỦA MỘT TRẺ THƠ!
     DUY NHẤT THIÊN CHÚA CHỮA LÀNH MỌI VẾT THƯƠNG!
     CÂY DÙ CỦA NIỀM TIN
     CON THÁNH THIỆN NHỜ CHA MẸ HIỀN ĐỨC
     MỖI NĂM MỚI, MỘT CUỐN SÁCH MỚI!
     CHÚA GÌN GIỮ BƯỚC CHÂN NGƯỜI TRUNG HIẾU
     ĐẠO CÔNG GIÁO THAY ĐỔI HẲN CUỘC ĐỜI TÔI!
     ĐẸP THAY BƯỚC CHÂN NGƯỜI RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG!
     MỪNG ĐÓN CHÚA VÀO GIA ĐÌNH NHÂN DỊP NĂM MỚI. Antôn Lương Văn Liêm