CHỦ NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN
Là
người Ki tô hữu, chúng ta phải dấn thân, và nhiều khi sự trung thành dấn thân
đi ngược lại phán đoán của nhiều người. Đừng bao giờ ngần ngại, và lo sợ, nhưng
hãy kín múc sức mạnh từ lòng can đảm vô biên của Chúa Giê su, Ngài đã kiên trì
đến cùng, và với sự nâng đỡ của những người đi trước chúng ta..
Tiên tri Gr 38,4-6.8-10
Suốt
cuộc đời của mình, Giê rê mi a, con người hiền hòa có trái tim đễ rung động,
không ngừng tố cáo những ảo tưởng của một Dân tộc tìm kiếm sự an ninh của mình
nơi các phương tiện vũ lực. Ông không ngừng chịu đựng cuộc bách hại bởi vì người
ta tố cáo ông có tinh thần bạc nhược và cộng tác với quân địch. Đối với chúng
ta là những ki tô hữu, ông là tiền trưng cho Đức Ki tô, bị khước từ bởi chính
những kẻ mà Ngài đến ban cho sự bình an và ơn Cứu độ.
Thánh vịnh 39
Trong
quá khứ, Thiên Chúa đã cứu thoát Tôi tớ của Ngài khỏi tình cảnh khốn khổ như
Người đã làm cho Tiên tri Giê rê mi a. Người tôi tớ nầy nói lên lời tạ ơn và
xin Người tiếp tục công cuộc cứu độ.
Hr 12, 1-4
Người
Ki tô hữu được mời gọi chia sẻ đường đi của tất cả các tín hữu Cựu Ước chỉ nhìn
thấy Đấng Messia từ rất xa. Chúa Giê su đã phải đương đầu với sự chống đối mà
những ai muốn làm chứng cho Ngài cũng phải đối mặt. Chúng ta đừng để mình bị thất
vọng khi tất cả mọi người từ bỏ chúng ta.
Tin mừng Lc 12,49-53
NGỮ CẢNH
Phần
cuối cùng của diễn từ gom lại một vài lời mà Chúa Giê su đã nói trong nhiều
hòan cảnh khác nhau: Ngài nói về chính mình, về các mục tiêu và kết quả nơi sứ
vụ của Ngài.
TÌM HIỂU
Thầy
đã đến: Chúa Giê su, đấng phải đến (12,36), nhắc lại tại sao Ngài đã được sai đến
giữa lòai người (x. 4,18; 5,32;19,10).
Lửa:
Gioan Tẩy giả loan báo một phép rửa trong Thánh Thần và lửa (3,16), trong một
ngữ cảnh phán xử. Có lẽ ông nghĩ đến khía cảnh thiêu hủy của lửa (3,9.17) như
các môn đệ trong 9,54.
Thật
ra Chúa Giê su nói về lửa trong những lần Thiên Chúa tỏ hiện (x. thí dụ Xh 3,2:
bụi gai bốc cháy), và nhất là lửa của Thánh Thần, vừa là ánh sáng, sức nóng, vừa
là tình yêu và lan truyền như một đám cháy trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3-11).
Lửa ấy sẽ xuống trên Chúa Giê su khi Ngài lãnh nhận phép rửa sự chết.
Phép
rửa: đây không phải là một hình ảnh hoàn toàn song song với hình ảnh trước. Xét
theo vài khía cạnh nào đó, nó đối ngược lại. Trong khi lửa diễn tả mục tiêu sứ
mạng của Chúa Giê su, thì phép rửa nói lên một điều kiện bất ngờ, vì sự đối
kháng của con người. Thật vậy, ở đây hình ảnh ấy bao hàm một sự dìm mình của
Chúa Giê su trong dòng nước sự chết (x. Mc 10,38; Rm 6,3-5); phép rửa trong
sông Gior đa nô chỉ là tiên báo (3,21). Chỉ với phép rửa thì sứ mạng của Ngài mới
hoàn tất. Và Chúa Giê su muốn rằng phép rửa ấy xảy ra càng sớm càng tốt. Từ đây
đến đó, Ngài phải tỏ ra kiên trì cũng như các môn đệ của Ngài phải kiên trì trước
việc Ngài chậm trở lại (12,36).
Hòa
bình: cũng như lửa và phép rửa, cần phải phân biệt mục tiêu mà Chúa Giê su nhắm
đến, đó là hòa bình mà chắc chắn Ngài sẽ mang lại (2,14;10,5) và kết quả: sự
chia rẽ giữa người với người trong cùng một gia đình. Không được lẫn lộn mục
tiêu và kết quả.
Chúa
Giê su là dấu chỉ của sự đối kháng (2,34). Ngài đã muốn thiết lập một gia đình
mới, to lớn rộng rãi hơn gia đình tự nhiên, được đặt trên nền tảng sự mau mắn lắng
nghe Lời Thiên Chúa (8,21).
Cha:
đây là một cuộc chạm trán giữa các thế hệ chứ không phải giữa anh em. Tiên tri
cuối cùng của Cựu Ước loan báo rằng ông Ê lia sẽ trở lại để hòa giải cha với
con (Ml 3,23-24) và Gioan Tẩy giả cũng đã được giới thiệu như thế (1,17). Thế
nhưng điều không thể tránh khỏi là lời rao giảng của Chúa Giê su đã gây ra những
phản ứng khác biệt và đối kháng nhau (x. dụ ngôn người gieo giống: 8,4-15).
Lối
thoát của những cuộc chạm trán nầy chỉ có thể là công việc của Thánh Thần trong
các tâm hồn: chỉ bấy giờ hình an của Đấng Phục sinh (24,36) sẽ ngự trị trên tất
cả và trong tất cả.
SỨ ĐIỆP
“Ta
mang lửa từ trời xuống đất..” Làm sao mà những lời nói đầy bạo lực như vậy lại
có thể phát ra từ miệng Chúa Giê su? Chúng ta cảm thấy bị bất ngờ, vì chúng ta
chưa hiểu đúng tin mừng. Tin mừng không phải là một quyển tiểu thuyết, nhưng là
một quyển sách có lửa, khiêu khích người đọc. Và nếu đọc kĩ, người ta không thể
không bị thương tích vì nó.
Lửa
mà Chúa Giê su muốn thấy chính là lửa tình yêu ở trong Ngài. Nó phải được lan
truyền ra trong các gia đình, các trường học và trên toàn thế giới. Thứ lửa
thiêu đốt Đức Ki tô đó chính là lửa tình yêu Ba ngôi. Ngài đã yêu thương con
người như Thiên Chúa Cha đã yêu thương. Người đã đi bước trước đến với họ. Người
đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vô biên vượt quá tất cả những gì mà
chúng ta có thể tưởng tượng được. Chúng ta không thể yêu hơn hay tốt như Người
được. Mãi mãi chúng ta không bao giờ khám phá hết sự cao cả ấy.
Chính
ngọn lửa thiêu đốt ấy là điều Đức Ki tô muốn truyền lại cho chúng ta: “Anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đó chính là tình yêu sung
mãn mà Đức Ki tô muốn chuyển thông cho chúng ta. Chúng ta phải cố gắng tin rằng
những đóm lửa Hiện xuống cũng đậu trên đầu chúng ta và đã bừng cháy lên. Từ nay
mục đích cuộc sống chúng ta hoàn toàn là để khêu lên ngọn lửa ấy. Ngọn lửa ấy
phải được lan rộng khắp thế gian qua hành động của những người thiện chí. Một
ngày nọ, một thầy dòng đến gặp cha bề trên và thưa: “Thưa Cha, con trung thành
giữ luật nhà, ăn chay, cầu nguyện. Con thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi tư tưởng xấu.
Vậy con cần phải làm gì nữa?”. Cha bề trên đáp lại: “Còn phải làm điều nầy là
biến chính mình con hòan toàn thành ngọn lửa”.
Ngọn
lửa ấy, chính là ngọn lửa nung nấu. Ai trong chúng ta cũng đều mong đứng gần lò
sưởi khi trời giá lạnh bên ngòai. Tình yêu Đức Ki tô sưởi ấm những tâm hồn giá
lạnh và đóng băng vì những biến cố của cuộc đời. Chúng ta hãy nhớ các môn đệ
làng Em maus: “Tâm hồn chúng ta lại đã không bừng cháy lên khi Ngài cắt nghĩa
Thánh Kinh cho chúng ta đó sao?” Cũng thế, chúng ta có thể lan truyền ngọn lửa
Tình yêu ấy bằng cách sưởi ấm những người tuyệt vọng trong thế giới chúng ta.
Chính qua chúng ta mà Đức Ki tô yêu thương và cứu vớt họ.
Ngọn
lửa ấy cũng là ngọn lửa soi sáng. Và nói đến đây, tự nhiên chúng ta nghĩ đến
ánh sáng mặt trời. Đó là hình ảnh của
ánh sáng Thần Linh nơi chính Đức Ki tô đã giải sáng trên thế gian của
chúng ta. Lời Ngài đến chiếu sáng cuộc đời chúng ta và ban cho nó một ý nghĩa.
Chính Ngài đến với chúng ta như ánh sáng của trần gian. Ánh sáng ấy được chuyển
giao cho chúng ta ngày chúng ta chịu phép Rửa. Giờ đến phiên chúng ta hãy mang
nó và chiếu giải nó trong thế gian đã mất phương hướng nầy. Chúng ta sẽ là ánh
sáng khi công bố tin mừng và sống trong tình yêu Tin mừng. Một ngạn ngữ châu
Phi nói rằng: “ Nơi nào người ta thương mến nhau thì nơi đó không còn bóng tối
”.
Một
đặc tính khác nữa của lửa, là thanh tẩy. Nó tiêu hủy mọi thứ rác rưởi. Nó đốt
thành tro tất cả những gì vô ích. Lời Đức Ki tô có sức mạnh thanh tẩy của lửa.
Lời tiêu hủy tất cả những gì phản lại tình yêu. Một ki tô hữu không thể chúc
lành tất cả những gì mang danh nghĩa là “hiện đại” ở trong thế giới hiện nay.
Có những luật lệ và cách sống “hiện đại” mà Hội Thánh không chấp nhận vì chúng
đi ngược lại với tin mừng. Vì thế chúng ta phải tố cáo nó, như lời khuyến cáo của
tiên tri Ê dê ki ên đã nói: “Nếu ngươi không bảo những kẻ xấu bỏ cách sống tội
lỗi của nó, thì nó sẽ chết vì tội của nó. Nhưng ngươi ta sẽ đòi nợ máu của người”.
Đó
là ngọn lửa tình yêu mà Chúa Giê su đến để đốt lên. Điều Ngài mong muốn không
gì khác hơn là tiếp sức cho Ngọn lửa ấy cháy mãi để không bao giờ tàn lụi. Để
nó có thể tiếp tực sưởi ấm và soi sáng, cần phải có những khúc củi chấp nhận chết
đi và thiêu cháy. Ngọn nến đẹp lung linh nhưng sáp thì phải trả giá. Tình yêu
vô biên của Đức Ki tô được mạc khải trên thập giá, nhưng với giá của cả một cuộc
đời vất cả làm việc và rao giảng. Nếu chúng ta muốn ngọn lửa tình yêu ấy được
lan truyền trong thế gian, thì nó cũng phải được tiếp sức bởi những cố gắng và
hi sinh của chúng ta. Phải để những điều ích kỉ và tầm thường trong chúng ta bị
thiêu hủy.
Nếu
chúng ta chọn sống theo đúng từng chữ những lời dạy của Đức Ki tô, sẽ có tranh
chấp giữa mẹ và con gái, mẹ chồng và nàng dâu. Những cuộc tranh chấp đó không
phải là mục tiêu mà Đức Ki tô nhắm đến, nhưng thường khi là hậu quả đến từ cuộc
sống trung thành với tin mừng.
Thật
vậy, trong cùng một gia đình có những người gắn bó với Đức Ki tô và những người
từ khước Ngài. Lời của Ngài mời gọi chúng ta hãy chọn lập trường chống lại tất
cả những gì ngược lại tình yêu, ngay cả bên trong chính gia đình chúng ta.
Chúng
ta đang sống trong một thế giới băng giá vì ích kỉ, vì cá nhân chủ nghĩa và vô nghĩa.
Để hoàn thành sứ mạng của mình, Giáo hội cần đến những người tín hữu có tâm hồn
lửa. Francois Mauriac đã viết; “Nếu bạn là môn đệ Đức Ki tô, nhiều người sẽ nhờ
ngọn lửa ấy mà sưởi ấm. Nhưng có những ngày mà bạn không đốt nóng bằng tình
yêu, thì những người khác sẽ chết vì lạnh lẽo”. Vâng, đúng là như vậy, ở dưới đất
nầy chúng ta hãy để cho tâm hồn chúng ta được thiêu đốt bằng chính tình yêu ở
trong Thiên Chúa.
ĐÀO SÂU
DÁM SỐNG NHƯ TIÊN TRI.
Gr
38,1-2ab, 4-6, 8-10 Tiên tri là dấu chỉ mâu thuẫn
Tv
40,1, 2, 3, 17 Lạy Chúa xin giúp con, xin mau đến giúp con
Hr
12,1-4 Chiến đấu trong đức tin theo gương Chúa Giê su
Lc
12,49-53 Chúa Giê su là cớ gây chia rẽ giữa người với người
1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với
nhau theo chủ đề nào?
THƯA: DÁM SỐNG NHƯ TIÊN TRI. Tiên tri Giê-rê-mi-a vì Lời Chúa mà bị
bách hại (Bđ 1). Cuộc đời của ông báo trước cuộc Tử nạn của Chúa Giê su bị
chống đối vì Tin mừng (BTM). Ngày nay, được một đoàn thể các thánh chứng nhân
nâng đỡ, chúng ta phải can đảm xông vào chiến trận đang chờ đợi chúng ta để đi
tới vinh quang hạnh phúc mà các Ngài đang chờ (Bđ2).
2. HỎI: Bối cảnh bài đọc thứ nhất.
THƯA: Gần ba
phần tư thế kỉ sau cái chết của tiên tri I-sai-a, không một tiên tri lớn nào xuất
hiện tại Giu-đa. Trong suốt thời gian trên ngai vàng, vua Ma-nát-sê đã củng cố
việc thờ bụt thần nên đời sống luân lí của dân bị sa lầy hơn bao giờ hết. Tiên
tri nào dám đứng lên chống đối và cảnh giác sẽ bị bắt im tiếng hoặc bị giết một
cách dã man. Chỉ sau khi các vua kế vị Ma-nát-sê lên ngôi thì các ‘người của
Thiên Chúa’ mới có thể xuất hiện và một thế hệ vàng tiên tri thứ hai bắt đầu với
Giê-rê-mi-a, Na-hum, Ha-ba-cúc, Ê-dê-ki-ên, và Đa-ni-ên. Vị nổi tiếng nhất là
Giê-rê-mi-a.
3. HỎI: Bài đọc một (Gr 38,1-2ab,
4-6, 8-10) có nội dung như thế nào?
THƯA: Các thủ
lãnh Ít-ra-ên đòi nhà Vua bắt tiên tri Giê-rê-mi-a bỏ xuống giếng vì cho rằng
ông chỉ gieo tai họa cho toàn dân, khiến mọi người và binh sĩ nản lòng. Vua liền
sai người bắt Giê-rê-mi-a bỏ xuống giếng. Nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi kẻ
Người đã chọn, nên sai một người ngoại giáo là Ê-vét Mê-léc đến can thiệp để cứu
sống tiên tri.
4. HỎI: Thiên Chúa đã trả lời thế
nào trước cơn tuyệt vọng của Giê-rê-mi-a?
THƯA: Trong
lúc tiên tri Giê-rê-mi-a hoàn toàn tuyệt vọng, Thiên Chúa đã củng cố sứ mạng của
ông và đã lặp lại lời hứa nâng đỡ ông: ‘Ta sẽ giải thoát ngươi khỏi tay kẻ dữ,
sẽ cứu chuộc ngươi khỏi bàn tay hung tàn’ (15,21).
5. HỎI: Trong Kinh Thánh người ta
có gặp được người ngoại giáo tốt bụng không?
THƯA: Có.
Ê-vét Mê-léc là người đất Cút. Ông nầy đã đi đến vua trình bày sự việc, xin vua
giải cứu. Sau khi nhà vua cho phép, ông đã đem theo 30 người, vào đền vua lấy
những mảnh vải cũ và thòng dây thừng xuống giếng để cứu sống vị tiên tri (Gr 38,7-13).
Câu chuyện cứu sống tiên tri Giê-rê-mi-a khiến người ta nhớ đến một người ngoại
khác cũng hành động y như thế: đó là người Sa-ma-ri nhân hậu trong dụ ngôn của
Chúa Giê su.
6. HỎI: Bài đọc một đem lại cho
ta bài học nào?
THƯA: Ê-vét
Mê-léc đã thể hiện tình yêu thương tuyệt vời đối với Giê-rê-mi-a khi cứu sống
ông. Tình yêu thương ấy thật cần thiết để loan truyền Tin mừng tình yêu, một
Tin mừng có những đòi hỏi thường bị người đời chống đối.
7. HỎI: Sứ mạng của tiên tri
Giê-rê-mi-a và của Chúa Giê su có giống nhau không?
THƯA: Rất giống
nhau. Chúa Giêsu bị chính dân Ngài ruồng bỏ. Giêrêmia cũng vậy. Chúa Giêsu bị
đánh đập, bị khổ hình và bị giết chết, Giêrêmia cũng không thoát khỏi thân phận
này. Ngoài ra, sự giằng co nội tâm khi Giêrêmia càm thấy quá sức chịu đựng
đến nỗi muốn từ bỏ sứ mạng. Chúa Giêsu cũng vậy trong vườn Cây dầu, khi bị giằng
co giữa việc thi hành sứ mạng với ý riêng. Vì thế Giêrêmia là vị tiên tri tiền ảnh
của Chúa Giêsu.
8. HỎI:
Bài đọc 2 (Dt 12,1-4) có nội dung như thế nào?
THƯA: Trước
hoàn cảnh các kitô hữu gốc Do thái đang gặp phải rất nhiều khó khăn, tác
giả thư Híp ri đã nêu gương Chúa Giêsu để an ủi và khuyến khích họ hãy nhìn thẳng
vào Chúa Giêsu. Ngài cũng gặp muôn vàn khó khăn nhưng đã kiên trì chiến đấu và
cuối cùng đã chiến thắng tất cả.
9. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc
12,49-53) như thế nào?
THƯA: Sau khi
nói về tôi tớ và chủ (Lc 12,48) Chúa Giê su
chuyển sang những đề tài khác. Tước hết nói về nguyện vọng sâu xa của
Ngài (12,49-50); và sau đó là sự chia rẽ, hậu quả sứ mạng Ngài gây ra
(12,51-53).
10. HỎI: Chúa Giêsu đã mang đến
cho trần gian thứ lửa nào?
THƯA: Ở đây,
Chúa Giê su không nói đến lửa hận thù và hủy hoại. Nhưng là lửa thanh luyện tâm
hồn do lời và gương sống của Chúa Giê su đem lại và được kiện toàn nhờ công việc
của Chúa Thánh Thần. Lửa ấy ẩn chứa trong sứ mạng của Ngài.
11. HỎI: Chúa Giêsu muốn có sự bất
hòa?
THƯA: Tất
nhiên là không, tuy nhiên Ngài và giáo lí của Ngài sẽ là cơ hội tạo nên chia rẽ
và hận thù giữa những người tiếp nhận và từ khước lời rao giảng của Ngài.
12. HỎI: Chúa Giê su đã có kinh
nghiệm về điều ấy không?
THƯA: Có.
Chúa Giê su nói về kinh nghiệm mà chính Ngài đã gặp trong chuyến về thăm quê
hương. Ngài đã gặp phải phản ứng chống đối dữ dội của những người đồng hương: ‘Mọi
người trong hội đường đầy phẩn nộ khi nghe những lời Ngài nói. Họ đứng dậy, lôi
Ngài ra khỏi thành….’ (Lc 4, 28-29).
13. HỎI: Ngay cả trong vòng những
người thân cận với Ngài?
THƯA: Đúng. Trong
vòng những người thân cận Chúa Giê su cũng gặp chống đối theo lời thánh Gioan
thuật lại: ‘Chính anh em Ngài cũng không tin vào Ngài’ (Ga 7,5). Lời tiên tri
Mi-kha đã thành sự thật: ‘Con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại
mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hóa ra thù địch’ (Mk 7,6).
14. HỎI: Chúa Giê su đã dạy các
môn đệ như thế nào về điều ấy?
THƯA: Chính
Chúa Giê su không ngần ngại nói với các môn đệ của Ngài rằng một trong những điều
kiện cho việc rao giảng Nước Thiên Chúa là chấp nhận những sự chia rẽ ấy: ‘Ai đến
với Ta mà không dứt bỏ cha me, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa,
thì không thể làm môn đệ Ta được’ (Lc 14, 26).
15. HỎI: Các tông đồ đã có những
kinh nghiệm giống như thế không?
THƯA: Có. Như
thánh Phao lô nói với tín hữu Cô-rin-tô rằng: ‘Chúng tôi rao giảng một Đức Ki
tô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và
dân ngoại cho là điên rồ’ (1Cr 1,23).
16. HỎI: Khi nào Chúa Giêsu thắp
lên ngọn lửa ấy?
THƯA: Nó sẽ được
thắp sáng trên thập giá và sẽ lan ra toàn thế giới một cách mãnh liệt như đám
cháy rừng không thể chế ngự được.
17. HỎI: Phép rửa mà Chúa Giêsu
phải nhận là gì và tại sao Ngài cảm thấy lo lắng?
THƯA: Phép rửa
ở đây cũng có ý nghĩa là sự đau khổ. Trong cuộc Thương khó, Chúa Giê su sẽ lãnh
nhận một phép rửa đau khổ, Ngài sẽ bị chìm ngập trong cuộc khổ nạn tàn bạo nhất.
Đấng Cứu Độ hoàn toàn biết cái chết đau đớn nào đang chờ đợi mình, vì thế Ngài
sống trong trạng thái lo lắng. Không phải lo lắng vì khiếp sợ mà lo lắng vì đó
là một Hi tế Cứu độ trần gian mà Ngài phải hoàn tất theo Thánh ý Chúa Cha.
18. HỎI: Tại sao Chúa Giê su nói
Ngài mang đến sự chia rẽ chứ không phải hòa bình?
THƯA: Theo Lu
ca, hòa bình là ơn của thời thiên sai (2, 14. 29), nhưng đó không phải là thứ
hòa bình trần gian dễ dãi như người ta tưởng. Ơn bình an đích thật là được hòa
giải với Thiên Chúa và tha nhân, và phải được lãnh nhận với lòng sám hối chân
thành. Đó là một đòi hỏi mà nhiều người chống đối, và do đó, lời rao giảng của
Ngài khởi đầu cho thời khắc chia rẽ.
19. HỎI: ‘Trong một gia đình năm
người…’ nghĩa là sao?
THƯA: Đó là
con số biểu tượng cho một gia đình hiệp nhất và bình an, vì dựa trên các mối
quan hệ máu huyết. Những gia đình hợp nhất như thế sẽ bị chia thành hai nhóm đối
lập ngay lúc cần phải quyết định theo hoặc chống lại Chúa Giêsu.
20. HỎI: Chúa Giêsu có ý gì khi
nói: ‘Và tại sao anh không xem xét điều gì nơi anh em là công chính’?
THƯA: Là cần
phải nhận ra thời đại thiên sai vì Ngày Xét xử đã gần. ‘Điều gì đúng’ có nghĩa
là những gì phải làm, đó là sám hối, ăn năn trong khi còn thời gian.
21. HỎI: Ý nghĩa ẩn dụ của câu 58
và 59 là gì?
THƯA: Các câu
trên chỉ ra các nhiệm vụ được giao phó cho mỗi người khi thời đại Mê-si-a đến gần
để tránh sự phán xét nghiêm khắc của Thiên Chúa. Hình ảnh được lấy từ môi trường
tư pháp, khi hai người có mâu thuẫn vì lợi lộc, thì người mắc nợ khôn ngoan tìm
một giải pháp hòa bình với người cho vay trước khi phải ra trước tòa án, nơi sẽ
theo quy định của phép công bằng để giải quyết. Do đó, người đương thời của Chúa
Giêsu phải ứng xử khôn ngoan để tránh bị Thiên Chúa xét xử và trừng phạt. Hiện
giờ họ còn thời gian để được hòa giải với Đấng Toàn Năng, làm việc đền tội, nếu
không coi chừng sẽ là quá muộn.
22. HỎI: Chúng ta có thể nghĩ rằng
ngọn lửa Đức Kitô mà Đức Ki tô mang đến đã được tỏ hiện trong những giai đoạn
trong lịch sử của Giáo Hội?
THƯA: Tất
nhiên, lửa này tượng trưng cho tất cả sức mạnh thể hiện trong các biến cố lớn
trong lịch sử Kitô giáo: trong các cuộc truyền giáo, trong phong trào đại kết,
trong việc Giáo Hội hướng dẫn các quốc gia và chính phủ trong lãnh vực đạo đức,
trong đời sống và hoạt động phong phú của các thánh, vv…. Đặc biệt, ngọn lửa ấy
thể hiện qua Lề Luật Vình cửu Thiên Chúa được đặt nơi trái tim của con người, đặc
biệt là trong thời gian Giáo Hội Chúa Kitô bị bách hại.
23. HỎI: Chúa Giêsu có thể là một
nguyên nhân của sự chia rẽ?
THƯA: Qua hình
ảnh của Mục Tử Tốt lành, Chúa Giêsu chắc chắn không phải nguyên nhân chia rẽ.
Ngài dịu dàng, nhân từ, hay thương xót và luôn luôn tha thứ, được tất cả mọi
người yêu mến. Lời loan báo Nước Trời, cũng như các giáo huấn của Ngài tuy mang
lại niềm vui, nhưng đòi hỏi phải dứt khoát. Vương quốc của Thiên Chúa đi ngược
với thực tế xã hội, với một bản chất con người bị thương do tội nguyên tổ, với
nhiều ách nô lệ tinh thần của chúng ta, vật chất và trần tục. Chúa Giêsu trở
thành nguyên nhân của sự chia rẽ, vì không phải tất cả mọi người chấp nhận
Ngài. Và trong số những người tự nhận mình là môn đệ của Chúa, không phải tất cả
mọi người lắng nghe giáo huấn của Ngài trong cùng một cách, bởi vì trong sâu thẳm
của mỗi con người có một cuộc đấu tranh liên tục giữa thiện và ác và Ngôi Ba
Thiên Chúa cư ngụ tạo nên căng thẳng. Thiên Chúa muốn chúng ta kiên trì trong sự
thiện và quyết định trong sự lựa chọn để đi với Người. Chắc chắn hình ảnh của
Chúa Chiên Lành không bị gạt ra: Thiên Chúa sẽ thương xót với những người ít ra
có cố gắng hướng về sự Thiện, mặc dù với kết quả khiêm tốn.
24. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời
Chúa như thế nào?
THƯA: 1. Chúa
Giê-su không những mời gọi chúng ta hãy thành thực chấp nhận những ‘chia rẽ’ để
đi theo Người, mà còn ước mong chúng ta trở nên ‘đồng hình đồng dạng’ với Người.
2. Hãy chia tay với lối sống cũ tội lỗi để mặc lấy đời sống mới trong Thánh Thần.
Hãy chia rẽ với lòng tham lam của cải tiền bạc, để cố gắng đi tìm Nước Trời. Bỏ
lại hận thù để yêu thương những người làm tổn thương chúng ta. Người muốn chia
rẽ chúng ta với tính ích kỷ để chúng ta đến giúp đỡ người nghèo khổ. 3. Vì thế
một cách nào đó, Chúa Giê-su đem đến cho chúng ta toàn là những chia rẽ, nhưng
tất cả đều nhằm làm cho mối tương quan giữa chúng ta với Người được khắng khít.
Chúa Giê-su là gương mẫu trong cuộc chiến nội tâm.
GLCG
575. Vì vậy, một số việc làm và lời nói của Chúa Giêsu đã là ‘dấu hiệu cho người
đời chống báng’ đối với giới lãnh đạo tôn giáo tại Giêrusalem, những người mà
Tin mừng thánh Gioan thường gọi là ‘người Do Thái’, hơn là đối với đại chúng
dân Thiên Chúa. Các liên hệ giữa Chúa Giêsu với nhóm Pharisêu không phải chỉ là
bất đồng. Một số người Pharisêu đã báo cho Người biết mối nguy hiểm đang đe dọa
Người. Chúa Giêsu ca tụng một số người trong họ, ví dụ như vị kinh sư nói trong
Mc 12,34, và nhiều lần Người đã dùng bữa tại nhà những người Pharisêu. Chúa
Giêsu xác nhận những giáo lý chung trong nhóm tôn giáo ưu tú này của dân Chúa:
việc kẻ chết sống lại, các hình thức đạo đức (bố thí, ăn chay và cầu nguyện),
và thói quen gọi Thiên Chúa là Cha, tính chất trung tâm của giới răn mến Chúa
yêu người. (x. Chúa Giêsu: dấu hiệu của sự mâu thuẫn 575-576. Cầu nguyện: tin
tưởng vào Thiên Chúa. Kiên trì trong tình yêu. Ước muốn cháy bỏng cho thánh ý
Chúa được thực hiện 2738-2745, 2803-2804).