Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên B
ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG
Lời Chúa: Lc 1, 26-38
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.
32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm:
Biến cố truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en cho Đức Maria ngay sau biến cố truyền tin cho ông Da-ca-ri-a, cách đó sáu tháng. Khi thiên sứ Gáp-ri-en truyền tin cho ông Da-ca-ri-a, chúng ta bắt gặp một bức tranh thật khác so với bức tranh mà thiên sứ Gáp-ri-en truyền tin cho Đức Maria. Da-ca-ria, một vị thượng tế thánh thiện trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, ông là nhân vật của dân chúng, được mọi người kính trọng và biết đến; còn Đức Maria, chỉ là một cô thôn nữ vô danh, không ai chú ý đến. Thiên sứ Giá-ri-en hiện ra với Da-ca-ri-a trong đền thờ, là nơi thánh thiêng, là trung tâm tôn giáo chính thức của dân chúng, nơi đó mọi người luôn tin rằng Thiên Chúa đang ngự giá; còn với Maria, thiên sứ đến một ngôi nhà dân giả, bình dị, một nơi thân quen với đời sống thường nhật của mỗi người. Đền thờ thì nằm ở Giê-ru-sa-lem hoa lệ, một thành thánh lộng lẫy, nhiều người biết đến; còn ngôi nhà nơi Đức Maria tiếp kiến sứ thần lại nằm ở một làng quê Na-da-rét, một ngôi làng vô danh tiểu tốt ở đất nước Do Thái mà hầu như chẳng ai bận tâm. Như lời của Na-tha-na-en đã nói, khi bảo với Phi-líp-phê: “Ở Na-da-rét thì có cái gì hay được” (Ga 1, 46). Như thế, sự khác biệt của hai bức tranh này phải có một ý nghĩa gì khác? Phải chăng Thiên Chúa đã thiên di, từ trời xuống đất, từ đền thờ đến chốn nơi ta sinh sống, từ những nơi mà con người nghĩ Thiên Chúa chỉ có thể ở đó đến nơi tâm hồn mỗi con người?
Quay lại với lời đầu tiên của sứ thần Gáp-r-en, giúp ta nhận thức rõ sự vi hành của Thiên Chúa. Sứ thần đến miền gọi là Na-da-rét, để gặp một trinh nữ tên là Maria và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà”. Thiên Chúa không mời Đức Maria vào nơi đền thờ để tỏ ý định của mình cho ngài, nhưng Thiên Chúa đến tận nhà. Thiên Chúa cũng không chọn lựa một đấng vị vọng trong dân, như một hoa tiêu, một đại diện tiêu biểu để công bố sứ điệp Nhập Thể, nhưng lại đến và chọn một thường dân mà không ai có thể ngờ đến. Thiên Chúa cũng không chọn một con người có vị thế xã hội, giàu có nhưng lại chọn một kẻ nghèo hèn, chất phác và khiêm nhường… Tất cả những biến cố đó chỉ nhằm nói lên một điều “ÂN SỦNG” của Thiên Chúa luôn tràn đầy nơi nhân loại. Chính lẽ đó mà ta có thể hiểu lời chào của sứ thần “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng”. Nó không chỉ hàm ý rằng, Maria là một thụ tạo đẹp lòng Thiên Chúa, và sứ thần mời gọi mẹ hãy vui lên vì ân sủng của Chúa mà mẹ đã và đang đón nhận; nhưng còn hàm chứa một ấn nhiệm khác cho mỗi chúng ta. Bởi lẽ, lời chào ấy không gọi đích danh “mừng vui lên hỡi cô Maria đầy ân sủng”, nhưng là “mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng”. Tên riêng của mẹ Maria được thay thế, hay nói cách khác Maria có một tên mới, tên “đầy ân sủng”, để diễn tả một ý nghĩa rộng hơn về một danh tánh. Không còn là danh của một người nữ, nhưng là một đại diện lớn hơn.
Danh hiệu “Đấng đầy ân sủng” là tên mới của Đức Maria trong mắt của Thiên Chúa, nhưng danh ấy cũng có thể dành cho mỗi người tín hữu chúng ta trong tình yêu Cứu độ của Thiên Chúa. Bởi khi mỗi người ki-tô hữu lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi người tín hữu được tái sinh bởi nước và thần khí, được trở nên tinh tuyền để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, từ Thiên Chúa như đặc ân của Mẹ Maria. Chính đặc ân “đầy ân sủng” đó mà Mẹ Maria đã can đảm nói tiếng “xin vâng” để sau đó giới thiệu Ngôi Hai nhập thể cho mọi người. Đến lượt mình, Thiên Chúa cũng luôn di hành đến nơi tâm hồn mỗi người để nhắc lại lời “ân sủng”, là thụ tạo mới tinh tuyền được trần đầy ân sủng khi nhận bí tích rửa tội, và Ngài mời gọi chúng ta ý thức về sự hiện hiện của Ngài nơi tâm hồn mình để giới thiệu Chúa cho mọi người, chứ không phải nơi nhà thờ, nơi hành hương, hay một nơi nào khác.
Ước gì, “Đấng đầy ân sủng” là một mẫu gương, một động lực cho đời sống đức tin của mỗi chúng ta, khi thông hiệp với mẹ mang Chúa đến cho mọi người.
(Xuân Hạ, OMI)