Lễ Thánh Rosa
thành Lima
(Lễ nhớ tự do)
Mt 23,1-12
Lịch
Phụng vụ hôm nay, 23.8.2014, nhắc chúng ta lễ nhớ thánh Rosa thành Lima, bông
hoa đầu tiên của miền Tân Thế Giới (Châu Mỹ Latinh), bởi thánh nữ là vị thánh đầu
tiên của miền đất Lima, Pêru, nghèo nàn năm xưa.
Sinh
năm 1586, Rosa được hấp thụ nền giáo dục Công Giáo trong gia đình, với lòng
sùng đạo tha thiết. Từ trong bối cảnh gia đình, chị đã biết dành cho mình những
khoảnh khắc riêng tư để cầu nguyện. Kín múc tinh thần của thánh Catarina thành
Sienna (một vị thánh tận miền Châu Âu, Italia), thánh Rosa thành Lima đã biết sống
tinh thần Dòng Đaminh, kết hiệp giữa cầu nguyện chiêm niệm với công việc tông đồ.
Cách đặc biệt, tâm tình lo việc tông đồ của chị được thể hiện qua lòng thao thức
cho ơn cứu độ của những người Da Đỏ trên lục địa quê hương chị. Cũng chính vì ơn
cứu độ cho các linh hồn, đặc biệt là những người Da Đỏ này, mà chị thánh đã biết
dành cho họ những việc khổ hạnh, cầu nguyện thân tình với Đức Giêsu Kitô. Cuộc
đời của chị đã dạy cho chúng ta giá trị và sức mạnh của việc cầu nguyện âm thầm,
là kết quả của một cuộc sống biết kết thân với Đức Giêsu Kitô. Cũng chính từ đời
sống kết hiệp này (tâm nguyện), mà cả cuộc đời vị thánh, lẫn những lời ca ngợi
trên môi miệng (khẩu nguyện), phản ánh mức độ sống Đức Tin mạnh mẽ giữa trần thế
này. Điểm son trong cuộc đời thánh Rosa thành Lima là lòng mộ mến Thánh Thể :
Chị có thể thinh lặng hàng giờ trước Thánh Thể, để được chìm ngập trong suy niệm
và cảm nghiệm mầu nhiệm tình thương mà Thiên Chuá đã dành cho nhân loại, qua đức
Giêsu Kitô. Trong tài liệu phong thánh cho chị, người ta tìm được những chứng cứ
nói về lòng nhiệt thành, mộ đạo của chị : Vì Giáo Hội, vì các linh hồn, chị sẵn
sàng đón nhận kể cả những đau khổ, đắng cay xảy đến cho chị.
Xem
trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy dân chúng và các môn đệ của
Người về sự hoà hợp giữa nếp sống đạo và sự hiểu biết về Thiên Chuá. Các Kinh Sư
và những người Pharisêu bị khiển trách là đã không biết hoà hợp giữ những hiểu
biết của mình về Lề Luật, với chính cuộc đời của họ : Họ nói, mà không thực hiện
; Họ thích được người khác biết đến mình, nhưng quên việc làm cho người khác hiểu
Luật của Đức Chuá, và yêu mến Đức Chuá qua việc tuân giữ Giới Luật của Người. Với
mầu nhiệm Nước Trời, Đức Giêsu dạy các môn đệ trước tiên phải có lòng khiêm tốn.
Đừng ai để người khác gọi mình là thầy, “vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả
anh em đều là anh em với nhau.” (c. 8). Chính tinh thần khiêm tốn này giúp người
môn đệ của Đức Giêsu Kitô học biết cách để Thiên Chuá làm trọng tâm của đời
mình, học biết Lề Luật của Người mà thực thi trong chính đời sống mình: Giới Luật
yêu thương.
Điểm
thứ hai trong giáo huấn của Đức Giêsu, mà chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng,
đó chính là tinh thần phục vụ, một tinh thần phát xuất từ thái độ khiêm tốn của
người môn đệ. “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh
em.” (c. 11). Chính trong sự phục vụ, người ta sẽ nhận ra hình ảnh của Đức
Kitô. Tinh thần tự hạ này đã được Đức Giêsu thực hiện trong mầu nhiệm nhập thể:
Người là một vì Thiên Chuá, đã tự hạ, trở nên giống như chúng ta, ngoại trừ tội
lỗi, để đưa chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chuá. Chính tinh thần khiêm hạ
này đã làm cho việc phục vụ trong Kitô giáo mang một ý nghĩa: vì yêu thương mà
phục vụ. Ắt hẳn sức mạnh của tình yêu phục vụ làm cho giá trị của việc phục vụ
trở nên quý giá; không phải việc phục vụ lớn nhỏ quyết định giá trị của công việc,
nhưng chính là lòng mến. Những giờ cầu nguyện âm thầm, những việc hãm mình của
thánh nữ Rosa thành Lima có sức mạnh biến đổi chính thánh nhân, và còn có sức
biến đổi cả những người khác, bởi sức mạnh đó đến từ lòng yêu mến Thiên Chuá.
Cùng với các vị truyền giáo vất vả ngược xuôi để loan báo Tin Mừng, còn có những
con người cộng tác với việc truyền giáo, cách âm thầm nhưng không kém phần hiệu
quả, như thánh Rosa thành Lima.
Ước
chi cuộc đời của mỗi chúng ta, dù âm thầm nơi thanh vắng, hay dù vất vả ngược
xuôi vì Tin Mừng, đều là tiếng vang của một lòng Mến: Mến Chuá và yêu thương
tha nhân. Tiếng vang này ắt hẳn phải là hoa trái của một niềm vui nội tại, xuất
phát từ Tin Mừng, một niềm vui mà con người không thể mất được dù trong mọi
hoàn cảnh, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến trong Evangelii Gaudium, một niềm
vui có sức mạnh lan toả. Amen.