Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XX Thường Niên
TÌNH THƯƠNG CỦA
THIÊN CHÚA
Lời Chúa: Mt 19,
23-30
(23) Bấy giờ Ðức Giêsu nói với
các môn đệ của Người: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước
Trời. (24) Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim
còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa". (25) Nghe nói vậy,
các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: "Thế thì ai có thể được cứu?" (26)
Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: "Ðối với loài người thì điều đó
không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được".
(27) Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa
Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy
chúng con sẽ được gì?" (28) Ðức Giêsu đáp: "Thầy bảo thật
anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con
Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử
mười hai chi tộc Ítraen. (29) Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em,
cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự
sống đời đời làm gia nghiệp.
(30) "Nhiều kẻ đứng đầu sẽ
phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu".
Suy Niệm
Ngày nọ, Thiên Chúa ngạc
nhiên thấy tất cả mọi người đều được vào thiên đàng mà không ai phải sa hỏa ngục.
Ngài suy nghĩ phải chăng Ngài là Đấng không công bằng.
Ngài gọi sứ
thần Gabriel lại và nói: “Ngươi tập trung mọi người trước mặt Ta vả đọc cho họ
nghe mười giới răn”.
Tất cả mọi
người đều đến trình diện trước tòa Chúa. Sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ nhất
và Chúa lên tiếng phán bảo: “Tất cả những ai đã phạm giới răn thứ nhất hãy xéo
ra khỏi mặt ta và đi vào hỏa ngục ngay”. Một số người từ từ ra khỏi đám đông và
buồn bã đi vào hỏa ngục.
Sứ thần
Gabriel tiếp tục đọc các giới răn khác. Cứ sau mỗi giới răn thì có một số người
rời bỏ đám đông để đi vào hỏa ngục. Sau khi sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ
sáu, thì cả đám đông đi vào hỏa ngục, chỉ trừ một vị ẩn sĩ già.
Thiên Chúa
đưa mắt nhìn sứ thần Gabriel rồi hỏi: “Phải chăng chỉ có người này được vào
thiên đàng? Nếu vậy thì ông ta sẽ cô độc lẻ loi lắm”. Nói xong, Ngài truyền lệnh
cho sứ thần Gabriel gọi đám đông lại và cho họ trở vào thiên đàng.
Nhìn thấy
đám đông tội lỗi xấu xa bỗng dưng được tha thứ và được vào thiên đàng, vị ẩn sĩ
nổi giận và hằn học nói với Chúa: “Chúa không phải là Đấng công bằng. Tại sao
Chúa không cho con biết trước điều đó?”.
Lẽ công bằng theo quan niệm của vị ẩn sĩ chẳng
khác những người thợ làm vườn nho vào những giờ đầu đã nói: Mấy người sau chót
làm có một giờ, thế mà Ngài lại coi họ làm ngang hàng với chúng tôi, là những
người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.
Còn đối với Chúa thì Ngài lại thích dùng lý lẽ của
tình thương. Vì lý lẽ của tình thương thì vượt xa lý lẽ của công bằng. Trong
gia đình, cha mẹ lo cho con cái không phải vì lý lẽ công bằng theo đúng công
lao của chúng, nhưng theo lý lẽ tình thương. Có thể một đứa con bệnh tật yếu đuối
chẳng làm gì được cho gia đình nhưng lại được chăm sóc nhiều hơn. Nếu cha mẹ
trong gia đình lại cư xử với con cái theo lý lẽ công bằng thì không biết con
cái sẽ ra sao?
Thiên Chúa của chúng ta cư xử tốt lành với chúng
ta còn hơn cha mẹ rất nhiều. Nếu ngài xử theo lẽ công bằng thì không biết chúng
ta sẽ ra sao?
Giả sử, nếu chúng ta là người thơ làm từ giờ thứ
nhất, thì ta không nên ganh tị với người làm từ giờ thứ 11 (những người bên
lương trở lại, những người hấp hối mới ăn năn tội). Trái lại, ta phải nghĩ rằng
mình hạnh phúc hơn họ vì đã được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa lâu
giờ hơn họ.
Mỗi khi ta bị cám dỗ viện lẽ công bằng để ganh tị
với người khác, ta hãy nghĩ đến câu thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội nào ai chịu nổi
được”. Nhờ Chúa cư xử bằng tình thương chứ không theo công bằng mà chúng ta mới
có thể đứng vững. Ta không phải xin Chúa giúp ta cư xử với mọi người theo lẽ
công bằng, nhưng biết vươn tới tình thương của Chúa.
Các bạn thân mến,
Tình yêu của Thiên Chúa vượt xa mọi tính toán, xin
Chúa cho chúng ta có một tình yêu bao la như Ngài, để chúng ta không nên dừng lại
ở những quyền lợi, nhưng dừng lại ở chính con người và để chỉ biết yêu thương họ
mà thôi.
Phêrô Nguyễn
Bùi Quốc Khánh
(trích trong “Câu chuyện Đức Giêsu hôm qua và hôm nay”, trang 37-38)