Trang Chủ > Truyền Giáo > Tài Liệu Khác

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015

BẢN TIN 08

vietvanduongtruong.jpg

 

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Có một sự trùng hợp bất ngờ thú vị và đầy ơn Chúa: Ba năm qua hai giải truyện ngắn Kitô giáo bằng Việt ngữ đã được phát động gần như song song trên mạng internet. Cùng lúc với Giải VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG của Ban mục vụ Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn, là Giải truyện ngắn Cơ Đốc với chủ đề “VIẾT CHO NIỀM TIN” của Đặc san Hướng Đi và trang web Sống Đạo thuộc Hội thánh Tin Lành tại Canađa.  Tối 21/9/2014, lễ trao giải Giải Viết Văn Đường Trường lần thứ hai được tổ chức tại Chủng viện Qui Nhơn, với tuyển tập Nắng Mùa Đông, 219 trang, gồm 30 truyện ngắn của 22 tác giả. Tối 14/11/2014, lễ trao giải Viết Cho Niềm Tin năm thứ hai được tổ chức tại Vancouver, Canada, với tuyển tập “VIẾT CHO NIỀM TIN – năm thứ hai”, 550 trang, gồm 70 truyện ngắn của 53 tác giả. Hiện nay, đang khi Giải Viết Văn Đường Trường lần thứ III phát đi những bản tin giới thiệu các tác phẩm đã qua vòng sơ tuyển, Giải thưởng Viết Cho Niềm Tin năm thứ ba cũng đang giới thiệu bài chọn đăng thứ 71. Quý độc giả có thể theo dõi cuộc thi 2015 trên trang songdaoonline.com tại thư mục Vườn Êđen Mới. Cùng lúc, 40 truyện của Giải thưởng 2014 được chuyển thành audio book và giới thiệu tại thư mục Sách Báo Cơ Đốc. Trong niềm hiệp thông giữa các con cái Chúa, Ban Tổ chức Giải Viết Văn Đường Trường xin chúc mừng thành công rực rỡ của Giải truyện ngắn Viết Cho Niềm Tin. Hy vọng với những nỗ lực của cả đôi bên, ngày càng có nhiều truyện ngắn hay mang nội dung Kitô giáo, giúp mọi người thêm hiểu biết và yêu mến Đạo Chúa hơn.

Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu đến quý độc giả 8 truyện dự thi đã được chọn qua vòng sơ loại. Hiện nay Ban sơ khảo đang tiến hành chấm điểm vòng 1 để chọn những truyện nổi trội giới thiệu cho Ban chung khảo. 

Xin mời quý độc giả tiếp tục theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm, đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người.

Cũng mong quí độc giả nào phát hiện có truyện dự thi đã sao chép từ một truyện khác, xin gởi thông tin về cho Ban tổ chức qua email: gopnhattho@yahoo.com – Khi có đầy đủ bằng chứng xác thực, chúng tôi sẽ loại bài đó và cả những bài khác của cùng tác giả ra khỏi cuộc thi.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Chúc tất cả một Mùa Phục Sinh đầy ơn phước Chúa.

Qui Nhơn, ngày 13-05-2015

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

 

 

BÀI DỰ THI

Mã số: 15-089

VƯỜN ÊĐEN

Ngày 01/03/2001 âm lịch… Đây là ngày mà chuyến tàu hỏa tăng cường cuối cùng chở những hành khách từ nông thôn vào lại Sài Gòn. Trên chuyến tàu mọi người xô đẩy tấp nập, nào là tiếng khóc của mấy đứa trẻ được mẹ bế trên tay, nào là tiếng giành khách của những ông phu chở thuê đồ vào tàu, nào là tiếng than thở của mấy bà cụ già…

Ngồi lên chiếc ghế cứng số 13 toa 5, Huy thở phào nhẹ nhõm khi đã sắp xếp gọn hành lý. Cảm thấy nóng và mệt, Huy ngồi xuống và thiếp ngủ đi. Tỉnh dậy Huy thấy con tàu lăn bánh lúc nào không hay biết. Ngó ra ngoài song cửa sắt, bây giờ Huy mới để ý thấy Thiên Chúa tạo ra vũ trụ thật tài tình. Ngài đã tạo dựng vạn vật tốt đẹp để cho con người hưởng dùng, thế mà con người lại không biết quý trọng và lạm dụng một cách quá đáng. Giờ này mặt trời buổi ban mai đang ưỡn ngực vươn vai, dọi xuống trên những rặng thông già, dọi vào những đám cỏ non xanh mượt, dọi xuống những hạt sương long lanh đang đậu mềm trên lá; mặt trời cũng đang dọi vào những con thú dữ hung tợn, những con nai ngơ ngác và cũng đang dọi vào thế giới của con người để con người sinh tồn.

Những tiếng xình xịch của con tàu cứ thế chuyển động đều. Chiều đến, con tàu leo lên đến đèo Hải Vân, khung cảnh chiều giờ này như một thiên đường. Ánh hoàng hôn lung linh mờ mờ, ảo ảo; xa xa đó bóng dáng những con thuyền đánh bắt xa bờ chỉ còn thấy buồm chứ không thấy nguyên cả con thuyền, lúc này mới hiểu vì sao trái đất tròn. Cả khung trời hoàng hôn dọi xuống biển lớn một màu đỏ sáng rực. Đàn chim hải âu vỗ cánh nhịp nhàng bay về tổ ấm; đôi ba chiếc thuyền, chiếc ghe gần bờ với dáng vẻ mệt mỏi sau một ngày trời làm việc. Khung trời chiều cũng như chậm lại báo hiệu một màn đêm sắp tới. Cố quan sát cảnh sắc thiên nhiên, ấy thế mà Huy cũng không phân định được ranh giới giữa ngày và đêm.

Màn đêm dần buông xuống, đâu đó trên bầu trời một vài vì sao đang lấp lóe sáng. Con tàu hỏa vẫn cứ thế chạy, nó chạy không biết mệt mỏi, nó cứ chạy dưới sự chỉ huy của tàu trưởng, nó cũng chẳng thèm để ý hành khách trên tàu đang gặp phải chuyện gì, nó cũng chẳng chờ đợi một ai lỡ chuyến, vì lịch trình nên nó cứ chạy theo giờ quy định. Đêm tối đang phủ vây cả một khung trời rộng lớn và cũng đang phủ vây cả một con tàu đang chạy trên đường ray. Giờ này mọi người đang chuẩn bị cho một giấc ngủ vào đêm.

Khi tiếng đồng hồ Huy đeo trên tay đã điểm 12 giờ đêm. Bỗng chiếc tàu chạy nhanh hơn bình thường, hình như có một thế lực siêu nhiên nào đó đang điều khiển.

Vù…vù…vù…Chiếc tàu hỏa lao nhanh khủng khiếp, trời đất như quay cuồng, gió kèm theo bụi đất thổi mịt mù. Con tàu phóng nhanh như lao xuống vực thẳm. Giật mình tỉnh giấc, Huy thấy chẳng còn một ai trên chuyến tàu. Con tàu cứ thế vút bay. Hoang mang. Lo lắng. Huy liếc ngang rồi liếc dọc nhưng chỉ thấy toàn là bóng đêm, chỉ có một ánh sáng điện nhỏ phía đàng xa đang chập chờn. Huy lo sợ đến toát mồ hôi. Cả thân mình run lẩy bẩy, tóc dựng đứng. Ngoài kia, như có một trận giông bão đang nổi lên, tiếng gió thét gào, tiếng cây cối dội vào nhau đập bụp bụp, tiếng còi tàu kêu inh ỏi. Hốt hoảng, khuôn mặt Huy tái ngắt rồi Huy lịm ngất đi lúc nào không hay biết.

Lúc tỉnh dậy, trong đầu Huy vẫn boàng hoàng và sợ hãi, cả thân mình đau ê ẩm, nhức đầu, chóng mặt. Chiếc tàu giờ này chạy chậm rãi hơn, khung cảnh trên tàu là một mớ hỗn độn, quần áo bay tả tơi, lá cây kèm theo bụi bặm nằm ngổn ngang. Huy cảm thấy lo lắng không biết mình đang đi về đâu, lo lắng vì sợ phải vào nhà dòng trễ. Bỗng còi tàu kêu một tiếng dài đằng đẵng rồi dừng lại trước một khung cảnh thiên nhiên hết sức khác thường và kỳ lạ. Cánh cửa chính toa 5 bỗng nhiên mở ra. Huy đứng lên và bước đi một cách ngập ngùng như vẻ thăm dò một cái gì đó. Khi bước ra khỏi con tàu, một khung trời khác lạ mở ra trước mắt. Do đói bụng, mệt nên Huy chạy đi tìm cái để lót lòng. Và rồi Huy thấy hoa quả ở đây bát ngát, to lớn khác thường. Những quả chuối bằng bắp đùi người lớn, chín đều từ trên ngọn chín rủ xuống mặt đất mà chỉ cần lấy tay hái là có thể ăn được. Huy vội vàng hái một quả nhỏ nhất. Ôi chao! mùi chuối thơm ngào ngạt như hương của sữa quện mật ong rừng, cắn một cái mà hương thơm bay ngào ngạt. Đi tiếp một đoạn, Huy thấy cả một vườn nho lóng lánh, đủ mọi màu sắc, nho to gấp 3 lần loại nho mà Huy đã ăn, những chùm nho trĩu quả, treo lơ lửng trên một giàn rộng bát ngát bao la, cái giàn nho thấp đủ để tay Huy với đến. Huy hái một chùm và nếm từng quả, vị nho thanh ngọt đến tận trong cổ họng, những trái nho mát rượi và không có hạt. Vừa cầm chùm nho, Huy đi từ khu này đến khu khác. Có những quả lê sáng rực, những quả cam mọng nước thơm lừng và nhiều thứ quả trông thật bắt mắt và ngon lành. Huy cũng thấy lạ là những con sư tử đùa giỡn với những con nai ngơ ngác, những con hổ nằm chung với cừu non, những con cua sống chung với cá sấu. Bất chợt khung cảnh trước mặt làm cho Huy càng tin đây là “Vườn địa đàng” mà trong sách Sáng thế đã nói tới.

Huy hồi hộp trong từng bước đi “Có thật mình đang ở trong vườn địa đàng hay không? Có thật mình đang quay về thời Thiên Chúa tạo dựng đất trời?”. Những thắc mắc hoang mang hiện lên trong đầu Huy. Huy đi tiếp và cứ tiếp tục đi, rảo qua từ chỗ này đến chỗ khác. Và rồi, Huy đã gần đến giữa vườn. Quả thật như trong suy nghĩ, Huy thấy một cây táo ngay giữa vườn, những trái táo đỏ rực và sáng cả một vùng trời. Những cành nặng trĩu quả, lấp lánh. Cây táo nổi bật giữa các loài cây ăn trái khác. Nhìn cây táo mà trong lòng Huy cũng nôn nao muốn nếm thử xem cảm giác thế nào. Và rồi Huy đã thấy. Chính con rắn kia đã dụ dỗ ông bà Ađam, Eva để rồi từ đó Chúa đuổi 2 ông bà ra khỏi vườn địa đàng. Con rắn bò lên cây táo, rồi lại bò xuống. Dường như trong lòng nó như tự nhủ: “Mình sẽ cám dỗ 2 ông bà bằng cách nào đây? Mình sẽ làm sao để dụ ông bà sập bẫy?”. Nhưng nó nhớ lại: Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài đã để cho con người có tự do lựa chọn. Do đó tự do của con người đã bị tội lỗi làm tổn thương. Vả lại con người hay đề cao cái TÔI mình quá đáng nên thường sinh ra kiêu ngạo. Tự nhiên trong mắt con rắn sáng lên và nó bò lên cây táo chờ 2 ông bà về.

Sau 2 tiếng đồng hồ đi ăn những trái cây trong vườn và thăm nom những con thú vật. Bà Eva về đến giữa vườn, cạnh cây táo. Còn ông Ađam đang phải băng bó cho một con cừu non bị tổn thương. Mệt mỏi, bà Eva ngồi xuống gốc cây táo và rồi con rắn ma quái đã bò lại gần bên bà.

- Này bà Eva, có muốn nếm thử những trái táo trên cây này không?

- Không đời nào. Đó là cây mà Thiên Chúa đã cấm. Vì nó là cây biết lành, biết dữ.

- Tại sao con người lại khờ đến như vậy được cơ chứ. Con rắn vừa nói vừa nhếch hàm lên.

- Thiên Chúa tạo dựng con người chúng tôi làm chủ muôn loài, chúng tôi là sản phẩm tốt đẹp nhất trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa.- Bà Eva vừa nói vừa nhìn thẳng vào con rắn.

- Vậy tại sao Thiên Chúa lại phải cấm bà với Ađam ăn táo? Bà với ông là chủ của muôn loài mà? Là chủ phải có tự do chọn lựa chứ? Và tôi chẳng thấy một chút chất chủ gì ở con người hai ông bà cả.

- Hai ông bà đã bị Thiên Chúa lừa gạt. Ngài muốn hai ông bà không được thông minh như Thiên Chúa. Bà biết không, khi ăn trái táo trên cây này, hai ông bà sẽ thông minh ngang tầm Thiên Chúa của ông bà. Hai ông bà sẽ có nhiều phép thuật, sẽ có nhiều quyền năng như Thiên Chúa.

- Tôi nói đây không phải ép hai ông bà ăn những trái táo này, vì tôi muốn tốt cho hai ông bà và muốn hai ông bà được giỏi dang như Thiên Chúa. Còn ăn hay không là quyền của hai ông bà, hai ông bà đã là chủ thì ông bà có tự do chọn lựa cái tốt nhất cho hai ông bà. Nếu ăn vào ông bà sẽ thông minh nhất trần đời. Vậy bà có muốn thử không?

- Thế mày nói thật hay lừa bọn tao vậy? Có thật chúng tao ăn vào sẽ quyền năng như Thiên Chúa không?

- Thế tôi hỏi bà tại sao Thiên Chúa lại cấm? Chẳng là Thiên Chúa sợ hai ông bà quyền năng như Thiên Chúa đấy thôi sao.

       Bà Eva hoang mang. Nhìn những trái táo chín mọng bà tự nghĩ: “Kể ra con rắn này nói cũng có lý. Đã lâu lắm rồi những trái cây trong khu vườn ăn hoài cũng chán, chẳng lẽ lại cứ tiếp tục ăn trong khi những quả táo ở đây ngon như thế này lại không được ăn. Hay là mình cứ thử, biết đâu con rắn lại nói thật”. Và rồi bà Eva giơ tay cầm quả táo mà con rắn đưa cho. Một làn môi mỏng chạm vào quả tảo đỏ lửng. Bà cắn một miếng, quả táo sần sật, mát rượi tận sâu trong cổ họng. Khi đã ăn miếng táo xong, Eva thấy mình trần truồng không mảnh vải che thân. Vừa lúc ấy Ađam bước về.

Thấy Eva vừa phạm phải lỗi lầm, đã ăn trái Thiên Chúa cấm. Ađam ngậm ngùi đắng cay. Nhớ lại lời Thiên Chúa dặn: “Nếu ăn trái cấm trong vườn thì sẽ bị đuổi khỏi vườn địa đàng, sẽ phải làm lụng vất vả để kiếm của ăn, đàn bà sẽ sinh nở đau đớn”. Nghĩ những lời của Chúa, trong lòng ông lại càng bùi ngùi, xót xa. Ông thương cho thân phận Eva và cũng nghĩ cho thân phận chính mình. Ông biết Thiên Chúa là Đấng Công Chính và luôn giữ đúng lời đã nói. Nếu như một mai, khi Eva bị đuổi khỏi vườn thì ai sẽ là người chia ngọt, sẻ bùi với ông nữa đây? Ai sẽ là người tâm sự với ông lúc chiều về? Ai sẽ chăm sóc, vỗ về ông mỗi khi ông gặp chuyện buồn?

Còn Eva. Bà cúi đầu, hai hàng mi đẫm lệ. Bà hối lỗi, nhưng sự lầm lỗi của bà đã đưa đến một tai họa khó có thể cứu vãn. Đó là bà sẽ bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Nhìn Ađam, một người đàn ông của cuộc đời bà, một chuyện tình đẹp phải kết thúc tại chốn này chăng? Ông bà sẽ xa nhau ư? Rồi bà sẽ phải đi đâu, về đâu khi không còn ở chốn này? Ai sẽ là người kể những câu chuyện tình cho bà ngủ mỗi khi đêm tối xuống? Ai sẽ là người nâng đỡ bà giữa nẻo đường cuộc sống? Ai sẽ là người bảo vệ bà khi bà gặp gian nan? Bà sẽ cô đơn một mình ư? Nhìn Ađam mà nước mắt bà cứ thế tuôn trào.

Nhìn Eva đẫm lệ mà tâm trí ông cũng rối bời, ruột gan tan nát. Thương cho người đàn bà đã cùng chăn gối với ông. Thương cho người đàn bà đã nhẹ dạ cả tin lời con rắn mà phạm tội.

Hai tay ông cầm chặt lên bờ vai của Eva, ông nhìn thẳng vào mắt bà. Ông thấy trong mắt bà có bóng hình ông. Ông biết bà yêu ông lắm. Trong mắt bà có sự hối lỗi, có sự yếu đuối của phận người mỏng dòn và sâu thẳm trong ánh mắt ấy cần sự nâng đỡ, chở che. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly”. Nhìn bà mà nước mắt ông cũng chực trào tuôn. Ông ôm bà vào lòng, siết chặt bà trong tiếng khóc của phận người. Nghĩ về kiếp người và số phận tương lai khiến nước mắt ông lại cứ chảy. Ông siết bà hồi lâu và không muốn rời xa bà phút giây nào nữa. Ông không muốn mất bà, ông lại càng không muốn để bà chịu khổ một mình. Và một quyết định táo bạo cuối cùng cũng đã đến. Ông cầm quả táo trong tay bà, đưa lên bờ môi dính đầy nước mắt. Ông nhắm mắt và cắn quả táo. Ông cắn quả táo như lưỡi gươm đâm thâu vào tim. Ông đang phản bội Chúa, không vâng lời Chúa. Và ông biết cái giá phải trả. Ông chấp nhận tất cả, lãnh nhận tất cả vì người đàn bà của cuộc đời. Miếng táo trôi vào cổ họng nhưng ông cố gắng nuốt. Nuốt. Dồn hết sức để nuốt nhưng miếng táo đã mắc lại nơi cổ họng ông. Mặt ông đỏ bửng, mắt trợn tròn.

Thấy Ađam đau đớn. Chẳng giúp được gì cho ông cả. Bà vội vàng đưa bờ môi mỏng khẽ chạm vào bờ môi của ông. Hai bờ môi đã chạm nhau. Trời đất như ngừng lại. Ông bà đã phạm tội vì không nghe lời Thiên Chúa.

Và sau khi phạm tội, vườn địa đàng bỗng trở nên kém cuốn hút, bị nhơ nhớp bởi tội gây nên. Khung cảnh buồn, ảm đạm biết chừng nào. Như một mùa xuân đã chợt tắt, một giọng hót của con họa mi bỗng lẳng lặng ngừng. Nỗi đau khổ tràn ngập khắp khu vườn địa đàng khi bờ môi mỏng của bà Eva chạm vào quả táo.

Chiều đến, đôi ba tia nắng còn sót lại trên nền trời xanh thẳm. Vài con chim nhỏ mỏi cánh, chập chờn dìu nhau về tổ ấm. Từ khi tội lỗi xuất hiện trên chốn này, cảnh vật dường như sặc sụa mùi đau thương. Thấy khung cảnh hôm nay khác thường, Chúa mới hé gọi:

- Ađam, Eva đâu rồi? Sao hôm nay các ngươi cũng kì quặc vậy? Liệu có chuyện gì không tốt chăng?

- Ađam, Eva ơi!

Thấy tiếng Chúa gọi, hai ông bà núp sau một bụi cây rậm.

- Dạ. Chúng con xấu hổ không dám ra? Chúng con đã phản bội Chúa rồi.

- Phản bội cái gì? Các ngươi đã ăn trái táo giữa vườn mà ta đã cấm ư?- Ngài bỗng trầm ngâm và hạ giọng.

- Chính con rắn đã xúi giục con ăn.- Bà Eva nói trong tiếng nấc.

- Eva đã đưa trái táo và con đã ăn. Chúng con đã phản bội Chúa.- Ađam với vẻ mặt hối lỗi.

Thiên Chúa nhìn con rắn tức giận và nói:

- Hỡi con rắn độc ác và xấu xa, ngươi phải đi bằng bụng và ăn bụi ăn bờ. Rồi đây một người phụ nữ sẽ đạp nát đầu ngươi.

Sau bao ngày tạo dựng đất trời và tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Ngài cứ tưởng là mọi sự đã hoàn tất và tốt đẹp. Ấy vậy mà chính hình ảnh giống Ngài đã phá tan mọi thứ, tội lỗi đã xâm nhập vào con người. Ngài trầm ngâm một lúc lâu. Nghĩ ngợi đủ điều. Nếu như đuổi Ađam và Eva khỏi vườn địa đàng thì ai sẽ làm chủ muôn loài và vạn vật ở đây? Ai sẽ hưởng dùng hoa thơm, trái ngọt chốn này? Ai sẽ tâm sự cùng Ta mỗi khi chiều về? Càng nghĩ Ngài càng thương cho hai ông bà và lại càng căm ghét tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa là Đấng toàn năng và quyền phép. Rồi Ngài sẽ vạch ra ý định để thực hiện chương trình cứu độ con người.

Khi hai ông bà rời khỏi chốn địa đàng. Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và bảo vệ ông bà. Chương trình của Ngài luôn đầy tràn tình thương và lòng bao dung.

Giật mình tỉnh giấc. Huy chồm dậy. Mắt mở to. Sáng ngời. Nắng chiều vẫn đang le lói trong căn phòng. Đôi ba cây cảnh có gió thổi nhẹ nhàng. Huy nhớ đến bài tập trả phép tết cho cha giám đốc trong sách sáng thế chương 1. Chợt Huy cười bơ vơ hồn nhiên giữa khung trời chiều.

Tiếng chuông đổ liên hồi. Giờ kinh chiều đã tới. Trên góc tường nhỏ trong căn phòng của Huy, cây Thánh giá chuộc tội cứ thế lấp lóe sáng ngời.

 

Mã số: 15-091

VỀ NƠI XA ẤY

Ngọn đèn đỏ cạnh nhà tạm trên bàn thờ leo lét như muốn tắt, thằng Tâm vội chạy đi tìm ông từ:

-Chú Thái! Chú Thái! Đèn nhà tạm như hết dầu rồi chú ơi.

Ông từ Thái đang đóng dở chiếc ghế gỗ bị gãy chân ở cuối phòng thánh ngẩng đầu lên, tay nhấc cái kính lão:

-Cái thằng… Tắt gì mà tắt… Tao mới châm dầu hôm qua mà.

Dù nói thế nhưng ông cũng buông vội cái búa xuống đất rồi tất tả đi vào nhà thờ. Ông bước lên, giở cái đèn, nheo mắt nhìn. À, mà dường như dầu cũng hơi cạn đấy chứ. Ông đặt cây đèn vào chỗ cũ, cúi đầu, rồi đi trở lại phòng thánh lấy chai dầu. Vừa đi ông vừa lẩm bẩm điều gì đó, chắc có lẽ ông quên châm dầu thật. Lớn tuổi rồi quả là lẩm ca lẩm cẩm.

Ông Thái tự nguyện làm từ ở ngôi nhà thờ này đã hơn hai mươi năm, trải qua nhiều đời cha sở. Mọi ngóc ngách trong ngoài nhà thờ ông đều thuộc lòng như trên bàn tay. Giật chuông, dọn đồ lễ, thắp hương, thắp đèn hay bất cứ nghi thức phụng vụ nào ông đều nhớ và làm đầy đủ không phải đợi nhắc. Thế mà giờ đây…Ông thường bảo phải chi có mấy bà sơ về giúp ở họ đạo này thì hay quá!

                                                             oOo

Ngôi nhà thờ này có lối kiến trúc đẹp hình thánh giá, nằm trên một khu đất rộng, thoáng mát, chung quanh có trồng nhiều cây bàng và cây phượng vĩ. Mùa hè mấy cây phượng vĩ nở hoa đỏ thắm; mùa đông mấy cây bàng trơ trụi, lá đổ đầy sân. Đám học trò nhỏ chúng tôi được chia thành nhiều đội quét dọn xung quanh nhà thờ mỗi ngày. Bọn con trai, con gái chúng tôi rất hồn nhiên, sau giờ học là cứ tụ tập đến nhà thờ để làm công tác hay nếu không có công tác thì ở lại cho đến xong giờ lễ chiều mới chịu về, quên cả chuyện cơm nước.

Lâu lâu để thay đổi không khí, chúng tôi kéo nhau ra vườn bông chơi. Vườn bông cách nhà thờ độ năm trăm mét, có trồng nhiều thứ bông kiểng thông thường, nhiều nhất là hoa dâm bụt loại cánh dày mà chúng tôi gọi là bông bụp Đà Lạt. Bọn con trai hái bông bụp cắm trên đầu bọn con gái. Rồi cứ thế, chúng tôi kéo nhau ùa chạy về nhà thờ trước sự ngơ ngác của người đi đường.

Thỉnh thoảng có mấy thầy ở Đại chủng viện về giúp xứ thật là vui. Mấy thầy dạy chúng tôi học đàn, học hát, rèn luyện các kỹ năng cắm trại, chơi trò chơi lớn, làm các thiệp chúc mừng bằng vật liệu có sẵn như vỏ trứng, bột màu, bìa tập…

Mấy thầy còn bày ra cách hấp dẫn tụi nhỏ chúng tôi làm bó hoa thiêng hàng tháng để cầu nguyện cho một ý lễ nào đó. Chúng tôi đua nhau viếng Chúa, lần chuỗi, hi sinh hãm mình, làm việc bác ái… để ghi phiếu bỏ vào các kẽ ô trên mặt một cái tủ con có nhiều ngăn.

Họ đạo của tôi chỉ có hơn trăm gia đình công giáo. Phân nửa số đó ở lân cận chung quanh nhà thờ, còn phân nửa ở rải rác trên con đường đổ ra chợ Sài Gòn. Dù vậy, hàng ngày cũng có vài chục người đến dự lễ. Tôi đi học buổi chiều nên khi tan học về cũng ôm cặp vào nhà thờ xem lễ luôn. Riết rồi trở thành thói quen, hôm nào không đi lễ được thật là áy náy.

Tôi có thói quen ngồi dự lễ ở cánh phía bên nam. Ánh Tuyết thì thường ngồi đối diện ở cánh phía bên nữ. Lúc ban đầu, tôi cũng chẳng chú ý đến điều này, nhưng càng về sau, tôi càng có cảm giác là lạ. Bởi vì lâu lâu tôi bắt gặp nàng lén nhìn về phía tôi. Ánh Tuyết mới về nhập họ đạo nên chúng tôi còn rụt rè nhút nhát lắm. Điều thích thú nhất của tôi lúc này là cả hai đứa được chúc bình an với nhau trong thánh lễ.

Một hôm, tôi có ý nghĩ táo bạo là sẽ tặng cho nàng một món quà bất ngờ. Tôi chuẩn bị một cái hộp nhỏ gói giấy bông có thắt nơ, bên trong có một con “thằn lằn bạch” to tướng bắt được ở cột nhà thờ. Sau lễ, tôi giả vờ gọi:

-Tuyết ơi!

Nàng bẽn lẽn:

-Gì vậy?

-Có cái này hay lắm.

-Cái gì?

-Có cái hộp ở chỗ…ghế ngồi trong nhà thờ…

-Chỗ nào?

-Chỗ Tuyết hay ngồi đó!

-Chi vậy.

-Của mình gởi.

-Cho ai?

-Cho Tuyết!

Thoáng thấy má nàng ửng hồng, tôi vù bỏ chạy. Trước đó tôi đã nhờ thằng Tâm mang cái hộp đặt ở đúng cái ghế thứ ba từ trên xuống, phía bên nữ. Cũng chính ngay vị trí đó, trong một lần quét dọn nhà thờ, tôi đã ngồi thừ ra và để mặc cho tâm hồn thẫn thờ, hồi hộp…Hôm nay tôi cũng hồi hộp núp ở gốc cây phượng để xem nàng mở quà. Tôi chỉ kịp nghe tiếng á, cái vỏ hộp đã bị quăng lăn lóc, nàng vừa bỏ chạy vừa thét lên vì sợ. Mấy đứa bạn nàng bám theo an ủi. Tôi hối hận quá. Biết người ta sợ mà vẫn cứ trêu. Nàng giận tôi đúng một tuần không thèm tới nhà thờ đi lễ…

oOo

Rồi chiến cuộc bùng nổ. Trên Sài Gòn bất ổn. Biểu tình. Pháo kích. Tự thiêu. Đảo chánh. Máy bay ném bom… Dưới quê, ông bà ngoại tôi như ngồi trên đống lửa, ông bà hối thúc cả nhà tôi phải dọn về quê gấp. Tôi ra đi trong nước mắt. Chiếc xe hàng chất đầy đồ đạc và cả chục con người trực chỉ miền Tây, cách xa Sài Gòn mấy trăm cây số.

Sau đó, gia đình tôi đã khép mình trong mọi sinh hoạt của họ đạo mới, một họ đạo miền tây sông nước hữu tình, con người hiền hòa chất phác nhưng lúc nào tâm hồn tôi cũng canh cánh nhớ mong về nơi xa ấy, một nơi có đầy những kỷ niệm đẹp của một thời thơ trẻ.

Về đây, tôi nhớ da diết những mùa chay ở Sài Gòn như có vẻ nặng nhọc với ngày thứ sáu hàng tuần phải ăn chay kiêng thịt; nhớ tuần thánh cùng bạn bè rủ nhau đi xin lá dừa non về thắt để kiệu lá vào chúa nhật lễ lá, nhớ những buổi đi nghe ngắm lễ đèn, nhớ chiều thứ sáu đi hôn kính Thánh giá mang theo chiếc túi con con để hốt bắp nổ, nhớ đêm vọng phục sinh với nhiều bài đọc thật dài… Lúc ấy, mấy chú cầm thánh giá đèn hầu và Cha sở mồ hôi ướt đẫm cả áo. Đặc biệt tôi nhớ lắm tiếng nhạc réo rắt mùa giáng sinh cùng với cây thông, dây đèn, máng cỏ; nhớ lúc đi tìm mua bộ tượng Chúa Hài đồng dọc theo đường Nguyễn Thông để tặng nàng; nhớ chiếc áo dài màu xanh lam nàng mặc trong đêm huyền diệu…Bây giờ tất cả chỉ là nỗi nhớ vô vọng…

 

Mã số: 15-092

BẢY MƯƠI LẦN BẢY

Cơn gió mạnh ùa vào nhà, tạt lên vết thương còn đang hở miệng trên khuôn mặt nhỏ nhắn của Dung. Em đưa hai tay bịt kín vết thương lại. Nhìn thấy cảnh đó, lòng anh xót xa vô cùng. Kéo con vào lòng, anh hôn nhẹ lên mái tóc mềm:

- Đau lắm hả con!

- Dạ đau!

- Để ba bôi thuốc cho con nha.

Em ngồi tiu nghĩu, mắt trông xa xa về hướng đó, hướng mà em đã nhìn thấy con chó yêu của mình lần cuối.

***

Ngày em ra đời là ngày mẹ em qua đời. Trong thánh lễ an táng vợ, anh như người mất hồn. Đau khổ đã đè nén trái tim anh, khiến nó chẳng còn biết đập để làm chi nữa. May sao lúc đó anh vẫn còn nhận ra tình thương Chúa ở nơi đứa con của mình. Thiếu mẹ, em thiếu đi một bàn tay dịu dàng chăm sóc, thiếu đi một giọng nói êm đềm trò chuyện. Anh cố gắng dành hết tình thương cho con, vì cô bé là cuộc sống của anh.

Anh thức cùng con mỗi đêm bị sốt, tập cho con bước đi đầu tiên trong đời, dạy cho con gọi tên các tạo vật của Chúa. Anh đặt vào môi miệng con những lời kinh Lạy Cha, Kính Mừng, để rồi tối đến, hai cha con cùng đọc chung. Anh kể cho con nghe chuyện cổ tích đã có thật, chuyện về một vị hoàng tử vì yêu con người nên đã sinh xuống thế gian giữa tuyết trời lạnh lẽo… Những lúc như thế, cô bé nhìn anh say sưa như không muốn bỏ sót một lời nào từ miệng anh.

- Con biết không, con giống mẹ con lắm, như một thiên thần vậy!

- Mẹ đang ở đâu vậy ba?

Anh chỉ tay lên bầu trời đêm, một ngôi sao sáng nhất, thỏ thẻ với con:

- Mẹ con đang ở trên thiên đàng, đang chờ hai cha con mình đó!

Từng ngày trôi qua, anh chăm chỉ tưới vào cuộc đời con những bài học đầy tình người.

***

Ngày sinh nhật lần năm, anh tặng cho con một chú chó. Cô bé reo lên và gọi chú chó là Cò, bởi bộ lông trắng muốt của nó. Em thích lắm, cứ nâng niu nó hoài, đến nỗi anh phải nhắc nhở: “Con phải để cho Cò đi lại thì Cò mới lớn được”. Cò trở nên một người bạn thân thiết của cô chủ sau những giờ học ở trường. Cô dẫn Cò chạy nhảy khắp nơi, đưa cho nó những đồ chơi mà mình thích. Thỉnh thoảng, cô bé hớn hở chạy đến kể cho anh nghe những màn biểu diễn hấp dẫn mà em đã tập cho nó. Nhìn thấy con cười vui, lòng anh cũng được an ủi nhiều.

Một buổi tối nọ, khi hai cha con đang râm ran đọc kinh tối. Đột nhiên, có tiếng xe máy dừng lại, rồi mấy tiếng “bịch”, sau đó là vài tiếng kêu nhỏ lần của Cò. Cô bé nghe tiếng kêu thảm thiết của bạn mình thì hốt hoảng, lao ra ngoài cổng, thấy một gã ngồi sau xe, tay vẫn còn ôm con chó yêu của mình, em kêu gào lên. Ngay lúc đó, em bị một cái chai chọi mạnh vào đầu, rồi ngã gục xuống đất. Chiếc xe phóng đi nhanh lẹ, tan biến vào trong bóng đêm, để lại đứa con yêu của anh máu me chảy đầy trán. Ôm con trên tay, lòng anh đau xót biết sao kể. Cả tuần đó, anh túc trực trong bệnh viện chăm con. Con anh dần cũng hồi tỉnh và bình phục, chỉ còn vết thương hở thật to trên trán. Anh càng đau lòng bao nhiêu thì càng giận cay đắng kẻ đã đánh con mình bấy nhiêu. Từ khi mất đi chú chó, cô bé cứ hay khóc và ngồi một mình. Hình ảnh khuôn mặt của gã kéo lê con chó trong đêm đó, cứ ám ảnh trong tâm trí em mãi. Ánh mắt yếu ớt của Cò, ánh mắt nhìn cô chủ lần cuối, mỗi lần nhớ lại thì em lại rơm rớm nước mắt.

- Con cứ yên tâm, các chú sẽ bắt những gã đó đền tội, những thằng khốn đó phải chết!

Tiếng của những anh thanh niên trong xóm. Nghe họ nói thế, anh vội ngăn lời:

- Ấy, các chú đừng có nói đến chuyện chết chóc trước mặt trẻ con chứ…

Nghe nói thế, nhóm thanh niên đến vỗ về an ủi cô bé:

- À, không sao đâu con… rồi con sẽ bình phục và sẽ có thêm nhiều bạn mới thôi! Sẽ có thêm bạn mèo nè… bạn chim nè…

Mỗi lần kể ra tên một con vật nào, các chú đưa tay làm hiệu con vật đó, kèm theo là tiếng kêu của chúng, khiến cho anh còn phải cười huống chi là cô bé đang rơm rớm nước mắt cũng cười sặc luôn. Dân trong làng đều thương cô bé, vì biết hoàn cảnh mất mẹ của em. Họ cố gắng mang đến nhiều niềm vui cho em. Họ nói với anh:

- Anh muốn nhập bọn chúng em không?

- Để làm gì?

- Đánh lộn.

Anh cũng chưa hiểu rõ, nhìn họ ngơ ngác.

- Bọn em định mai phục bọn bắt chó, đánh chết bọn đó luôn!

Anh thấy con đang ở gần đó, sợ con nghe thấy, anh bảo:

- Con qua nhà các bạn chơi đi, để ba với các chú nói chuyện.

Chờ cô bé đi rồi, anh mới nói:

- Các chú nói thật hả?

- Bọn em đã chuẩn bị xong vũ khí rồi, định tối nay rủ thêm mấy người nữa rồi mai phục bọn đó.

Thấy anh còn chần chừ, một người  khác nói:

- Chẳng lẽ anh lại để cho bọn nó cứ cướp phá, đánh đập người xóm mình sao?

- Các chú nói ai, con tôi hả?

Một người khác nói chen vào:

- Anh không biết cũng phải vì lúc đó anh ở bệnh viện mà. Khi đó, ở nhà cũng liên tiếp xảy ra những vụ mất chó. Từ đầu xóm đến cuối xóm, nhiều nhà bất bình trước cảnh con vật cưng của mình bị cướp. Những tên cướp không chỉ bắt chó, chúng còn chủ động tấn công những người trong nhà khi họ la toáng lên, có người bị đánh bể cả xương hàm, què cả chân hay là tét đầu như con anh… Ngay cả chó trong nhà chùa hay nhà thờ, chúng cũng không tha. Mới sáng sớm, một vị sư vừa thả chó của mình ra thì một tên đứng chực sẵn ngoài cổng lao đến đập mấy phát, rồi kéo lên xe. Trước khi đi, tên đó còn “nhắn nhủ” đến vị sư: “Thầy có, con không có!”. Nghe vừa cười, vừa tức. Chó giữ nhà, bây giờ nhà nào cũng giữ chó. Cả làng trên dưới đều phẫn nộ trước hành vi ngang ngược của chúng. Chính quyền thì chậm trễ quá. Anh nghĩ xem, có tha cho bọn đó được không?

- Đúng là mấy người đó bạo hành quá! Tôi đây cũng tức giận khi nhớ lại chuyện của con tôi.

- Anh xem, chúng em đã chuẩn bị rồi nè: những tấm ván chi chít đinh nhọn, gậy gộc, dây thừng… Chúng em định tối nay bắt đầu hành động, anh đi với chúng em không?

Anh đưa mắt nhìn lên bàn thờ có cây Thánh giá treo Chúa khổ nạn. Anh suy nghĩ gì đó, rồi đột nhiên trả lời:

- Tôi không đi được. Tôi phải ở bên con tôi. Các anh phải cẩn thận nha…

- Ừ, đúng rồi, anh phải ở bên con.

Vừa lúc đó, em từ ngoài cổng chạy vào, khóc sướt mướt:

- Ba, có phải Cò đã bị chết rồi không? Có phải người ta đã giết rồi không?

Anh ôm đứa con vào lòng, vặn hỏi:

- Sao con lại nói thế?

- Các bạn con nói thế…

Nói đến đây, giọng em nghẹn lại, nấc thành tiếng. Các chú cũng đau lòng, liền đứng dậy:

- Chúng em đi đây, anh an ủi con nha!

***

Đã ba đêm liền, nhóm thanh niên đó vẫn mai phục ở các con đường. “Có khi nào bọn nó biết ta ở đây không?”, “Làm sao chúng biết được, tiếp tục chờ thử xem sao”. Vài nhà trong xóm tắt đèn tối om. Văng vẳng đâu đó vài tiếng chó sủa, cũng chẳng có dấu hiệu gì khả nghi. Có cơn gió bấc thổi lên, mây đen ùn ùn ở phía chân trời. “Tối nay, chắc là bọn nó biết trời mưa nên không đi cũng nên”. Khi họ vừa lên xe quay về, từ phía sau có tiếng xe máy chạy vụt qua. Một anh hét to:

- Nghe giống tiếng xe đó lắm!

Cả nhóm rượt đuổi. Chiếc xe thấy có người đuổi theo liền hết tay ga vọt lẹ.

- Chính nó rồi!

Một người đã báo động cho nhóm ở đầu kia, mai phục sẵn, đặt những tấm ván đinh để chặn đường. Đang chạy tốc độ cao, chiếc xe máy thấy có vật lạ trên đường thì bẻ tay lái né tránh. Chiếc xe bị mất tay lái, trượt bánh, làm văng gã ngồi sau xuống đường. Tên lái xe quay mặt lại thấy đám đông đang rượt đuổi thì vọt luôn, bỏ đồng bọn ở lại. Nhóm thanh niên lao đến bắt tên còn đang lom ngom bò dậy. Hắn bị trầy xước cả chân tay khi té xuống đường, sau đó bị nhóm lao tới đập mấy phát…

***

Từng cơn gió thổi mạnh, lay những những tàu là chuối ào ào, hòa với tiếng kinh râm rang trong nhà. Anh và con đang lần chuỗi với nhau. Có tiếng gì sột soạt ở bụi chuối bên hiên, kèm theo tiếng thở hổn hển làm anh im bặt lời kinh để lắng nghe. Anh đi ra phía bụi chuối. Một người thương tích đầy người đang rên rỉ thảm thiết:

- Cứu tôi với, cứu tôi…!

Sau giây phút thất thần, anh bình tĩnh lại, đến đỡ người đó dậy, và hỏi:

- Anh bị sao mà ra nông nỗi này!

- Có người đánh tôi, tôi đang đi thì…

Anh dìu người đó vào nhà, dưới ánh điện sáng trưng, khuôn mặt gã be bét máu, cả chân tay đều trầy xước. Anh mãi cứu chữa cho gã mà quên để ý đến vẻ ngơ ngác của con mình. Em nhìn chằm chằm vào gã. Gã kinh hãi, sợ ánh mắt đó, ánh mắt soi rọi vào lòng gã như ánh đèn điện trong đêm tối. Nhất là khi thấy vết thương trên trán em, gã cúi gầm mặt xuống, lấy tay che vết thương trên đầu.

- Con lấy cho ba hộp cứu thương trong tủ đi!

Em liền chạy đi lấy.

- Tôi sẽ sát trùng cho anh… sẽ đau lắm đó!

Tấm lòng thương người khiến anh chẳng ngần ngại gì chữa trị cho một người mà mình không quen biết. Nhìn ba mình tất bật chăm sóc cho gã, cô bé hiểu được thương người là thế nào. Thỉnh thoảng cô bé cũng phụ ba đi lấy chiếc khăn, múc ca nước,… Cô bé ngoan ngoãn làm theo tất cả những lời anh sai bảo. Cô bé đứng gần sát bên gã an ủi:

- Chú sẽ không sao đâu…rồi chú sẽ bình phục và có thêm nhiều bạn mới thôi!

Câu nói làm gã giật mình, chỉ nghe tiếng “ừ” nho nhỏ.

- Thật may cho anh, vết thương không có gì nghiêm trọng. Tôi đã cầm máu và băng bó lại rồi, anh cứ nghỉ ngơi đi, sáng mai tôi sẽ chở anh đi bệnh viện để khám kỹ lại… Ai mà lại đánh anh ra nông nỗi này cơ chứ…!

- Chú ơi, con chó của cháu sao rồi chú? Con nghe các bạn con nói là nó chết rồi hả chú?

Câu hỏi bất ngờ của em làm cả gã và anh cùng kinh hoàng. Anh giọng run run:

- Sao con lại hỏi vậy?

Em đơn sơ trả lời:

- Hôm đó con thấy chú ôm Cò đi mà, phải không chú?

Anh nhìn sang gã, gã ấp úng năn nỉ:

- Đừng, xin anh…

Nhìn điệu bộ của gã, anh biết chắc chính gã là kẻ cướp chó, là kẻ đã đánh con anh. Anh vừa tức vừa sợ, ẵm con mình ra góc xa.

- Thì ra là mày…cút…cút đi khỏi nhà tao. Ở đây không chứa chấp tên gian ác như mày…

Gã cố gắng chồm người dậy, nhưng chân đau quá làm gã ngã lăn xuống giường, đập đầu xuống nền nhà. Cô bé giật khỏi tay người cha, chạy đến xuýt xoa đầu gã:

- Chú cứ nghỉ ngơi đi…

Anh thấy con lao về phía gã thì lấy làm ngạc nhiên và kéo con lại:

- Con không biết đây là ai sao? Là kẻ đã giết con Cò và đánh con.

- Chú ấy đang bị đau… ba đừng đuổi chú ấy đi…đừng đuổi mà ba…

Nói đến đó thì nước mắt cô bé cứ tuôn ra cùng lúc với tiếng rì rào trời mưa bên ngoài. Anh chỉ tay vào vết thương trên trán cô bé mắng nhiết:

- Anh xem đi, nhìn cho rõ đi… chính anh gây ra đó… Một đứa trẻ, nó còn nhỏ như thế mà anh lại… Đã thế, nó hết lòng năn nỉ cho anh.

- Tôi xin lỗi… Xin anh đừng đuổi tôi đi, tôi sẽ chết mất. Hôm nay tôi đã biết tội rồi, bạn của tôi thì bỏ rơi tôi, còn người mà tôi ra tay hãm hại thì lại cứu chữa tôi… Tôi… tôi xin chừa mà…

Anh vừa nói, vừa cắn môi, thở hổn hển dằn cơn đau. Có tiếng người hô hoán ngoài đường, kêu gọi nhau om xòm, làm thức giấc cả xóm làng. Gã sợ hãi, van anh:

- Xin anh đừng để họ bắt tôi, tôi chết mất.

Cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt. Cô bé vẫn nhìn gã bằng ánh mắt đầy tình thương. Anh tự hỏi điều gì đã làm cho con mình quên đi những đau khổ mà người khác đã gây ra? Đôi mắt anh dừng lại ở bàn thờ. Anh nhìn lên Thánh giá Chúa khổ nạn. Đầu bị gai nhọn đâm thấu, cả thân mình dày đặt vết thương, chân tay thì bị ghim chặt vào Thánh giá. Trong cơn đau tột cùng đó, Chúa vẫn rướn người lên để nói một điều gì đó… Phải rồi, Chúa xin Chúa Cha tha tội cho quân dữ hành quyết mình. Chúa tha thứ cho họ vì Chúa yêu thương họ và hiến cả mạng sống mình cho người mình yêu. Có phải chăng con mình vì yêu người mà quên đi cả đau khổ người khác gây nên, một tình yêu đơn sơ trong lòng một đứa trẻ đến chữ tha thứ còn chưa hiểu hết. Thoáng hiện nụ cười trên khuôn mặt của anh. Con anh thấy thế cũng cười theo. Thấy hai cha con cùng cười, gã không hiểu gì cũng cười theo. Anh nói với gã:

- Tôi sẽ cứu anh nhưng anh sẽ phải ra nhận lỗi với hết những ai mà anh làm hại đó!

Gã ừ ừ, gật gật lia lịa. Anh dìu gã vào ở phòng trong, dọn giường và đắp chăn cho gã ngủ, còn anh với con lại tiếp tục đọc kinh.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày

Và tha nợ chúng con,

như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”.

Nghe tiếng đọc kinh của hai cha con, nhóm thanh niên cũng chẳng vào nhà anh để tìm tên cướp. Tiếng mưa vẫn rả rích bên ngoài hòa điệu với lời kinh râm ran của hai cha con. Lời kinh cứ thế thấm dần vào tâm hồn của cô bé và cả tâm hồn của gã như giọt mưa thấm đất.

***

Ngay từ sáng sớm, anh thức dậy nhưng không thấy gã đâu. Tấm chăn gã đắp tối hôm qua đã được xếp lại gọn gàng.

- Chú đó đâu rồi hả ba?

- Chắc là đi rồi!

- Không biết chú đó đã khỏe chưa?

- Con không giận chú ấy à? Con không còn thương Cò à?

- Dạ có, con nhớ Cò lắm nhưng con cũng thương chú ấy, tội nghiệp chú ấy…

Anh ngồi xuống, ôm con vào lòng để cho con nghe được lòng anh vui như thế nào. Mặt trời mọc lên xua tan đi đám mây mù tối qua. Dấu vết còn lại của trận mưa đêm qua là cả mặt đất đã ướt đẫm, nổi lên vài vũng nước lấp lánh, chiếu rọi tia nắng mặt trời lên khuôn mặt em, nơi vết thương, da non đang hình thành xóa đi dấu vết của một chuyện buồn đã qua.

Mã số: 15-095

NGƯỜI NHÀ QUÊ

Lão Năm Cù ngồi đó, đôi mắt đờ đẫn nhìn về phía cổng làng, bóng thằng con trai lão mất hút dần sau rặng tre xanh.

Ở cái tuổi mà người ta cho là “tri thiên mệnh” lão mới có được một mảnh tình vắt vai. Cưới nhau được hai năm thì vợ lão chết vì bạo bệnh, để lại cho lão mụn con trai còn khóc đòi sữa mẹ.

Vò võ một mình nuôi con mười tám năm trời, hai cha con vui với cái nghèo chân chất của người miền trung.

Đùng một cái, thằng Dĩnh, con trai lão nhất quyết xin đi vào Sài Gòn kiếm việc làm. Gặng hỏi mãi lão mới biết, tối qua ở lớp học bổ túc, mấy đứa bạn chê nó nghèo. Lão nghe mà cay cay sống mũi.

Lão nghèo thiệt, căn nhà nhỏ không đủ sức bảo vệ hai cha con khỏi ướt trong những đêm mưa tầm tã. Mấy manh lưới rách chỉ dủ nuôi sống hai cha con khỏi cái đói của miền quê nghèo.

Thằng Dĩnh đi, lão chỉ dặn nó:

- Chịu khó mà làm ăn…đừng có lo cho tao… Cầm theo cuốn sách kinh mà đọc…lễ lạy đừng có bỏ…!

 

***  ***  ***

Dĩnh chân ướt chân ráo vào Sài Gòn. Lang thang dọc hết khu phố này tới khu phố khác mà vẫn không biết phải đi đâu

Khẽ chậc lưỡi, Dĩnh cứ bước, anh đi dọc con phố tới một công viên nhỏ. Thấy trong đó có người đi dạo nên Dĩnh đánh bạo đi vào. Chắc tối nay phải ngủ ngoài này rồi. Dĩnh thầm nghĩ.

Cuộn vội cái túi lại cho tròn làm gối, Dĩnh dặt lưng nằm xuống cái ghế đá mát lạnh, miệng không quên đọc kinh dâng đêm để tạ ơn Chúa. Mệt mỏi vì chuyến đi xa, vừa dặt lưng xuống là hai mắt Dĩnh đã ríu lại.

Mới chợp mắt được một lúc, Dĩnh nghe tiếng khóc của ai đó. Giật mình thức dậy, Dĩnh thấy ba bốn thanh niên đứng vây quanh một cô gái đang khóc. Nhìn quanh không có ai, vốn bản tính nhân hậu, Dĩnh bước đến:

- Sao các anh lại bát nạt một cô gái thế?- Dĩnh hỏi.

Thấy có người xuất hiện, mấy thanh niên có vẻ hơi sợ, nhưng chúng nhận ra Dĩnh chỉ có một mình nên lấy làm tự tin.

- Chuyện bọn tao, mày xen vào làm gì, khôn hồn thì biến đi.

- Tôi không biết các anh làm gì, nhưng các anh là con trai sao lại bắt nạt một cô gái.

- Nó mắc nợ bọn tao, bọn tao đòi nợ nó, không phải chuyện của mày…biến đi!

Nhìn thấy vẻ mặt như cầu cứu của cô gái, Dĩnh biết chuyện không đơn giản như mấy thanh niên đó nói, nhưng anh không dám hỏi thêm vì dù sao anh cũng mới đến đây nên không tiện can thiệp. Dĩnh quay lưng bước đi thì cô gái la lên:

- Anh gì ơi cứu em với, bọn nó cướp tiền của em đấy…!

- Im miệng đi con ranh…!- Tiếng một thanh niên gằn dọng.

Dĩnh quay lại, anh nói:

- Các anh nói dối... các anh cướp tiền của người ta…

- Chuyện gì đến mày… cút đi!

Dĩnh bình tĩnh giải thích:

- Các anh thả cô gái ra đi…làm vậy là không tốt.

- Mặc kệ thằng cha…lấy đi rồi chuồn lẹ.- Vừa nói một thằng vừa cầm con dao nhọn dọa dẫm.

Hắn vừa nói xong thì con dao trên tay hắn bị hất tung ra xa. Dĩnh đã lao tới như một con sóc, gạt phăng ba tên côn đồ sang một bên. Quá bất ngờ với hành động của vị khách lạ, ba tên côn đồ bực tức vì bị kì đà xỏ mũi. Chúng nhất loạt xông vào. Dĩnh bình tĩnh hạ từng tên một. Không ngờ chỉ mấy miếng võ Dĩnh học được khi ở nhà mà cũng khiến cho ba tên côn đồ phải bỏ chạy.

Quay sang cô gái đang đứng như trời trồng, Dĩnh hỏi:

- Bọn nó lấy gì của cô chưa?

- Dạ chúng chưa lấy gì… Cám ơn anh đã cứu…nếu không thì..!- Cô gái bỏ lửng câu nói vì tiếng nấc.

- Không có gì… Thôi cô đi về đi kẻo khuya rồi..!- Dĩnh vừa cúi xuống phủi bụi quần vừa nói.

- Dạ, cám ơn anh…!

Cô gái dắt vội chiếc xe đạp đi, được mấy bước vội quay lại nói với Dĩnh:

- Anh cẩn thận kẻo bọn nó quay lại trả thù anh đấy.

- Cám ơn cô đã nhắc…!

Dĩnh nhìn theo bóng cô gái khuất dần trong màn đêm. Anh thở phào một cái, hít một hơi thở thật dài. Nghĩ tới lời cô gái, Dĩnh cầm vội cái túi xách rồi lại lủi thủi đi mà không biết mình sẽ đi đâu. Mệt quá, Dĩnh ngồi xuống một gốc cây ở vỉa hè đánh một giấc ngon lành.

Trời gần sáng, Dĩnh thức dậy, theo thói quen, anh đọc kinh dâng ngày rồi lững thững bước đi, bụng thầm nghĩ sẽ tìm đường đến chợ, vì ở đó sẽ có nhiều việc làm. Hỏi mãi Dĩnh mới tìm được đường đến chợ.

Chán nản vì không tìm thấy chỗ nào cần người làm, Dĩnh thở dài định bụng đi xem có nơi nào mướn người nữa hay không. Vừa đi được mấy bước thì có tiếng một người đàn ông trung niên gọi giật lại:

- Chú gì ơi…có phải chú tìm việc làm không?

- Dạ…cháu đang tìm việc làm bác ạ.- Dĩnh mừng trong bụng.

- Chú có biết phát cỏ vườn không?

- Dạ có bác ạ…ở quê cháu vẫn hay làm.

- Vậy thì tốt rồi…chú theo tôi nhé.

Đi qua bên kia con đường thì đến một căn nhà ba lầu với khuôn viên rộng lớn.

Người đàn ông dừng lại, tay mở cánh cổng rồi nói:

- Đây là nhà tôi.

- Nhà bác rộng lớn quá…ở quê cháu chưa thấy ngôi nhà nào to như ngôi nhà bác.

- So với nhiều nhà khác thì nhà tôi nhằm nhò gì.

- Cháu thấy như vậy là to lắm rồi… Thế cháu phải làm những gì ạ?

- À…! Chú đi theo tôi…ra ngoài vườn này tôi sẽ chỉ cho chú.

Đi một đoạn khá xa người đàn ông chi vào cái kho kề hàng rào lưới B40 rồi nói:

- Trong đó có đủ cuốc xẻng…chú phát hết đám cỏ dọc theo bờ ranh lưới B40 cho tôi nhé. Xong lúc nào tôi tính tiền lúc đó. Buổi trưa chú vào trong này dùng cơm với tôi…nhà chỉ có mình tôi nên cũng hơi buồn.

- Dạ…để cháu làm.

Dĩnh bắt tay vào làm việc một cách say sưa, trời càng về trưa càng nóng bức, mồ hôi toát ra như tắm. Với đôi tay rắn chắc, Dĩnh vẫn miệt mài cuốc từng vạt cỏ một cách kỹ càng và sạch sẽ.

Chiều đến, Dĩnh làm xong, cất hết đồ dùng vào kho rồi đi vào.

- Dạ cháu làm xong rồi bác ạ!

- Chú vất vả quá…để tôi gởi tiền công cho chú…Tôi gởi cho chú ba trăm ngàn nhé.

- Nhiều vậy hả bác… Ngoài quê cháu đi làm cả ngày cũng có mấy chục bạc à.

- Thôi cứ nhận…coi như tôi giúp chú mới vào trong này đi làm. Khi nào có việc tôi lại gọi chú.

Vừa nhận tiền, Dĩnh vừa gãi đầu ái ngại.

- Dạ cháu cám ơn bác.

- Không có gì đâu chú…chú đừng ngại.

- Dạ cháu xin phép bác cháu về ạ.

- Ừ chú về mạnh giỏi..!

Dĩnh vừa quay người bước đi thì cô gái út ông chủ nhà cũng vừa đi học về, với vẻ mặt ngạc nhiên cô kêu lên:

- Ủa…anh… anh làm gì ở đây?

Dĩnh ngạc nhiên trước câu nói của cô gái, anh không nhận ra cô gái là ai. Anh ngập ngừng hỏi:

- Cô biết tôi à?

Không trả lời Dĩnh, cô gái quay sang nói với ba mình:

- Ba…đây là cái anh mà tối qua con nói với ba đó…không có ảnh là con bị mấy kẻ xấu giở trò rồi.

- Vậy sao?- Ông Quang ngạc nhiên hỏi.

Dĩnh bây giờ mới nhận ra cô gái tối qua anh đã gặp ngoài công viên, mặt đỏ ửng, Dĩnh vừa gãi đầu vừa nói:

- Thì ra cô là con gái bác Quang…!

Ông Quang vội bước tới:

- Thì ra chú là ân nhân cứu nạn của con gái tôi… Vào nhà…vào nhà nói chuyện đi… Tối nay chú ở lại đây dùng cơm với hai cha con tôi.- Vừa nói ông Quang vừa cầm tay Dĩnh kéo vào nhà.

Bữa cơm thân mật diễn ra thật vui vẻ. Dĩnh được biết thêm về gia đình ông Quang. Con gái ông Quang tên là Ngọc Ni. Dĩnh nhận ra gia đình ông Quang có đạo nhưng dường như ông không còn thực hành đức tin nữa, ngay đến ăn cơm ông cũng không làm dấu, điều đó ảnh hưởng tới cả cô con gái. Ngoài Ngọc Ni, ông Quang còn có một người con trai nữa đang đi làm cho một công ty ở bên Nhật.

Ông Quang có nhả ý muốn Dĩnh ở lại nhà ông, giúp ông chăm sóc vườn cây cũng như chăm sóc khuôn viên chung quanh nhà. Dù sao thì ông cũng dự định nay mai kiếm người về làm vườn cho ông. Ông thay đổi cách xưng hô với Dĩnh, ông gọi Dĩnh là cháu và xưng mình là bác.

Dĩnh mừng lắm vì đã có việc làm ổn định nên anh nhận lời ngay. Ông Quang thu xếp cho Dĩnh một căn phòng có cửa sổ hướng ra khu vườn, ban đêm có thể bước ra lan can ngồi ngắm trăng rất đẹp.

Từ ngày có Dĩnh căn nhà bớt hiu quạnh hơn, mọi thứ được dọn dẹp rất ngăn nắp. Hằng ngày, trong lúc hai cha con ông Quang đang say giấc, thì Dĩnh đã dậy để đi lễ ở nhà thờ gần đó.

Vườn cây kiểng được chăm sóc vun xới nên xanh tốt hẳn lên. Ông Quang cảm thấy rất vui. Dĩnh còn kiêm luôn nhà nội trợ. Những món ăn dân dã Dĩnh nấu khiến hai cha con ông Quang rất thích. 

Ngọc Ni tuy coi Dĩnh là ân nhân của mình nhưng trong con mắt cô, dường như cái mác nhà quê của Dĩnh khiến cô khinh thường anh. Suốt ngày cô chỉ biết đi học, hết học lại theo bạn bè đi chơi. Ông Quang cũng không đả động gì đến việc học hành của con gái. Lâu lâu, Dĩnh bắt gặp cái thở dài sầu não của ông khi nhìn con gái dẫn theo đám bạn về nhà ăn uống chán rồi lại đi chơi mà không một lời khuyên nhủ.

***  ***  ***

Ngày tháng trôi qua. Kể từ khi Dĩnh tới đây đã gần một năm.  Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi Ngọc Ni không đủ điểm, cô đâm ra chán nản, suốt ngày chỉ biết đi chơi với bạn bè. Dĩnh nhớ nhà, nhớ quê,anh muốn trở về thăm bố. Nhưng cảm cái cảnh ông Quang đang bệnh nặng mà không người chăm sóc nên anh lại nén lòng ở lại giúp ông.

Đêm nay trăng sáng. Dĩnh cầm cái ghita mà anh mới mua được ở tiệm đàn cũ ra ngồi ngoài hiên nhà. Dưới ánh trăng, Dĩnh đệm những bài hát quen thuộc mà khi ở nhà anh đã được bố dạy cho. Giọng trầm ấm, anh hát khẽ nhẹ nhàng… “Quê hương là chùm khế ngọt… cho con trèo hái mỗi ngày...”. Dĩnh không biết rằng, Ngọc Ni đang ngồi ở hành lang trên lầu. Cô lặng lẽ ngồi lắng nghe Dĩnh hát. Không hiểu cô đang nghĩ gì. Bất giác cô đứng dậy, chạy xuống lầu, nghe tiếng động, Dĩnh ngừng không hát nữa.

- Anh hát hay quá… Từ trước tới giờ không thấy anh hát.- Ngọc Ni nói khi vừa bước đến.

- Cô chưa ngủ à?

- Chưa..! Nghe anh đánh đàn hát hay quá nên muốn xuống nghe.

- Tôi chỉ biết đôi chút hồi ở nhà bố tôi chỉ cho thôi.

- Khi nào anh dạy cho tôi với nhé…tôi cũng thích học đàn lắm.

- Cô muốn học thì tôi chỉ cho… nhưng cô đi suốt ngày lấy giờ đâu mà học.

- Tôi sẽ không đi chơi nữa là được chứ gì..!

- Tôi phải làm việc suốt ngày lấy giờ đâu chỉ cho cô.!

- Thì tôi sẽ phụ anh làm việc… làm xong anh dạy tôi!

- Cô nói phải giữ lời đấy.

- Cứ vậy đi…từ ngày mai tôi sẽ ở nhà phụ anh làm việc rồi anh dạy tôi đàn.

- Khuya rồi đi ngủ thôi… Chúc cô ngủ ngon.

- Anh cũng vậy.

***  ***  ***

Ông Quang tính mở rộng để kinh doanh cây bon sai, đây cũng là việc ông muốn làm lâu rồi mà còn ngại chưa dám làm. Thấy Dĩnh là người siêng năng thật thà, lại có khả năng đảm đang được việc này, nên ông xúc tiến việc kinh doanh.

Ngoài giờ làm việc ra Dĩnh lại chỉ đàn cho Ngọc Ni. Nhìn thấy cô con gái mình thay đổi một cách lạ lùng, ông Quang lấy làm hết sức ngạc nhiên, nhưng trong cái ngạc nhiên đó, ẩn chứa một niềm vui khôn tả, ông mừng lắm. Dĩnh biết điều đó, nhưng trong lòng anh vẫn thao thức làm sao để hai cha con ông Quang trở về cùng Chúa. Dĩnh vẫn viết thư và gửi tiền về cho ông Năm hàng tháng, trong thư, anh kể với bố về tất cả những gì anh đang sống, đang thực hiện cũng như thao thức của anh.

Ngọc Ni ngày càng quý mến Dĩnh. Suốt ngày cứ quanh quẩn bên Dĩnh, hết hỏi cái này rồi lại hỏi cái kia, khiến Dĩnh không nhịn được cười. Ở bên Dĩnh cô dần khám phá ra một con người tràn trề sức sống và niềm vui, nhất là đời sống đạo đức của anh. Trong cô, cái mác nhà quê của Dĩnh dần dần biến mất.

***  ***  ***

Rồi cái ngày mà Dĩnh thao thức cũng đến, nó dến một cách đột ngột khiến Dĩnh không ngờ đến. Chiều thứ bảy hôm đó, sau khi dọn dẹp tất cả, Dĩnh tắm rửa để đi lễ như mọi khi, khi anh vừa bước ra khỏi phòng thì gặp Ngọc Ni đã đứng ngoài sân từ lúc nào:

- Cô đi đâu mà mặc đẹp thế cô út?- Dĩnh hỏi.

- Đi lễ chứ đi đâu...!

- Cô cứ đùa...trước giờ cô có đi đâu…!

- Thì hôm nay đi… Anh thấy lạ lắm à?

Dĩnh cười với nụ cười thật hồn nhiên. Dĩnh vui lắm, một niềm vui thật khó mà diễn tả được.

Tối hôm nay, Ngọc Ni khơi chuyện, cô ôm lấy cổ ba mình và nói:

- Ba...! Kỳ thi này con thi đậu thì ba sẽ thưởng con cái gì?

Thế con muốn ba thưởng cho con cái gì nào?- Ông Quang vui vẻ đáp lời con gái.

- Thưởng cái gì được anh Dĩnh nhỉ?- Vừa nói cô vừa nhìn Dĩnh tế nhị.

- Ba phải hứa với con đã.

- Con nhỏ này tính gài ba đó hả!- Ông Quang cười sảng khoái.

- Ba hứa đi...!

- Ừ...ba hứa..!

- Nếu con thi đậu thì ba phải đi lễ với tụi con vào mỗi chiều chủ nhật... nha ba!

- Con nhỏ này ... Hai đứa bọn bây ăn rơ với nhau quá ha.

Điều ông thao thức bấy lâu giờ đã được giải tỏa, ông thấy mình như trút được gánh nặng trong tâm hồn. Không cần cho Ngọc Ni phải thi đỗ, cuối tuần ông đã cùng với Ngọc Ni và Dĩnh đi lễ.

Ngôi nhà càng trở nên ấm cúng hơn, càng thêm tiếng cười hơn. Người vui nhất phải nói là Dĩnh. Anh biết Chúa đã nhậm lời anh.

Công việc làm ăn của ông Quang ngày càng phát triển mạnh. Ông thuê thêm nhân công để làm việc. Đối với Dĩnh, ông đã có dự tính cho anh. Ông cho Dĩnh đi học thêm ở lớp bổ túc. Trong cái nhìn của ông thì Dĩnh sẽ là người kế nghiệp, vì ông coi anh như chính con mình. Ông nghĩ đến chuyện vun đắp tình cảm cho Ngọc Ni và Dĩnh, vì ông thấy dường như cả Ngọc Ni và Dĩnh có tình cảm với nhau nhưng chưa dám nói ra.

Đối với Ngọc Ni, cô đã yêu Dĩnh từ lúc nào chính cô cũng không nhớ nổi, cô chỉ biết giờ đây nếu không có Dĩnh không biết cô có giữ được cái niềm vui và hạnh phúc mà cô đang nắm giữ hay không.

Dĩnh cũng thế, anh đem lòng yêu Ngọc Ni từ lâu nhưng nghĩ phận người ở như mình sao dám “đũa mốc mà chòi mâm son”. Anh chôn giấu tình cảm của mình trong tim mà không dám nói ra.

Tối, trong lúc ăn cơm, ông Quang cười nói:

- Nay cũng đã nghĩ hè...hai đứa bay thu xếp về thăm ông cụ ngoài quê đi...việc nhà đã có ba lo rồi. Hai đứa ăn sau...ba lên phòng trước có chút chuyện.

Dĩnh nghe ông Quang nói mà trong lòng như muốn reo lên. Đã hai năm anh không về quê. Anh nhớ ba lắm. Ngọc Ni cũng mừng lắm. Cô biết ba đã đồng ý để cô yêu Dĩnh.

Tối nay, dưới bầu trời đầy sao sáng, Ngọc Ni ngồi tựa đầu vào vai Dĩnh. Tay khẽ vuốt mái tóc mượt mà của Ngọc Ni, Dĩnh đã nói tiếng yêu đầu đời.

Mã số: 15-096

MỘT MỐI TÌNH

Thế là đã hết! Tiếng của Hải cất lên trong nỗi buồn và tuyệt vọng khi anh nhận được những dòng tin nhắn của Thư trong điện thoại: “Anh đừng tìm em nữa, một người con gái hư hỏng như em không xứng đáng nhận được tình yêu cao cả của anh đâu. Em cảm thấy hạnh phúc khi được anh yêu thương và đón nhận em dù em đang ở trong hoàn cảnh này, nhưng em không thể ở lại đây được nữa. Chào anh nhe! Anh giữ gìn sức khỏe và tìm cho mình một người con gái nết na đức hạnh và kết hôn với cô ấy”. Những dòng tin nhắn làm cho trái tim của Hảiđau nhói và thương Thư quá đỗi. Thư và Hải thương nhau đã lâu rồi. Khi còn là bạn học phổ thông cùng trường, hai đứa đã quen nhau rồi. Vì là học chung lớp và cùng theo đạo Công Giáo nên hai đứa quý mến nhau lắm. Thưđược sinh ra trong một gia đình gia giáo, mẫu mực. Bản thân Thư cũng là một người con gái ngoan. Thư học giỏi và là một người con gái đẹp người đẹp nết. Là con gái út trong gia đình nên cũng được ba mẹ nuông chiều và các anh chi yêu thương. Nhưng không vì thế mà cô tỏ ra hư hỏng hay tiểu thưđài các. Khi lên cấp III thì cô càng dễ thương và được các chàng trai để ý, nhưng Thư vẫn không để ý đến ai ngoại trừ Hải. Có lẽ cái duyên Công Giáo đã làm nên tình bạn thắm thiết giữa Thư và Hải.

Sau khi tốt nghiệp 12 xong, Thư tiếp tục sự nghiệp của mình ở giảng đường đại học.Một tương lai rạng rỡđang đến với cô. Một người con gái có thể nói là đầy đủ tài sắc. Còn Hải thì ở nhà với mẹ, vì gia đình Hải có hai anh em. Ba của Hải mất sớm nên gia đình có 3 mẹ con sống nương tựa lẫn nhau. Anh của Hải thì học xong đại học nên ở lại Sàigòn làm luôn. Thế là trách nhiệm chăm sóc mẹđặt nặng lên vai Hải. Hải là một thanh niên hiền lành chăm chỉ, mọi công việc trong nhà ngoài rẫyđều một mình anh làm. Hiểu được mẹđã vất vả cho hai anh em ăn học qua bao nhiêu năm tháng nên anh thương mẹ rất nhiều. Anh lo lắng cho mẹ từng cái ăn, cái mặc và đến cả giấc ngủ. Không bao giờ anh đi ngủ trước khi mẹ chưa ngủ. Nhìn vào anh, ta thấy một con người mẫu mực và đầy tình yêu thương dành cho người khác.

Thế rồi thời gian cũng dần trôi qua đi, thấm thoát đã 4 năm. Trong thời gian 4 năm đó Thư và Hải cũng không thường xuyên liên lạc vì cuộc sống của mỗi người mỗi khác, người thì lo học, kẻ thì lo làm, vì thế mà sự quan tâm thăm hỏi không được nhiều. Nhưng khi biết tin Thư đã trở về nhà sau khi tốt nghiệp đại học thì Hải đã đến thăm và chia sẻniềm vui của người bạn đã bao năm xa cách. Qua đó có thể nói tình cảm giữa Thư và Hải vẫn còn dành cho nhau nhiều. Nhưng thời gian đâu có dừng lại để chờ đợi một ai. Nó cứ lặng lẽ trôi một cách êm đềm, rồi đến ngày Thư cũng phải đi tìm tương lai cho mình. Thư muốn bay vào những thành phố lớn để thực hiện ước mơ của mình và tìm cho mình một sự nghiệp sau 4 năm vất vã đèn sách miệt mài. Ởnơi vùng quê của tỉnh lẻ này không có chỗ cho cô tìm việc làm phù hợp. Chẳng bao lâu sau cuộc gặp gỡ ấy, Thư và Hải đã phải nói lời tạm biệt nhau. Thư lại khăn gói lên đường bay vào Sàigòn để tìm việc. Hải lại quay về với cuộc sống của một người con hiếu thảo, sáng vác cuốc vào rẫy, chiều về chăm sóc mẹ và vườn nhà. Hải cũng đã đến tuổi lập gia đình và tìm hạnh phúc cho bản thân nhưng có một điều gì đó như đang ngăn cản Hải. Với một con người như thế thì Hải không thiếu gì các cô gái đẹp theo đuổi và ước mơ có được anh. Thế nhưng cái duyên vẫn chưa đến! Mẹ của anh cũng đã nhiều lần hỏi anh về vấn đề này nhưng anh chỉ cười và nói: Con chưa muốn mẹ ạ! Làm cha làm mẹ chỉ mong con cái mình hạnh phúc và tìm được một chổđể dừng chân, cũng muốn có cháu để mà bồng mà ẵm. Đó là hạnh phúc và là lẽ thường của cuộc sống. Đôi lúc các bậc cha mẹ vẫn thường nói chuyện với nhau rằng: Bọn trẻ bây giờ khó hiểu lắm! Sao mà khác với chúng ta ngày xưa quá. Ngày trước thấy nhà ai có con gái đã đến tuổi lấy chồng là bao nhiêu chàng trai đến nhà chơi. Con trai thì háo hức để mà chiếm được các cô nàng ấy, có khi còn xảy ra các cuộc so tài chỉ vì cùng chung một đối tượng. Ngày nay thì con trai ở nhà để chờ con gái đến chơi. Thật là không hiểu nỗi! Đôi lúc mẹ của Hải cũng buồn vì trong nhà chỉ có hai mẹ con. Đi ra đi vào lại đụng nhau cũng chán. Những ngày lễ nhà người ta thì đông vui còn nhà Hải thì vẫn cứ như mọi ngày, nếu bạn bè của Hải không đến chơi. Anh của Hải thì một năm vềđược 1 đến 2 lần, chủ yếu là vào những dịp tết hay có đám cưới của người thân và bạn bè. Lúc còn ở nhà thì Thư cũng đã đến nhà của Hải chơi vài lần rồi. Mẹ của Hải cũng đã hỏi thăm Thư dạo này thế nào? Hải nói với mẹ là Thưđang làm việc ở Sàigòn. Chúng con chỉ liên lạc với nhau trên điện thoại khi có dịp thôi.

Khoảng 5 tháng sau, Thư trở về nhà để giúp gia đình thu hoạch mùa cà phê vì gia đình Thư cũng không còn ai phụ giúp việc nấu ăn và các công việc lặt vặt. Được biết tin Thư trở về nhà thì Hải lại lên thăm và cũng hẹn hò để uống cà phê. Thư và Hải vẫn giữđược một tình bạn thân thiết như trước. Nhưng dần dần thì tình cảm giữa hai người cũng nảy sinh. Gia đình của hai người cũng đã biết và không ngăn cản sựđi lại của cả hai. Bỗng một ngày Thư không thể giấu gia đình và Hảiđược nữa vì cái bụng nay đã dần dần to ra rồi. Thưđã thú thật với gia đình trước. Thư vừa nói vừa quỳ xuống trước mặt ba mẹ. Con xin ba mẹđánh phạt con vì con đã làm cho gia đình mình mang tiếng và ba mẹ phải nhục nhã xấu hổ trước mọi người. Con đã lầm lỡ vì đã không nghe lời căn dặn của ba mẹ mà phải nhận lấy hậu quả này. Ba mẹ của Thư như chết ngất trước hoàn cảnh của con, vừa tức giận nhưng cũng thương xót cho con mình. Thư xin ba mẹ cho cô kể rõ sự tình để ba mẹ biết và trách phạt cô thế như thế nào cũng được. Thư nói: Cái thai này con thật sự không biết là của ai. Trong một lần công ty con tổ chức liên hoan tại một nhà hàng nọ, sau khi ăn uống xong chúng con có đi hát Karaoke, khi tỉnh dậy thì con thấy mình đang nằm một mình trong khách sạn. Con hiểu rõ sự tình đã xảy đến với con, con định tìm đến cái chết nhưng vì con nghĩđến ba mẹ và mọi người nên con cố gắng sống cho đến ngày hôm nay và muốn được thưa với ba mẹ mọi chuyện. Ôm con trong lòng, mẹ của Thư khóc thương con đã chịu đựng đau khổ trong suốt thời gian qua một mình. Còn ba của Thư thì buồn bã lặng lẽ bước đi. Cái buồn của ông không được thể hiện bằng tiếng khóc nhưng là bằng sự chịu đựng âm thầm của một trái tim có lẽđã trải qua nhiều đau khổ rồi. Một ngày sau, mọi người trong gia đình của Thưđã có mặt đông đủđể cùng nhau dàn xếp cho Thư. Là một gia đình Công Giáo nên lương tâm không cho phép phá bỏ cái thai. Đó là một nền tảng đạo đức luân lý Kitô giáo. Sự sống phải được luôn bảo vệ cho dù là một bào thai vô tri vô giác. Nhưng gia đình của Thư cũng không thểđể Thưở nhà được vì tiếng tăm của gia đình. Bản thân Thư cũng không làm cho ba mẹ mình đi mà không ngước mặt lên nhìn bà con làng xóm. Mẹ của Thư thì muốn Thưở nhà để mẹ con chăm sóc lẫn nhau. Các anh chị của Thư muốn đón em về nhà mình để mà giúp đỡ em trong lúc khó khăn. Còn Thư thì không muốn mình gây thêm rắc rối nào cho gia đình của ai nữa.

Chiều tối hôm ấy, trời Đắklắk vào tháng 12 lạnh và mưa, Thưđã lặng lẽ xếp đồđể ra đi một mình. Thư dựđịnh sẽ vào một nơi nào đó trong Sàigòn để vừa làm vừa chờ ngày sinh. Thư viết một bức thư để lại cho ba mẹvà đã lặng lẽ ra đi trong chiều mưa lạnh lẽo. Đại ý của nội dung bức thư được viết như sau: “...Kính xin ba mẹ và anh chị thứ lỗi và hiểu cho con, vì con ra đi mà không một lời từ biệt. Con không đủ can đảm đểđối diện với ba mẹ để nói lời từ biệt vì con sẽ không sống nỗi khi nhìn ba mẹđau khổ vì con. Con sẽ tìm đến cái chết khi thấy những giọt nước mắt của ba mẹ rơi xuống vì con, đứa con hư hỏng này... Xin ba mẹ cầu nguyện cho con và đừng lo lắng cho con nữa vì con có thể tự nuôi lấy mình và con của con sau khi con sinh nó... Một lần nữa con quỳ gối kính xin ba mẹ thứ lỗi và cho con được chào đi. Con sẽ trở về thăm ba mẹ vào một ngày khi mọi chuyện đã qua đi...”. Sau khi đọc lá thư của con, ba mẹ của Thư đã không cầm được nước mắt vì thương con đã phải ra đi trong đêm lạnh, một mình bơ vơ biết sẽ vềđâu? Ai sẽ cưu mang con mình trong hoàn cảnh đó. Càng nghĩ càng thấy xót xa cho con. Và rồi ba mẹ của Thư đã điện thoại cho Hải, nhờ Hải tìm Thưvề vì nghĩ rằng chỉ có Hải mới có thể tìm Thư vào lúc này mà thôi. Sau khi biết tin Hảiđã vội vàng đến nhà của Thư xem thế nào. Anh cố liên lạc với những chiếc xe sẽ đi Sàigòn vào tối nay. Anh đứng một mình trên con đường quốc lộ và cứ gọi hết số điện thoại của xe này qua xe khác,  mong tìm được Thư. Anh nhờ các bạn bè gọi và tìm kiếm Thư giúp anh. Cuối cùng anh cũng biết được Thư đang ngồi trên một chiếc xe trong huyện sẽ xuất bến vào lúc 21h tối hôm đó. Anh đã vội chạy đến và đưa Thư xuống. Anh đưa Thư đến một quan cà phê để Thư nghỉ ngơi và cùng Thư dàn xếp. Anh nói với Thư: Em đừng lo lắng, em đừng suy nghĩ gì. Anh biết anh không phải là ba của đứa bé, và em cũng không muốn anh phải có trách nhiệm gì với đứa bé. Nhưng tình yêu anh dành cho em là một tình yêu thật lòng. Anh sẽ cùng em nuôi đứa bé và xem nó như là con của hai ta. Anh không muốn để em phải bơ vơ một mình, đứa con em sinh ra mà không có ba... Anh đã ở đó suốt đêm với Thư, ngồi bên cạnh Thư khi Thưđau khổ, cùng đường. Ngày hôm sau, anh không chần chừ và suy nghĩ, anh đến gặp ba mẹ của Thư và xin được cưới Thư. Anh nói: Anh xin đón nhận Thư và nuôi đứa bé như con ruột của mình. Anh cũng xin mọi người trong gia đình của Thư giữ bí mật điều này. Nếu gia đình anh có hỏi thì cứ nói đó là con của anh với Thư. Thế là anh bỗng trở nên tội nhân và mang tiếng đứa con hư hỏng. Tình yêu đã vượt qua những giới hạn của lý trí con người. Tấm lòng của anh thật cao cả, anh không bỏ rơi Thư lúc mà Thư đang gặp đau khổ và bế tắc trong cuộc đời. Tấm lòng của anh nhân hậu và giàu tình thương. Anh đã đến đúng lúc khi Thư đang rất cần một chỗ dựa, anh đã mở lối thoát cho Thư khi con đường dường như đã tận cùng và tối mịt. Còn Thư, tuổi xuân của môt người con gái đã trải qua nhiều buồn vui, cay đắng của cuộc sống. Cuộc sống xa hoa của chốn thị thành đã nhẫn tâm cướp đi tương lai và sự nghiệp của Thư. Đàng sau những chốn phồn vinh xa hoa đó là cả một dãy núi cạm bẫy của những kẻ tìm cách hủy hoại cuộc đời của con người. Hãy cẩn thận và tránh xa nó hỡi những ai đang lạc bước vào đó.

Ngày cưới của Thư và Hải cuối cùng cũng đã đến. Ly rượu hồng đã kết duyên mối tình ấy qua thời gian 8 năm. Mối tình đó đã được đan dệt bởi thời gian, bởi duyên số, trong đó có cả buồn vui, hy sinh,cay đắng và nước mắt. Tình yêu đã phủ lấp mọi khoảng cách.  Bây giờ anh đã có chốn dừng chân, chịđã có nơi nương tựa. Hạnh phúc nhé những trái tim đau khổ và quảng đại.

Mã số: 15-098

MÓN QUÀ MUỘN

Từ ngày chồng mất, nụ cười vắng bóng trên khuôn mặt bà Lan, nỗi buồn cứ đeo bám bà và in hằn lên mắt. Đụng chuyện gì, chỉ biết lặng thinh, rồi khóc. Hằng ngày, bà bận bịu với việc buôn bán trong cái quán tạp hóa trước nhà. Vì mất đi đôi chân trong một tai nạn ngoài ý muốn, nên việc kiểm soát hàng hóa bị hạn chế đi. Chỉ mong sao, người ta sống có đạo đức, không gian lận, không lấy cắp đồ của bà. Bà nghĩ vậy, bởi đây là cái xóm Đạo và sống tình làng ngĩa xóm. Được lúc nhàn rỗi, bà lại lần chuỗi, đọc kinh, lâu lâu thì trò chuyện với mấy người hàng xóm và thằng con. Cái Nam là đứa con duy nhất của bà. Cậu hiền lắm, học giỏi và luôn tích cực trong mọi hoạt động nhà thờ cũng như ở trường. Năm nào cũng rinh phần thưởng về nhà, tường nhà nhờ vậy mà kín mít giấy khen và bằng chứng nhận. Bởi thế, cậu là niềm vui và là hạnh phúc của bà. Là người để bà đi được đâu là khoe với người ta rằng: “Đó là thằng Nam con tôi”.

Một ngày hè, sau bốn tuần làm thêm; khoảng thời gian Nam dối bà Lan đi học nhóm với lí do là năm cuối cấp. Nhưng không, cậu đi làm gia sư, dạy cho đứa học trò lớp tám, tuốt ở huyện. Tối đó, cậu háo hức về gặp mẹ lắm nhưng quảng đường như kéo dài thêm, vì sự ngóng trông sớm về tới nhà.

“Lạy Cha chúng con ở trên trời…Kính mừng Maria đầy ơn phước…”. Miệng cứ lẩm bẩm những lời kinh giữa bầu trời tối đen, có lẽ cậu sợ ma, nhưng nét mặt cố bình tĩnh vì sắp mang cái hạnh phúc nhỏ nhoi gì đó về cho mẹ. “ Leng keng” rồi lại “cót két”, âm thanh của chiếc xe đạp cũ, hòa cùng tiếng ếch nhái cứ kêu in ỏi giữa con đường vắng tanh. Chỉ hắt từ xa một vài ánh đèn pha của những chiếc xe chạy ngược. Cách mấy trăm mét mới có một cột đèn đường, có khi cả cây số. Bỗng dưng…

-Ê…! Xuống mày, đưa xe cho tao rồi biến.

- Lấy cái trên tay nó nữa mày.- Thằng khác nói.

Tim Nam đập loạn nhịp ngay lúc đó vì sợ. Nam lúng túng, chẳng biết chuyện gì đang xảy ra? Cả tháng trời không có chuyện gì, sao lại đụng chuyện ngay hôm nay chứ, chẳng lẽ vì về khuya hơn mọi ngày ư. Rồi chúng bỏ đi. Nam đuổi theo, cứ cắm đầu, cắm cổ mà chạy, hét lớn: “Trả lại cho tao”.

Ầm! Chiếc xe đi ngược chiều đâm thằng vào người, Nam ngã xuống, cậu nằm dài trên đường. Phần bà Lan ở nhà, như có linh cảm không tốt, đẩy xe lăn lui tới trong nhà, quay nhìn mâm cơm, đợi Nam về dọn quán rồi cùng ăn. Bà có vẻ sốt ruột lắm, sống lưng lạnh từng cơn. Đột nhiên, ông Chú của Nam chạy sang báo tin: “Thằng Nam bị tai nạn rồi”. Tim bà như vụn ra từng mảnh ngay lúc đó, mặt biến sắc, bà trở nên hốt hoảng, đẩy nhanh chiếc xe lăn, bà ngã quỵ xuống đất. Bà sợ. Bà lo lắng. Bà vẫn ám ảnh cái tai nạn ngày xưa. Bà sợ Nam cũng bị như bà. Ở nhà ngóng tin, vì không đi được càng làm bà nóng ruột, bồn chồn, cứ khóc mãi, khóc hoài.

Nam được đưa vào bệnh viện Đa Khoa huyện, vết thương có vẻ nghiêm trọng lắm. Nằm tại phòng cấp cứu, Nam lúc tỉnh, lúc mơ, cứ kêu “mẹ…mẹ ơi!”. Bất chợt Nam mở mắt, cô bác sĩ đứng cạnh nhìn Nam chằm chằm, cô cố  gắng nghe những lời Nam muốn thốt thành lời. Câu nói chữ được chữ mất: “Mẹ…sổ…cặp…”, dường như Nam muốn cô ta thực hiện điều gì đó, rồi lại chìm vào cơn hôn mê. Vội với lấy cái cặp nhỏ người ta đặt dưới chân Nam. Cô muốn tìm cái Nam nói, muốn giúp Nam thực hiện điều gì đó. Lục tung đống sách vở trong cặp, đập vào mặt cô là cuốn sổ tay nhỏ, như là cuốn nhật ký của Nam. Cô tò mò, lật vội vài trang, khẽ đưa tay gạt sợi chỉ đỏ.

“Khuya ngày 13-6-2014

Tôi trở về sau Thánh Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Thực sự bất ngờ khi thấy mẹ nằm bất động, mắt lờ đờ. Nghĩ mẹ có chuyện gì, ôm mẹ khóc nức nở.

Giờ mẹ đã ngủ, chắc mẹ mệt lắm, trúng gió bất ngờ làm mẹ xanh xao và khó ngủ. Tôi cũng đã thấm mệt, cứ lui tới mãi bên mẹ, sợ mẹ buồn, lấy nước, thoa dầu và trò chuyện. Tôi muốn tạo cho mẹ cảm giác an toàn vì không có ba ở bên và làm vơi đi nỗi buồn cứ in hằn trong mắt mẹ. Nhìn mẹ ngủ mà tôi thương. Nước mắt tôi rơi khi thấy những sợi tóc bạc, những nếp nhăn bắt đầu nhiều thêm trên khuôn mặt mẹ vì sự lo lắng cho tôi. Tôi phải cố gắng trong mọi việc để không phụ lòng mẹ. Nguyện xin Chúa luôn giữ gìn tôi và mẹ luôn được bình an, mạnh khỏe.

 Đúng rồi, tôi đã nghĩ ra món quà đặc biệt để tặng mẹ ngày bổn mạng sắp tới: Maria Mađalêna (22-7).

Tôi sẽ làm gì đây?

 Cảm ơn Chúa vì một ngày đã qua và một buổi tối đầy yêu thương bên mẹ yêu”.

Cô như bị cuốn vào những dòng nhật ký của Nam, những lời tâm sự xuất phát từ con tim của cậu. Thì ra cậu ta cũng là người có Đạo, cô ta nghĩ vậy. Bỗng dưng, cô ta giật bắn mình, lễ thánh Maria Mađalêna, hôm nay ư? Cô tự hỏi bản thân, cô suy nghĩ. Gấp vội cuốn sổ rồi chạy đi, dường như có chuyện gì đó.

Khoảng thời gian ở bệnh viện, cô bác sĩ và Nam trở nên thân thiết lắm. Sau gần một tháng chăm sóc, tới ngày Nam xuất viện, chính cô đã đưa cậu trở về nhà. Nước mắt bà Lan lăn dài khi thấy Nam bước vào. Ôm chầm lấy mẹ, Nam cũng khóc. Chợt cắt đứt mạch cảm xúc của hai mẹ con, cô bác sĩ nói: “Đây là món quà bổn mạng trễ tôi muốn tặng cho bà, bà thật hạnh phúc khi có một người con như Nam”. Bà Lan thực sự bất ngờ khi cô bác sĩ nói như vậy. Sau đó, cô ta đặt vào tay Nam một sợi dây chuyền Thánh Giá bằng bạc: “Đây có phải là món quà đặt biệt, con muốn tặng mẹ không?”. Nam ngơ ngác, nhưng hạnh phúc vỡ òa trong người cậu. “Trao quà cho mẹ đi, cô đã nghe con đòi nó trong lúc hôn mê”. Nam bật khóc vì những lời của cô bác sĩ. Bà Lan cũng không cầm được nước mắt khi biết lí do Nam bị tai nạn là vì bà. Vì sợ bà trúng gió lần nữa nên tặng bà sợi dây chuyền bạc, để cản gió, như dân gian người ta thường nói. Hơn nữa, Nam hy vọng, Chúa sẽ gìn giữ sức khỏe cho bà luôn mãi. Tình cảm của mẹ con bà Lan như đã thức tỉnh cô bác sĩ. Có lẽ mẹ con họ không hiểu được lí do vì sao cô lại tốt với họ như vậy. Sau đó cô thú nhận trong nước mắt với mẹ con bà Lan. Cô cũng là người Công Giáo, nhưng là con chiên đã xa Chúa bao năm. Mấy năm về trước, khi sinh non đứa con gái đầu tiên, cô mang nó đến nhà thờ rửa tội. Cô hi vọng Chúa sẽ gìn giữ nó, nhưng rồi nó đã chết. Dường như cô mất đi niềm tin vào Chúa ngay lúc đó. Hơn nữa, vì sự đam mê cuộc sống thế gian, chạy theo của cải vật chất cô đã phớt lờ đi tình thương của Chúa. Và rồi cô chợt tỉnh giấc khi đọc những dòng tâm tình thầm kín của Nam, cảm nhận niềm tin mạnh mẽ nơi cậu. Bỗng dưng thấy và sực nhớ hôm ấy cũng chính là ngày bổn mạng của cô. Cô quyết định thay đổi chính mình.

Căn nhà bà Lan hôm ấy bỗng dưng trở nên nhộn nhịp, đã lâu lắm rồi mới có những tiếng khóc của sự hạnh phúc và tình yêu thương. Sau đó, cô bác sĩ quyết định tự mừng bổn mạng mình bằng việc hòa giải với Chúa và sống tâm tình con thảo với Ngài . Quả thật, đó là những món quà bổn mạng muộn đầy ý nghĩa  họ trao cho nhau xuất phát từ con tim chân thành.

 

Mã số: 15-100

THIÊN ĐƯỜNG TRÁI TIM

1.

Cầm trên tay kết quả khám thai, Tuyết Lam ngỡ ngàng không thể tin vào thực tại, tay nàng run rẩy sờ vào hình ảnh sinh linh bé bỏng trong bảng siêu âm. Đôi mắt trong veo ngày nào giờ đã rưng rưng lệ ướt.

- Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng con của chị đã mắc hội chứng dị tật bẩm sinh. - Vị bác sĩ nhẹ giọng.

Căn phòng trở nên yên tĩnh, một sự yên tĩnh tưởng chừng như có thể  bóp nát trái tim người mẹ trẻ.

- Chị có thể bàn với chồng chị về việc phá bỏ đứa trẻ này. Anh chị còn nhiều cơ hội để sinh những em bé khỏe mạnh.

Gạt nước mắt đứng dậy, Tuyết Lam im lặng lấy tất cả giấy tờ siêu âm bỏ vào túi xách rồi đi ra khỏi phòng khám, để lại trên gương mặt ông bác sĩ đầy vẻ ngạc nhiên khó hiểu.

Chiều hoàng hôn đỏ thẳm đổ dài trên mặt nước. Những tia nắng được mặt trời chiếu tỏa khắp nơi. Nắng nhảy nhót cùng sóng nước, nắng vui đùa với mây rồi nắng hòa quyện cùng gió, mang theo hương vị mặn nồng của biển luồn vào mái tóc bồng bềnh ngang vai của Tuyết Lam. Bãi biển chiều nay thật đông người, mọi người ai cũng cười nói ríu rít vui vẻ. Tụi trẻ con thì bơi lội dưới nước như những chú cá con đang tung tăng giữa đại dương xanh ngát. Xa xa, những chiếc thuyền nhỏ lênh đênh theo nhịp sóng. Tất cả tựa như bức tranh khắc họa lại tất cả mọi vẻ đẹp của tạo hóa. Sống động vui tươi nhưng bình yên đến lạ.

Nếu bây giờ Huy đang ngồi cạnh Tuyết Lam, chắc chắn bức tranh ấy sẽ tuyệt vời đến dường nào.

2.

- Đến chưa hả anh? Anh kì thật, sao lại che mắt em rồi đưa em đi đâu thế này?

- Rồi, giờ thì em mở mắt ra đi Lam.

- Để xem nào, anh muốn cho em xem gì vậy ta?

Khung cảnh dần hiện trong đôi mắt long lanh của Tuyết Lam. Nàng đang ở trong một tòa nhà rất rộng lớn. Chỉ có điều….? Nàng nhìn xung quanh thì nhận thấy có rất nhiều hàng ghế dài được sắp thẳng tắp. Hai bên tường thì vô số cánh cửa gỗ lớn đã đóng cẩn thận, trên đấy được chạm khắc những hoa văn tinh xảo nghệ thuật. Nàng ngạc nhiên nhìn Huy như muốn hỏi: Nơi nào mà lạ quá vậy anh? Huy mỉm cười xoay người nàng lại. Đập vào mắt nàng lúc này là hình ảnh  cây Thánh Giá với bức tượng Chúa Giêsu chịu nạn được cố định trên tường. Trong bóng tối mờ ảo dưới ánh đèn chầu leo lét, nàng quay lại nhìn Huy như vừa hiểu ra điều gì đó.

- Đây là nhà thờ phải không anh?

- Ừ, em! - Huy cười. Vẫn là nụ cười hiền lành ấm áp ấy, nụ cười mà nàng đã yêu ngay từ lần đầu gặp gỡ.

- Sao anh lại đưa em đến đây? Anh là người Công giáo?

Huy chẳng nói gì, chàng nhẹ nhàng nắm tay nàng, đưa nàng đến chiếc ghế cuối cùng trong nhà thờ. Cả hai ngồi lặng im như vậy mà nhìn lên Thánh Giá. Tuyết Lam chưa bao giờ thấy Huy lạ như vậy. Trong lòng nàng lúc này có biết bao điều thắc mắc, nhưng lại không dám lên tiếng hỏi Huy. Nàng  sợ phá vỡ bầu không khí trầm mặc lúc này; hay đúng hơn là nàng muốn được ngồi nắm tay Huy, cùng chàng hướng lên bức tượng Chúa Giêsu chịu nạn và cùng cảm nhận sự thánh thiêng trong chính ngôi thánh đường này.

Đây là nơi mà anh đã trải qua trong suốt những năm tháng tuổi thơ của mình. Ngay từ bé anh đã là trẻ mồ côi và sống trong trại mồ côi của các sơ phía sau nhà thờ này. Cuộc đời anh tưởng chừng đã kết thúc sau cái chết của ba mẹ anh. Nhưng Thiên Chúa chẳng hề bỏ rơi anh, Ngài ban cho anh một gia đình mới, đó là các sơ và các bạn trong trại mồ côi. Họ giúp anh lấy lại tinh thần. họ giúp anh lạc quan hơn, họ chính là động lực để anh có thể bước tiếp và có được thành công như ngày hôm nay.

Tuyết Lam tròn xoe mắt nhìn Huy. Bỗng nhiên nàng cảm thấy yêu Huy nhiều hơn sau khi biết rõ về cuộc đời chàng. Trước kia, đôi lúc Tuyết Lam cũng hay hỏi thăm về gia đình Huy, nhưng lúc ấy chàng chỉ nói rằng rồi sẽ đưa nàng ra mắt gia đình. Nàng từng tưởng Huy cũng là một người con xa quê, lên thành phố học và kiếm sống như bao người; giờ thì nàng rất đỗi ngạc nhiên khi biết chàng lại có một quá khứ chẳng giống như những người khác tí nào.

- Anh đã từng nói với em là anh sẽ đưa em ra mắt gia đình anh. -Huy trìu mến nhìn nàng.

- Vậy giờ chúng ta sẽ thăm trại mồ côi và các sơ đúng không anh?

- Ừ! Chúng ta sẽ đến đấy. Nhưng em có biết vì sao anh lại đưa em vào nhà thờ trước không?...  Lam à! Ngôi thánh đường này mới thực sự là căn nhà tuổi thơ của anh. Nơi này luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa, chính là người Cha kính yêu nhất mà anh hằng thờ phượng. Ngoài những giờ sinh hoạt với mọi người trong trại mồ côi, anh luôn đến đây để cầu nguyện cùng Cha. Anh tìm thấy sự bình an trong những giây phút tĩnh nguyện, để từ đó anh biết mình còn rất may mắn vì được Cha cho anh nhận biết Ngài. Cha luôn ở bên anh mỗi khi anh gặp khó khăn, Cha xoa dịu nổi đau và ủi an vết thương trong lòng anh. Cha còn ban cho anh một món quà lớn nữa. Em biết không, món quà ấy chính là em.

Đôi mắt Huy âu yếm nhìn nàng.

- Có thể những gì anh nói hơi khó hiểu đối với một người ngoại đạo như em, nhưng anh muốn cho em biết về Thiên Chúa, về người Cha rất mực yêu thương con của mình, luôn luôn bên cạnh con cái để bao bọc che chở và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm nếu đứa con ấy biết ăn năn hối lỗi. Thiên Chúa là Tình Yêu, một Tình Yêu đã gieo những hạt mầm nhân ái và nuôi dưỡng chúng lớn lên trong  tâm hồn anh. Giờ đây, anh muốn em cũng sẽ sống cùng anh trong chính Tình Yêu ấy.

Huy nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Tuyết Lam, nhẹ nhàng mang vào ngón áp út chiếc nhẫn đã được anh chuẩn bị từ trước.

- Đồng ý làm vợ anh nhé !

Ngôi Thánh đường tràn ngập ánh nến lung linh và hoa muôn sắc. Khúc hòa xướng vang lên như muốn hòa quyện cùng niềm vui của đôi tân hôn. Chú rể với bộ veston đen sang trọng bên cạnh cô dâu xinh đẹp trong chiếc đầm cưới trắng thuần khiết. Tay trong tay, chàng và nàng tiến vào cung thánh. Tay trong tay, họ dâng lời nguyện ước trăm năm.

Có lẽ Tuyết Lam sẽ là cô gái hạnh phúc nhất thế gian nếu như Huy không rời khỏi cuộc đời nàng sớm như vậy. Huy mất trong một vụ tai nạn máy bay khi anh đang đi công tác đến  Paris. Anh qua đời quá đột ngột, bỏ lại nàng  cùng sinh linh yêu dấu, chỉ mới tựu chừng ba tháng.

3.

Tuyết Lam sinh bé Ân.

Mặc cho bao lời can ngăn của cha mẹ và bạn bè, nhất là khi họ biết nàng đang mang một cái thai dị tật. Mặc cho nàng biết rằng nàng còn trẻ và nàng còn có nhiều cơ hội; bỏ cái thai để bắt đầu một cuộc sống mới, chính là sự lựa chọn hợp lí nhất trong hoàn cảnh lúc này.

Đôi khi Tuyết Lam tự hỏi phải chăng vì tình yêu mà nàng dành cho Huy đã khiến nàng quyết định sinh bé Ân. Nhưng từ sâu thẳm trong lòng, Tuyết Lam cảm nhận được có một sức mạnh siêu nhiên vô hình khác đã níu giữ lương tâm nàng lại. Có lẽ đó là Tình Yêu, một Tình Yêu vĩ đại mà Huy đã từng nói với nàng:  “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1Ga 4,9-10)

Tình Yêu đã làm tất cả vì nhân loại; còn nàng, không lẽ nàng nhẫn tâm giết chết con mình chỉ vì một cuộc sống tương lai vô vị.

Bé Ân năm nay đã lên bốn tuổi. Căn bệnh bẩm sinh khiến hai chân em bị teo lại, mọi sinh hoạt đều phải nhờ mẹ giúp đỡ. Tuy nhiên, Ân là cô bé rất dễ thương bởi gương mặt bầu bĩnh và đôi mắt trong veo thuần khiết.

Hàng ngày, sau giờ làm việc ở công ty, Tuyết Lam ghé sang nhà ngoại để đón bé Ân, sau đó hai mẹ con cùng nhau đến nhà thờ dự thánh lễ chiều. Ngày lại ngày, cuộc sống nàng và bé Ân vẫn cứ trôi đều theo dòng chảy thời gian. Nhưng có lẽ chẳng ai biết được, nàng chỉ chăm sóc và nuôi dưỡng bé Ân như làm bổn phận của một người mẹ.

Trong lòng nàng biết rõ, nàng không yêu bé Ân nhiều như nàng đã yêu Huy.

Nàng cảm thấy khó chịu khi mỗi ai đó ôm bé Ân và nựng nịu bằng những câu đại loại: “Ôi, con bé dễ thương quá”. Lúc ấy nàng chỉ muốn hét lên rằng: “Giả dối, các người đang nghĩ trong bụng rằng con tôi là một đứa què chứ gì! Các người cho rằng chỗ con tôi là phải ở trong bệnh viện chứ không phải ở đây phải không?”.

Những cơn giận dữ ấy vơi đi thành nỗi buồn, và nỗi buồn dần phôi phai thành thái độ hững hờ xa cách.

4.

- Con đã làm cái gì thế này? - Tuyết Lam đưa mắt nhìn con đang ngồi bên đống thủy tinh vỡ vụn trên sàn nhà.

- Mẹ ơi con xin lỗi, con chỉ muốn xem những bông hoa mẹ cắm trong lọ thôi. -Bé Ân rơm rớm nước mắt sợ sệt nhìn Lam.

Nàng chán nản nhìn con bên đống đổ vỡ. Nàng không phải là người mẹ ích kỉ đến mức giận dữ con mình chỉ vì chuyện nhỏ nhặt nầy. Nhưng chiếc lọ bé Ân làm bể là chiếc lọ cắm hoa Huy đã tặng nàng. Mỗi ngày nàng đều cắm những đóa hồng vào đấy;  mỗi ngày nàng nhìn nó và cảm nhận Huy vẫn còn sống trong ngôi nhà này. Bao nhiêu mệt mỏi cùng áp lực công việc dồn nén bấy lâu chợt vỡ òa. Nàng đổ hết bữa ăn tối, đưa con gửi sang nhà ngoại, rồi một mình lái xe đi trên đường phố giữa trời đêm lạnh lẽo.

Tuyết Lam phóng chiếc ô tô lao về phía trước, thả hồn vào nổi cô đơn bất tận.

- Xin hãy dừng xe. -Một bà cụ nhỏ bé đang vẫy tay, đứng ngay rìa đường, bên cạnh chiếc vali đặt dưới chân, mắt hướng về xe nàng.

- Bà cần gì ạ?

- Có thể chở bà đến một nơi được không?

Căn nhà phía sau lưng bà cụ trông thật hiu quạnh; có chút gì đó cô đơn lạnh lẽo hệt như  bà lúc này. Nhìn bà cụ với khuôn mặt nhân hậu một mình trong đêm khuya giá rét. Tuyết Lam chạnh lòng thương.

- Dạ được. Mời bà lên xe.

Khi vào xe, bà cụ đưa cho nàng địa chỉ nơi cần tới.

- Con có thể đi vòng qua khu công nghiệp được không?

- Nhưng đó không phải là đường ngắn nhất để đến địa chỉ này, bà ạ.

- Bà không vội mà.- Ngừng lại một lát bà nói tiếp- Bà biết, bà đang đi đến viện dưỡng lão.

Tuyết Lam chở bà cụ đi qua khu công nghiệp, đến những nơi bà muốn đến. Bà chỉ cho nàng khu chung cư mà vợ chồng bà đã thuê khi họ mới cưới, xóm chợ mà trước kia bà ngồi đó bán rau, ngôi trường mà các con bà đã từng học. Thỉnh thoảng bà bảo nàng đi chậm qua một công viên hay một góc phố đặc biệt nào đó, dừng lại trong bóng tối và im lặng.

- Thế cụ ông và các con của bà đâu ạ?-Nàng hỏi để phá vỡ bầu không khí yên tĩnh lạnh lẽo lúc này.

- Ông ấy mất lâu rồi. Hai đứa con lớn thì đang định cư ở Mỹ. Chỉ có đứa út là ở với bà, nhưng nó cũng đã qua đời hơn một tháng vì căn bệnh bẩm sinh.

- Đó là bệnh gì vậy ạ?-Tuyết Lam tò mò.

- Hội chứng Down. -Đôi mắt bà ươn ướt- Nó là đứa con bà yêu nhất. Hai đứa lớn tuy giỏi giang hơn, học rộng hơn, nhưng cuối cùng thì cũng bỏ bà bơ vơ trong căn nhà lạnh lẽo. Mỗi năm tụi nó về có một lần, đến khi lập gia đình rồi thì chỉ gửi tiền cho bà rồi trốn luôn bên ấy.

Khuôn mặt nhăn nheo lộ rõ vẻ u sầu mệt mỏi, bà cụ tiếp tục kể như được trải nổi lòng bấy lâu bị sự cô đơn đè nén.

- Khi bà vừa sinh thằng út, bà ghét nó lắm, không muốn nhìn thấy nó. Lúc ấy bà không tin rằng bà lại sinh ra một con quỷ như nó. Nhưng sự đời nổi trôi, bao nhiêu biến cố xảy ra, chỉ còn nó là ở với bà, chia sẻ mệt nhọc với bà. Đến khi bà thực sự yêu nó thì nó lại bỏ bà mà đi mãi mãi…

Trời càng về đêm càng lạnh. Cả hai người phụ nữ, đều lặng im trong những suy nghĩ cuộc đời.

Xe dừng lại trước viện dưỡng lão. Bà cụ bước xuống, rút ví ra, dịu dàng nói với Tuyết Lam:

- Cám ơn con. Bà còn ít tiền, con cầm cho bà vui.

- Dạ không. Cảm ơn bà. Bà đã cho con rất nhiều. - Tuyết Lam trìu mến nhìn bà cụ.

Bà cụ ôm nàng thật chặt rồi bước về phía cổng. Trước khi đi vào, bà quay lại nhìn nàng, hiền từ nói: “ Hãy yêu thương, ngay khi còn có thể, đừng để sau này phải hối hận, con à!”.

Âm thanh tiếng đóng cổng vang lên, âm thanh khép lại một cuộc đời.

Huy đã từng nói với nàng: “Đôi khi Thiên Chúa dùng những biến cố giản đơn để thức tỉnh ta khi ta đang u mê trong vũng nhơ tội lỗi”. Bất giác, nàng cảm thấy mình hạnh phúc xiết bao. Ít ra nàng cũng hiểu rằng, sự cô đơn trong trái tim của một người từng bất hạnh như nàng vẫn còn có thể lấp đầy bởi nhiều yêu thương khác.

 

*****************

Đêm đã khuya. Ánh trăng vàng tỏa ánh sáng dịu dàng qua khung cửa sổ phòng ngủ. Tuyết Lam ngồi lặng lẽ ngắm khuôn mặt đứa con yêu đang say giấc. Đôi mắt bé Ân chợt mở. Vừa nhìn thấy nàng, bé Ân liền ngồi dậy, dùng tay và cơ thể di chuyển rồi ôm choàng lấy mẹ.

- Mẹ ơi,con sẽ không hư nữa, mẹ đừng bỏ đi nữa nha mẹ. Con sợ lắm.

Tuyết Lam siết chặt con. Đôi mắt nàng đỏ hoe, nghẹn ngào bật lên tiếng nấc.

- Con ơi. Mẹ xin lỗi.

Đâu đó trên bầu trời đêm huyền ảo có một vì sao chợt bừng sáng.

 

Mã số: 15-103

CÒN NHIỀU THỨ ĐỂ CHO…

Dãy phòng trọ vắng tanh. Chút ánh sáng lờ mờ hắt vào hành lang âm u. Mọi người đã về Tết. Chợt tiếng công tắc đèn bật nảy lên, vẫn còn người ở lại: Tết này Nhật không về và đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đây, lúc này, đêm 29 Tết.

Tôi gõ cửa, anh ra mở cửa, trên tay vẫn còn cầm đôi đũa nấu ăn:

 - Cậu tới rồi à! Chờ tôi chút!

Mời khách vào nhà xong anh lại lúi húi chuẩn bị đồ nhấm. Xiên thịt nướng nhỏ nước xuống bếp than hồng kêu xèo xèo, bay mùi thơm phức. Bụng tôi đói cồn cào, vừa tan ca trực thì anh gọi, có kịp ăn uống gì đâu. Tôi nhìn qua phía khác để đánh lạc hướng cái dạ dày đang réo ùng ục. Chợt tôi thấy trên tường có một cây Thánh Giá, bên dưới là câu Lời Chúa: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv, 20, 35). Thấy lạ, tôi đứng lên xem thì phát hiện ra dưới câu Lời Chúa còn có một dòng chữ nghệch ngoạc, chắc là chữ của anh: “Lạy Chúa, con có gì để cho?”. Tò mò, tôi buột miệng hỏi:

- Anh theo đạo Công giáo à?

- Ừ! Từ nhỏ.

- Anh hay bố thí người nghèo sao lại không có gì để cho?

Anh bỏ xiên thịt ra đĩa, quay sang phía tôi, thấy tôi đang đọc câu lời Chúa, anh cười chua chát:

-  Tiền bạc không phải là thứ để cho…

Tôi không hiểu nhưng thôi, có hiểu cũng chẳng làm gì, không khéo thành kẻ nhiều chuyện. Đồ nhậu anh đã chuẩn bị xong, anh dọn ra mâm, một đĩa nem chua, ba xiên thịt nướng, vài con mực khô, vậy là thịnh soạn rồi. Anh khui bia, mời tôi:

- Lâu rồi mới nhậu với cậu, lâu nay sao rồi?

- Tôi vẫn như vậy, người ta đau ốm không chừa ngày, công việc của tôi không lúc nào được nghỉ!

- Thế Tết này cậu có trực bệnh viện không, qua lai rai với tôi vài lon?

Tôi đưa lon bia lên miệng, đánh ực một hơi, mùi men sộc lên mũi rần rần:

- Chắc hẹn anh khi khác, Tết nay tôi trực rồi…Mà sao nay anh về muộn vậy?

- Tôi chờ lão ăn mày! - Anh vừa nhai vừa đáp.

- Lão ăn mày nào?

- Lão ăn mày trước cổng nhà thờ.

Tôi lục lại bộ nhớ, hình như trong đó chả có lão ăn mày nào cả. Tôi hỏi anh:

- Tôi có biết lão không?

- Thôi bỏ đi, hôm nay tôi đang vui, đừng nhắc mấy chuyện đó…Uống đi…Uống mừng vì không thấy lão ăn mày…

Hai long bia chạm nhau, đánh cốp. Anh trước giờ vẫn vậy, nhiều việc anh làm chỉ anh mới hiểu. Ví như việc ba năm nay anh chưa một lần về Tết. Có lần đi nhậu tôi hỏi anh:

- Sao Tết anh không về?

- Tôi không dám về. Tôi sợ…- Anh chậm rãi trả lời.

- Trộm cắp lúc nào cũng có, anh giữ đồ cẩn thận hơn là được, sợ gì…

- Không phải. Tôi là thằng hèn. Thằng hèn khốn nạn. – Anh nói như chửi vào mặt mình.

- Anh nói sao tôi không hiểu…Anh ăn ngay ở thẳng, ai dám nói anh hèn?

Trong hơi men ngà ngà, anh ngậm ngùi kể:

Cách đây ba năm anh yêu một cô gái, hai người quyết định đến với nhau nhưng cha mẹ hai bên không đồng ý. Gia đình cô là cán bộ, họ không muốn con mình theo đạo, còn ba mẹ anh là người nghiêm khắc, không chấp nhận một đứa con dâu ngoại đạo. Khi anh ngỏ ý muốn xin được làm phép chuẩn cho đạo ai nấy giữ, ba anh tức giận quát:

- Nếu mày lấy nó thì cút cho khuất mắt tao.

Anh rơi vào tình huống khó xử, anh không muốn mất cô nhưng anh cũng không muốn trái ý cha mẹ. Trong khi anh còn phân vân chưa biết phải làm gì thì cô đã ra đi mãi mãi…trong một tai nạn bất ngờ…Anh đau đớn tột cùng, trong lúc mất hết lí trí, anh đã bỏ nhà đi, trước lúc đi anh còn tuyên bố rằng: Khi nào tha thứ cho cha mẹ anh sẽ về.

Là một bác sĩ, tôi hiểu tâm trạng lúc đó của anh. Khi một người bị tước đoạt đi thứ mình yêu quý nhất, họ sẽ không còn đủ lý trí để suy xét đúng sai và đương nhiên họ sẽ hành động sai lầm.

- Vậy tới nay anh vẫn chưa tha thứ cho gia đình sao?

- Nhiều đêm không ngủ, tôi đã suy nghĩ lại, dù gì họ cũng là cha mẹ tôi, hơn nữa họ làm như vậy là đúng. Chỉ có Thiên Chúa là trêu chọc tôi…-Anh thở dài, mùi bia phả ra sau nụ cười méo mó.

- Vậy sao anh chưa về?

- Tôi chưa tha thứ cho mình…

- Tha thứ? Tha thứ cái gì? –Tôi ngớ người không hiểu.

- Bỏ nhà đi là bất hiếu, hơn nữa ba năm nay tôi chưa làm nên trò trống gì, tôi không cómặt mũi để về!

- Cha mẹ nào cũng thương con, họ không trách anh đâu, anh về đi…

- Cậu là người thành đạt, cậu không hiểu đâu, tôi phải thành đạt, nhất định phải thành đạt để lấy lại sĩ diện và sau này còn gặp lại cô ấy nữa…

Lại là sĩ diễn, tại sao người ta cứ bất chấp mọi thứ để giữ lấy cái sĩ diện hão ấy, trong khi vì nó mà ba năm nay anh chưa một lần về thăm gia đình, liệu có đáng hay không? Nhưng thôi, tôi không dám cản anh vì tôi biết tính anh cố chấp, cái gì đã quyết thì sẽ làm tới cùng, bất chấp mọi chuyện xảy ra.

Đêm 30 Tết, anh lại gọi tôi qua. Vẫn là nem chua, vẫn thịt nướng và mực khô. Anh bóc nem, chấm vào chén tương ớt sền sệt, rồi đưa vào miệng cắn sực:

- Ăn đi, đặc sản Bình Định đó.

- Sao nay anh vui vậy?

- Vẫn không thấy lão ăn mày. - Anh cười nham nhở.

- Anh hay quan tâm đến lão nhỉ? Lão là người quen anh à?

- Không quen nhưng rất quen.

Thấy tôi ngơ ngác, anh cụng lon bia đánh cốp, ngửa cổ uống một hơi, rồi từ từ nói:

- Ngày đầu tiên vào đây tôi đã thấy lão, lão gầy gò như ba tôi nhưng đôi mắt lão lại giống mẹ tôi, đôi mắt buồn bã đợi chờ điều gì đó. Mỗi khi nhắm mắt lại, tôi lại thấy lão…

- Chắc anh bị ám ảnh rồi…

- Ừ! Có lẽ vậy, cứ thấy lão lòng tôi lại ray rứt. Lúc nào lão cũng đội cái mũ lụp xụp, miệng thì luôn lảm nhảm... Vừa giống như cảm ơn những người đã bố thí cho lão, vừa như chửi rủa ai đó...

- Mấy người đó kể cũng tội, già như vậy mà không người chăm sóc, không biết con cái lão ở đâu?  – Tôi thở dài đồng cảm.

- Chắc lũ con lão cũng là kẻ khốn nạn như tôi. - Anh cười mỉa, nốc cạn lon bia.

- Hình như sự mất tích của lão khiến anh vui thì phải?

- Ừ! Tôi thấy như trút được gánh nặng, bớt ray rứt hơn nhưng…

- Bất an, lo lắng phải không? – Tôi tiếp lời.

- Sao cậu biết?

- Ai cũng vậy thôi, khi thiếu đi những gì quen thuộc, sẽ cảm thấy trống trải vô cùng.

Anh khui lon nữa, khuôn mặt chuyển từ nham nhở sang nghĩ ngợi:

- Ừ. Cậu nói đúng. Không biết bây giờ lão ở đâu?

- Có khi lão chết rồi, mấy hôm trước tôi thấy có đám tang gần đó.

- Chết…Chết rồi…Lão chết rồi? – Anh lắp bắp.

- Già thì chết, ai mà chẳng vậy!

- Già thì chết?  Chết…Chết… - Anh giật mình như tỉnh cơn mộng du. - Từ nay tôi sẽ không thấy lão nữa sao? – Anh bật dậy.

- Anh Nhật…Anh bị sao thế? Anh say rồi à, hay anh bị trúng gió?

- Tôi muốn về nhà, tôi phải về thăm ba má tôi. Tôi không muốn ba má tôi chết. – Anh nói như mếu. Khuôn mặt anh dãn ra, hình như anh đang trẻ lại như đứa trẻ vừa nhận được quà.

Nhìn anh, tôi nhận ra anh khồng hề say, mà ngược lại, lúc này anh tỉnh hơn bao giờ hết, tỉnh lại sau bao nhiêu năm say. Anh bảo tôi:

- Tôi biết Chúa muốn tôi làm gì rồi. – Mắt anh sáng lên. - Chúa muốn tôi cho đi sự cố chấp và cái sĩ diện hão của mình. Chỉ khi nào vứt bỏ hết những điều đó tôi mới thực sự bình an và dám nhìn mặt cha mẹ mình…

 Nói được những điều đó chắc anh đã bình an lắm rồi, có lẽ anh đã tha thứ cho chính mình. Vậy là Tết nay anh sẽ về nhà, anh đã tìm được một món quà ý nghĩa. Còn tôi, tôi sẽ cho đi thứ gì?

 


Các bài viết mới hơn
     NHỮNG CÂU HỎI CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỂ LƯỢNG ĐỊNH LÒNG NHÂN ÁI - Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
     Ghanh Tỵ....... Cơn Khát Vô Cùng Của Nhân Loại - Lyeur Nguyễn
     Tuổi trẻ trong vòng vây của cơn cám dỗ - Giuse Phạm Đình Ngọc . SJ
     Nhà Là Nơi....... Lyeur Nguyễn
     ĐHY Tagle: 7 năm với Đức Phanxicô là một dụ ngôn về sự gần gũi của Thiên Chúa
     Dung Mạo của Lòng Thương Xót_Fr. Huynhquảng
     ĐỌC KINH THÁNH Một “bài tập thiêng liêng”_ Giuse NGUYỄN Văn Lộc, SJ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016
     SUY NIỆM 20 MẦU NHIỆM MÂN CÔI THEO Ý CHỈ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
     100 Truyện tích Chuỗi Hạt Mân Côi - Nguồn gốc, lịch sử chuỗi hạt Mân côi, Kinh Mân côi

Các bài viết cũ hơn
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015. Lm . Trăng Thập Tự
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015. Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)
     ...............HAPPY NEW YEAR 2015................
     Năm Mùi, tìm hiểu Dê trong Kinh Thánh - Năm Mùi vui chuyện Dê trong kinh thánh
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015 - Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
     HỌC HỎI THƯ MỤC VỤ 2015 CỦA HĐGM VN GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
     Tập sách nhỏ HÔN NHÂN VÀ ĐẠO HIẾU - Lm. Trăng Thập Tự
     MỘT THƯ VIỆN CÔNG GIÁO TRÊN MẠNG. Lm TRĂNG THẬP TỰ
     GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015. Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)
     50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN