Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

Giáo Hội: Công Giáo Tông Truyền

(Huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, Thứ Tư 17-09-2014)

Anh Chị Em thân mến

Chúc Anh Chị Em qua một ngày thật tốt đẹp.

Trong tuần này chúng ta tiếp tục nói về Giáo Hội. Khi chúng ta tuyên xưng đức tin của chúng ta, chúng ta xác quyết rằng Giáo là "công giáo" và "tông truyền". Nhưng đâu là ý nghĩa đích thực của hai lời này, của hai dấu hiệu đặc biệt của Giáo Hội? Và đâu là giá trị cho các cộng đoàn Kitô và cho mỗi người chúng ta?

1.   Công giáo có nghĩa là phổ quát. Một định nghĩa trọn vẹn và rõ ràng cống hiến cho chúng ta từ một Vị trong các Giáo phụ của Giáo Hội vào các thế kỷ đầu, Thánh Cirillo thành Giêrusalem, khi thánh nhân quả quyết: "Giáo Hội không nghi ngờ gì được để nói mình là công giáo, nghĩa là phổ quát, do sự kiện là Giáo Hội được tỏa lan ra khắp mọi nơi, từ ranh giới này đến ranh giới khác của trái đất; và bởi vì một cách phổ quát và không có biên giới nên Giáo Hội giảng dạy tất cả mọi chân lý là những điều phải tới được sự hiểu biết của con người, hoặc liên hệ tới các sự việc trên trời, hoặc những sự việc dưới đất" (Catechesi XVIII, 23).

Dấu hiệu hiển nhiên của tính cách công giáo của Giáo Hội là Giáo Hội nói tất cả mọi ngôn ngữ. Và điều này không là gì khác, ngoài việc đó là hiệu quả của Lễ Hiện Xuống (xem Cv 2, 1-13): đó là Chúa Thánh Thần, quả thực, là Đấng đã đặt các Tông Đồ và Giáo Hội toàn vẹn có khả năng làm vang lên cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng trái đất, Tin Vui của ơn cứu độ và của tình yêu của Thiên Chúa. Như thế Giáo Hội sinh ra là công giáo, nghĩa là như một "hòa âm" ngay từ khởi nguyên, và chỉ có thể là công giáo, được dự phóng ra cho việc loan báo Tin Mừng và cho cuộc gặp gỡ với tất cả mọi người. Lời của Thiên Chúa hôm nay đọc lên trong tất cả mọi ngôn ngữ.

Tất cả hãy có cuốn Phúc Âm trong ngôn ngữ riêng của mình, để đọc được Phúc Âm đó. Và Cha trở lại chính điều này: luôn luôn là một điều tốt lành, khi có một cuốn sách Phúc Âm nhỏ mang theo với mình, để trong túi, trong giỏ xách và trong ngày đọc một đoạn. Điều này làm ích cho chúng ta. Phúc Âm được loan truyền ra trong mọi ngôn ngữ bởi vì Giáo Hội, loan báo Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế, Giáo Hội ở tại mọi nơi trên thế giới. Và vì thế người ta nói Giáo Hội là công giáo, bởi vì Giáo Hội là phổ quát.

2.   Nếu Giáo Hội sinh ra là công giáo, thì điều này có nghĩa là Giáo Hội sinh ra để "đi ra", bởi vì sinh ra là truyền giáo. Nếu các Tông Đồ ở lại đó trong nhà tiệc ly, không đi ra mang Phúc Âm, Giáo Hội sẽ chỉ là Giáo Hội của dân tộc đó, Giáo Hội của thành phố đó, của nhà tiệc ly đó. Nhưng tất cả họ đã đi ra khắp thế gian, từ ngày sinh của Giáo Hội, từ lúc Chúa Thánh Thần xuống trên họ. Vì điều này, Giáo Hội sinh ra là "đi ra", nghĩa là truyền giáo. Điều đó là điều mà chúng ta diễn tả khi nói Giáo Hội là tông đồ, có nghĩa là vị tông đồ là người mang tin vui của Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu. Từ ngữ này nhắc lại cho chúng ta nhớ rằng Giáo Hội, tự nền tảng các Tông Đồ và liên tục với các Tông đồ - Chính Các Tông Đồ đã ra đi và đã thiết lập các giáo hội mới, đã đặt lên các vị giám mục mới và như thế trong tất cả thế giới, trong sự liên tục. Hôm nay tất cả chúng ta ở trong sự liên tục với nhóm các Tông Đồ đó là nhóm người đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần và rồi đã ra đi "đi ra", để rao giảng - , họ được gửi đi để mang tới tất cả mọi người tin loan báo Phúc Âm, kèm theo đó với các dấu hiệu của sự dịu hiền và của quyền năng của Thiên Chúa. Ngay cả điều này cũng phát xuất từ biến cố Lễ Hiện Xuống; quả vậy, chính Chúa Thánh Thần, đã vượt qua mọi sự chống đối, đã thắng cơn cám dỗ đóng kín mình lại trong chính mình, giữa một số người được tuyển chọn, và coi mình như là những người duy nhất được dành cho việc lãnh nhận phép lành của Thiên Chúa. Nếu, thí dụ, một vài Kitô làm điều này và nói :"Chúng tôi là những người được tuyển chọn", sau cùng họ chết đi. Họ chết đi trước tiên trong tâm hồn, rồi họ sẽ chết đi trong thân xác, bởi vì họ không có sự sống, họ không có khả năng sinh ra sự sống, sinh ra dân khác, các dân tộc khác: họ không phải là tông truyền. Và chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tới các người anh chị em, ngay cả tới những người xa chúng ta nhất theo bất cứ nghĩa nào, để họ có thể chia sẻ với chúng ta tình yêu, hòa bình, niềm vui, mà Chúa Phục Sinh đã để lại cho chúng ta như ơn huệ.

3.   Điều này mang theo mình điểm nào cho các cộng đoàn của chúng ta và cho mỗi người chúng ta, để là thành phần của một Giáo Hội, Giáo Hội công giáo và tông truyền? Trước tiên, điều này có nghĩa là Mang trong lòng mình sự cứu rỗi của tất cả nhân loại, không cảm thấy mình nhửng nhưng hoặc người ngoài cuộc, đứng trước số phận của biết bao nhiêu người anh chị em của chúng ta, nhưng biết mở lòng mình ra và biết liên đới với họ. Ngoài ra điều này còn có nghĩa là có ý thức về sự toàn vẹn, sự đầy đủ, sự hài hòa của đời sống Kitô, trong khi luôn đẩy xa các lập trường mang tính cách cục bộ, một chiều, là những lập trường đóng chúng ta lại trong chính mình chúng ta.

Là thành phần của Giáo Hội tông truyền, điều này muốn nói rằng, ý thức rằng đức tin của chúng ta được đóng neo vào việc loan báo và vào việc làm chứng tá của chính các Tông Đồ của Chúa Giêsu - được đóng neo ở đó, là một dây xích sắt đến từ đó - ; và vì thế là cảm thấy mình luôn được gửi đi, cảm thấy mình được sai đi, trong sự hiệp thông với những người kế vị các Tông đồ để loan báo với con tim tràn đầy niềm vui Đức Kitô và tình yêu của Ngài cho tất cả nhân loại. Và ở đây Cha muốn nhắc lại cuộc sống anh hùng của biết bao nhiêu, bao nhiêu vị truyền giáo nam, bao nhiêu vị nữ truyền giáo đã bỏ quê hương của họ để ra đi loan báo Phúc Âm trong các Quốc Gia khác, trong các Châu Lục khác. Một Đức Hồng Y người Brazil đã làm việc khá nhiều tại vùng Amazzonia, là người di chuyển luôn, khi đi tới chỗ này, tới xứ nhỏ bé kia, hoặc trong thành phố Amazzonia, thì ngài luôn đi tới nghĩa địa và ở đó ngài nhìn thấy các ngôi mộ của các vị thừa sai này, các linh mục, các sư huynh, các nữ tu, là những người đã ra đi rao giảng Phúc Âm: họ là các tông đồ. Và vị Hồng y nghĩ: tất cả những người này có thể được phong thánh ngay bây giờ, họ đã bỏ tất cả để loan báo Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Giáo Hội của chúng ta có biết bao nhiêu vị nam thừa sai, có biết bao nhiêu vị nữ thừa sai và Giáo Hội còn cần đến các vị này hơn nữa! Chúng ta cảm tạ Chúa vì điều này. Có lẽ giữa biết bao nhiêu thanh thiếu niên, các bạn trẻ nam nữ đang có mặt ở đây, có người nào muốn trở nên vị thừa sai: hãy tiến lên! Điều này thật là đẹp, là mang sách Phúc Âm của Chúa Giêsu. Chớ gì họ can đảm!

Vậy chúng ta xin Chúa canh tân trong chúng ta ơn Thánh Thần của Ngài, để mỗi cộng đoàn Kitô và mỗi người đã chịu phép Rửa Tội là lời diễn tả của Mẹ Thánh Giáo Hội, công giáo và tông truyền.

(Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí của Tòa Thánh phổ biến, ngày 17-09-2014. Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn-Khả, ngày 17-09-2014).

 


Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     Đức Thánh Cha gặp gỡ và cử hành thánh lễ với người cao niên
     Lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô khóc công khai
     Đức Thánh Cha lên án lạm dụng danh Thiên Chúa để giết người
     Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tân Giám Mục
     Đức Thánh Cha tiếp kiến 94 Giám Mục mới thuộc các xứ truyền giáo
     Tôn trọng các nhân quyền căn bản và tự do tôn giáo là góp phần thăng tiến và phát triển thiện ích quốc gia đích thực
     TRÍCH THƯ THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II GỞI CÁC GIA ĐÌNH.
     Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức TGM Bùi Văn Đọc làm thành viên Bộ truyền giáo
     Sửa lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng phải tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói gây thương tích và giết chết tha nhân
     Giáo Hội là mẹ sinh chúng ta vào cuộc sống trong Chúa Kitô và dưỡng nuôi chúng ta bằng Lời Chúa và các Bí Tích