Trang Chủ > Phụng Vụ > Các Thánh

Ngày 2 tháng giêng

THÁNH BA-XI-LI-Ô CẢ VÀ THÁNH GHÊ-GÔ-RI-Ô NA-ĐI-EN

wheat_2d868.jpgHai vị thánh này là những văn nhân nổi tiếng giữa các giáo phụ Hy lạp. Họ còn để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm giải thích Thánh Kinh và Tu đức; Hội Thánh còn giữ được trên 400 bài thơ của thánh Grêgôriô và nhiều luật dòng của thánh Basiliô, vì thế người ta xem ngài như đấng khai sáng đời sống đan viện bên phương đông. Họ đã sống chung những năm đẹp đẽ nhất khi học chung trường ở Athen và sau này trong đan viện Anêsi do thánh Basiliô thành lập trên bờ sông Iris.

Người đương thời gọi thánh Basiliô là “vĩ đại”. Xuất thân từ một gia đình công giáo vị vọng, học rất nhiều trường nổi tiếng. Khi lớn lên, ngài mới nhận bí tích thánh tẩy, và như ngài nói: “Như là tỉnh một giấc ngủ dài, bừng mắt dậy để chiêm ngắm ánh sáng kỳ diệu của chân lý Phúc Âm”.

Ngài bước vào đời sống khổ tu, viết hai bộ luật dòng. Năm 364 ngài nhận chức linh mục; năm 370 ngài làm tổng giám mục ở Xêdaria miền Capađôxia. Các tác phẩm của ngài được viết ra để bảo vệ thiên tính của Chúa Giêsu và của Chúa Thánh Thần. Vì sống quá khổ hạnh và có quá nhiều công tác, ngài kiệt sức dần, qua đời ngày 1.1.379, thọ 49 tuổi.

Thánh Grêgôriô Nadien là con của vị Giám mục ở Nadien miền Tiểu Á, là bạn đồng song với thánh Basiliô, trở thành tu sĩ và linh mục năm 362. Trong một thời gian ngắn, ngài làm tổng giám mục thành Con-tan-ti-nô. Đối với ngài, không gì sung sướng cho bằng bỏ tất cả danh vọng để trở về đời sống chiêm niệm. Ngài là con người khắc khoải đi tìm Chúa, hăng say bảo vệ thiên tính của Chúa Kitô, chống lại tất cả mọi lạc thuyết, vì thế người đương thời gọi ngài là “nhà thần học”. Vào năm 383, ngài bỏ ngai giám mục, trở về quê nhà ở Arian, nơi ngài đã được sinh ra và chết tại đây vào năm 389.

HAI XÁC THỂ NHƯNG KỂ NHƯ MỘT LÒNG

(Trích bài giảng của thánh Grêgôriô, giám mục Nadien)

Lúc ấy, chúng tôi gặp nhau tại Athêna, như một dòng sông từ một nguồn chia ra nhiều ngả, Basiliô và tôi vì ham học đã lìa đến nhữn miền khác nhau, nhưng thực sự chính là Thiên Chúa đã thúc giục như vậy.

Lúc đó, không những tôi rất kính trọng Basiliô, người bạn cao quý của tôi, vì ngài đoan trang trong nếp sống, lại chín chắn và khôn ngoan trong lời nói, mà tôi còn khuyên nhiều kẻ chưa biết ngài cũng làm thế nữa. Và ngài đã được nhiều người tôn kính vì họ cũng đã nghe biết tiếng tăm của ngài rồi.

Kết quả là trong số người đến học tại Athêna, hầu như chỉ có ngài đã vượt khỏi luật chung, là đã được quý mến hơn bất cứ một người sinh viên mới nào mong được, đó là khởi điểm của mối tình bạn giữa chúng tôi, nó cháy lên thành mối tình liên kết, và chúng tôi đã thắm thiết yêu thương nhau.

Một thời gian sau, chúng tôi tự thú với nhau về lòng ước muốn của chúng tôi, là chúng tôi chỉ mê triết học. Từ đó, cả hai chúng tôi sống tất cả người này cho người kia, cùng chung một nhà, cùng chung một mâm, cùng chung một lòng, cùng chung một đích và càng ngày càng sốt sáng cương quyết có chung một ước muốn.

Cả hai cùng hướng vào hy vọng đạt được kiến thức, là điều chúng tôi thèm khát hơn cả mọi sự, nhưng không hề ghen tương, chỉ có thi đua hết mình. Cả hai cùng tranh nhau, không phải để xem người nào thắng, nhưng để mỗi người nhường phần nhất cho người kia vì mỗi người đều lấy vinh dự của người kia làm của mình.

Cả hai xem như chỉ có một tâm hồn nâng đỡ hai thân xác. Nếu không nên tin những kẻ nói rằng mọi sự của họ đều là của chung mọi người, thì chắc chắn vẫn phải tin chúng tôi khi chúng tôi nói rằng nơi hai chúng tôi, người này ở bên cạnh người kia và người này ở trong người kia.

Cả hai chúng tôi chỉ có một thao thức: đó là tiến đức và sống hướng về hy vọng đời sau để, tuy chưa ra khỏi đời này, chúng tôi cũng đã xa lìa nó rồi. Chúng tôi định hướng cuộc đời và mọi hành động theo viễn tượng đó. Chúng tôi sống theo luật Chúa và thúc đẩy nhau tiến đức; và nếu không sợ bị coi là quá kiêu căng, thì tôi có thể nói được rằng: cả hai chúng tôi đã trở nên mẫu mực cho nhau để phân biệt điều-phải trái.

Dĩ nhiên, mỗi người có một tên riêng hoặc do cha mẹ đặt cho, hoặc do chính mình tạo ra, nghĩa là do sở thích hay công việc riêng mà có; nhưng đối với chúng tôi, thực tế cao trọng và danh xưng cao quý là được làm kitô hữu và được gọi là kitô hữu.

(các GKPV, trang 3-5)

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã làm cho Hội Thánh nên rạng rỡ nhờ gương sáng và lời giảng dạy của hai thánh Basiliô và Grêgôriô. Xin cho chúng con biết khiêm nhường tìm hiểu chân lý của Cha và hết lòng yêu mến đem ra thực hành. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Gioan Tông Đồ_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Kính Thánh An-rê Tông Đồ_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả - Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu
     Suy Niệm Lễ Thánh Giuse Lao Động - Nt. M. Anh Thư, OP
     Lễ nhớ hai thánh Ti-tô và Ti-mô-thê, giám mục - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phaolo Tông Đồ Trở Lại
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Các Thánh - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mân Côi - Lm Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Sinh Nhật Đức Maria - Sưu Tầm

Các bài viết cũ hơn
     Ngày 31 tháng 12 : THÁNH XINVETTE I, GIÁO HOÀNG
     Ngày 29 tháng 12: THÁNH TÔMABÉCKÉT, GIÁM MỤC TỬ ĐẠO
     Ngày 26 tháng 12: THÁNH TÊ-PHA-NÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI
     Ngày 23 tháng 12: THÁNH GIOAN KÊTY, LINH MỤC
     Ngày 18 tháng 12: THÁNH PHAOLÔ NGUYỄN VĂN MỸ, THẦY GIẢNG, TỬ ĐẠO ( 1798-1838)..
     Ngày 11 tháng 12: THÁNH ĐA- MA- SÔ 1
     Ngày 08 tháng 12: ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
     Ngày 7 tháng 12. THÁNH AM-RÔ-XI-Ô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
     Ngày 6 tháng 12: THÁNH NICÔLA, Giám Mục
     Ngày 26 tháng 11: THÁNH GIOAN BERCHMANS, TU SĨ