Ngày 24 tháng 11
THÁNH ANRÊ TRẦN AN DŨNG LẠC VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO
Lễ kính
Bộ phụng tự đã nhân danh Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (hiện là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II)cho phép Giáo hội Việt Nam mừng lễ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM với bậc lễ kính.
Sắc lệnh của BỘ PHỤNG TỰ ký ngày 14.2.1990: theo đơn xin của Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, tổng Giám mục Hà Nội, chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đề ngày 15.10.1989 và theo quyền hạn đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ủy quyền, Bộ Phụng tự và Bí tích cho phép các giáo hữu tại Việt Nam mừng lễ THÁNH ANRÊ DŨNG LẠC VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO hàng năm vào ngày 24 tháng 11 với bậc lễ kính.
Hôm nay toàn thế giới Công giáo mừng kính chung các thánh tử đạo tại Việt Nam. Theo sử liệu, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có độ 130.000 tín hữu được diễm phúc đổ máu làm chứng đạo Chúa, trong những thời kỳ bách hại như sau:
- Trịnh Nguyễn 1745 và 1773 – 2 vị
- Cảnh Thịnh năm 1798 – 2 vị
- Minh Mạng 1820-1840 – 2 vị
- Thiệu Trị 1841-1847 – 2 vị
- Tự Đức 1848-1883 – 58 vị
Trong số tử đạo 130 ngàn người, có 117 vị được phong chân phước trong 4 giai đoạn:
- Đức Lêo XIII phong ngày 27.5.1900 – 64 vị
- Đức Piô X phong ngày 20.5.1906 – 8 vị
- Đức Piô X phong ngày 2.5.1909 – 20 vị
- Đức Piô XII phong ngày 29.4.1951 – 25 vị
Trong số này, gồm có:
- 8 giám mục (6 thuộc dòng Đa Minh và 2 của Hội Thừa Sai Paris)
- 50 linh mục (37 Việt Nam, 5 Đa Minh, 8 Thừa sai Paris)
- 16 thầy giảng
- 01 chủng sinh
- 42 giáo dân thuộc mọi tầng lớp xã hội (công chức, quân nhân, y sĩ, thương gia, công nhân, nông dân, ngư phủ, trùm họ, lý trưởng…)
Các ngài đã chịu những cực hình khác nhau
- 79 vị bị trảm quyết
- 16 vị bị xử giảo
- 08 vị chết rũ tù
- 06 vị bị thiêu sinh (đốt cháy khi còn sống)
- 04 vị bị lăng trì (chặt tay chân, trước khi bị chém đầu)
- 01 vị bị bá đao (lóc 1 miếng thịt trong thân thể)
- 01 vị bị đánh tử thương trong lúc đi đường.
Tất cả 117 vị chân phước này được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong lên hàng hiển thánh ngày 19.6.1988 (Cơ Mật Viện công bố tin ngày 22.6.1987)
TRÍCH BÀI GIẢNG CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II TRONG ĐẠI LỄ TÔN VINH HIỂN THÁNH 117 CHÂN PHƯỚC TỬ ĐẠO VIỆT NAM TẠI RÔMA NGÀY 19.6.1988
“Lên tiếng với anh em để hô vang Chúa Kitô tử nạn Thập giá, tất cả chúng tôi hôm nay để lời cám ơn anh em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam anh em đã nêu cao, bất cứ các ngài là con dân Việt Nam hay là những Thừa sai, xuất xứ từ những nước đã in sâu mầm mống đức tin Chúa Kitô.
Làm sao kể lại cho hết? Tất cả là 117 vị tử đạo, trong số đó có 8 vị Giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân, trong số đó một phụ nữ, thánh Agnê Lê Thị Thành, mẹ của sáu người con.
Truyền thống còn ghi nhớ lịch sử chết vì đạo của Giáo hội Việt Nam rất bao quát, phức tạp ngay từ lúc ban đầu. Từ năm 1533, nghĩa là từ lúc miền Đông Nam Á Châu vừa được truyền đạo, Giáo Hội Việt Nam đã chịu bách hại suốt 3 thế kỷ, trừ một vài năm cách quãng, giống hệt ba thế kỷ bắt bớ của Giáo Hội Âu Châu thời xưa. Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc.
Để lấy một thí dụ: trong các vị tử đạo hôm nay, đi tiên phọng có thánh Vinh Sơn Liêm, dòng Đa Minh là người Việt tử đạo đầu tiên năm 1773. Rồi tới linh mục Anrê Dũng Lạc, sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo khó, bên lương, từ nhỏ đã phải “bán” cho một thầy giảng dậy giáo lý, nhưng rồi Chúa cho tới chức linh mục năm 1823, được bổ nhiệm chánh xứ và đương nhiên thành nhà truyền giáo trong nhiều địa hạt.
Nhiều lần đã bị lao tù, nhưng vẫn giữ được giáo dân tốt lành đem tiền chuộc về, trong khi bản thân ngài mong chờ được chết vì Chúa. “Những người chết vì đức tin ngài nói-thì phải tốn tiền đút lót cho quan quyền; thà để cho chúng tôi bị bắt và rồi tử đạo có phải hơn không?” Thực ra, vẫn một ý chí hăng say và được ơn Chúa nâng đỡ, ngài đã anh dũng chịu trảm quyết tại Hà Nội ngày 21.12.1839.
Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: máu các Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong đức tin. Giữa anh em, đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai.
Đức tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tới tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn còn là người tín hữu của Chúa Kitô.
Ai là người tín hữu đều ý thức rằng: lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kiêng nể tha nhân, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa và tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (1 Pr 2,13-17).
Do đó, công ích của Quốc Gia vẫn là điểm người công dân có đạo phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với các vị chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng: và như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân”
(Thiên Hùng sử, trang 20-25)
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha. Cha đã ban cho Giáo Hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.