Ngày 27 tháng 9
THÁNH VINH SƠN PHAO-LÔ, linh mục
Đấng sáng lập Tu hội Truyền giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái
Vinh Sơn Phao-lô sinh ngày 24.4.1581 tại làng Pouy, gần Dax. Người thụ phong linh mục ngày 23.9.1600 tại Château l’Evêque, gần Périgueux. Người chọn nghề này chỉ mong thoát cảnh nghèo, thế nhưng sau đó có một sự chuyển đổi sâu sa khi người gặp gỡ linh mục (sau này làm Hồng Y Bérulle).
Khi còn làm tuyên úy cho gia đình quận công De Gondi, người khám phá người nghèo rất kém giáo lý vì bị các linh mục bỏ rơi, đồng thời cũng thấy nhiều giáo sĩ quá yếu kém trong vấn đề học vấn. Hoàn toàn hiến thân để xoa dịu các nỗi khổ của người nghèo, người sáng lập Tu Hội Truyền Giáo Lazarist vào năm 1625, được gọi theo nhà St. Lazare. Trách nhiệm của Tu Hội là truyền giáo cho dân quê và đào tạo hàng giáo sĩ tốt.
Cộng tác với bà Louise de Marillac, người sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Vinh Sơn luôn luôn làm điều cần thiết : điều mà môi trường cụ thể vạch cho người thấy và người xem đó là ý muốn của Thiên Chúa.
Người không viết tác phẩm nào; cũng không làm một phép lạ, nhưng khiêm tốn, trung tín và vĩ đại trong sự đơn sơ của người. Người qua đời tại Paris đêm 27.9.1660, được phong chân phước ngày 13.8.1729 và phong thánh ngày 16.6.1737. Trong Đoản Sắc ban hành ngày 2.5.1885, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã đặt thánh Vinh Sơn làm bổn mạng đặc biệt của mọi tổ chức từ thiện bác ái có trong Hội Thánh Công Giáo và phát xuất từ người.
TRÍCH BÚT KÝ THÁNH VINH SƠN, Linh mục
“Phải quý trọng việc phục vụ người nghèo hơn hết và phải thực hiện ngay không được trì hoãn. Nếu trong giờ kinh nguyện mà phải mang thuốc hay sự giúp đỡ nào cho đến một người nghèo khổ, thì hãy yên tâm đi đến với họ, dâng việc phải làm đó cho Chúa như đang nguyện kinh. Đừng bối rối tâm hồn, đừng xao xuyến lương tâm vì đã phục vụ người nghèo mà bỏ buổi kinh nguyện. Vì không phải là bỏ Chúa khi vì Người mà đã đi xa Người, nghĩa là bỏ một công việc của Thiên Chúa để thực hiện một việc ngang hàng như vậy.
Chính vì thế, khi anh em bỏ kinh nguyện để giúp đỡ một người nào đó, anh em hãy nhớ đó là việc phục vụ Thiên Chúa. Đức ái cao trọng hơn mọi lề luật; hơn nữa, mọi sự đều qui về đức ái. Bởi lẽ, đức ái là bà chúa cao cả nên phải làm những gì nó đòi hỏi. Vậy ta hãy dấn thân phục vụ người nghèo với một cảm tình mới của tâm hồn, hãy tìm kiếm những kẻ bị bỏ rơi và bị hắt hủi nhất: họ là những kẻ Chúa ban để làm chủ, làm thầy của ta đó”.
(trích GKPV trang 404-405)
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha đã ban cho thánh Vinh Sơn Phao-lô, linh mục mọi đức tính xứng bậc Tông đồ, để thánh nhân phục vụ người cùng cùng khốn và đào tạo hàng giáo sĩ. Xin cho chúng con biết nghe lời người dạy, biết bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
---------------------------------
KỶ NIỆM DÒNG ĐƯỢC HỘI THÁNH CHÍNH THỨC CÔNG NHẬN
(Lễ của Dòng Tên)
Thánh I-Nha rời bỏ quê hương đến Paris năm 1528 để học hành chuẩn bị hành trang tông đồ. Tại học viện thánh Barbara, ngài gặp chân phước Phê-rô Favre và thánh Phan-xi-cô cùng với một số bạn khác. Họ thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi và cầu nguyện với nhau.
Sau khi hầu hết đã làm linh thao, ngày 15.8.1534 nhóm bạn 7 người đến nhà thờ Montmartre tuyên khấn sống khiết tịnh và nghèo khó để làm việc tong đồ.
Năm 1536, họ đến Venezia, chuẩn bị đi hành hương Giê-ru-sa-lem, lúc này nhóm đã có 10 người. Đang khi chờ đợi, họ được chịu chức linh mục và hoạt động tong đồ tại miền Bắc nước Ý. Trong khi hội họp tại thị trấn Vicenza năm 1537, họ tự xưng là Đoàn Giê-su. Vì năm ấy không có tàu đi Giê-ru-sa-lem, họ đến Ro6ma trình diện Đức Thánh Cha để ngài có thể cử họ đi hoạt động tông đồ.
Năm 1539, họ bàn định và đi đến quyết định khấn tuân phục một người được bầu làm trưởng. Vì đã có lời khấn khiết tịnh và nghèo khó, nay nếu thêm lời khấn tuân phục, Đoàn Giê-su sẽ trở thành một tu hội, do đó phải có phép của Tòa Thánh.
Đoàn soạn thảo một bản cương lĩnh gọi là bản Dự Thảo Định Thức gồm 5 chương, đệ trình lên Đức Thánh Cha. Ngày 3.9.1539, bản dự thảo được Đức Thánh Cha Phao-lô III phê chuẩn miệng: “Có tay Chúa”.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn bất ngờ xảy ra. Mới trước đó không bao lâu, Hội Đồng Hồng Y đã đề nghị không cho lập thêm tu hội nào nữa, và gom tất cả các tu hội lại thành bốn cho dễ điều hành. Bản dự thảo cũng có nhiều điểm khiến người ta thắc mắc: danh hiệu Giê-su, tuân phục Đức Thánh Cha, bỏ kinh thần vụ chung, bỏ áo dòng, bỏ việc hãm mình đền tội theo luật…
Thánh I-Nha và các bạn đã phải tích cực cầu nguyện và vận động với đủ mọi hạng người, nhất là các vương hầu và các giám mục, nơi các bạn đã hoạt động tong đồ, để xin cho bản dự thảo được Đức Thánh Cha phê chuẩn.
Ngày 27.9.1540, bằng pháp lệnh: “Đạo quân của Hội Thánh chiến đấu”, Đức Thánh Cha Phao-lô III đã chính thức khai sinh Dòng Tên trong Hội Thánh.