Trang Chủ > Tin Giáo Hội > Giáo Hội Toàn Cầu

SỨ ĐIỆP KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 2013

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Anh chị em thân mến,

Năm nay, chúng ta cử hành ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo vào dịp kết thúc Năm Đức Tin, một cơ hội quan trọng để củng cố tình bằng hữu của chúng ta với Chúa và cuộc hành trình của chúng ta như một Hội Thánh đang loan báo Tin Mừng với lòng can đảm. Trong bối cảnh này, tôi muốn đề ra một vài suy nghĩ.

1.      Đức tin là một quà tặng quí giá từ Thiên Chúa. Quà tặng ấy mở tâm trí chúng ta để chúng ta có thể biết và yêu mến Ngài. Ngài muốn liên hệ với chúng ta để chúng ta được thông phần vào sự sống của chính Ngài và làm cho cuộc đời chúng ta có ý nghĩa hơn, tốt lành hơn và đẹp đẽ hơn. Thiên Chúa yêu thương chúng ta! Tuy nhiên, đức tin cần phải được đón nhận. Do đó, đòi buộc phải có một sự đáp trả cá nhân, lòng can đảm để phó thác vào Thiên Chúa, để sống tình yêu của Ngài và lòng biết ơn đối với lòng thương xót vô biên của Ngài của chúng ta. Tiếp đến, đức tin là một quà tặng, không chỉ dành riêng cho một số người, nhưng được ban tặng rộng rãi. Tất cả mọi người đều có thể cảm nghiệm niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui của ơn cứu độ! Và đức tin là một món quà mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng phải được chia sẻ: nếu chúng ta muốn chỉ giữ nó cho riêng mình, khi đó chúng ta sẽ trở thành những kitô hữu bị cô lập, khô cằn và bệnh tật. Không thể tách việc rao giảng Tin Mừng ra khỏi việc làm môn đệ Đức Kitô, và đó là một sự dấn thân liên tục làm cho toàn thể đời sống Hội Thánh được sinh động. “Lòng nhiệt thành truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng về sự trưởng thành của một cộng đoàn Hội Thánh” (Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Tông huấn Verbum Domini, n. 95). Mỗi cộng đoàn là cộng đoàn “trưởng thành” khi tuyên xưng đức tin, cử hành đức tin ấy với niềm vui trong phụng vụ, sống đức ái và công bố Lời Chúa mà không biết mệt, khi ra khỏi “khu nội cấm” của mình để cũng đem Lời Chúa đến “những khu ngoại vi”, đặc biệt là những người chưa có cơ hội biết Đức Kitô. Sự vững chắc của đức tin của chúng ta, ở mức độ cá nhân và cộng đồng, cũng có thể được đo lường bằng khả năng truyền thông đức tin cho người khác, truyền bá đức tin và sống đức tin trong đức ái, làm chứng cho đức tin trước mặt những người mà chúng ta gặp gỡ và những người chung bước với chúng ta trên đường đời.

2.      Năm Đức Tin, năm mươi năm sau ngày khai mạc Công Đồng Vaticanô II, thúc đẩy toàn thể Hội Thánh canh tân ý thức về sự hiện diện của mình trong thế giới hiện đại, và sứ vụ của mình giữa các dân tộc và các quốc gia. Đặc tính của truyền giáo không chỉ là vấn đề liên quan đến các dân tộc, đến các nền văn hóa và những con người, bởi vì “những ranh giới” của đức tin không chỉ qua những địa điểm và truyền thống của con người, nhưng qua tâm hồn của mỗi con người bất kỳ nam nữ. Công đồng Vaticanô II đặc biệt nhấn mạnh đến bổn phận truyền giáo, bổn phận mở rộng ranh giới của đức tin, là của mỗi kitô hữu và mỗi cộng đoàn Kitô hữu như thế nào: “Vì Dân Thiên Chúa sống trong những cộng đoàn, đặc biệt là các giáo phận và giáo xứ, và chính trong những cộng đoàn này mà một cách nào đó Dân Thiên Chúa trở nên hữu hình trong những cộng đoàn ấy, cho nên những cộng đoàn ấy cũng phải làm chứng cho Đức Kitô trước mặt muôn dân” (Sắc lệnh Ad Gentes, s.37). Như thế mỗi cộng đoàn bị thách đố và được mời gọi nhận làm của riêng mình mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các Tông đồ là “làm nhân chứng” cho Người “ở Giêrusalem, trong khắp vùng Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Và điều này không phải là một bình diện thứ yếu của đời sống kitô hữu, nhưng là một bình diện thiết yếu: tất cả chúng ta đều được sai đi trên các nẻo đường thế gian để đồng hành với anh em của mình, trong khi tuyên xưng và làm chứng cho đức tin vào Đức Kitô và làm sứ giả của Tin Mừng. Tôi mời gọi các Giám mục, các linh mục, các Hội Đồng linh mục và mục vụ, mỗi người và mỗi nhóm có trách nhiệm trong Hội Thánh hãy đặt tầm quan trọng của bình diện truyền giáo này lên hàng đầu trong các chương trình mục vụ và đào tạo, với ý thức rằng việc dấn thân làm tông đồ của mình sẽ không trọn vẹn nếu không bao gồm ý định “làm chứng về Đức Kitô trước mặt muôn dân”, trước mặt tất cả mọi dân tộc. Khía cạnh truyền giáo này không chỉ là một chiều kích mang tính chương trình trong đời sống của người kitô hữu, mà còn là một chiều kích cơ cấu có ảnh hưởng tới toàn bộ mọi khía cạnh của cuộc sống người kitô hữu.

3.      Thường thì công việc rao giảng Tin Mừng không những chỉ gặp trở ngại ở bên ngoài những còn ở trong cộng đồng Hội Thánh. Đôi khi lòng nhiệt thành, niềm vui, lòng can đảm, và hy vọng của chúng ta trở nên yếu ớt khi chúng ta rao giảng sứ điệp của Đức Kitô cho mọi người và giúp con người thời đại gặp gỡ Đức Kitô. Đôi khi, một số người vẫn còn nghĩ rằng việc rao truyền Chân lý Tin Mừng là một việc vi phạm đến tự do. Đức Phaolô VI đã nói một cách thật rõ ràng về điều này: “Thật là… một sai lầm khi áp đặt một điều gì đó trên lương tâm của anh em chúng ta. Nhưng lại là một chuyện khác khi đề nghị Chân lý Tin Mừng và ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô cho lương tâm của họ một cách rõ ràng, đầy đủ và trong sự hoàn toàn tôn trọng quyền tự do chọn lựa của họ… chính là một cống hiến cho tự do” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, s. 80). Chúng ta phải luôn luôn có can đảm và niềm vui để đề nghị, một cách tôn trọng, cuộc gặp gỡ Đức Kitô, để biến mình thành người mang Tin Mừng của Người. Chúa Giêsu đến giữa chúng ta để chỉ cho chúng ta con đường cứu độ, và trao phó cho chúng ta sứ vụ làm cho mọi người biết con đường ấy, cho đến tận cùng trái đất. Thường thì chúng ta thấy rằng chính bạo lực, dối trá và sai lầm là những điều được người ta nhấn mạnh đến và đề ra. Thật là khẩn cấp để chiếu sáng trong thời đại chúng ta cuộc sống tốt đẹp của Tin Mừng qua việc rao giảng và làm chứng cho nó ngay cả trong chính nội bộ Hội Thánh, bởi vì theo quan điểm này, điều quan trọng là không bao giờ được quên một nguyên tắc cơ bản cho mỗi người rao giảng Tin Mừng: không thể rao giảng Đức Kitô mà không có Hội Thánh. Truyền giáo không bao giờ là một hành động của Hội Thánh. Đức Phaolô VI đã viết rằng: “Khi một nhà giảng thuyết, một giáo lý viên hay một mục tử vô danh nhất, trong các vùng đất xa xôi nhất, rao giảng Tin Mừng, tập họp cộng đồng nhỏ của mình hoặc một cử hành một bí tích, thậm chí một mình, nó vẫn là một hành động của Hội Thánh”. Đó “không phải vì sứ vụ mà người ấy tự gán cho mình, hay bởi cảm hứng riêng, nhưng trong sự hiệp nhất với sứ vụ của Hội Thánh và nhân danh Hội Thánh” (tông huấn Evangelii Nuntiandi, s. 60). Và điều ấy ban sức mạnh cho sứ vụ và làm cho tất cả các nhà truyền giáo và rao giảng Tin Mừng cảm thấy mình không bao giờ cô đơn, nhưng là một phần tử của một thân thể, được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần.

4.      Trong thời đại chúng ta, việc dịch chuyển đang lan tràn và sự dễ dàng của truyền thông qua “những phương tiện truyền thông mới” đã làm mọi người, kiến thức và kinh nghiệm hòa trộn lẫn vào nhau. Vì lý do công ăn việc làm, toàn thể gia đình di chuyển từ lục địa này sang lục địa khác. Những trao đổi chuyên môn và văn hóa, tiếp theo là du lịch và những hiện tượng tương tự tạo ra những di chuyển lớn của con người. Đôi khi ngay cả đối với những cộng đoàn giáo xứ, cũng rất khó để biết một cách chắc chắn và kỹ lưỡng những ai là những người qua lại hoặc sống ổn định trong một khu vực. Ngòi ra, trong những khu vực lớn hơn của những vùng trước kia theo truyền thống kitô giáo, đang gia tăng số người xa lạ với đức tin, hoặc thờ ơ với bình diện tôn giáo hoặc được khích lệ bởi những niềm tin khác. Hơn nữa, việc một số người đã được rửa tội nhưng lại chọn lựa những cách sống dẫn hhọ xa đức tin là điều không mấy hiếm hoi, nên cần phải biến họ thành đối tượng của một “cuộc Tân Phúc Âm Hóa”. Thểm vào tất cả những điều này là sự kiện một phần lớn nhân loại chưa được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô lan đến. Ngoài ra, chúng ta cũng đang sống một thời điểm khủng hoảng liên quan đến nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc sống, không chỉ về kinh tế, tài chính, an toàn thực phẩm, môi trường, mà cả những lĩnh vực liên quan đến ý nghĩa sâu sa hơn về đời sống và những giá trị cơ bản đang tác động trên cuộc sống. Ngay cả sự chung sống của con người cũng bị đánh dấu bởi những căng thẳng và xung đột gây ra sự bất ổn và khó khăn trong việc tìm con đường dẫn đến một nền hòa bình vững bền. Trong tình huống phức tạp này, mà ở đó chân trời của hiện tại và tương lai dường như được biểu thị bởi những đám mây đáng lo ngại, việc can đảm đem Tin Mừng của Đức Kitô vào mọi thực tại còn cấp bách hơn nữa, vì Tin Mừng ấy là một thông điệp hy vọng, hòa giải, hiệp thông, một công bố về sự gần gũi của Thiên Chúa, về lời rao giảng rằng quyền năng của tình yêu Thiên Chúa có thể thắng vượt bóng tối sự dữ và dẫn đưa chúng ta trên con đường tốt lành. Con người thời đại chúng ta cần một ánh sáng chắc chắn chiếu soi con đường của mình mà chỉ cuộc gặp gỡ Đức Kitô mới có thể cung cấp. Chúng ta hãy mang đến cho thế giới này niềm hy vọng mà đức tin mang lại, qua chứng từ và với tình yêu của chúng ta! Đặc tính truyền giáo của Hội Thánh không phải là việc cải đạo, nhưng là một chứng từ của đời sống; chứng từ này chiếu sáng đường đi và mang lại hy vọng và tình yêu. Hội Thánh – tôi nhắc lại một lần nữa – không phải là một tổ chức cứu trợ, một doanh nghiệp hay một tổ chức Phi Chính Phủ (NGO, nhưng là một cộng đoàn của những người, được sinh động hóa bởi tác động của Chúa Thánh Thần, đã sống và đang sống sự kỳ diệu của cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và muốn chia sẻ cảm nghiệm về niềm vui sâu xa, chia sẻ sứ điệp cứu độ mà Chúa đã ban cho chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần là đấng hướng dẫn Hội Thánh trên con đường này.

5.      Tôi muốn khuyến khích tất cả mọi người trở thành những người mang Tin Mừng của Đức Kitô và tôi đặc biệt biết ơn các nhà truyền giáo, các linh mục thừa sai (Fidei Donum), các tu sĩ nam nữ và giáo dân – mỗi ngày một đông hơn – là những người, đã đáp lại lời kêu gọi của Chúa, rời bỏ quê hương để phục vụ Tin Mừng trong các vùng đất và các nền văn hóa khác nhau. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh đến việc chính các Hội Thánh này đang tham gia một cách quảng đại biết bao vào việc gửi các nhà truyền giáo đến các Hội Thánh đang gặp khó khăn – [trong số đó] không hiếm những Hội Thánh có truyền thống Kitô giáo cổ xưa – và như thế mang sự tươi mát cùng nhiệt tình mà họ sống đức tin, là đức tin canh tân đời sống và mang lại niềm hy vọng. Sống theo tinh thần phổ quát này, bằng cách đáp lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ” (Mt 28, 19), là một sự phong phú cho mỗi Hội Thánh địa phương, cho mỗi cộng đoàn và việc gửi các nhà truyền giáo không bao giờ là sự mất mát nhưng là mối lợi. Tôi kêu gọi những người cảm thấy ơn gọi này quảng đại đáp lại tiếng nói của Chúa Thánh Thần, và đừng sợ trở nên quảng đại với Chúa. Tôi cũng mời gọi các Giám mục, các gia đình tu sĩ, các cộng đồng và tất cả các nhóm kitô hữu hãy nâng đỡ, với sự sáng suốt và phân định cẩn thận, lời kêu gọi truyền giáo ad gentes và giúp đỡ các Hội Thánh đang thiếu các linh mục, các tu sĩ nam nữ và giáo dân, như thế sẽ giúp củng cố cộng đồng kitô hữu này. Điều này cũng phải là sự quan tâm hiện nay giữa các Hội Thánh là phần tử của cùng một Hội Đồng Giám Mục hoặc một vùng: điều quan trọng là các Hội Thánh có nhiều ơn gọi hãy quảng đại giúp đỡ các Hội Thánh đang thiếu ơn gọi. Tôi cũng kêu gọi các nhà truyền giáo, đặc biệt là các linh mục thừa sai Fidei Donum và giáo dân, hãy sống với niềm vui phục vụ quý báu của họ trong những Hội Thánh mà họ được gửi đến, và mang niềm vui cũng như kinh nghiệm của họ trở lại cho các Hội Thánh đã gửi họ đi, bằng cách nhớ lại việc thánh Phaolô và Barnaba, sau cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất của ngài “đã kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14, 27) như thế nào. Họ có thể trở thành một con đường dẫn đến một sự “khôi phục lại” của đức tin, bằng cách mang sự tươi mát của các Hội Thánh trẻ đến cho các Hội Thánh có truyền thống kitô giáo cổ xưa và như vậy giúp các hội Thánh này tái khám phá ra lòng nhiệt thành và niềm vui được chia sẻ đức tin trong một cuộc trao đổi làm phong phú lẫn cho nhau trên cuộc hành trình đi theo Chúa. Mối bận tâm đối với các Hội Thánh, mà giám mục Rôma chia sẻ với các giám mục huynh đệ của mình, tìm thấy một sự thể hiện quan trọng trong hoạt động của các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, là những Hiệp Hội nhằm mục đích khuyến khích và đào sâu ý thức truyền giáo của mỗi kitô hữu đã được rửa tội, và của mỗi cộng đoàn, bằng cách nhắc nhở họ sự cần thiết phải đào luyện sâu sa hơn về truyền giáo cho toàn thể Dân Chúa, và bằng cách khuyến khích cộng đồng kitô hữu để họ góp phần vào việc truyền bá Tin Mừng trong thế giới. Một ý nghĩ cuối cùng về các kitô hữu ở các vùng khác nhau trên thế giới đang gặp khó khăn liên quan đến việc công khai tuyên xưng đức tin của họ và quyền được sống đức tin một cách xứng đáng. Họ là những anh em và chị em của chúng ta, những nhân chứng can đảm – còn đông hơn các vị tử đạo của những thế kỷ đầu tiên – là những người đang chịu với lòng kiên trì tông đồ nhiều hình thức bách hại đương thời khác nhau. Nhiều người thậm chí liều thân để vẫn còn trung thành với Tin Mừng của Đức Kitô. Tôi muốn đảm bảo rằng bằng lời cầu nguyện, tôi đang gần những cá nhân, những gia đình và những cộng đoàn đang chịu bạo lực và sự thiếu khoan dung, và tôi nhắc lại với họ những lời an ủi của Chúa Giêsu: “Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã khuyến khích: “chớ gì Lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh” (2Tx 3, 1). Nguyện xin cho Năm Đức Tin này làm cho mối liên hệ của chúng ta với Đức Kitô mỗi ngày một bền vững hơn, vì chỉ trong Người mới có sự chắc chắn để nhìn về tương lai và đảm bảo một tình yêu chân thật và trường cửu” (Tông thư Porta Fidei, s. 15). Đây là ước mong của tôi cho Ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo năm nay. Tôi ưu ái chúc lành cho các nhà truyền giáo và tất cả những ai đồng hành và hỗ trợ quyết tâm cơ bản này của Hội Thánh để lời loan báo của Tin Mừng được vang dội khắp nơi trên trái đất, chớ gì chúng ta, những thừa tác viên của Tin Mừng và những nhà truyền giáo, được cảm nghiệm “niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng” (Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, s. 80).

Làm tại Vatican, ngày 19 tháng 5 năm 2013, Đại Lễ Hiện Xuống
+  PHANXICÔ
                                                                              
Nhóm nghiên cứu UB. Loan Báo Tin Mừng dịch.

Các bài viết mới hơn
     “Thánh Thể là sức mạnh của tôi”: câu chuyện của sơ Alicia Torres_ Sr. Bernadette M. Reis, fsp
     ĐTC Phanxicô: Trong Thánh Thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng và cho chúng ta no thoả nhờ sự hiện diện của Người_ Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Đức Thánh Cha: Nhà giáo dục đích thực là người biết đồng hành, lắng nghe và đối thoại_Ngọc Yến - Vatican News
     Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già_Vatican News
     Vài ngộ nhận đối với lập trường của Đức Thánh Cha về chiến tranh_G. Trần Đức Anh O.P
     Lễ Phục sinh ở Myanmar, Đức Hồng y Bo: Nơi thờ phượng bị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội vẫn đứng vững_Vatican News
     Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác_Ngọc Yến - Vatican News
     Thứ Sáu Tuần Thánh - chứng tá tha thứ cho kẻ giết con mình_Ngọc Yến - Vatican News
     Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi_Vatican News
     ĐTC sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân tại nhà tù ở Civitavecchia_Nt. Hồng Thủy - Vatican News

Các bài viết cũ hơn
     TÓM TẮT VÀ HỌC HỎI SỨ ĐIỆP TRUYỀN GIÁO 2013 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
     Thánh lễ và nghi thức phó thác cho Đức Mẹ Fatima do Đức Thánh Cha cử hành
     TÁI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG THEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
     Đức Giáo Hoàng tiếp kiến chung: Giáo Hội là Công Giáo theo nghĩa nào?
     HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI, KHÓA ĐẶC BIỆT từ ngày 5 đến ngày 19 tháng 10 năm 2013
     Đức Thánh Cha triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục về mục vụ gia đình
     Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ cử hành tại Quảng Trường Thánh Phanxicô
     Cuộc Gặp Gỡ Với Những Người Nghèo Tại Phòng Cởi Áo của Thánh Phanxicô Tòa Giám Mục Assisi
     CUỘC GẶP GỠ THIẾU NHI KHUYẾT TẬT VÀ ĐAU ỐM TRONG TRUNG TÂM SERAPHICO – ASSISI
     Đức Thánh Cha cảnh giác trước cám dỗ “chạy trốn Thiên Chúa”