Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CHỦ NHẬT LỄ LÁ

Cuộc thương khó của Chúa Giê su

Cuộc khải hoàn đi vào Thành thánh Giêrusalem mang nhiều ý nghĩa. Đối với các môn đệ đó là cách thực hiện niềm hi vọng của họ đối với Chúa Giê su, đối với các thù địch Chúa Giê su, thì đó là cớ để họ kết án Ngài. Còn đối với Chúa Giêsu, thì đó là điểm đến cuối cùng của con đường hoàn toàn tùng phục thánh ý Thiên Chúa Cha. Với toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cầu nguyện xin đừng bao giờ quên rằng chính Tình yêu là nguyên do mọi sự đau khổ của Chúa Giê su và cuộc đời chúng ta là lời đáp trả tình yêu.

Sách Tiên tri Isaia 50, 4-7

Vị Tiên tri đã nhìn thấy Đấng Messia như người Tôi tớ đau khổ. Người Tôi tớ đích thật luôn tiếp nhận Lời và lời thưa Vâng của Ngài không chấp nhận phản kháng. Vì chữ Tín trung mà Ngài phải lãnh lấy những hình khổ ghê gớm nhất. Sự kiên trì của Ngài là hòan hảo và không suy suyển. Ngài đi đến cùng, cho đến chết, cho đến sự sống.

Thánh vịnh 21

Thánh vịnh nầy là lời mô tả trung thực cuộc khổ nạn. Các khổ hình kinh khủng nhất, những lời chế diễu bỉ ổi nhất, cuộc hành hạ kinh hoàng nhất, không gì có thể đánh mất lòng trung kiên của người tôi tớ đau khổ đối với Đấng hiến ban sự sống, hi vọng. Chúng ta hãy đọc Thánh vịnh nầy trong ngữ cảnh toàn bộ Kinh thánh.

Thư gửi Phi líp phê 2, 6-11

Đức Giê su Ki tô là Chúa. Trong Đức Ki tô, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta Người là Thiên Chúa, Chủ tể trần gian, Đấng Messia và Đấng Cứu độ. Ngài nhập thể là sự hiện diện của Cha trên trần gian. Người tôi tớ vô ích, Đấng Messia đau khổ, Đấng Cứu thế bị kết án..Con đường ấy, Thiên Chúa đề nghị cho Giáo Hội để cho Vương quốc của Người ngự đến.

 

Bài Tin mừng 1: Mt 21,1-11.

Chúa Giê su khải hoàn vào thành Giê ru sa lem

NGỮ CẢNH

Mát thêu cũng như hai tin mừng nhất lãm kia (Mc và Lc) đều đặt trước trình thuật Khổ nạn một sưu tập các biến cố, dụ ngôn, đối thoại và tiên tri tạo thành một đơn vị đậm chất bi kịch và đối kháng mang dáng dấp một cuộc tranh tụng trước tòa.

Đoạn thứ nhất là biến cố Chúa Giê su đi vào thành Giê ru sa lem khởi đầu cho tuần lễ cuối cùng trong cuộc đời Chúa Giê su.

TÌM HIỂU

Bết pha ghê: để đi đến Giê ru sa lem, từ Giê ri cô, người ta phải đi ngang qua Bê ta ni a và Bết pha ghê. Tên gọi Bết pha ghê có nghĩa là “nhà cây vả”, có lẽ nhằm chuẩn bị cho phép lạ cây vả bị khô héo đi sau (21,18-22).

Hai môn đệ: Chúa Giê su sẽ còn sai hai môn đệ (26,17-19) đi chuẩn bị một căn phòng ở Giê ru sa lem cho bữa tiệc Vượt qua. Nên chú ý đến tước hiệu mà Chúa Giê su tự gán cho mình trong cả ba tin mừng nhất lãm: “Chúa”.

Con lừa mẹ: chỉ có Mt mới ghi lại rõ ràng chi tiết nầy để theo sát lời sấm tiên tri Da ca ria 9,9. Trong bản Híp pri, người ta đọc: “Ngài ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ”. Đây chắc là hai từ đồng nghĩa chỉ một con lừa duy nhất. Mt đặt hai con lừa chắc là để cho thấy rằng lời Kinh Thánh được hoàn thành từng chữ, nhưng lại gây lúng túng cho người đọc: Chúa Giê su ngồi cùng một lúc trên hai con lừa!

Áo choàng của mình: giống như lúc Vua Giê su lên ngôi (2V 9,13).

Hôsanna: có nghĩa là: “Xin thương cứu giúp con” trích từ thánh vịnh 118,25. Dùng riêng, kiểu nói nầy tương đương một lời tung hô, một tiếng hò la phấn khởi. Áp dụng cho Chúa Giê su, con Vua Đa vít trong trường hợp nầy, nó mang ý nghĩa Thiên sai (Messia).

Chúc tụng: Lời tung hô nầy trích từ Tv 118,26 hát lên trong Lễ Lều, khi những người tham dự đám rước, tay vẫy cành lá. Tv nầy còn được trích dẫn trong câu 21, 42.

Náo động: trong tiếng Hi lạp nguyên bản, động từ nầy còn được dùng để chỉ đất rung động đi theo cái chết của Chúa Giê su. Trong câu 8,24, nó diễn tả cơn bão hoành hành trên biển hồ, và trong câu 28,2 diễn tả nỗi kinh hoàng tột độ của những người lính canh lúc Chúa Giê su sống lại.

Ngôn sứ Giê su: Tước hiệu không long trọng bằng tước Vua trong Luca và Gioan, cũng không bằng tước Con vua Đa vít trong trình thuật Mát thêu (21,9.15). Chỉ có Mt dùng để phản ánh ý kiến của dân chúng về Chúa Giê su (21,46).

Bài Tin mừng 2: 26,14-27,66. Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê su

NGỮ CẢNH

Xét theo truyền thống, ý nghĩa và độ dài, trình thuật khổ nạn chiếm một chỗ quan trọng trong các Tin mừng.

Cũng như hai tin mừng kia, Mát thêu bắt đầu trình thuật Khổ nạn bằng câu chuyện Giu đa phản bội (26, 14-16). Sau bữa tiệc li và và hấp hối ở vườn cây dầu (17-56), Chúa Giê su bắt đầu bị thẩm vấn, xét xử và hành hạ: trước tòa Cai pha (26,57- 27,10); và tòa Phi la tô (27,11-31). Phần cuối nói về đường thập giá và cái chết của Chúa Giê su (27,32-54) để kết thúc bằng việc chôn cất và canh gác mộ Chúa Giê su (55-66).

Đặc tính thường thấy trong sách tin mừng Mt như hài hòa, sáng sủa và trang trọng vẫn tiếp tục trong bài tường thuật vê cuộc Khổ nạn. Đặc biệt Mát thêu kể lại những biến cố không thấy có trong các tin mừng khác như: Giu đa tự tử (27,3-10), vợ Phi la tô can thiệp (27,19), một vài biến cố xảy ra chung quanh cái chết của Chúa Giê su (27,51-54), tổ chức canh mồ (27,62-66), và việc phao tin xác Ngài đã bị đánh cắp (28,11-15). Lí do có lẽ là vì sách tin mừng Mát thêu được viết cho môi trường Pa lết ti na.

Trình thuật của Mát thêu có tính cách giáo hội và mang hình thức một bài giáo lí: lối hành văn sáng sủa, rõ ràng, thích hợp với phụng vụ. Đặc biệt trong lối trình bày các sự kiện: được đức tin soi sáng, các biến cố trở nên dễ hiểu.

a. Trong phần Chúa Giê su bị bắt, trong khi Mác cô tìm cách đánh động độc giả bằng cách kể các sự kiện, thì Mát thêu lại thích dùng những lời soi sáng giải thích các sự kiện đó. Mát thêu bỏ qua một vài chi tiết sống sượng (Mc 14,44: “Tôi hôn ai..”; 14,51: “Một thanh niên chạy trốn mình trần..”), và trình bày một cách thanh thản, trang trọng hơn, rõ ràng hơn. Đặc biệt Mát thêu luôn tìm cách soi sáng mọi việc xảy ra bằng lời nói (26,50: “Này bạn, bạn đến đây làm gì, thì cứ làm đi!”. 52-54: “Hãy xỏ gươm vào vỏ..”). Trong phần nầy, Mát thêu cho thấy Chúa Giê su chọn con đường tự hạ trong sự sáng suốt và tự do hoàn toàn, vì Ngài nhận ra đó là con đường mà thánh ý Thiên Chúa đã vạch sẵn. Bởi đó, đừng đọc trình thuật nầy như một biên bản những gì đã xảy ra. Khi nhìn cuộc khổ nạn, Giáo Hội sơ khai lấy Thánh Kinh để hiểu ý nghĩa của nó, và nhận ra, có sự tương hợp giữa ý định ban đầu của Thiên Chúa được tiên báo trong Cựu Ước và các biến cố lúc đầu xem ra khó hiểu.

b. Phiên tòa Do Thái. Sau khi bị bắt, Chúa Giê su bị giao nộp cho các lãnh đạo Do Thái giáo: người ta điệu Ngài đến vị thượng tế. Tại đây mọi thủ tục tố tụng bắt đầu. Mát thêu đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc hỏi cung ban đêm: câu hỏi của vị thượng tế mang hình thức một lời yều cầu long trọng. Và thay vì trực tiếp trả lời “chính là tôi!”(như Mc 14,62), Chúa Giê su dựa vào câu nói của vị thượng tế: “Ông nói đó!” (Mt 26,64). Qua đó, Ngài cho biết không phải chính Ngài có sáng hiến công bố phẩm chức Thiên sai, và tỏ ra dè dặt đối với quan niệm thiên sai của những kẻ tố cáo Ngài.

Mát thêu còn thêm vào đoạn nói về “giá máu” Chúa Giê su (27,3-10), cho thấy đây là một vụ án bất công (lời thú nhận thái độ của Giu đa, 27,4-5). Đàng khác Mt cũng nhấn mạnh rằng ý định của Thiên Chúa được thực hiện theo lời tiên báo của Thánh Kinh (27,9-10).

c. Khác với Mác cô vắn tắt trong một vài dòng, Mát thêu trình bày rõ ràng hơn phiên tòa Rô ma. Phần độc đáo của ông nằm trong giai thoại về Baraba qua hai yếu tố mới: vợ Phi la tô bất ngờ can thiệp, theo lời mộng báo, nhìn nhận Chúa Giê su là người công chính và bênh vực Chúa Giê su (27,19) và màn rửa tay của Phi la tô từ chối trách nhiệm trong việc giết Chúa Giê su ( 27,24-25). Qua diễn biến phiên tòa, Mát thêu muốn làm nổi bật tương quan giữa Chúa Ki tô với dân Is ra ên. Trong khi người ngoại xin tha cho “người công chính”, thì dân Do thái lớn tiếng đòi giết Đấng Thiên sai. Trách nhiệm mà Phi la tô từ khước thì “toàn dân” Do thái nhận lấy trên đầu mình. Như thế, từ nay, muốn vào Vương quốc Thiên Chúa, người Is ra ên phải hối cải và gia nhập giao ước mới ký kết trong máu Chúa Giê ssu (Mt 26,28).

d. Sau khi bị kết án tử hình thập giá, Chúa Giê su bị bọn lính hành hạ, rồi dẫn lên núi Sọ, đóng đinh vào thập giá. Cái chết của Ngài là biến cố chủ chốt của lịch sử cứu độ, qua đó, Mát thêu muốn cho thấy thời đại cũ đã chấm dứt, và Hội Thánh Chúa Ki tô được khai sinh.

Bọn lính hành hạ (27,27-31). Người Do thái ở sân Thượng tế chế nhạo Chúa Giê su là tiên tri (26, 67-68), và bây giờ là lính Rô ma hành hạ Ngài trong tư cách một ông Vua: khoác cho Ngài một áo choàng, một vòng gai làm vương miện, và một cây sậy làm vương trượng, rồi quì gối nhạo báng Ngài. Cảnh tượng nhục nhã và đau thương ấy là phương tiên nghịch thường mà Thiên Chúa chọn để cho thấy rằng, Chúa Giê su đích thật là Vua dân Do thái, Vua mọi dân tộc.

Đóng đinh Chúa Giê su (27,32-54). Cũng như Mc, Mát thêu đóng khung việc Chúa Giê bị đóng đinh trong hai câu chuyện về ông Si mon và các người nữ đạo đức. Ở đây, ta gặp lại tước hiệu “Vua dân do thái” (ở trên kia). Tiếp đến là màn chế diễu của những kẻ qua đường, các lãnh đạo Do thái giáo. Sau khi Chúa Giê tắt thở, màn trong Đền thờ bị xé ra làm đôi, và viên bách quản tuyên xưng đức tin của mình. Việc màn đền thờ bị xé làm đôi chứng thực lời tiên báo Đền thờ sẽ bị phá hủy, nhường chỗ cho một đền thờ mới.

Chúa Giê su tắt thở. Theo tình hình bên ngoài, mọi sự hình như đã tiêu tan, đã chấm dứt. Nhưng thực ra, mọi sự đã xong theo nghĩa tích cực: mọi sự đã hoàn tất như đã báo trước.

Sau cùng các âm hưởng do cái chết Chúa Giê su được bố trí trong một quang cảnh vĩ đại làm nổi bật tầm quan trọng cánh chung của biến cố: thời đại cũ chấm dứt và thời đại mới khai mào.

TÌM HIỂU]

Ba mươi đồng bạc: Chỉ có Mt đưa ra chi tiết chính xác nầy (lặp lại ở 27,9) qui chiếu đến lời Tiên tri Dacaria 11,12 và nhắc lại số tiền phải bỏ ra để mua một người nô lệ (Xh 21,32).

Thời của Thầy đã gần tới: chỉ có Mt mới dùng kiểu nầy. Chúa Giê su hành động như người chủ, khi đã ra lệnh cho các môn đệ và chủ con lừa (21,2-3) và chủ căn phòng. Ở đây, Ngài đưa ra lí do là giờ của Ngài đã gần, cuộc đời của Ngài đã đến cao điểm. Chúa Giê su nói về thời giờ đó như Kinh Thánh nói về thời giờ của Thiên Chúa hoặc Gioan nói về giờ của Chúa Giê su. Đó là khoảng thời gian có liên hệ đến toàn bộ lịch sử nhân loại, bởi vì nói mang lại cho con người ý nghĩa tối hậu cho thời gian của họ. Cũng ở đây, Chúa Giê su chủ động các biến cố và muốn biến bữa tiệc nầy thành một hành vi mạc khải.

Như Lời đã chép: Mt nhấn mạnh nhiều lần rằng cuộc Khổ nạn đang bắt đầu xảy ra như đã chép (cc.31.54.56).

Kẻ nộp Người: Chỉ có Mt thuật lại câu hỏi của Giu đa và câu trả lời khẳng định của Chúa Giê su bằng một công thức mà người ta còn gặp lại ở câu 26,64. Ý Chúa Giê su muốn để cho người hỏi hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều mà anh ta mới hỏi.

Mà ăn:  Lời mời nầy cũng như lời mời “Anh em tất cả hãy uống” (27) của Chúa Giê su chỉ có trong Mt.

Cho muôn người được tha tội: chỉ riêng Mt mới có chi tiết nầy gợi lại chủ đề nền tảng của Tân Ước (x. Mc 1,4; Lc 1,77; 24,47; Cv 2,38; Ep 1,7; Hp 9,22; 10,18). Khi trao nộp mình và máu mình cho loài người, Chúa Giê su giải phóng họ khỏi tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa.

Cùng anh em:

SỨ ĐIỆP

Sau bài trình thuật Thương Khó, người ta thường muốn im lặng để để cảm xúc lắng dịu khởi đầu suy niệm về cái chết của Chúa Giê su. Thật vậy, chúng ta sẽ khám phá Chúa Giê su, Con Thiên Chúa, trong sự thật của bản tính loài người: Ngài đã chịu đau khổ, bị nhục mạ, bị lo âu khi đối diện sự chết: trên thập giá, chúng ta đã nghe tiếng Ngài thổn thức: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con ?”. Lời đó rút ra từ Thánh Vịnh 121 kết thúc bằng tiếng kêu đầy tin tưởng: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha”.

Ngang qua Chúa Giê su, chính Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta diện mạo của Ngài và bản tính chân thật của Ngài. Ngài không phải là một ai đó vô cảm, nhưng là một người đến với chúng ta trong những đau khổ và sự chết của chúng ta. Ngài chịu đau khổ với chúng ta và cho chúng ta. Cuộc Khổ nạn của Đức Ki tô, không chỉ là chuyện của Ngài, mà là chuyện của chúng ta và của tất cả mọi người trên trần gian.

Trong trình thuật nầy, chúng ta ý thức về sự độc ác, hèn nhát và sự bất công của con người. Bởi vì trong suốt cuộc đời, Ngài đã quen thân với những người ngoại và đi lại với những kẻ tội lỗi và bị loại trừ, nên Chúa Giê su đã là cái gai trước mắt lãnh đạo Do Thái, nên họ đã xúi bẩy bạo lực cuồng tín chống lại Ngài và khử trừ Ngài. Ngài đem tình yêu của Ngài đối với chúng ta đến tận cùng hiểm nguy. Nhưng con người đã không chấp nhận diện mạo ấy của Thiên Chúa.

Và đó là trình thuật sự phản bội, kết án và xử tử hình Chúa Giê su trên thánh giá. Tất cả đưa chúng ta về với chính mình, sự lựa chọn của mình, những ưu tiên của mình: trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thực sự ở về phía Thiên Chúa không, về phía của người ban lại sự sống và hi vọng cho những người hèn kém và bị loại trừ không ? Đừng quên rằng Ngài tự đồng hóa với mọi người trong họ. Khi chúng ta làm điều xấu cho ai, chúng ta tiếp tục đứng về phía những người phỉ báng Đức Ki tô. Vì thế chúng ta phải tuyệt đối lọai trừ tất cả những lời nói và thái độ có thế gây thương tổn. Chúng là sự nhục mạ Đấng đã đến để cho tất cả mọi người có sự sống dồi dào.

Nhưng nơi đâu tội lỗi đầy tràn, ân sủng càng chan chứa. Đức Ki tô làm chứng một tình yêu không điều kiện, một tình yêu tha thứ và cứu độ. Nỗi khốn cùng của chúng ta đó là không biết yêu thương. Chính trong nỗi khốn cùng ấy mà Chúa Giê su đến gặp chúng ta để lôi kéo chúng ta yêu thương bằng tình yêu mà chỉ Thiên Chúa mới có và ban cho chúng ta mà thôi.

Chúng ta sẽ cùng nhau trải qua tuần thánh nầy, Đối với tất cả mọi người ki tô hữu trên tòan thế giới, đây là lúc quan trọng nhất trong năm. Chúng ta sẽ đi theo Chúa Giê su trên đường Can vê. Cái chết, ngày thứ sáu thánh, không phải là điểm cuối cùng. Nó chỉ có nghĩa là một “sự vượt qua” từ thế giới nầy đến với Cha. Chính thế mà Chúa Giê su đã đến để mở ra cho chúng ta một con đường, cho phép toàn thể nhân lọai đi vào trong vinh quang của Cha. Chúng ta sẽ cùng nhau hát và công bố rằng: “ Anh hãy nhớ rằng Chúa Giê su Ki tô đã từ sống lại từ cõi chết. Ngài là sự cứu độ và là vinh quang vĩnh cửu của chúng ta”.

ĐÀO SÂU

1. Tại sao Giu đa lại phản bội Thầy mình?

Vì ông đã nghĩ đến việc thay đổi chương trình của Thiên Chúa bằng cách đẩy Chúa Giê su vào chân tường. Ông cho rằng nếu đẩy Chúa Giê su vào đường cùng, Ngài bắt buộc sử dụng quyền năng Thiên Chúa để thực hiện những phép lạ lớn lao, trang bị vũ khí cho các người Dê lốt khởi nghĩa và giải thoát dân khỏi ách thống trị của người La mã.

2. Đức tin các tông đồ trong suốt cuộc Khổ nạn và Chết của Chúa Giê su bị sụp đổ?

Không sụp đổ, nhưng bị suy yếu đi; tuy nhiên sau đó, đức tin của các tông đồ về thần tính của Chúa Giê su được củng cố chính là nhờ vào sự suy tư về cuộc Khổ nạn và sự Chết của Chúa Giê su, được xác nhận bởi các nguồn ở bên ngòai (Giuse Flaviô, Tacitô..). Tuy nhiên, trong các sách Tin mừng, chúng ta tìm thấy một trình thuật mô tả chi tiết và đặc biệt về cuộc Khổ Nạn và sự Chết của Chúa Giê su là thành phần cổ xưa nhất trong sách tin mừng.

3. Thánh Mát thêu viết: “mồ mả bị bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi chúa trổi dậy, các ngài ra khỏi mồ vào thành thánh, và hiện và với nhiều người” có nghĩa gì?

Có người hiểu các câu trên như sự kiện thực sự xảy ra để báo trước sự sống lại của thân xác lòai người vào ngày cánh chung. Nhưng dường như phải đọc các câu trên, theo cách biểu tượng: Thánh Mát thêu đã muốn chuyển lại giáo huấn về thời cuối cùng, vào lúc Đấng Messia đến lần thứ hai, tất cả, người sống cũng như kẻ chết, đều ra trước nhan Thiên Chúa để chịu Phán xét chung.

4. Tại sao Thánh Gioan viết về giây phút cuối cùng của Chúa Giê su cách lạ lùng rằng “gục đầu xuống và phó thác Thần khí” (Ga 19,30b)?

Để nói với chúng ta rằng, cho đến giây phút cuối cùng, Chúa Giê su hoàn toàn tự do, hoàn toàn ý thức và chấp nhận, phó mình chịu chết. Nếu Thánh Thần ngang qua thánh Gioan đã không muốn đem lại cho chúng ta cách đọc thần học đó, Ngài sẽ để cho chúng ta hiểu theo trật tự ngược lại biến cố, nghĩa là Chúa Giê su tắt thở và gục đầu xuống.

5. Về việc Xử án Chúa Giê su, đã xảy ra điều gì và ai có trách nhiệm về việc kết án và cái chết của Ngài?

Việc xử án tiến hành qua hai giai đoạn: tòa án thứ nhất vào ban đêm có tính cách tôn giáo (tòa do thái); và tòa án thứ hai, vào ban ngày, có tính cách chính trị (tòa Rôma). Các sách tin mừng gán trách nhiệm giết Chúa Giê su cho người do thái, đặc biệt là các người đứng đầu các phe phái và kì mục Đền Thờ:

- Ga 18,30-31: “Nếu ông nầy không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan. Ông Phi la tô bảo họ: ‘Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người’. Người Do thái đáp: ‘Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả”;

- 1Tx 2,14-15 “Những người nầy (Do thái) đã giết Chúa Giê su và các ngôn sứ, ..”;

- Cv 2,23 “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Chúa Giê su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi”;

- Cv 2,36 “Vậy tòan thể nhà Is ra ên phải biết chắc điều này: Chúa Giê su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người là Đức Chúa và làm Đấng Ki  ”;

- Cv 3,15 “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết; về điều nầy, chúng tôi xin làm chứng”;

- Cv 5,30 “Đức Giê su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người chỗi dậy”;

- Mt 27,25 “Tòan dân đáp lại: ‘Máu hắn cứ đổ xưống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!”.

6. Tại sao vị Thượng tế xé áo mình?

Bởi vì trong các phiên tòa tôn giáo của người Híp pri, trong trường hợp phạm thượng vị thượng tế có thể thực hiện hành vi biểu tượng xé áo mình, nhờ vào đường may đặc biệt.

7. Người Rô ma tố cáo chống lại Chúa Giê su điều gì?

Họ tố cáo Chúa Giê su là một kẻ phá họai. Và lời tố cáo được viết trên Thập giá bằng tiếng Hi lạp, La tinh và Do thái: “Người nầy tự xưng là VUA NGƯỜI DO THÁI”. Tiếng La tinh là ngôn ngữ chính thức của đế quốc Rô ma, tiếng Híp pri là ngôn ngữ chính thức của dân tộc Israel và tiếng Hi lạp là ngôn ngữ dùng cho các tài liệu luật pháp. INRI đã trở thành một lời tiên tri vô tình, loan báo cách biểu tượng việc Đức Ki tô lên ngôi Vua vũ trụ.

8. Thánh tích Thánh giá có được tìm thấy không?

Theo truyền thống, Thánh giá Chúa Giê su đã được bà Thánh Hê lê na, mẹ Hoàng đế Constantinôpla tìm được vào khoảng năm 400 ở Thánh Địa.

9. Tại sao người Do thái kết án Chúa Giê su là phạm thượng?

Vì các lí do sau đây:

- 1) Bởi vì Ngài đã loan báo việc đền thờ bị phá hủy, Mc 14,58: “Chúng tôi đã nghe ông ấy nói: ‘Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền thờ khác, không phải do tay người phàm!”;

- 2) Bởi vì Ngài tự nhận là Đấng Cứu Thế, Mc 14,61-64 “Nhưng Chúa Giê su vẫn làm thinh,  không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: ‘Ông có phải là Đấng Ki tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?’ Chúa Giê su trả lời: ‘Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu đấng Tòan năng và ngự giá mây trời mà đến’. Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: ‘Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Quí vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quí vị nghĩ sao?’ Tất cả đều kết án Ngài đáng chết”;

- 3) Bởi vì Ngài tự nhận là Con Thiên Chúa (theo nghĩa cá nhân).

10. Tiếng kêu của Chúa Giê su trên thánh giá: “Lạy Thiên Chúa sao Ngài bỏ tôi?” (Mt 27,46) diễn tả tâm trạng bị Thiên Chúa Cha ruồng bỏ?

Không phải vậy. Dù ở trên thánh giá, cô đơn vì bị mọi người sỉ nhục và chế diễu, Chúa Giê su không bao giờ cô độc, vì: “Cha và Ta là một” (Ga 10,30) và “Thầy không ở một mình.. có cha luôn ở với Thầy” (Ga 8,16.29; 16,32). Thực ra Chúa Giê su cầu nguyện với một Thánh vịnh, Tv 22. Ngài đọc lên câu đầu tiên, vì câu nầy nói lên ý nghĩa toàn bài Thánh vịnh. Thánh Lu ca đã cho thấy đúng tâm trạng đầy tin tưởng và bình thản của Chúa Giê su lúc đó: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

11. Bài tường thuật Khổ nạn Chúa Giê su trong các tin mừng nhằm mục đích gì?

Các bài trình thuật Khổ nạn trong các sách Tin mừng không nhằm mô tả chính xác và tỉ mỉ tất cả những gì đã xảy ra trong những ngày cuối cùng của Chúa Giê su. Trái lại, chúng chỉ nhằm cho thấy việc Chúa Giê su chịu nạn hòan tất các lời tiên tri trong Cựu Ứớc. Hầu hết các chi tiết đã được tiên báo trong các Thánh vịnh 21 và 68, nhất là trong chương 53 sách Isaia nói về cuộc khổ nạn của người Tôi tớ Thiên Chúa. Đó là lịch sử thánh nhằm nâng đỡ đức tin.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN V MÙA CHAY NĂM A. Nt. Maria Chinh Anh O.P
     CHẶNG ĐÀNG THÁNH GÍA 2011
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY NAM A-ĐỨC GIÊSU KITÔ – NGÀI LÀ AI?. Nt. Maria Mai Xinh
     SUY NIỆM CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ- BƯỚC CÙNG GIÊSU. Nt. Anna Teresa Thiên Hoàng – ĐMTT
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM A- NIỀM TÍN THÁC. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM A- TA LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN IV MÙA CHAY NĂM A-Học cách : ĐÁNH GIÁ NGƯỜI KHÁC
     Suy niệmThứ Năm tuần IV Mùa Chay năm A- ĐÊM GIỮA BAN NGÀY. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN IV MÙA CHAY A- Thói quen, bệnh tật và tội lỗi
     Chúa nhật IV mùa chay năm A - KHÔNG THỂ THẤY HAY KHÔNG MUỐN THẤY - Lm. HK