THỨ NĂM TUẦN THÁNH
LÝ LẼ CỦA TRÁI TIM
Lời Chúa Ga 13, 1-15
Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa
Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu
thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến
cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp
Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người
bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy
khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy
khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng:
“Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây
giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ
rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ
không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không
những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần
rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy
đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều
sạch đâu”.
Sau khi đã rửa chân cho các ông,
Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết
việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải
lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân
cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho
các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.
Suy niệm
Cách đây ít lâu, báo Tuổi Trẻ đưa tin: Trái tim của
một chàng trai đã sống trong lồng ngực của một em bé. Chàng trai đó 24 tuổi
người miền Trung, bị tai nạn giao thông đã chết não. Gia đình đã đưa anh đến bệnh
viện Việt Đức - Hà Nội, nhưng không thể phục hồi. Theo gợi ý của các bác sĩ,
gia đình đã đồng ý hiến tặng trái tim và nội tạng của chàng thanh niên. Trái
tim đó đã được cấy ghép thành công cho một bé trai 7 tuổi đang bị suy tim. Ca cấy
ghép đã thành công, các phần tạng còn lại được hiến tặng để cứu bệnh nhân bị thận,
gan, và đem ánh sáng lại cho một bệnh nhân bị bệnh mắt. Người mẹ rất đau đớn vì
mất con và còn đau đớn hơn, khi nghĩ đến việc phải mổ xẻ để lấy đi các phần
thân thể của con. Nhưng khi các ca ghép thành công, bà rất vui mừng và chia sẻ:
Con trai tôi khi còn sống nó nuôi rất nhiều
hoài bão. Tôi mong rằng, những người được cứu sống nhờ tim, gan, thận và mắt của
con tôi, sẽ tiếp tục thực hiện những hoài bão mà con tôi đã không thể thực hiện
được.
Hôm nay, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta cùng cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly
của Chúa Giêsu. Chính trong buổi chiều thánh này, Đức Giêsu đã trao tặng không
phải chỉ một phần thân thể, mà Ngài trao tặng trọn vẹn cả con người và sự sống
của Ngài cho nhân loại. Ngài cũng ước mong tất cả mọi người đón nhận sự sống và
Mình Máu Người, sẽ sống cuộc đời mới và thực hiện những ước mơ, dự tính mà Ngài
chưa thực hiện được.
Việc quyết định hiến tặng các cơ phận để cứu sống người khác không phải
là quyết định dễ dàng. Theo tự nhiên, người ta có thể dễ dàng chia sẻ tiền bạc
hoặc tài sản để phục vụ công ích, vì tài sản nằm ở ngoài con người. Còn việc hiến
tặng các cơ phận, là cho đi chính bản thân, là một phần máu thịt của mình, đòi
phải có một tình yêu lớn lao, quảng đại đối với những người mình không quen biết.
Trong bầu khí bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu đã làm một
việc hết sức bất ngờ và cũng là một sự hy sinh trao hiến hết sức lớn lao: Ngài
biến bánh và rượu trở nên máu thịt Ngài làm của ăn, của uống cho các môn đệ.
Tin Mừng Gioan suy gẫm về việc làm này của Chúa Giêsu đã kể lại một cách hết sức
cảm động: “Đức Giêsu biết đã đến giờ Người
phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về
mình, và Người yêu thương họ đến cùng.” Có lẽ trong ngôn ngữ của con người
không thể nào tìm được cách nào khác để diễn tả một tình yêu hết sức lớn lao,
quảng đại, bao dung mà Chúa Giêsu dành cho các Tông đồ trước khi chia tay các
ông. Thánh Gioan đã diễn tả cách vắn gọn, sâu sắc rằng: “Người yêu thương họ đến cùng.”
Yêu đến cùng là yêu không còn bất cứ một giới hạn nào, là yêu cách vô điều
kiện, không so đo tính toán thiệt hơn, là không còn nghĩ gì về bản thân mình nữa.
Yêu đến cùng là là yêu cách trọn vẹn, tất cả chỉ vì muốn cho người mình yêu được
vui và hạnh phúc. Tình yêu của cha mẹ ở trần gian dành cho con cái dù có lớn
lao đến mấy, cũng chỉ có thể so sánh như biển Thái Bình, tuy rộng lớn, sâu thẳm,
nhưng vẫn có bờ, có giới hạn. Còn tình yêu của Chúa Giêsu được diễn tả là yêu đến
cùng tức là yêu đến cùng cực, đến vô cực, vượt khỏi không gian thời gian và vượt
trên tất cả những cách đo đếm của con người.
Bữa tiệc Vượt Qua, là bữa tiệc mang tính tôn giáo truyền thống, kỷ niệm
biến cố Thiên Chúa đã dùng cánh tay hùng mạnh để giải thoát dân Israel ra khỏi đất
Aicập. Trong đêm đó, mỗi gia đình phải bắt một con chiên, làm thịt, lấy máu bôi
lên khung cửa. Những nhà nào có dấu máu chiên, sẽ được cứu thoát khỏi thần hủy
diệt. Hàng năm lễ kỷ niệm này vẫn được cử hành cách sống động nơi các gia đình.
Trong bầu khi linh thiêng của bữa tiệc, “Đức
Giêsu đã cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy cầm
lấy mà ăn, này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con... Đây là Máu Thầy, các con
hãy cầm lấy mà uống.” Việc làm
này gây sự ngỡ ngàng cho các Tông đồ. Chúa đã biến bánh trở nên thịt và rượu trở
nên máu Ngài, và mời gọi các Tông đồ cầm lấy mà ăn, mà uống. Khi biến bánh và
rượu nên mình máu Chúa, Đức Giêsu đã tự bẻ mình ra, để trao tặng và muốn mọi
người đón nhận để ăn và uống. Điều đó có nghĩa là Ngài chấp nhận hy sinh và chấp
nhận chịu chết, chịu hiến tế, đổ máu ngay khi đang còn sống. Biến mình trở nên
bánh và rượu, Chúa Giêsu muốn trở nên lương thực hằng ngày cho các môn đệ. Qua
đó, ngài muốn đi vào trong cơ thể, trong tâm hồn từng người, được ở lại, và biến
đổi thành dưỡng chất nuôi sống con người.
Khi yêu nhau, người ta muốn thuộc trọn về nhau. Đức Giêsu đã có một sáng
kiến táo bạo, tuyệt vời để mãi mãi thuộc trọn về các môn đệ và cũng để các ông
từ đây thuộc trọn về Chúa, Chúa thiết lập nên chức Linh Mục. Ngài truyền cho
các tông đồ: “Các con hãy làm việc này mà
nhớ đến Thầy.” Dù biết rằng, các
học trò của Ngài là những con người tầm thường, yếu đuối và đầy lỗi lầm, nhưng
vì yêu thương, Chúa Giêsu đã chẳng quan tâm về những điều đó, Ngài trao cho các
ông chức Linh Mục để các ông như “được ngang bằng với Chúa”. Từ đây Chúa Giêsu
hoàn toàn lệ thuộc vào các ông, “vâng lời” các ông. Mỗi khi các Tông đồ làm như
Chúa truyền dạy, Chúa lại tiếp tục hiện diện cách cụ thể sống động và tiếp tục trao
tặng máu thịt cho nhân loại. Chúa biết Simon sẽ ba lần chối Chúa. Chúa biết các
ông khác sẽ ngủ mê mệt khi Chúa bước vào cuộc thương khó và sẽ chạy trốn hết.
Chúa cũng biết rằng khi trao cho các ông chức Linh Mục, các ông cũng không
thánh thiện hơn. Vậy mà Chúa vẫn yêu thương, vẫn tín nhiệm và trao phó con người
mình cho các ông, để qua các cử hành của các ông, Ngài được ở lại với nhân loại
cho đến tận thế.
Chúa Giêsu còn thể hiện tình yêu đến cùng dành cho
các môn đệ, đó là chấp nhận hoán đổi vị trí của người thầy để trở nên như một
người đầy tớ, kẻ phục vụ, để dạy các ông bài học yêu thương phục vụ. Bài học
này Chúa Giêsu đã dạy các Tông đồ bằng việc làm trước khi bằng lời nói: “Ngài chỗi dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra
và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho
các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” Đang từ vị trí của một người Thầy,
người Chủ và là Thiên Chúa, Đức Giêsu rời khỏi bàn ăn, cởi bỏ áo ngoài, tức là
rời khỏi vị trí và vị thế của một Thiên Chúa, trở nên con người giới hạn; từ
người Thầy trở nên người đầy tớ, kẻ phục vụ chính các học trò của mình: “Ngài lấy nước vào chậu, quỳ gối để rửa chân
cho các môn đệ.”
Các môn đệ không tin vào mắt mình, khi chứng kiến việc làm của Chúa
Giêsu. Simon Phêrô đã phản ứng một cách quyết liệt: “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao? Đức Giêsu trả lời: Việc
Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu…Nếu Thầy không rửa chân cho
anh, anh sẽ không được dự phần với Thầy.” Chúa Giêsu không chỉ rửa chân cho
Simon kẻ sẽ chối Chúa, Chúa cũng còn rửa chân cho Giuđa kẻ phản bội. Chúa cũng
rửa chân cho các môn đệ khác, dù biết rằng, một lát nữa đây các ông vì nhát sợ
mà bỏ trốn hết, sẽ để Chúa một mình. Điều đó cho thấy việc cúi xuống để phục vụ
là không phân biệt thứ bậc, sang hèn, người tốt hay xấu.
Chúa Giêsu đã rút ra bài học cho các Tông đồ: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm…Vậy, nếu Thầy là
Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng hãy rửa chân cho
nhau. Anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em.” Bài học đến đây đã rõ
ràng, Chúa muốn các môn đệ của Ngài cũng biết học nơi Chúa để khiêm nhường cúi
xuống phục vụ, rửa chân cho anh chị em mình. Cúi xuống rửa chân, là chấp nhận
xóa mình, quên mình để chỉ còn biết phục vụ, đem niềm vui và hạnh phúc đến cho
anh chị em. “Hãy làm như Thầy đã làm cho
anh em”, tức là cũng phải biết rời khỏi bàn ăn cuộc đời, tức là rời bỏ khỏi
địa vị, khỏi sự yên ổn êm ấm của mình; cởi bỏ khỏi mình sự tự ái kiêu ngạo,
danh dự và dám thắt lưng bằng sợi dây khiêm nhường, trong tư thế của người đầy
tớ, mới có thể phục vụ anh em.
Thưa quý OBACE, cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly hôm nay, chúng ta cùng nhau suy
gẫm và cảm nhận tình yêu lớn lao Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Ngài đã thiết lập
nên Bí tích Thánh Thể để ở lại làm bạn, để nuôi dưỡng thể xác và linh hồn và để
nêu gương hy sinh tự hiến đời mình cho anh em. Chúa Giêsu biến mình trở nên lương
thực được trao tặng cho chúng ta. Vì thế, chúng ta được mời gọi đón nhận Mình
Máu Thánh Chúa vào tâm hồn mỗi ngày và để Chúa Giêsu đi vào trong tâm hồn, chi
phối từng lời ăn tiếng nói và mọi hành động của chúng ta.
Đồng thời, trong Thánh Lễ này, chúng ta tưởng nhớ việc Chúa Giêsu thiết lập
chức linh mục, để qua những con người được tuyển chọn, Chúa tiếp tục ở lại và
tiếp tục thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Cũng qua những con người được
tuyển chọn làm linh mục, Chúa hiện diện ở trong họ, để đời sống của các ngài,
phản ảnh trung thực hình ảnh của Chúa. Tuy nhiên, chức linh mục không làm thay
đổi bản chất con người nơi các linh mục. Vì thế các linh mục vẫn đầy những yếu
đuối bất toàn và nhiều khi đời sống các ngài đã không còn phản ảnh được gương mặt
của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng cảm thông và cầu nguyện cho các linh mục, để cho
dù đang sống giữa những lôi cuốn của xã hội và vật chất ngày nay, họ vẫn bám chặt
vào Chúa Giêsu và vẫn dám quảng đại để sống và phục vụ theo gương Chúa Giêsu.
Sau cùng, Chúa để lại cho tất cả chúng ta bài học yêu thương và phục vụ
qua việc cúi xuống rửa chân cho anh em. Chúa muốn chúng ta cũng dám yêu như
Chúa yêu và làm như Chúa đã làm. Yêu như Chúa là dám quên mình hiến cả cuộc đời
mình để đem lại hạnh phúc cho anh em. Làm như Chúa là dám chấp nhận không chỉ
là cúi xuống rửa chân, phục vụ mà còn dám đón nhận thập giá đi theo Chúa mỗi
ngày. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí