THỨ SÁU TUẦN THÁNH
YÊU LÀ THA THỨ TẤT CẢ
TIN TƯỞNG TẤT CẢ - CHỊU ĐỰNG TẤT CẢ
(1Cr
13, 7)
Mãi mãi ngôn ngữ loài người sẽ không bao giờ đủ từ để định nghĩa được:
Tình yêu là gì? Và, càng khó hơn nữa để diễn tả tình yêu của hai người nam nữ
dành cho nhau hoặc tình yêu của cha mẹ dành cho con cái: Tại sao anh A lại yêu
cô B đến độ chấp nhận mọi gian khó để hai người đến được với nhau? Tại sao cha
mẹ lại dám hy sinh cả một đời hao gầy chỉ vì tình yêu dành cho con cái? Mãi mãi
tình yêu vẫn là một mầu nhiệm mà mỗi người chỉ có thể cảm nhận chứ không thể diễn
tả hết bằng lời. Có nhiều người cho rằng: Yêu là muốn điều tốt cho nhau, làm điều
tốt cho nhau, là vui khi thấy người mình yêu hạnh phúc và đau khổ khi thấy người
mình yêu đau khổ. Thánh Phaolô sau nhiều năm suy niệm về tình yêu của Thiên
Chúa nơi Đức Giêsu, đã định nghĩa trong bài ca Đức ái (1 Cor 18,3): “Yêu là tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy
vọng và chịu đựng tất cả”.
Phụng vụ Lời Chúa ngày Thứ Sáu Thánh hôm nay cho chúng ta nghiệm ra tình
yêu tha thứ, tin tưởng và chịu đựng tất cả mà Đức Giêsu đã thể hiện trong cuộc
đời và đặc biệt qua cuộc thương khó của Ngài.
Trước hết, Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu tin tưởng trọn vẹn nơi Thiên
Chúa Cha. Điều này đã được tiên tri Isaia diễn tả qua hình ảnh của một người
Tôi Tớ hoàn toàn tin tưởng vâng phục Thiên Chúa: “Này đây người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật và
được suy tôn đến tột cùng”. Mặc dù được Thiên Chúa yêu thương, nhưng người
tôi tớ này vì tin tưởng và vâng phục hoàn toàn Thiên Chúa, đã chấp nhận bị người
đời thóa mạ lăng nhục: “Mặt mày tan nát
chẳng dáng vẻ của con người nữa… Bị người đời khinh khi ruồng rẫy… Người gánh
chịu những đau khổ đó vì chúng ta”. Theo cái nhìn của người đời, người tôi
tớ này giống như kẻ bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Nhưng Người chịu tất cả những đau
khổ ấy là vì Thiên Chúa đã muốn Người chịu và Người đã đón nhận để làm vui lòng
Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa đã trả lại cho Người vinh quang, danh dự và ban
cho Người muôn dân làm gia sản. Người mang lấy tội của muôn người, để cứu muôn
người khỏi tội. Hình ảnh người tôi trung trong sách Isaia đã được ứng nghiệm nơi
Đức Giêsu, Đấng đã hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa Cha và phó thác trọn cuộc đời,
hơi thở, sức sống của mình cho chương trình cứu độ mà Thiên Chúa Cha muốn Người
thực hiện.
Bài Thương Khó cho chúng ta thấy một tình yêu hy vọng và chịu đựng, được
hòa quyện với nhau nơi con người và sự đau khổ mà Chúa đã trải qua. Lúc cận kề
với cái chết là lúc con người cảm thấy đau khổ nhất, cô đơn nhất và cần có người
ở kề bên nhất. Chúa Giêsu cũng mang tâm trạng đó. Tuy nhiên, các môn đệ của Chúa
dường như đã không hiểu và không đồng cảm được với nỗi khổ tâm và sự cô đơn
này. Trong lúc Thầy trò vào vườn Cây Dầu để cầu nguyện, các môn đệ đã để Chúa một
mình đối diện với cơn hấp hối, còn họ thì lăn ra ngủ. Khi Giuđa dẫn theo một
đám đông và các người biệt phái đến vây bắt Đức Giêsu, các môn đệ cũng không phản
ứng, vì sợ. Simon Phêrô đã phản ứng cách yếu ớt khi rút gươm nhắm chém một đứa
đầy tớ vô danh tiểu tốt, còn những người khác thì bỏ trốn hết. Chúa Giêsu không
hề trách các học trò cùa mình, Ngài cảm thông, tha thứ và còn yêu cầu đám lính:
“Các anh cứ bắt tôi, nhưng để cho những
người này đi”. Ở trong dinh thượng tế, Chúa Giêsu vẫn tin tưởng các học trò
của mình, coi họ như nhân chứng, khi nói với mọi người: “Các ông cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi nói gì”.
Khi Giuđa bước đến chào và hôn mặt Chúa, mặc dù biết rằng đó là cái hôn
chỉ điểm, là nụ hôn phản bội, Chúa Giêsu không trách anh, nhưng thức tỉnh lương
tâm của anh bằng một câu hỏi: “Giuđa, anh
dùng cái hôn để nộp Con Người sao?” Chúa đón nhận cái đau đớn của sự phản bội,
Chúa cũng đón nhật tất cả sự xỉ vả, hành hạ mà đám lính gây ra cho Người. Những
tên lính vô danh, những tên đầy tớ hạng bét của các thượng tế, giờ đây cũng nhảy
vào để hành hạ, nhục mạ Chúa Giêsu trước mặt mọi người. Chúa Giêsu đã đón nhận
đau đớn cả thể xác và đau khổ trong tâm hồn với một trái tim quảng đại tha thứ.
Giống như Chúa đã thức tỉnh lương tâm cho Giuđa, giờ đây trong dinh thượng tế, Chúa
cũng tha thứ và thức tỉnh lương tâm cho các tên lính: “Nếu tôi nói sai, thì anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói
phải sao lại đánh tôi?”.
Tin Mừng cho thấy, suốt hành trình thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện một
tình yêu tha thứ cho những người làm khổ Ngài. Trong dinh thượng tế, quả là sự
bẽ bàng ê chề cho Chúa Giêsu, khi Chúa tin tưởng các môn đệ và nói với mọi người:
“các ông cứ hỏi họ…”, thì ở ngoài sân,
Simon Phêrô đã vội vã ba lần chối rằng không biết Thầy. Chúa Giêsu quay lại
nhìn Simon với một cái nhìn thương xót, tức là vừa thương cho sự hèn nhát, vừa
xót xa cho sự yếu đuối đến phản bội của ông. Simon đã đọc được tín hiệu này và ông
đã khóc.
Tại dinh Philatô, Chúa Giêsu bị cáo gian như một tên tội phạm nguy hiểm,
gian ác. Chúa Giêsu không hề lên tiếng biện minh hay phản đối, Ngài giữ sự
thinh lặng. Một sự thinh lặng khiến Philatô không thể hiểu và cảm thấy hoảng sợ.
Philatô hỏi Chúa: “Vậy ông là vua sao?” Chúa
Giêsu cho ông ta biết, Ngài là Vua của sự thật, Ngài đến để làm chứng cho sự thật:
“Tôi sinh ra và đến thế gian này là để
làm chứng cho sự thật”. Điều này càng khiến cho Philatô bối rối hơn nữa và
hỏi Chúa: “Sự thật là gì?” Chúa Giêsu
không định nghĩa cho Philatô nghe sự thật là gì, nhưng qua cái nhìn cảm thông
tha thứ, qua cách phản ứng thinh lặng trước những lời cáo gian của dân chúng, Chúa
Giêsu cho Philatô thấy ông đang đứng trước Sự Thật là chính Thiên Chúa, Đấng thánh
thiện, xót thương và tha thứ. Nơi Ngài không bao giờ có gian dối và điều xấu,
nhưng chỉ có yêu thương và tha thứ. Philatô đã phần nào hiểu ra và nói với dân
chúng: “Ta không thấy có lý do nào để kết
tội ông ấy”. Từ đó, Philatô tìm cách để tha Chúa Giêsu. Tuy nhiên, thiện
chí của Philatô đã không thành, trước những lời gào thét của đám đông dân
chúng: “Giết đi, đóng đinh nó vào thập
giá… Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Cesar.” Philatô đã chiều theo sự
gian dối và sự ác thay vì đi tiếp trên con đường sự thật mà Chúa Giêsu đã khơi
gợi lên trong tâm hồn ông. Chúa Giêsu đã cảm thông với thất bại này của Philatô
và nói với ông: “Ngài không có quyền gì
trên tôi, nếu Trời không ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì sẽ mắc tội
nặng hơn”.
Cuối cùng, khi đón nhận cây thập giá, Chúa Giêsu đã biến cây thập giá trở
thành biểu tượng của tình yêu thương và tha thứ. Thập giá là một dụng cụ hành
hình dã man nhất mà con người có thể nghĩ ra để hành hạ nhau. Tử tội khi bị
treo trên thập giá sẽ trải qua nhiều ngày đau đớn, đói khát, chết dần, chết mòn
trong kiệt sức và ngạt thở. Chúa Giêsu đã bị người Do Thái mượn tay Philatô để
hành hình bằng dụng cụ dã man này. Nhưng Thiên Chúa lại có cách của Ngài, Thiên
Chúa có thể biến điều xấu nên điều tốt, rút sự lành ra từ sự ác, Ngài đã biến
cái chết thập giá của Chúa Giêsu trở thành cơ hội đem lại ơn tha thứ cho nhân
loại.
Thưa quý OBACE, nghe và suy gẫm các bài đọc, đặc biệt bài Thương Khó hôm
nay, chúng ta nhận ra tình yêu lớn lao quảng đại của Thiên Chúa dành cho nhân
loại khi trao tặng Người Con duy nhất cho chúng ta. Người Con ấy là Chúa Giêsu
đã trở nên giống chúng ta mọi đàng, đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu: “Tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng
và chịu đựng tất cả”.
Tưởng niệm Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta nhận ra chính tội lỗi của chúng
ta đã khiến cho Chúa phải đau khổ và phải chết. Trong hành trình thập giá của Chúa
Giêsu, chúng ta cũng thấy có bóng dáng và sự hiện diện của chính mình, tham gia
vào việc gây ra đau khổ và cái chết cho Chúa. Nhưng, chúng ta tin Chúa đã tha
thứ và đã cứu chuộc chúng ta bằng cái chết của Ngài. Chúng ta không chán nản thất
vọng trước tình trạng của mình, nhưng luôn tín thác vào tình yêu bao dung của Chúa.
Xin Chúa gìn giữ, đừng để ta trở lại tình trạng tội lỗi, vào con đường
cũ, gây ra đau khổ cho Chúa. Xin cho chúng ta luôn tin vào tình yêu và sự tha
thứ của Chúa, để quyết tâm chính sửa lại đời sống và sống đẹp lòng Chúa hơn.
Xin cho chúng ta học nơi Đức Maria và môn đệ Gioan, theo sát Chúa trên hành trình
thập giá, cùng cảm thông chia sẻ với những đau khổ của Chúa Giêsu và cũng sẽ được
chia sẻ niềm vui phục sinh với Ngài. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí