Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

HÔM NAY ĐÃ ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH QUÝ VỊ VỪA NGHE


T6 T5 MC.jpg

 

Lời Chúa : Lc 4,16­-21

16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa.

20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người21 Người bắt đầu nói với họ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." 

 

Suy Niệm

Sau khi giảng dạy một vài nơi, Đức Giê-su trở về Na-da-rét, nơi sinh trưởng của người. Vì là ngày sa-bát, là ngày hưu lễ, Chúa đến hội đường. Người ta đưa cho Người cuốn Kinh Thánh. Người mở đúng đoạn của tiên tri I-sai-a báo về chính hoạt động của Người, của Đấng Cứu Thế. Đọc xong, Chúa bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe” (Lc 4,21). Ứng nghiệm Lời Chúa có nghĩa là Lời Chúa dạy như thế nào thì sự kiện sẽ xảy ra đúng như vậy. Bởi Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm trọn vẹn nơi mầu nhiệm Vượt Qua, nhưng cách thức “ứng nghiệm” thật là lạ lùng, vì không theo cách của con người, nhưng theo cách của Thiên Chúa, bởi vì nơi mầu nhiệm Vượt Qua, một cách “trọn vẹn” thì Đức Ki-tô trở nên người nghèo hèn, để cho mình bị bắt, bị giam cầm, bị áp bức, để cho mình bị nát tan vì nhục hình và cuối cùng để cho mình bị giết chết.

Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giê-su sẽ trải qua. Sau một thời gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người đồng hương mà thôi. Quả thật, như Ngài đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: "Không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình", đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giê-su không chỉ là ngôi làng Na-da-rét nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh tiên tri của Chúa Giê-su, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị tiên tri.

Quả thật, Ðức Giê-su được xức dầu thánh hiến và đầy tràn Thánh Thần. Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo: những kẻ nghèo tiền nghèo bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói, nghèo cả trong thân phận cùng đinh của họ. Đức Ki-tô cũng được sai đến với những kẻ bị giam cầm: giam cầm bởi cảnh tù đày áp bức do chính anh em đồng loại gây nên, giam cầm trong chính bản thân mình do sự tự ti mặc cảm và loay hoay mãi để tìm lối thoát mà vẫn không tìm ra. Ngài đến trong đời để giải thoát chúng ta khỏi mọi cảnh tù đày: tù đày bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam. Ngài đem đến cho người mù niềm tin, người mù hy vọng, mù ‎lý trí và ý chí được thấy ánh sáng trong tâm linh với niềm tin. Đức Ki-tô đem lại sự tự do cho người bị áp bức và cả người gây áp bức bóc lột bằng tinh thần hối cải trong đức ái. Những trang Tin Mừng đã chỉ cho ta thấy rõ sứ mạng giải thoát của Ngài, cùng với những lời rao giảng là những dấu lạ: người què đi được, người mù được thấy, kẻ tội lỗi được ơn trở lại…

Như Đức Giê-su đã nói : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Từ “hôm nay” diễn tả hành động trong hiện tại về sứ mạng giải phóng của Đức Ki-tô, không chỉ là trong quá khứ mà luôn được thể hiện trong lòng nhân loại qua muôn thế hệ. Tác động giải thoát không phải trong bạo lực như cuộc cách mạng của con người đã sử dụng mà là trong tác động của Thánh Thần. Nếu chúng ta biết để cho Ngài hành động trong niềm tin và sự phó thác, thì những lo âu, những khốn khó của chúng ta sẽ được Ngài chia sẻ gánh vác. Như thế, chúng ta đã được giải thoát ngay trong chính niềm tin của chúng ta vào Ngài.

Sau khi đã đọc xong, Đức Giê-su không giải thích bản văn nhưng công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Chính Đức Giê-su không ngần ngại hiện tại hóa sấm ngôn I-sai-a này vào con người và sứ mạng của mình: chính Ngài là Đấng mà bản văn I-sai-a tiên báo. Trong suốt sứ vụ công khai của Ngài, Đức Giê-su đầy lòng xót thương thật sự đã thực hiện nhiều việc chữa lành, trục xuất ma quỷ ... Nhưng Ngài đã không chữa lành tất cả những người bệnh hoạn tật nguyền trong thế giới, Ngài cũng không loại bỏ tất cả mọi hình thức đau khổ trong cuộc đời này, vì đau khổ, nhập vào thế gian qua tội lỗi, có một giá trị cứu chuộc thường hằng khi được liên kết với những đau khổ của Đức Ki-tô. Chính vì thế, Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ không để giải thoát dân chúng khỏi đau khổ cho bằng để chứng minh rằng Ngài đã lãnh nhận một sứ mạng từ Thiên Chúa để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. “Theo thánh Lu-ca, các câu trên là tuyên ngôn cứu thế đầu tiên của Đức Ki-tô, nó sẽ được nối tiếp bằng những việc làm và lời nói mà Tin Mừng cho chúng ta biết. Bằng những việc làm và lời nói này, Đức Ki-tô làm cho Chúa Cha hiện diện giữa loài người” (Gioan Phao-lô II, Thiên Chúa giàu lòng xót thương, tr.13-14).

          Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng con sống như thế nào giữa một xã hội đang phát triển? để Lời của Chúa luôn được ứng nghiệm mọi ngày trong đời sống của mỗi chúng con. Bởi Lời Chúa là của ăn, Lời Chúa cũng phải nuôi sống đời sống chúng con, phải trở thành như máu thịt của đời sống thiêng liêng của mỗi chúng con. Muốn được như vậy chúng con phải tìm hiểu, phải nghe và phải tự vấn lương tâm mình: Lời Chúa lâu nay đã có ảnh hưởng nào trên tâm hồn và hành động của chúng con chưa? Lời Chúa là lời ban sự sống: vậy, Lời Chúa có làm cho linh hồn chúng con sống và sống dồi dào không? Và chính chúng con phải can đảm làm cho đời sống của mỗi người chúng con phải ăn khớp với Lời Chúa. Để Lời Chúa luôn được ứng nghiệm trong đời sống thường ngày của chúng con. Ước gì chúng con cũng luôn biết tôn vinh và ca tụng Chúa, khi biết lắng nghe Lời của Ngài trong cầu nguyện. Và nhất là, từ rày về sau, chúng ta không thể sống, nếu không, có thể nói, “ăn” lời của Ngài. Bởi vì, sự sống của chúng ta không chỉ cần của ăn và các phương tiện đáp ứng nhu cầu, nhưng còn cần lời nói nữa, lời nói yêu thương, soi sáng, tha thứ, đón nhận, cảm thông, bao dung. Thiếu những lời này, chúng ta không thể sống được. Và Lời Chúa là những lời như thế và làm cho chúng ta nói được với nhau những lời như thế. Lạy Chúa, chính Chúa là Ngôi Lời của Thiên Chúa Cha, Chúa có Lời ban sự sống đời đời, xin cho Lời Chúa trở thành khuôn vàng thước ngọc cho đời chúng con.

 

Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần Thánh_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Lá Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Lá Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Mùa Chay_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Mùa Chay_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Mùa Chay_Nt. M. Anh Thư, OP